Sách Phật giáo

Quần thể lăng tẩm nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh (4)

Thứ hai, 29/11/2013 01:45

Thái lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp có tên là đồi Tán (hay Trán) Quỷ nằm trong lòng của một thung lũng mà ba mặt Đông, Tây và Bắc được bao bọc bởi các dãy núi cao tạo thành thế tay ngai vững chắc.

2.1.  Thái lăng, lăng vua Trần Anh Tông và

hoàng hậu Thuận Thánh Bảo Từ

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép,“ngày 12, tháng 12 năm Canh Thân (1320), táng Thượng Hoàng (Trần Anh Tông) vào Thái lăng ở An Sinh”25; “Mùa xuân, tháng 2 năm Nhâm Thân (1332) phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu (tức Bảo Từ Hoàng hậu) vào Thái Lăng…”26.

Vua Trần Anh Tông là vị vua thứ 4 của nhà Trần tên húy là Trần Thuyên, con trai của vua Trần Nhân Tông, ông sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tý (1276), năm mười bảy tuổi (1293) được vua cha truyền ngôi, ở ngôi 21 năm, làm Thái thượng hoàng 6 năm. Ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320) băng tại cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường, thọ 47 tuổi. Trần Anh Tông được sử sách ca ngợi là người có tính tình đôn hậu, đức độ và quyết đoán trong công việc. Nhờ “khéo nối chí giữ nghiệp, cho nên bấy giờ nước được thái bình, chính trị tốt đẹp, văn vật chế độ dần dần thịnh lên”27. Nhà Trần dưới thời trị vì của vua Trần Anh Tông đất nước thái bình thịnh trị, bờ cõi được mở rộng, các mặt kinh tế, văn hóa đều phát triển. Ông cũng là một tín đồ của Phật giáo, dưới thời của ông nhiều chùa chiền, tự viện được xây dựng. Có thể nói, sự phát triển đến độ cực thịnh của Thiền phái Trúc Lâm giai đoạn này một phần quan trọng là nhờ sự hỗ trợ của vua Trần Anh Tông và triều đình. Bản thân vua Trần Anh Tông đã cho xây dựng hoặc làm thí chủ cúng dường nhân lực và tài lực cho việc xây dựng các công trình như tháp Phổ Minh (Nam Định), chùa, tháp ở Hoa Yên, Phật viện Quỳnh Lâm28 (chùa Quỳnh Lâm), chùa, am Ngọa Vân (Quảng Ninh) vv… Ngoài ra ông còn tự mình và kêu gọi cung nhân, người hầu trích máu viết 20 cuốn kinh Đại tạng cỡ nhỏ lưu trữ tại Phật viện Quỳnh Lâm.

 Vua Trần Anh Tông trong bức thư họa “Trúc lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ”

Thái lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp có tên là đồi Tán (hay Trán) Quỷ nằm trong lòng của một thung lũng mà ba mặt Đông, Tây và Bắc được bao bọc bởi các dãy núi cao tạo thành thế tay ngai vững chắc. Suối Phủ Am Trà bắt nguồn từ Ngọa Vân đến khu vực lăng thì chảy từ phía Đông ngang qua phía trước mặt của đồi Tán Quỷ rồi hội nước ở trước mặt tạo thành minh đường tụ thủy; phía xa là dòng sông Cầm uốn lượn nhiều khúc và xa hơn nữa là những núi đá vôi sừng sững của vùng Kinh Môn giống như tấm bình phong lớn che chắn cho lăng. Tất cả các yếu tố địa hình tự nhiên này đã tạo cho lăng có một vị thế đắc địa theo quan niệm phong thủy với các yếu tố: tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường tụ thủy, hậu chẩm có núi cao.

Bia Trần triều bi ký đặt tại đền An Sinh khắc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) là tấm bia khắc lại nội dung văn bia được dựng năm Chính Hòa thứ 10 (1689) đời vua Lê Hy Tông cho biết: “(Trần) Anh Tông Hoàng đế, mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân, táng tại lăng xứ Đồng Thái”. Ngoài ra, nội dung bia còn cho biết, dưới thời Lê Trung hưng, triều đình nhà Lê cấp cho Thái lăng tổng cộng 90 mẫu 2 sào ruộng/đất (trong đó 65 mẫu cấp cho vua Trần Anh Tông và 30 mẫu 2 sào cấp cho hoàng hậu). Số ruộng đất này ngoài phần đất xây dựng các công trình của lăng, phần còn lại được giao cho xã An Sinh quản lý, sử dụng để trồng cấy các loại cây gỗ, hoa màu phục vụ cho việc bảo vệ, thờ phụng lăng tẩm.

Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua Minh Mạng cho dựng bia ghi nhớ vị trí lăng tẩm của các vua nhà Trần tại An Sinh, trong đó Thái lăng, bia hiện vẫn còn tại di tích. Nội dung bia ghi: “明 命 弍

拾 弌 年 玖 月 初 陸 日 奉 陳 英 宗 皇 帝 陵 勅 造” (Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần Anh Tông hoàng đế lăng sắc tạo). Nghĩa là: Ngày mồng 6 tháng chín năm Minh Mạng thứ 21 (1840) tạo (bia) tại lăng hoàng đế Trần Anh Tông theo sắc chỉ.

Sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết: “Lăng Đồng Thái: lăng Trần Anh Tông, phụ táng Bảo Từ Hoàng hậu, ở trên đỉnh núi nhỏ xã Yên Sinh, nay vẫn còn rồng đá và bậc đá”29.

Theo sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ thì lăng Đồng Thái ở xã Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Sách có vẽ lại hình dáng và ghi nội dung của bia đá được dựng năm Minh Mạng thứ 21 (1840); mặt bằng tổng thể khu lăng và mô tả một số mặt bằng kiến trúc.

Như vậy, Thái lăng hay lăng Đồng Thái những tên gọi khác nhau của lăng vua Trần Anh Tông vợ ông hoàng hậu Bảo Từ. Lăng được xây dựng vào năm 1320. Tháng 12 năm 1320, vua Trần Anh Tông sau khi mất tại phủ Thiên Trường được rước về để an táng tại đây. Năm 1332, sau khi băng hà, hoàng hậu Bảo Từ cũng được phụ táng vào Thái lăng.

Vì lăng có tên là Thái (Thái lăng) nên vùng đất xung quanh lăng (thường là đã được cấp cho lăng) được gọi là khu đồng Thái (lăng), rồi về sau Đồng Thái lại trở thành một danh từ, danh từ này được sử dụng như là tên của lăng vì thế một số văn bản gọi tên lăng là Đồng Thái.

Địa hình và cảnh quan thiên nhiên của Thái lăng ngày nay đã khác xưa rất nhiều do việc xây dựng đập Trại Lốc vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Đập Trại Lốc chặn suối Phủ Am Trà, khiến cả vùng thung lũng bao quanh đồi Tán Quỷ biến thành hồ nước, đồng thời đã biến đồi Tán Quỷ trở thành một đảo nhỏ nằm giữa hồ Trại Lốc, cũng chính vì thế mà ngay nay nhân dân trong vùng gọi đảo này là Đảo Vua.

Trải qua thời gian, Thái lăng đã bị phá hủy, các dấu vết còn lại chỉ những phế tích dưới lòng đất và một số ít nổi trên mặt đất. Theo tả của Đại Nam nhất thống chí thì đến thế kỷ 19 Thái lăng đã bị phá hủy và chỉ còn lại “rồng đá, kỳ lân đá và bậc đá”.

 
 Dấu vết  kiến trúc khu tẩm điện trung tâm của Thái lăng. Ảnh: Nguyễn Văn Anh

Trong các năm 2007, 2008 các nhà khảo cổ học đã khai quật khu vực trung tâm của Thái lăng, kết quả khai quật đã xác định được cấu trúc mặt bằng của Thái lăng. Theo đó Thái lăng được xây dựng trên ngọn đồi Tán Quỷ và khu vực xung quanh, trong đó trung tâm của lăng nằm trên đỉnh đồi với cấu trúc gồm ba cấp nền hình gần vuông chồng xếp lên nhau theo kiểu “kim tự tháp”. Cấp nền một là cấp nền dưới cùng có diện tích lớn nhất, mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 3.267m2  (rộng Đông - Tây 54m, dài Bắc - Nam 60m); cấp nền thứ hai có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 718,5m2  (rộng Đông -Tây 25,3m, dài Bắc - Nam 28,4m) nằm chồng xếp lên cấp nền một ở phần chính giữa và cấp nền thứ ba là cấp nền cao nhất, có mặt bằng hình chữ nhật diện tích 94,75m2 (dài Đông - Tây 11,2m, rộng Bắc - Nam 8,46m), trên các cấp nền có xây dựng nhiều công trình kiến trúc khác nhau. Tổng cộng có 24 công trình kiến trúc khác nhau đã được tìm thấy bao gồm: dấu vết đường đi, dấu vết Tẩm điện, cổng, sân vườn, và tường bao. Đặc biệt, tại đây còn tìm thấy dấu vết của một tòa tháp, một loại hình kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo.

Các công trình được tìm thấy thuộc về ba giai đoạn xây dựng, trùng tu, sửa chữa khác nhau, trong đó đợt xây dựng đầu tiên diễn ra vào năm 1320, đợt thứ hai được sửa chữa, cải tạo vào nửa cuối thế kỷ 13 và đợt cuối cùng diễn ra vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ 14. Các kiến trúc trong khu vực trung tâm của lăng bao gồm đường Thần Đạo, sân Hành lễ, khu kiến trúc trung tâm và các kiến trúc bao quanh khu kiến trúc trung tâm. Cấu trúc tổng thể này không thay đổi trong suốt quá trình tồn tại của Thái lăng. Các thay đổi chủ yếu diễn ra trong khu vực bao quanh khu kiến trúc trung tâm. Cấu trúc của từng giai đoạn cụ thể như sau:

Giai đoạn thứ nhất
 Bản vẽ phác dựng kiến trúc Thái lăng giai đoạn thứ nhất
Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn xây dựng đầu tiên, giai đoạn này Thái lăng có kết cấu gồm: đường Thần đạo, sân Hành lễ và khu Tẩm điện.

Đường Thần đạo ở phía Nam, được kè xếp bằng cuội rộng 3,50m nằm trên trục Thần đạo của khu lăng, dẫn từ chân đồi qua sân Hành lễ.

Sân Hành lễ nằm ở phía Nam của cấp nền một, có mặt bằng hình chữ nhật, dài Đông - Tây 54m, rộng Bắc - Nam 16m. Sân Hành lễ được kết nối với khu trung tâm của Tẩm điện bằng 3 bậc cấp có thành bậc trang trí rồng, trong đó bậc cấp ở giữa là đường chính, rộng 1,45m gồm 5 bậc, hai bậc ở hai bên nhỏ hơn, mỗi bậc cấp gồm 3 bậc, rộng 1,20m.

Khu Tẩm điện nằm ở phía Bắc của sân Hành lễ, kết nối với sân Hành lễ bằng hệ thống tường bao và các cổng ra vào. Khu Tẩm điện gồm khu trung tâm và khu ngoại vi.

Khu trung tâm Tẩm điện là khu vực thuộc cấp nền hai và cấp nền ba, bao gồm các kiến trúc Chính Tẩm nằm ở cấp nền ba và các kiến trúc bao quanh Chính Tẩm được xây dựng ở cấp nền thứ hai. Chính Tẩm là kiến trúc trung tâm của trung tâm, đó là nơi đặt thần vị (bài vị) của vua Trần Anh Tông và hoàng hậu. Bao quanh bốn mặt của Chính Tẩm là một khoảng sân, sân này ngoài chức năng tạo ra sự phân lớp giữa Chính Tẩm với các công trình xung quanh thì sân còn là đường chạy đàn khi thực hiện các nghi lễ bái yết lăng tẩm.

Ở cấp nền hai có cổng ở phía Nam, hành lang ở phía Đông và hành lang phía Tây kết nối với Đại Điện ở phía sau tạo thành vòng khép kín bao quanh Chính Tẩm.

Khu ngoại vi gồm các công trình kiến trúc ở cấp nền một bao quanh khu kiến trúc trung tâm với các kiến trúc ở ba phía: phía Đông, Tây và Bắc có ba kiến trúc kết nối liên hoàn với nhau. Như vậy các kiến trúc ở cấp nền thứ ba trên thực tế cũng tạo thành một vòng khép kín bao quanh lấy khu kiến trúc trung tâm, tạo thành hai lớp kiến trúc bao bọc lấy Chính Tẩm và ngoài cùng là hệ thống tường bao quanh.

 Bản vẽ dấu vết kiến trúc ở Thái lăng qua nghiên cứu khảo cổ học

Giai đoạn thứ hai

 Bản vẽ phác dựng kiến trúc Thái lăng giai đoạn thứ hai

Giai đoạn thứ hai cấu trúc tổng thể của Thái lăng không có gì thay đổi, có nghĩa là nó vẫn gồm đường Thần đạo, sân Hành lễ và khu Tẩm điện. Các thay đổi chỉ diễn ra ở khu vực ngoại vi của khu Tẩm điện. Trong đó các kiến trúc được xây dựng ở phía Đông, phía Tây của cấp nền ba vốn trước đó là những công trình kiến trúc lớn, nay được thay thế bằng hai kiến trúc kiểu kiến trúc Tả Vu và Hữu Vu. Các kiến trúc này được đẩy liền sát với tường bao phân cách khu Tẩm điện với sân Hành lễ. Công trình kiến trúc ở phía Bắc nay được thay thế bằng một tòa tháp.

Các dấu vết còn lại cho thấy tháp được lắp ghép bằng các khối đất đúc sẵn có phủ men. Tháp gồm phần đế, bệ, các tầng thân và mái. Đế tháp gồm nhiều cấp có mặt bằng hình vuông, kích thước khoảng 1,45x1,45m; cao 0,51m. Cấp dưới cùng trang trí hoa văn sóng nước, các cấp tiếp theo trang trí hoa dây. Bệ tháp mô phỏng giống như một đài sen đỡ toàn bộ thân tháp. Thân tháp cao hai tầng, tầng thứ nhất có kết cấu giống như một khám thờ, mặt trước mở một cửa ở chính giữa, các mặt còn lại để cửa giả. Toàn bộ thân tháp được trang trí các mô típ hoa văn tinh xảo với các đồ án: hình rồng, hình hoa sen, dây lá, vv... Mái tháp lợp bằng ngói ống phủ men xanh lục, đầu ngói trang trí rồng thân gắn lá đề cân trang trí hình rồng; các  bờ  mái  gắn  lá đề lệch trang trí hình rồng hết sức sinh động và tinh tế. Hoa văn trang trí trên tháp vừa thể hiện tính vương quyền lại vừa thể hiện các tư tưởng Phật giáo với những mô típ hoa văn mang tính biểu trưng của Phật giáo như hoa sen, lá đề, vv…

 Tượng linh thứ trang trí trên tháp ở Thái lăng. nh: Nguyễn Văn Anh

Việc xuất hiện một tòa tháp trong cấu trúc tổng thể kiến trúc của Thái lăng giai đoạn hai là điểm đặc biệt đáng lưu ý. Chúng ta biết, tháp là một loại hình kiến trúc Phật giáo nhưng lại được xây dựng trong một số khu lăng tẩm của các vua Trần. Ngoài Thái lăng, ở Đức lăng - lăng vua Trần Nhân Tông cũng có một tòa bảo tháp lớn. Khảo cổ học cũng đã tìm thấy nhiều kết cấu tháp, gạch xây tháp tại khu lăng tẩm nhà Trần ở Tam Đường; trong các lăng tẩm nhà Trần ở An Sinh, cấu kiện tháp còn được tìm thấy ở An lăng (Ngải Sơn lăng) của vua Trần Hiến Tông.

Tháp  là  một loại hình kiến trúc Phật giáo, tháp có  hai  chức  năng chính, chức năng thứ nhất là nơi thờ Phật giống như chức năng của chùa, (như trường hợp Phụng Phật tháp ở Ngọa Vân), chức năng thứ hai là nơi chứa xá lỵ hoặc ngọc cốt của các nhà tu hành Phật giáo. Việc xây dựng tháp trong khu lăng tẩm là một nét đặc trưng riêng biệt của một số lăng tẩm nhà Trần, điều này có lẽ là vì, phần lớn các vua Trần đều là người mộ đạo Phật, bản thân vua Trần Anh Tông cũng là một tín đồ của Phật giáo. Tuy nhiên điều đáng nói là, tại sao tòa tháp không được xây dựng ngay từ khi Thái lăng mới được xây dựng mà nó chỉ khi khu lăng này được cấu trúc lại thì tháp mới được xây dựng? Phải chăng sự xuất hiện của tháp có liên quan đến việc phụ táng hoàng hậu Bảo Từ?

Hoàng hậu Bảo T tức Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu (?-1330) là con i trưởng của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, bà là cháu i nội của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngày 3 tháng 2 m Nhâm Thìn (1292), hoàng tThuyên được lập m Đông cung Hoàng thái t(sau y là vua Trần Anh Tông), cùng ngày bà kết n cùng Đông cung Hoàng thái tử, được sách phong là Hoàng thái t phi. m 1293, Hoàng thái tThuyên lên ngôi hoàng đế, xưng là Anh Tông, bà được phong là Thánh Bà phu nhân. a xuân m 1309, bà được phong m Thuận Thánh hoàng hậu. m 1314, sau khi n ngôi hoàng đế, vua Trần Minh Tông đã tôn bà m Thuận Thánh Bảo T Thái thượng hoàng hậu. Thuận Thánh Bảo T Hoàng thái hậu được s sách ca ngợi là người nhân từ, hết lòng thương u mọi người không k đẳng cấp, thân sơ.

Tháng 12 năm 1320, vua Trần Anh Tông được táng vào Thái Lăng, từ đó Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu cũng rời cung Trùng Quang (phủ Thiên Trường - Nam Định) chuyển về An Sinh, lập am Mộc Cảo gần Thái lăng để vừa tu hành vừa trông nom lăng tẩm của vua Trần Anh Tông. Bà ở đây suốt 10 năm, sống cuộc sống giản dị của người tu hành khổ hạnh và trông nom, săn sóc lăng tẩm của vua Trần Anh Tông. Tháng 7 năm Canh Ngọ (1330), bà băng tại am Mộc Cảo và được táng vào Thái lăng cùng vua Trần Anh Tông. Mộc Cảo am nơi Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu tu hành nằm trên đường từ hồ Trại Lốc đi lên chùa Ngọa Vân, cách Thái lăng khoảng 2km.

Mặc dù Thuận Thánh Bảo T Hoàng thái hậu không xuất gia nhưng bà đã rời blầu son, c tía, lập am, sống cuộc sống của người tu hành. Và có l vì vậy, khi Thuận Thánh Bảo T Hoàng thái hậu được táng o Thái lăng nhà Trần đã cho y dựng tòa tháp tại đây và cấu trúc lại khu Tẩm điện. Việc xây dựng a tháp Thái lăng dường như nó phản ánh mong muốn của giới tu hành và dòng tộc nhà Trần nhằm thhiện và u cao tinh thần mđạo của vua Trần Anh Tông và Thuận Thánh Bảo T Hoàng thái hậu đối với Phật giáo.

Giai đoạn thứ ba
  Bản vẽ phác dựng kiến trúc Thái lăng giai đoạn thứ ba

Vào khoảng cuối thế kỷ 14, Thái lăng được điều chỉnh lại một lần nữa, mặc dù trong quốc sử không ghi chép nhưng các dấu vết khảo cổ học còn lại đã cho thấy Thái lăng đã được cấu trúc lại. Lần điều chỉnh này cấu trúc toàn bộ khu lăng vẫn được giữ nguyên tức là vẫn bao gồm: đường Thần đạo, sân Hành lễ và khu Tẩm điện. Các thay đổi chủ yếu diễn ra ở phần ngoại vi của khu Tẩm điện; Tòa Tả Vu và Hữu Vu bị rỡ bỏ; ở phía tòa Hữu Vu cũ cho xây một tòa nhà mới ở vị trí cân xứng với khu trung tâm của Tẩm điện; Ở phía Bắc tòa tháp bị phá hủy và thay vào đó là một kiến trúc nhỏ hơn, kết nối với tòa Đại Điện tạo thành một kiến trúc kiểu chữ Đinh (丁). Cấu trúc này của Thái lăng được duy trì mãi về sau.

Chưa biết chính xác các kiến trúc của Thái lăng bị phá hủy hoàn toàn từ khi nào, khảo cổ học cũng không tìm thấy dấu vết xây mới các công trình dưới thời Lê, Nguyễn sau y. Nhưng theo ghi chép của các văn bia thì lăng luôn được chính quyền trung ương của các đời sau chăm lo, thờ phụng bằng việc cấp đất cho lăng, giao cho chính quyền địa phương trông coi, thờ phụng, hàng năm có quan lại của triều đình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công việc đó.

 Lá đề lệch trang trí hình rồng gắn trên mái tháp ở Thái lăng. nh: Nguyễn Văn Anh 
 Họa đồ giới hạn Thái lăng và Mục lăng trong sách “Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ”
 Đập Trại Lốc xây dựng lên trên Mục lăng

Còn nữa...
Nguyễn Văn Anh
-

25. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr.593.
26. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr.617.
27.  Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr.536.
28. Phật viện Quỳnh Lâm nay là chùa Quỳnh Lâm, xã Tràng An, huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Chùa Quỳnh Lâm do Thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138). Năm 1317 Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho mở rộng chùa thành nơi đào tạo tăng tài của Thiền phái Trúc Lâm và gọi là Quỳnh Lâm viện. Trên thực tế Quỳnh Lâm là một tự viện, tức là vừa là chùa vừa là nơi đào tạo tăng sinh. Quỳnh Lâm còn nổi tiếng với tượng Đức Phật Di Lặc kích thước lớn được xếp vào “An Nam tứ khí”.
29. Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tr.490

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



loading...