Chùa Việt

Tháp chùa Thiên Mụ - Tháp bát giác cổ cao nhất

Thứ năm, 20/03/2013 09:19

Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp bảy tầng, hình bát giác, cao 21m, xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng

Trong nhiều ngôi chùa cổ kính nổi tiếng ở Huế phải kể đến chùa Thiên Mụ - nơi có sự tích gắn liền với bước chân mở đường của Nguyễn Hoàng.

Chùa do chúa Nguyễn Hoàng dựng vào năm 1601. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc Đại hồng chung cao 2,5m, nặng 3.285 cân. Đến năm 1714, chúa cho đại trùng tu chùa với quy mô lớn, dựng bia năm 1715. 


Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Năm 1844, nhân dịp mừng lễ "bát thọ" (mừng sinh nhật thứ tám mươi) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.

Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp bảy tầng, hình bát giác, cao 21m, xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện. 


Chùa Thiện Mụ và tháp bát giác là một trong 16 công trình nằm trong danh mục "Di sản văn hóa thế giới” (1993) của quần thể di tích Huế.

Chùa Thiên Mụ thuộc đồi Hà Khê, đường Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sở hữu kỷ lục: Tháp chùa Thiên Mụ - Tháp bát giác cổ cao nhất.


Chú thích: Tư liệu được cung cấp bởi Kỷ lục Việt Nam

loading...