Chùa Việt
Thoát tục trên Sơn Tiên
Chủ nhật, 21/04/2017 03:12
Tôi trở lại Sơn Tiên tự vào một buổi sáng nắng đẹp. Con đường lên núi uốn lượn, quanh co, thi thoảng dốc đứng hiện ra “làm khó” bác tài. Một bên là vách núi bao phủ bởi cây xanh um tùm, một bên là không gian thoáng đãng nhìn xuống đồng bằng trù phú. Từ lúc nương theo con đường ấy, tôi cảm thấy sự oi bức, mọi ưu phiền đều đã được gửi lại phía sau…
Lần ghé này, tôi không tạt ngang hang ông Hổ hay Thạch đại đao, mà thẳng tiến đến đỉnh núi. Nếu khách phương xa mong chờ vượt đoạn đường xa, “trèo đèo lội suối” lên tận nơi để chiêm ngưỡng một ngôi chùa cổ kính, kiến trúc uy nghi, sừng sững… chắc chắn sẽ thất vọng. Bởi, chùa Sơn Tiên có không gian rất nhỏ, kiến trúc bình thường, đơn giản như bao ngôi chùa khác, được xây dựng vào năm 1933. Chỉ mất khoảng vài phút, du khách đã có thể dạo chơi khắp khuôn viên chùa.
Nếu chỉ có vậy, Sơn Tiên không còn mang tên Sơn Tiên nữa! Những điểm đặc biệt nhất của ngôi chùa nằm vỏn vẹn trong khuôn viên bé xíu. Giữa sân chùa, một tảng đá hoa cương to tại vị một cách lặng lẽ. Thoạt nhìn, tảng đá tuy bề thế, nhưng chẳng đặc biệt hơn những tảng đá nằm rải rác trên đường lên núi. Khách phải leo lên bậc thang, cẩn thận nhìn ngó rồi mới trầm trồ phát hiện: Mặt trên tảng đá in hằn một dấu chân rất rõ, to gần gấp đôi chân người bình thường. Ướm thử bàn chân mình vào, đa số khách bật cười vì độ chênh lệch ấy. Một chút thú vị, cộng với một chút tò mò: Dấu chân ai? Người này truyền miệng người kia, bảo rằng đó là dấu ấn bàn chân tiên trước khi bay về trời. Nhưng lại bị bác bỏ: Chân tiên sao lại to thô như thế? Người khác đưa ra giả thuyết: Chắc là của người xưa… Ừ thôi thì, dấu chân ai hay điều gì tạo nên cũng thế, cũng mang lại thi vị cho người nay!
Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao vài mét, đứng trên tòa sen, khoác áo choàng đỏ, uy nghi, tự tại, bao quát khắp thế gian. Ngay từ dưới chân núi, khách có thể nhìn thấy thật rõ tượng Phật và mái chùa, màu trắng của tượng như hòa vào sắc trắng của mây, khắc sâu vào nền xanh dương của bầu trời và xanh lá của núi. Thị giác lẫn cảm giác sẽ thay đổi rất độc đáo, khi khách từ vị trí của tượng Phật, nhìn xuống dưới thấp. Nhưng tất cả vẫn là an nhiên, tự tại, bình an. Nghe rõ tiếng tim mình đập, nghe gió lùa qua kẽ tay, chân tóc, trong tiếng chuông chùa thanh tao, trầm bổng…
Sơn Tiên đã từng là một nơi không bình yên. Phía sau tượng Phật, có một bia chiến công của Quân giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Nơi đây, ngày 6-5-1968, Đội biệt động Ba Thê do đội trưởng Nguyễn Văn Muôn chỉ huy đã dũng cảm, mưu trí tiêu diệt 29 tên địch đóng đồn Hoa Thế Sơn”. Thông tin này rất ngắn gọn, muốn tìm hiểu thêm cũng không phải chuyện dễ. Lần theo thông tin trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Thoại Sơn”, tôi được biết: Trận đánh ấy, ta thu toàn bộ vũ khí (20 súng), đạn dược, rồi đánh trái phá sập đồn. Lực lượng rút về căn cứ, nhưng còn trú quân ở cụm tràm mồ côi bên ngoài. Bị gián điệp khai báo, địch cho pháo và trực thăng bắn phá; đổ quân chủ lực Sư đoàn 9 tấn công vào Đội biệt động, dưới sự yểm trợ của pháo binh và phản lực. Chỉ 26 tay súng, các chiến sĩ Đội biệt động Ba Thê bám từng gốc tràm, bờ đất, chiến đấu với cả một tiểu đoàn địch. Do lực lượng quá chênh lệch nên đến chiều, đã có 21 đồng chí hy sinh. Số còn lại cũng bị thương, đồng chí tư Muôn không tìm thấy xác. Địch thu quân với 100 xác tại chiến trường. Năm 1975, địch tiếp tục củng cố các vị trí đã chiếm lại ở Ba Thê, lập trận địa pháo ở Sân Tiên, làm đường lên đỉnh núi Ba Thê. Đêm 10 rạng ngày 11-3-1975, Trung đoàn 101 và Tiểu đoàn A.12 tỉnh Long Châu Hà tập kích Ba Thê lần 2, diệt 1 trung đội dân vệ ở núi Chóc, đánh rã đại đội bảo an đóng dã ngoại cầu sắt Huệ Đức và diệt trung đội bảo an chốt giữ trận địa pháo ở Sân Tiên, phá hủy khẩu pháo 105 ly.
Theo các sư ở chùa, quá khứ khói lửa đã lùi xa, chùa vẫn giữ được nét yên tĩnh. Lượng khách đến viếng không đông, có chăng chủ yếu vào cuối tuần, ngày lễ. Ngôi chùa mới được trùng tu lại gần đây, nhưng vẫn không khác trước là bao. Khi tôi đến, một nhóm sinh viên ở Cần Thơ đang ngắm cảnh. Bạn Phạm Tiến Đạt (20 tuổi, ngụ Tiền Giang) hào hứng: “Nghe nói An Giang có nhiều cảnh đẹp, 6-7 đứa rủ nhau đi chơi bằng xe máy. Chùa Sơn Tiên là điểm đến đầu tiên. Tôi rất thích không gian yên tĩnh, tuyệt vời của ngôi chùa, cũng như cảnh trí dọc đường lên núi. Nếu có dịp, chắc chắn tôi sẽ quay trở lại”. Bạn chợt im lặng, thả hồn vào tiếng chuông chùa vang lên giữa trưa…
Bài, ảnh: Khánh Hưng
Nguồn: http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Phong-su-Ky-su/Thoat-tuc-tren-Son-Tien.html
Theo các sư ở chùa, quá khứ khói lửa đã lùi xa, chùa vẫn giữ được nét yên tĩnh. Lượng khách đến viếng không đông, có chăng chủ yếu vào cuối tuần, ngày lễ. Ngôi chùa mới được trùng tu lại gần đây, nhưng vẫn không khác trước là bao. Khi tôi đến, một nhóm sinh viên ở Cần Thơ đang ngắm cảnh. Bạn Phạm Tiến Đạt (20 tuổi, ngụ Tiền Giang) hào hứng: “Nghe nói An Giang có nhiều cảnh đẹp, 6-7 đứa rủ nhau đi chơi bằng xe máy. Chùa Sơn Tiên là điểm đến đầu tiên. Tôi rất thích không gian yên tĩnh, tuyệt vời của ngôi chùa, cũng như cảnh trí dọc đường lên núi. Nếu có dịp, chắc chắn tôi sẽ quay trở lại”. Bạn chợt im lặng, thả hồn vào tiếng chuông chùa vang lên giữa trưa…
Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, tên chữ là Hoa Thê Sơn. Hoa Thê Sơn đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, có nhiều sự tích và huyền thoại gắn liền với nền văn minh một thời kỳ phồn thịnh, rực rỡ trong quá khứ. Núi Ba Thê là một trong cụm núi Ba Thê gồm 5 ngọn (nằm ở thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn), là ngọn cao nhất trong cụm núi, cao 221 mét, nằm lẻ loi giữa cánh đồng Tứ giác Long Xuyên. |
Bài, ảnh: Khánh Hưng
Nguồn: http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Phong-su-Ky-su/Thoat-tuc-tren-Son-Tien.html