Sách Phật giáo
Qui Sơn Cảnh Sách
Thứ bảy, 19/09/2019 11:19
Qui Sơn Cảnh Sách là bộ luận mà trong thiền môn nói riêng, giới xuất gia nói chung, coi như kinh của Phật. Thế nên ai xuất gia vào chùa, trong thời gian đầu học làm Sa Di, đều phải học thuộc lòng ba quyển gọi là Phật Tổ Tam Kinh; Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Qui Sơn Cảnh Sách.
“Qui Sơn” là ngọn núi Qui, nơi Thiền Sư Linh Hựu giáo hóa bốn chúng. “Cảnh Sách”: Cảnh là đánh thức những người đang mê chưa ngộ. Người tu tuy đã phát tâm xuất gia học đạo, song còn mê say trong dục lạc, thường quên lãng việc tu hành. Nên Ngài dùng phương tiện đánh thức cho mỗi hành giả nhớ lại bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia để nổ lực tiến tu, đó là cảnh. Sách nghĩa là roi da. Thường người cỡi ngựa muốn cho ngựa chạy nhanh, dùng roi da tróc tróc cho nó chạy. Cũng vậy, muốn sách tấn thúc đẩy người ta cũng phải dùng lời để răn nhắc cho tiến. Tông chỉ của bộ luận này, chủ yếu của Tổ là đánh thức người tu chúng ta nỗ lực tiến tới chỗ cứu cánh của người xuất gia.
Qui Sơn Cảnh Sách là bộ luận mà trong thiền môn nói riêng, giới xuất gia nói chung, coi như kinh của Phật. Thế nên ai xuất gia vào chùa, trong thời gian đầu học làm Sa Di, đều phải học thuộc lòng ba quyển gọi là Phật Tổ Tam Kinh; Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Qui Sơn Cảnh Sách. Hai quyển đầu là lời Phật dạy được gọi là kinh thì đúng. Quyển Cảnh Sách của Ngài Qui Sơn đáng lý phải gọi là luận, tại sao lại gọi là kinh?
Các vị thuở xưa thấy lời chỉ dạy sách tấn của Ngài rất thiết yếu, vừa thích hợp với chân lý, vừa phù hợp với căn cơ mọi người, nên các vị xem như lời Phật dạy, vì vậy mà gọi là kinh. Quyển Qui Sơn Cảnh Sách đối với tất cả những người xuất gia còn trẻ, trong thời tập sự đã phải học thuộc lòng.
Đây là tác phẩm của Tổ Qui Sơn thuộc đời thứ tư sau Lục Tổ: 1. Nam Nhạc Hoài Nhượng 2. Mã Tổ Đạo Nhất 3. Bá Trượng Hoài Hải 4. Qui Sơn Linh Hựu. Ngài sinh năm 771 tịch năm 853. Quyển sách này ra đời vào khoảng cuối thế kỷ VIII. Ngài giáo hóa trên núi Qui, nơi đây có hơn 1500 thiền sinh qui tụ tu tập, nên Ngài có lời cảnh sách để răn nhắc chung toàn chúng.
Lời Ngài chẳng những có giá trị về đạo lý, mà còn có giá trị về văn chương, nên được trong thiền môn dùng để sách tấn toàn thể Tăng Ni. Bởi có giá trị như thế nên sau này có nhiều nhà giải thích: 1. Đời Tống, Ngài Thủ Toại chú đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Chú” (1 quyển) 2. Đời Minh, Ngài Đạo Bá giải đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Chỉ Nam” Quyển này nằm trong bộ Phật Tổ Tam Kinh (1 quyển) 3. Đời Minh, Ngài Hoàng Tán chú, Ngài Khai Quýnh ký, đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký” (2 quyển). Tập sách này được các chùa đặc biệt dùng, vì cho lời giải của hai vị này đầy đủ nhất. 4. Đời Minh, Ngài Đại Hương chú giải đề tựa là “Cảnh Sách Chú” (1 quyển).
Dịch từ Hán sang Việt , có các vị: 1. Hòa Thượng Hành Trụ dịch từ quyển “Qui Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký” của Ngài Hoàng Tán và Khai Quýnh. 2. Pháp sư Kiểu dịch bản “Qui Sơn Cảnh Sách Chỉ Nam” của Ngài Đạo Bá. 3. Hòa Thượng Trí Quang dịch đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Văn” in trong tập luật Sa di và Sa di ni. 4. Thầy Hoàn Quan dịch trong Phật Tổ Tam Kinh. Chánh văn “Qui Sơn Cảnh Sách” vừa cô đọng vừa có âm điệu, nên ở đây tôi giảng chánh văn để quí vị thấy giá trị văn chương và ý nghĩa cô đọng trong lời Ngài dạy.