Kiến thức

Thực hành lời Phật dạy để gia đình hạnh phúc (1)

Chủ nhật, 10/09/2023 10:30

Trong phạm vi gia đình, mối quan hệ cha mẹ con cái vừa mang tính thiêng liêng vừa là trách nhiệm, bổn phận phải thực hiện để gia đình hạnh phúc, xã hội bình yên.

Xã hội loài người cơ bản được phân chia theo các mối quan hệ gia đình, xã hội để từ đó mỗi người tùy theo địa vị mà làm tròn phận sự. Trong phạm vi gia đình, mối quan hệ cha mẹ con cái vừa mang tính thiêng liêng vừa là trách nhiệm, bổn phận phải thực hiện để gia đình hạnh phúc, xã hội bình yên. Mối quan hệ này là nền tảng và rất quan trọng trong xã hội loài người nên nhiều học thuyết, các tôn giáo đều có đưa ra những lời dạy để con người noi theo thực hành.

Đức Phật cũng vậy, cũng rất quan tâm đến đời sống gia đình hạnh phúc của Phật tử tại gia nên dạy nhiều bài kinh mà ở đó trách nhiệm của cha mẹ và bổn phận của con cái được nêu ra cụ thể. Bài viết này sẽ bàn thêm và phân tích trách nhiệm, bổn phận cần phải thực hành của mỗi bên trong mối quan hệ này để cho gia đình hạnh phúc.

00

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái theo Nho giáo

Trước hết, chúng tôi nêu quan điểm của Nho giáo về mối quan hệ cha mẹ - con cái để so sánh làm rõ hơn quan điểm của Phật giáo.

Theo triết học phương Tây thì cá nhân được đề cao trong khi theo học thuyết phương Đông thì cá nhân phải được xem xét ở trong tập thể. Nho giáo đưa ra năm mối quan hệ là cha - con, vợ - chồng, anh - em, vua - tôi, bạn - bè, trong đó gia đình chiếm ba.

Về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì Nho giáo quy định mang tính phục tùng: con cái phải nghe lời cha mẹ. Nếu cha mẹ hiền từ biết thương yêu và nuôi dạy con cái, biết làm gương cho con thì bậc cha mẹ rất xứng đáng. Các con tất nhiên phải biết ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục, biết hiếu thuận và phụng dưỡng cha mẹ. Trường hợp cha mẹ không thể là tấm gương cho con cái như cờ bạc, rượu chè, hút xách, ngoại tình… thì các con khó lòng mà kính trọng, phục tùng..

Hơn nữa, nếu cha mẹ không là tấm gương cho con cái noi theo thì việc bắt phục tùng là một thử thách rất lớn đối với người con. Kinh Lễ dạy rằng: “Nếu như cha mẹ có lỗi lầm gì, người con vẫn phải vui vẻ hòa nhã dùng lời nói ôn hòa mà can gián. Nếu can mà cha mẹ không nghe lại càng phải giữ thái độ hòa nhã cung kính hơn, đợi cha mẹ nguôi ngoai rồi lại can gián. Nếu cha mẹ không nghe để đến nỗi phạm lỗi lầm có tội với bạn bè hàng xóm, ta vẫn phải ôn hòa khuyên can. Nếu cha mẹ nóng giận đánh ta đến chảy máu, ta vẫn không dám giận oán mà vẫn phải kính trọng hiếu thuận với cha mẹ”.

Lời dạy của Nho giáo mang tính lý tưởng rất khó ứng dụng trong thực tế trừ khi người con thực hành Bồ-tát hạnh theo Phật giáo. Chẳng hạn cha mẹ ép con học những ngành học mà cha mẹ thích trong khi con không có năng khiếu, không thích thì có gây khổ đau cho đôi bên không ?

Hay cha mẹ vì lý do nào đó ép con phục tùng theo sự sắp xếp của mình về hôn nhân, nếu con không phục tùng thì gọi là bất hiếu mà phục tùng thì khổ đau. Nhưng vấn đề vừa nêu thật sự phải thích nghi thay đổi thì mới tạo nên sự hòa thuận trong mối quan hệ cha mẹ - con cái và là điều kiện đưa đến hạnh phúc gia đình.

Một khía cạnh khác, Nho giáo nhấn mạnh đến đời sống hiện tại và không bàn đến sự tu tập để giác ngộ giải thoát hiện tại và sau khi chết nên những vấn đề về tâm linh không được đề cập, ngoại trù việc thờ cúng sau khi cha mẹ qua đời.

Với Nho giáo, trách nhiệm của cha mẹ là phải thương yêu nuôi nấng khi còn còn nhỏ và phải có nghĩa vụ giáo dục cho con thành người hữu ích. Ngược lại, con cái phải thể hiện bổn phận hiếu thảo của mình như chăm nom, kính trọng phụng dưỡng cha mẹ khi đau ốm, thực hiện hoài bão của cha mẹ, tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ và khi cha mẹ qua đời thì thờ phụng theo quy định của Nho giáo.

(còn tiếp). 

loading...