Kiến thức

Thời Mạt Pháp nghĩ về giấc mộng của Vua Ba Tư Nặc

Thứ bảy, 25/06/2022 11:02

Thêm một bài Kinh nữa chúng ta nghe Đức Phật nói về thời kỳ Mạt Pháp. Khi Đức Phật đang trú tại Kỳ Viên tinh xá (Jetavana) thì Ngài đã kể về 16 giấc mộng kỳ bí của Vua Ba-Tư-Nặc (Pasenadi).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ở đây Thầy sẽ giảng chi tiết về giấc mơ thứ 11, điều này được nói đến trong Kinh Tiểu Bộ - Kinh Bổn Sanh - Chương I. Phẩm Varana - Kinh số 77. Chuyện Giấc Mộng Lớn (Tiền thân Mahāsupina):

“…Bạch Thế Tôn, lúc gần tảng sáng, trẫm đã mơ mười sáu giấc mộng kỳ bí khiến trẫm kinh hoàng và kể lại cho các vị Bà-la-môn nghe. Các vị ấy bảo giấc mộng kia báo trước điềm dữ, vậy để tránh tai họa xảy ra, chư vị ấy phải dâng lễ tế đàn ở bất kỳ ngã tư đường nào. Và chư vị ấy bận rộn chuẩn bị tế lễ, trong khi nhiều sinh vật lo sợ cái chết đang kề trước mắt. Song bạch Thế Tôn, xin hãy cho biết những gì sẽ xảy ra từ những giấc mộng kia, Thế Tôn là bậc tối thượng của chư Thiên và loài người, bậc toàn trí về mọi việc hiện tại, quá khứ và vị lai.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy bơ tươi được đem đi đổi lấy gỗ chiên- đàn (trầm hương) quý trị giá cả một trăm ngàn đồng tiền. Ðó là giấc mơ thứ mười một. Có điều gì xảy ra từ đó chăng?

- Giấc mộng này cũng không thành hiện thực cho đến thời vị lai, ngày mà Giáo pháp của Ta suy tàn. Vào thời đó, nhiều Tỷ-kheo tham lam vô tàm vô quý sẽ xuất hiện, chỉ vì miếng cơm manh áo mà chúng thuyết giảng chính Giáo pháp Ta đã truyền bá cốt để tận diệt dục tham! Do chúng từ bỏ Giáo hội chỉ vì lợi dưỡng tấm thân và đứng vào hàng ngũ của bọn tà giáo, nên chúng không thể giảng Chánh pháp đưa đến Niết-bàn. Không, chúng chỉ suy nghĩ, trong lúc giảng pháp, làm sao dùng đủ lời lẽ hoa mỹ và giọng nói ngọt ngào để dụ dỗ quần chúng đem cho chúng thực phẩm, y phục đắt tiền cùng các thứ đại loại như thế và chỉ chuyên tâm đến lợi dưỡng cúng dường. Có những kẻ ngồi ở đại lộ, góc đường, hoàng môn... cúi mình xuống giảng pháp vì tiền, vì các đồng tiền lớn nhỏ. Và trong khi chúng đem bán rẻ Giáo pháp đưa đến Niết-bàn vô giá để đổi lấy thực phẩm, y phục, vàng bạc thì chúng có khác gì kẻ đem đổi gỗ chiên-đàn đáng giá trăm ngàn đồng để lấy thứ bơ tươi kia?...”

Thầy giải thích thêm cho đại chúng hiểu, giấc mơ của Vua Ba-Tư-Nặc được Đức Thế Tôn giảng giải thì lúc ấy chưa xảy ra nhưng trong tương lai sẽ xảy ra. Tức là từ từ chúng ta thấy những hiện tượng trong giấc mơ của vua bắt đầu xuất hiện trong kiếp hiện tại của mình rồi. Ngày mà Giáo Pháp suy tàn, nhiều người tham lam, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi sẽ xuất hiện. Chỉ vì miếng cơm manh áo, vì lợi dưỡng mà người tu đi theo tà giáo, không truyền bá những Pháp tận diệt tham dục, không giảng Chánh Pháp đưa đến Niết Bàn.

Hôm trước Thầy có nói một ví dụ rất đau lòng thế này: Thầy giảng Pháp hoặc ngay cả quý vị nói Pháp cho ai đó nghe giống như mình đem tặng viên ngọc quý cho họ vậy. Nhưng nếu chúng ta giảng Pháp mà mong cầu người ấy cho mình cái gì đó, chẳng khác nào mình đem tặng viên ngọc cho họ mà xin lại miếng nước bọt của người ta vậy. Trong lớp này vị nào hiểu tính Thầy sẽ biết, Thầy rất tôn trọng Pháp, quý vị mà ham học Pháp là Thầy giảng hoan hỷ liền nhưng với ai vô học kiểu chảnh chảnh: “Ông Thầy đó nói này kia để tui quy y, để tui đi học,…” là thôi Thầy tạm biệt luôn người đó. Thầy nói vui là như vậy nhưng ý Thầy muốn nói ở đây là Pháp phải có người thỉnh thì mới giảng, người đó cũng tôn kính Pháp thì mình moi hết ruột gan ra mà giảng. Quý vị có xin tài liệu hay bản gốc của Kinh trong bài học nào đó thì Thầy mới gửi vì đôi khi mình tự tặng chưa chắc người ta trân quý và đôi lúc họ lại xem thường Pháp bảo.

Khi càng học những bài về sau, đại chúng sẽ thấy nhiều chuyện đau lòng lắm. Ở đây là Thầy dùng ngôn từ nói giảm nói tránh nhiều lắm để quý vị khỏi sốc. Đến một lúc nào đó, chúng sanh thà bỏ Đạo chứ không bỏ gạo, “đổi Đạo lấy gạo”. Ví dụ hôm nào Thầy mở lớp trên Zoom này để giảng Pháp mà mục đích là giảng để lợi dưỡng, để đổi gạo hay thứ gì đó…thì chính là nội dung giấc mơ của vua Ba-Tư-Nặc.

Như tích truyện về cô thị nữ lưng gù Khujjuttarā đối thoại với Hoàng hậu Sāmāvatī. Cô Khujjuttarā là thân phận tỳ nữ, sau khi có duyên được nghe Pháp từ nơi Đức Phật, cô đắc quả Thánh Tu-Đà-Hoàn và được Thế Tôn ca ngợi là vị cư sĩ có biệt hạnh đệ nhất đa văn. Khi Hoàng hậu Sāmāvatī thỉnh cô thuyết Pháp thì cô nói thế này: “Thưa Hoàng hậu đáng kính, Pháp ấy không dễ thuyết. Thứ nhất là phải biết kính trọng Pháp, thứ hai là phải biết kính trọng người thuyết, thứ ba là người thuyết và người nghe phải dọn mình cho sạch sẽ, thanh tịnh!”. Mặc dù là thân phận nô tỳ, nhưng khi Hoàng hậu muốn nghe cô thuyết Pháp thì Hoàng hậu phải thỉnh thì cô mới thuyết và phải ngồi chỗ thấp hơn cô vì để tôn trọng Pháp bảo. Khi chúng ta học đến chi tiết này sẽ nghĩ: “Phận nô tỳ mà bày đặt chảnh với Hoàng hậu”. Không phải vậy thưa đại chúng, ở đây cô Khujjuttarā không hề tỏ thái độ bất kính với Hoàng hậu mà vì Hoàng hậu muốn nghe Pháp, và chính Đức Phật cũng tôn kính Pháp, cũng nương Pháp mà thành Đạo. Pháp là phải thỉnh thì mới nói vì đó là sự thể hiện của lòng tôn kính Pháp.

Khi Thầy giảng Pháp cho quý Phật tử, nếu quý vị có thương quý Thầy, có kính mến Thầy rồi về Chùa tu tập, cúng dường vật thực cho Chùa 5kg gạo, 2kg đường,... Thầy vô cùng cảm ơn tấm lòng của quý vị, mọi người cúng thứ gì Thầy cũng nhận vì đó là tấm lòng của quý vị. Nhưng đại chúng nhớ vấn đề này, không có chuyện Thầy giảng Pháp để mong cầu lợi dưỡng, mong quý vị cúng thứ này kia cho Thầy, cho Chùa nha. Với Thầy, điều gì liên quan đến Pháp là quý nhất trong đời của mình. Khi quý vị nói Pháp cho ai đó như đang tặng cho người đó viên ngọc quý, nhưng nếu nói Pháp với mục đích vụ lợi, mong cầu thứ gì đó giống như mình trao cho người ta viên ngọc mà muốn nhận lại bãi nước bọt vậy.

Trích pháp thoại: “Mạt pháp”, Thầy Thiện Tuệ giảng

loading...