Kiến thức
Suy ngẫm về câu nói 'sống chết có số'
Thứ hai, 12/09/2021 08:27
Chúng ta vẫn thường hay nghe mọi người nói rằng "Sống chết có số". Vậy thì sự sống chết của một con người phải là có số thật hay không?
Suy nghĩ về số mệnh trong Phật giáo
Để hiểu được điều này chúng ta cùng đi vào bài luận sau đây:
Khi tất cả chúng ta sinh ra và có mặt trên cuộc đời này, đều bị ảnh hưởng, dẫn dắt, chi phối bởi nhân quả thiện ác của chúng sinh ấy đã từng làm trong quá khứ (tức trong nhiều tiền kiếp về trước).
Nhân quả sẽ quy định chúng ta:
Sinh ra là con của ai?
Giàu có hay nghèo khó?
Tình duyên lận đận hay thuận lợi?
Có con hay vô sinh, sự nghiệp của các con như thế nào?
Có đi tu được hay không?
Tu có đắc đạo hay không?
Có nổi tiếng hay là người tầm thường?
Và điểm đáng chú ý đó chính là sẽ chết năm bao nhiêu tuổi?
Có gặp hoạn nạn gì hay không?
Những sự quy định này hết sức là cố định, rất khó thay đổi, nói là rất khó nhưng vẫn có khả năng thay đổi, chứ không phải là hoàn toàn cố định bất biến.
Chính vì chúng rất khó thay đổi, nên nhiều người mới nói là có số phận.
Chính vì chúng vẫn có khả năng thay đổi (dù rất khó), nên mới có việc tu hành chuyển nghiệp (tức là chuyển đổi số phận).
Ví dụ: Nhân quả trong những kiếp quá khứ quy định kiếp hiện tại của một người nào đó sống tới năm 60 tuổi sẽ chết. Thế nhưng, trong kiếp hiện tại người này đã không biết tu dưỡng, ăn chơi sa đọa như dâm dục quá nhiều, hay thức đêm để đi quán bar uống rượu nhảy, rồi hút thuốc lá quá nhiều, thậm chí còn tụ tập đua xe không đội mũ bảo hiểm, lại còn hay giết gà vườn để ăn nhậu mỗi tuần,....
Chính vì ăn chơi, và tạo nghiệp như vậy, nên đã làm cho cái phúc sống thọ của người này bị giảm, đến năm 30 tuổi bị té xe chết (do uống rượu bia say, không đội mũ bảo hiểm, còn chạy xe quá tốc độ).
Thêm một ví dụ khác: Cũng có một người khác, người này sinh ra nhân quả trong tiền kiếp quy định tuổi thọ sẽ sống đến năm 40 tuổi thì chết.
Nhưng người này có duyên gặp Phật Pháp sớm, ngay từ lúc 6, 7 tuổi đã biết tu hành. Từ đó người này sống cả đời thường ăn chay, phóng sinh, đi làm từ thiện, kiêng cữ việc sát sinh, và những việc xấu ác, ăn uống biết giữ gìn, siêng năng tập thể dục....
Chính vì lối sống có ý nghĩa như vậy, nên tuổi thọ người này đã tăng lên thêm được tới năm 65 tuổi mới mất.
Điều này cũng giống như khi chúng ta mua một cái kính râm để đeo. Tuổi thọ của cái kính râm giả sử là 3 năm mới cũ (mới thay cái khác). Nhưng nếu người dùng là trẻ em, chúng hay vứt lung tung, làm cho kính dễ bị trầy bị vỡ, thế là tuổi thọ chỉ có được 1 tháng, là phải thay mới. Ngược lại cũng với cái kính râm, mà là một người lớn có tính cẩn thận dùng, luôn có hộp đựng, dùng xong thì cất vào túi vải, sau đó bỏ vào hộp, tránh sự va chạm, làm trầy, lúc mờ thì dùng vải mềm lau chùi...
Chính vì việc dùng hết sức cẩn thận và kĩ lưỡng như vậy, nên người này sử dụng tới ba năm mới cũ, thậm chí là kéo dài 4, 5 năm sau mới cũ.
Làm chủ bản thân để vượt qua sống chết
Do đó rõ ràng, với một người sống biết tu dưỡng tuổi thọ sẽ khác một người sống buông lung, phóng túng không biết giữ gìn, gieo nhiều nghiệp xấu ác.
Tuy nhiên, với một người tu hành chân chính hiểu đạo thì chúng ta cũng không quá bận tâm đến vấn đề sống thọ hay chết sớm, mà điều quan trọng nhất là chúng ta hiện đang sống như thế nào, đang sống mà gieo tạo ác nghiệp nhiều hay đang sống mà gieo tạo thiện nghiệp. Kiếp sống của chúng ta vẫn chỉ là cõi tạm, dù có sống 100 năm đi nữa thì sau đó cũng phải mất thôi.
Vì thế điều giá trị nhất không nằm ở sống lâu hay sống ngắn, mà là khi sống người ấy có tạo ra được nhiều thiện nghiệp hay ít thiện nghiệp, sống có ý nghĩa hay không có ý nghĩa mà thôi.
Kết thúc bài viết, tôi xin gửi tặng quý vị một bài kệ trong Kinh Pháp Cú:
"Ai sống một trăm năm
Ác giới không thiền định
Không bằng sống một ngày
Trì giới tu thiền định".