Hỏi - Đáp

Tại sao thiếu phước sẽ nghĩ bậy?

Thứ bảy, 24/10/2022 09:30

Ta đừng tưởng tâm của ta là của ta. Ta đừng tưởng những ý nghĩ trong đầu của ta là của riêng mình, tự mình tạo ra không ai biết, Không phải vậy. Ý nghĩ trong đầu mình do nhân quả mà thành, chứ không phải ý nghĩ chỉ là chuyện riêng tư.

Audio

Ý nghĩ trong đầu mình vẫn do nhân quả, có những khi ta nghĩ nên những điều tốt đẹp. Có những lúc ta nghĩ những chuyện xấu xa. Ta nghĩ những chuyện xấu xa mà ta cũng giật mình, rồi tự hỏi: "tại sao mình có thể nghĩ xấu như vậy?”, xin thưa vì nhân quả.

Nhân quả gì? Ta đã phạm một lỗi gì đó trong ngày, hôm qua, hôm kia, một tuần trước, tháng trước. Ta có lỡ xúc phạm đến một bậc đáng kính nào đó, bắt đầu tâm ta thay đổi liền. Ta chỉ vô tình xúc phạm một người đáng kính, nhưng sau đó cấu trúc tâm ta nó thay đổi. Tự nhiên ý nghĩ bất thiện nó khởi lên, ta không hề muốn. Mà nó khởi lên một cách tự nhiên, như thể thành một bản chất của mình. Giống như mình là một người đã từng xấu xa, nhưng mà nào giờ mình không phải là người xấu xa. Nhưng mà tại sao những ý nghĩ bậy nó khởi lên?

Thiếu phước rất khổ sở

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chỉ vì mình xơ xảy, đôi khi vô tình mình tạo một cái nghiệp bất thiện mới vài ngày trước mà thôi. Cho nên là ý nghĩ của ta, sự thật không phải của ta mà do nhân quả. Còn một người luôn có trong lòng những ý nghĩ tốt, nghĩ điều thiện, nghĩ tới việc từ bi, nghĩ về đạo đức khiêm nhu, nhẫn nhục …vv thì người này cũng do phước. Nghĩa là trong từng ngày của đời sống đều giữ gìn tâm hạnh kỹ lưỡng, lễ kính Phật, khiêm nhu không dám xúc phạm tới ai. Thì tự cái nhân quả tạo ra nguồn tư tưởng tốt trong tâm. Mà trong tâm nguồn tư tưởng tốt rồi, bỗng nhiên lời nói tốt, hành vi tốt. Rồi phước cứ tăng dần mà đi lên như vậy.

Nên vì vậy, nếu ta không có phúc, nếu ta có tội, tự tâm ta nó sụp đỗ trước, thành người xấu trước. Có những người mà nhiều khi ta thấy có một thời gian trước là người tốt, rồi một thời gian sau găp lại người đó thay đổi theo chiều hướng xấu. Thì ta phải biết rằng người này phúc đã hết. Còn người còn phúc thì tâm hồn họ ổn định, cứ phát triển đều đặn đi lên dần dần. Nên nếu không làm phước thì cái xấu đầu tiên là tâm ta xấu trước, mà tâm xấu tức là nhân cách xấu, đạo đức xuống và giá trị ta tuột luôn.

Đó là mới nói ý nghĩ thôi, mới tâm thôi. Nhưng mà hễ tâm xấu rồi thì mở miệng nói bậy, làm nhiều chuyện sai lầm, thế là sao? Là nghiệp chồng lên nghiệp, là cuộc đời ta chắc chắn là đọa lạc luôn. Nên vì vậy, ngưng làm phước một giây, một giờ là nguy hiểm tới luân hồi của ta liền. Nên người Phật tử càng hiểu đạo chừng nào, hiểu nhân quả chừng nào, thì sự thôi thúc trong lòng là “làm phước”. Phải làm phước rất tha thiết, làm phước rất nhiều.

loading...