Sách Phật giáo
Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên (P.2)
Thứ hai, 01/07/2014 09:18
Đức Phật đã cho chúng ta biết trên trần thế hay nói rộng ra là trong cõi Ta Bà đầy rẫy khổ đau. Do con người trên trần thế vì vô minh, mê muội không biết rõ những điều đó nên phải trầm luân trong biền khổ.
Chương thứ Hai
KHỔ ĐẾ
(CHÂN LÝ VỀ NỖI KHỔ)
I. Mở đầu:
Trong cuộc sống nói chung, con người ta từ khi sinh ra đến khi lớn lên, vì chưa tiếp súc nhiều với cuộc sống, đều thấy cuộc đời là tươi đẹp. Khi lớn lên, tuy có vấp váp, có khổ sở nhưng đại đa số thường cho cuộc sống là vô cùng hấp dẫn, tuyệt vời. Vì vậy, họ tận dụng “sống những ngày cho đáng sống”, một bộ phận thực hiện kiểu “sống gấp”, họ sống “ngày nay không cần biết đến ngày mai”, tức là họ không để lỡ một dịp nào để tận hưởng cuộc sống trong khoái lạc vật chất và tinh thần. Nhưng thực ra, những khoái lạc ấy thật là mong manh thoắt đến, thoắt đi, có khi còn là những giả dối che đậy bên ngoài. Và bất cứ khoái lạc nào rồi cũng kết thúc và rồi sẽ dẫn đến đau khổ, bởi sau những khoái lạc tận hưởng đó là những trăn trở, vọng tưởng, điên đảo, buồn rầu của cuộc sống hàng ngày. Vì vậy đức Phật đã nói rằng: “Nước mắt của chúng sinh đau khổ nhiều hơn nước trong các đại dương”. Điều đó có nghĩa rằng con người ai cũng khổ hết, và thực sự điều đó là một chân lý của cuộc sống.
Thực vậy, ta hãy ngẫm nghĩ kỹ, cuộc sống đầy rẫy đau khổ. Nỗi vui dù có, cũng chỉ là tạm bợ nhất thời. Riêng chỉ đối với việc lo cho sự sống, con người đã phải chịu biết bao đau khổ để tồn tại, để sống và để vươn lên trong cuộc đời. Họ phải lăn mình đi kiếm sống để có miếng ăn cho mình và cho người thân, và trong quá trình ấy biết bao buồn khổ đến với họ. Họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phải ngụp lặn và chạy theo nhu cầu trong cuộc sống vì vậy biết bao nước mắt đã đổ ra. Bên cạnh đó, bản thân họ trong quan hệ xã hội cũng có biết bao nhiêu điều phiền toái gây ra những dằn vặt, những vọng tưởng điên đảo làm cho đau khổ.
Do đó, nói cuộc đời là một biển khổ, thật không thể nào khác được, đó thật là một chân lý, một sự thật. Và vì vậy trong Tứ Diệu Đế, cái đầu tiên mà Đức Phật đã phân tích một cách rành mạch, đầy đủ những nỗi khổ của thế gian, của con ngưởi trong phần thứ nhất là Khổ đế. Bởi vì một lẽ rất đơn giản, đau khổ là một sự thật trên đời nhưng không phải ai cũng nhìn thấy một cách tường tận đầy đủ hết cái sự thật ấy như Đức Phật đã phân tích và nói rõ trong Khổ đế (mà ta sẽ thấy nói trong các phần sau).
II. Định nghĩa về khổ đế:
Khổ đế, tiếng Phạn gọi là Dukkha Satyã. Dukkha nghĩa là sự chịu đựng những cay đắng, khó khăn, nhọc nhằn, những cái làm cho người ta khó chịu và đau khổ như ốm đau, đói khát, buồn bực, sợ hãi, lo lắng…. Còn Satyã nghĩa là sự chân thực không hư vọng, là sự thật, là chân lý, ta dịch nghĩa là đế. Vì vậy Khổ đế (Dukkha Satya) nghĩa là sự thật về nỗi khổ hay còn gọi là chân lý về nỗi khổ.
Thực ra, dùng chữ Khổ để dịch Dukkha chưa thật chính xác, vì Dukkha bao gồm nhiều trạng thái tình cảm có liên quan đến nỗi khổ, đến sự không toại nguyện, đến sự bất an của con người như đã nói ở trên. Nếu chỉ biểu thị bằng hai chữ đau khổ và khổ não, thì không diễn đạt trạng thái nhiều mặt và huyền ảo, không thực của Phạn ngữ Dukkha. Dukkha bao gồm ý niệm không được thỏa mãn của con người trên thế gian, dĩ nhiên đưa đến sự thất vọng, phiền muộn, đau đớn, căng thẳng, day dứt trong tâm hồn và nỗi lòng bất ổn. Do đó, trong tiếng Việt, dịch Dukkha là khổ (trong Khổ đế) thì cũng chưa lột tả được hết ý nghĩa. Vì vậy trong tiếng Anh, người ta dịch Dukkha là Unsatisfactory có nghĩa là không thỏa mãn, không vừa ý, không toại nguyện.
III. Phật nói về các nỗi khổ trong Khổ đế:
Trong phần thứ nhất của Tứ Diệu Đế, tức phần Khổ đế, đức Phật cho chúng ta hiểu một cách tường tận, đầy đủ mà mọi chúng sinh tuy suốt cuộc đời chịu khổ nhưng chưa biết hết một cách tường tận mọi nỗi khổ trên trần thế. Trong bài pháp đầu tiên này nằm trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật mô tả cái khổ như sau: “Hỡi các Tỳ Kheo, đây là chân lý thâm diệu về sự khổ: Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, bám víu vào ngũ uẩn là khổ."
Đoạn trên có thể coi như tuyên bố tóm tắt của đức Phật về nỗi khổ ở đời. Vì vậy Khổ đau là một chân lý, là một thực tại khách quan của đời sống con người. Và do đó cũng cần thấy rằng: Ngày nào ta còn chạy chốn cái khổ đau dù do ngoại cảnh gây ra hay ngay trong tâm hồn của mình, thì ngày đó mình càng thấy khổ đau. Điều đó chứng tỏ khổ đau là một phần trong cuộc sống của con người, không ai là không có và không ai có thể tránh được.
Trong phần Khổ đế này, đức Phật còn chia ra thành hai phần gồm Ba thứ khổ (Tam khổ) và Tám thứ khổ (Bát khổ):
1. Ba thứ khổ hay Tam khổ:
Tam khổ là ba thứ khổ gồm: khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Ba thứ khổ này tất cả chúng sinh đều phải gánh chịu.
a. Khổ khổ: Tiếng Phạn là Dukkha-Dukkha. Nghĩa đúng của nó là cái khổ chồng lên cái khổ. Dân gian ta thường có câu “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai” nghĩa là cái họa, cái khổ thường không chỉ đến một mình mà còn bám theo nhiều cái họa, cái khổ khác, còn cái phúc thì không đến cùng một lúc. Như vậy Khổ khổ tức là cái khổ đến với con người, thông thường lại kéo theo nhiều cái khổ khác cùng đến một lúc hay cùng trong một thời gian. Ví dụ một gia đình nghèo, cuộc sống thiếu thốn ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, không có nhà cửa nương thân cũng đã khổ rồi. Nhưng để có những nhu cầu thiết yếu của đời sống phải làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối lại càng khổ thêm và còn biết bao cái khó khăn phiền muộn, lo âu để nuôi nấng con cái v.v... Những cái khổ đó cứ liên tục sảy ra trong cuộc đời của họ, dồn dập hết cái khổ này đến cái khổ khác. Đối với mọi chúng sinh, tự mình bao giờ cũng đã là nạn nhân của bao nhiêu cái khổ, cái xấu xa, cái bệnh tật, cái già nua, cái vận hạn, cái đói khát. Tóm lại Khổ khổ là thứ khổ do chính thân tâm sinh ra mà ở đây Đức Phật đã chỉ ra gồm có tám loại khổ là sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ uẩn xí thạnh khổ. Toàn bộ những cái đó là loại khổ thứ nhất mà kinh Phật gọi là Khổ khổ.
b. Hoại khổ: Tiếng Phạn là Viparinãma-Dukkha. Ta biết rằng thế giới quanh ta là vô thường, luôn luôn thay đổi, biến hoại. Mọi sự vật đều theo quy luật “thành, trụ, hoại, không” hay “sinh, trụ, dị, diệt” và đối với con người là “sinh, lão, bệnh, tử”. Vì vậy nỗi khổ cũng biến dị theo quy luật, nghĩa là nỗi khổ này thay đổi gây ra nỗi khổ khác. Ngoài ra mọi sự biến đổi trong vũ trụ, trong tâm thức của con người đều gây ra đau khổ, gọi là hoại khổ. Trong tự nhiên, dù là một ngọn núi hùng vĩ, một dòng sông rộng lớn cho đến một vật rất nhỏ cũng đều có biến đổi, hủy diệt theo thời gian, không bao giờ tồn tại mãi mãi. Tất cả những biến đổi tự nhiên dù to hay nhỏ theo luật vô thường như bão lụt, sóng thần, núi lửa, lốc xóay, sấm chớp v.v…đều khiến cho chúng sinh luôn luôn chịu ảnh hưởng hoặc trực tiếp đến thân thể, hoặc ảnh hưởng đến tâm sinh lý và đều gây ra đau khổ. Vì vậy Hoại khổ, là những nỗi khổ gây ra do những biến hoại trong vũ trụ theo luật vô thường của vạn vật. Khổ vì sự thay đổi biến hoại gọi là Hoại khổ.
c. Hành khổ: Tiếng Phạn là Samskãra-Dukkha. Hành khổ là thứ khổ do hành động của thân khẩu ý gây ra. Hay nói cách khác hành khổ là những thứ khổ do Hành uẩn tạo tác nên mọi hoạt động trong tâm thức trước khi trở thành hành động . Do Hành sinh ra Thức, thúc đẩy Thức tạo nghiệp gây ra đau khổ, ưu phiền. Công năng của Hành uẩn dẫn dắt tâm ý hoạt động gây ra nghiệp, dẫn dắt chúng sinh trôi lăn trong bể khổ luân hồi, chịu nhiều đau khổ. Như vậy trạng thái đau khổ ở kiếp này lại là nền tảng cho những nổi khổ của kiếp sau, nó là biểu hiện của nghiệp lực.
Mặt khác, Hành khổ có thể nhận biết là những đau khổ do xã hội gây ra như hiện tượng bóc lột, xung đột giai cấp, chế độ hà khắc, tranh chấp quyền lợi, chiến tranh bùng nổ v.v…nghĩa là những đau khổ do con người trong xã hội gây ra, cũng chính là do hành động của thân khẩu ý, tất cả đều là do nghiệp lực.2. Tám loại khổ hay Bát khổ:
Trên kia nói về Ba thứ khổ là nói về sự phân loại các thứ khổ do những nguyên nhân khác nhau gây. Còn về chi tiết các loại khổ trên đời, Đức Phật có nói rõ là có tám loại khổ khác nhau đó là sinh khổ (sinh sống là khổ), lão khổ (già nua là khổ), bệnh khổ (đau ốm, bệnh tật là khổ), tử khổ (chết là khổ), ái biệt ly khổ (yêu nhau mà phải xa nhau là khổ), oán tắng hội khổ (ghét nhau mà phải sống với nhau là khổ), cầu bất đắc khổ (cầu mong không được là khổ), và ngũ uẩn xí thạnh khổ (cái khổ do ngũ uẩn là cái thân của ta gây ra là khổ).
A. Sinh khổ: (Sinh, sống là khổ)
Sinh khổ nói ở đây, cần phân biệt ra hai phần: khổ trong khi sinh đẻ và khổ trong khi sống ở đời (sinh có nghĩa là đẻ và sinh có nghĩa là sống).
a. Khổ khi sinh đẻ, cả mẹ lẫn con (thai nhi) đều chịu khổ. Người mẹ mang thai chịu khổ trăm bề, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, do biến đổi sinh lý trong người gây ra như biếng ăn, mất ngủ, mệt nhọc, nôn ọe, đi đứng khó khăn, nặng nề, chậm chạp. Đến ngày sinh nở, khí huyết hao mòn, sức lực suy kém, sự đau đớn không sao kể xiết. Đấy là khi sinh nở mẹ tròn con vuông, còn khi có trở ngại trong lúc sinh nở thì còn chịu biết bao nhiêu đau khổ để được thấy đứa con ra đời. Trong kinh Đại báo Phụ Mẫu Trọng ân, Đức Phật có nói: “…Ở trong thai mẹ, trong vòng mười tháng, trăm phần vẹn toàn mới đến ngày sinh. Nếu con có hiếu, chắp tay thu hình, thuận lối mà ra, không đau lòng mẹ. Nếu là con bạc, dẫy dụa lung tung, buốt chói từng hồi, khiến đau lòng mẹ, như đâm như xỉa, như cấu như cào, như nghìn mũi dao đâm vào gan ruột, mẹ khổ vô cùng, nói sao cho xiết…”
Còn đứa con thì từ khi hình thành bào thai đến khi ra đời, qua chín tháng mười ngày sống trong một khối bọc tối tăm chật hẹp trong lòng mẹ, khổ sở vô cùng. Cũng trong kinh Đại báo Phụ Mẫu Trọng ân, đức Phật đã chỉ rõ sự hình thành hài nhi trong bụng mẹ theo từng tháng, từng ngày. Và trong suốt thời gian chín tháng mười ngày đó, đứa con dần dần hình thành và cũng dần dần chịu đựng sự khổ sở trong lòng mẹ cho đến khi ra đời với tiếng khóc ban đầu biểu thị sự chịu đựng đau khổ bấy lâu nay, như mấy câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều từng mô tả trong Cung oán ngâm khúc :
Thảo nào khi mới chôn rau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Khi đã ra đời, con người ai cũng cần phải sống. Do nhu cầu của cuộc sống, ngoài cái tối thiểu là có cái ăn, cái mặc, có mái nhà hoặc túp lểu để che mưa, che nắng, con người ta còn có nhiều nhu cầu khác về vật chất như có phương tiện đi lại để làm việc nuôi sống, có chăn ấm để ngủ lúc đêm đông mà không phải nằm nơi đầu đường xó chợ, có thuốc men để chữa bệnh khi yếu đau, có sách vở để học hỏi nâng cao trình độ v.v…Nhưng những điều đó không phải ai cũng có đầy đủ, vì thiếu thốn nên sinh ra đau khổ trong cuộc sống. Ngay cả những người có dư dật trong cuộc sống, có của ăn, của để cũng không thể tránh được cái khổ đến với họ. Họ có dư dật nhưng họ lại muốn có nhiều hơn, giàu sang hơn người khác do lòng tham. Và muốn được như thế, họ cũng phải thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối, làm ăn vất vả sớm hôm, cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Khi đã giàu có, họ luôn luôn phải lo nghĩ một cách khổ sở để giữ gìn tài sản của họ. Cũng chính vì vậy, họ cũng bị cuộc sống bận rộn đó làm cho khổ não. Do đó, trong cuộc sống, thiếu thốn điều kiện vật chất cũng đủ làm cho con người ta khổ não, buồn rầu. Đó là sinh khổ về vật chất.
Còn về phương diện tinh thần trong cuộc sống. Con người ta không phải chỉ sống vì vật chất, không phải chỉ sống về miếng ăn, nước uống, áo mặc mà cần có cuộc sống tinh thần. Chính đau khổ về tinh thần có khi còn đau khổ hơn là cả thiếu thốn vật chất. Sự mắc mớ về tình cảm đối với họ hàng, anh em, làng xóm cũng làm cho người ta đau khổ. Sự học hành không thành đạt cũng làm cho người ta đau khổ. Thiếu thốn những hoạt động giải trí, vui chơi, bè bạn cũng làm cho người ta đau khổ v.v…Vì vậy, có những người có thể chịu đựng được những nỗi khổ vể vật chất mà không thể nào chịu đựng được những đau khổ về tinh thần.
B. Lão khổ: (Già là khổ)
Theo quy luật phát triển của vũ trụ và nhân sinh, con người ta ai cũng phải đến lúc già. Tuổi già trung bình trên thế giới là 71 tuổi, của Nhật Bản là 83 tuổi, của Việt Nam là 73 tuổi. Khi tuổi cao, con người ta không những chỉ khổ về thể xác mà còn khổ cả về tinh thần.
a. Khổ về thể xác: Trừ những người chết non, chết yểu, đa số con người ta đều sống có tuổi thọ. Ngày nay, dân số trên thế giới ngày càng già đi. Càng về già, sức lao động càng yếu. Trong người, khí huyết hao mòn, các cơ quan nội tại ngày càng lão hóa, mệt mỏi, yếu ớt, gây ra đau đớn về thể xác. Các cơ quan bên ngoài thì chân tay yếu ớt, da thịt nhăn nheo, thân thể gầy mòn, mắt mờ, răng rụng, tai nghễnh ngãng, đi đứng khó khăn. Nhiều việc muốn làm mà không làm được, phải nhờ người khác. Điều đó gây ra biết bao phiền não và khổ sở. Với thân thể như vậy thì khi thời tiết biến đổi, bị ảnh hưởng gây ra khó chịu, yếu đau nên lại còn khổ não hơn nữa.
b. Khổ về tinh thần: Trong dân gian có câu “Càng già càng khổ, càng già càng nhục”. Điều đó chứng tỏ người già thì tinh thần sa xút, trí tuệ giảm nhiều gây kém trí nhớ, thậm chí lú lẫn, dễ quên. Có khi hành động như kẻ ngây dại, ăn uống có khi bẩn thỉu, nói năng có khi như người mất trí. Tất cả những điều đó là những nỗi khổ của tuổi già không thể nào tránh được.
C. Bệnh khổ: (Đau ốm, bệnh tật là khổ)
Con người ta không ai có thể tránh được ốm đau trong suốt cuộc đời. Những kẻ mệnh yểu thì có thể ốm đau từ khi lọt lòng. Lớn lên, tiếp xúc với xã hội, với môi trường và do lao động vất vả, do chịu khổ nhiều, con người trở nên ốm yếu và sinh ra bệnh tật. Khi đã bị bệnh tật, thì ốm đau hành hạ con người làm cho khổ sở, sầu não.
a. Đối với bản thân: Cơn bệnh làm cho người bệnh đau đớn, mệt mỏi. Bất cứ bệnh tật gì, từ cái nhỏ như sứt tay, đau răng, nhức đầu, khớp gối mỏi mệt đến các bệnh trầm trọng như tim mạch, lao phổi, ung thư v.v…tất cả đều làm cho người bệnh đau khổ, phải rên xiết, khó chịu. Nhiều khi muốn chết không được, muốn sống không xong. Cái tai ác của bệnh tật không những làm cho thể xác đau đớn mà còn làm cho tinh thân dễ bị bại hoại, kinh tế sa xút, gây ra nhiều đau khổ cho bản thân người bệnh.
b. Đối với người xung quanh: Bệnh tật không những dày vò người bệnh mà còn gây ra đau khổ cho người xung quanh và nhất là đối với người thân trong gia đình. Mỗi khi trong nhà có người đau ốm, bệnh tật, phải đi nằm viện, cả gia đình bị đảo lộn không những về những cảnh sinh sống hàng ngày vì phải chăm nom săn sóc mà còn bị ảnh hưởng về kinh tế do lo tiền thuốc thang để chữa bệnh.
Tất cả những điều đó đều dẫn đến cái khổ không chỉ cho người bệnh mà còn cho những người thân và những người xung quanh người bệnh.
C. Tử khổ: (Chết là khổ).
Ai cũng biết luật vô thường đối với con người là “Sinh, lão, bệnh, tử” tức “Sinh sống, già nua, bệnh tật, chết chóc”. Trong bốn điều đó, cái chết là đáng sợ nhất. Thực tế, trong cuộc sống hầu như tất cả mọi người đều sợ chết. Đến ngay cả những người sống trong hoàn cảnh sống thừa, liệt giường liệt chiếu, hay sống thực vật, đều sợ cái chết đến với mình. Những người như thế và cả những người bệnh nặng không thể nào cứu chữa được, họ sống thêm một ngày là khổ một ngày, nhưng những người như thế vẫn chỉ muốn sống mà thôi và rất sợ cái chết đến với họ. Tại sao lại sợ cái chết, điều đó là do:
a. Thể xác người bệnh khi sắp chết thật là đáng thương và rất đáng sợ. Khi người ta hấp hối, thân thể gày còm, da bọc xương, mắt mũi mồm miệng biến dị, méo mó. Khi đó mắt không thể nhìn thấy gì, tai không nghe được gì, miệng không thể nói được, mũi như không thể nào thở được, thân người và chân tay lạnh ngắt và cứng, không mềm mại. Thân thể toát ra mùi “tử thần” và dần dần chương lên, nếu để lâu ngày thì chảy nước tanh hôi khó chịu vô cùng. Những người còn sống trông thấy đều thật đáng thương và đáng sợ và ai cũng biết rằng cảnh chết thật là đau khổ.
b. Tinh thần người bệnh khi biết mình sắp chết, tư tưởng hoang mang, tâm thần rối loạn, sợ hãi vô cùng. Khi hấp hối, những cảnh cũ lập lại, những điều làm ác lại đến với họ và những oan gia trái chủ đến hành họ. Những lúc đó, người sắp chết đều tha thiết muốn sống, lại lo nghĩ đến người còn sống : cha mẹ, anh em, con cái và bạn bè thân thuộc, rồi đây mình phải xa lìa, không biết sẽ đi về đâu một mình cô quạnh. Điều đó là rất đau khổ, cho nên vì vậy mới nói “chết là khổ”, cái khổ không chỉ cho người chết và còn cho cả người sống là bố mẹ, anh em, bà con ruột thịt.
D. Ái biệt ly khổ (Thương yêu mà phải xa nhau là khổ):
Trong cuộc sống, ai ai cũng có tình yêu. Đó là tình yêu đối với con người, đối với loài vật, đối với thiên nhiên cảnh vật. Ở đây nói về nỗi khổ khi con người thương yêu nhau mà không được gần nhau. Cái khổ khi yêu thương nhau mà không được gần nhau biểu hiện chủ yếu ở hai khía cạnh: sinh ly và tử biệt.
a. Khổ do sinh ly: Con người ta đang sống đầm ấm với nhau mà phải xa nhau do những điều kiện khách quan gây ra thì thật là đau khổ. Do điều kiện kiếm sống phải ở mỗi người một nơi, do tai họa đưa đến như thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần phải rời xa để tránh hậu họa và còn do chiến tranh giặc giã lan đến làm cho bố mẹ, anh em, vợ chồng, người yêu, bạn bè thân quyến phải thất lạc mỗi người một nơi, sống bơ vơ, sống trong lo sợ đến nhau. Thật là những nỗi khổ do sinh ly vậy.
b. Khổ do tử biệt: Khổ do sinh ly, mặc dù khổ do phải xa cách nhau, nhưng còn hy vọng có ngày gặp lại nhau. Nhưng khổ do tử biệt thì thật là nỗi khổ lớn vì không còn hy vọng nhìn thấy và sống với người thân của mình. Do vậy, ai ai cũng đều phải nén lại nỗi khổ, đớn đau trước cái cảnh tử biệt của người thân ra đi sang thế giới bên kia. Trong trường hợp này, cái đau khổ có thể lớn đến nỗi người ta có thể quên ăn, quên ngủ, xót thương, đau đớn đến tuyệt vọng với tâm trạng muốn chết theo người thân của mình. Nỗi khổ do tử biệt có khi dày vò con người suốt đời.
E. Oán tắng hội khổ (Ghét nhau mà phải gần nhau là khổ):
Con người ta khi thương yêu nhau mà phải xa nhau là khổ. Cũng như vậy khi đã ghét nhau, không vừa lòng nhau mà phải luôn thấy mặt nhau hoặc sống gần nhau thì cũng khổ.
Tục ngữ có câu: Yêu nên tốt, ghét nên xấu.
Hay: Ghét nhau đào đất đổ đi.
Hoặc:Yêu nhau yêu cả đường đi/Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.
Điều đó nói lên rằng đã ghét nhau thì không thể nào nhìn thấy cái tốt, chỉ thấy cái xấu và không những ghét người mình không ưa mà còn ghét lây sang kẻ khác gần họ.
Trong một gia đình đang êm ấm, nếu sảy ra chuyện anh em cãi cọ nhau, hoặc giữa vợ chồng có điều gì xích mích đều gây ra bất hòa dẫn đến khó chịu nhau và làm mặt giận. Nhiều khi tình trạng ghét nhau xấu đến nỗi không buồn nhìn mặt nhau, không nói chuyện hỏi han nhau. Nhưng sống chung một nhà, vì tình cốt nhục, không thể không nhìn thấy nhau, riêng điều đó cũng đã dẫn đến khổ sở, nếu không bỏ qua cho nhau. Đó là những trường hợp anh em vợ chồng sống chung trong một nhà.
Còn đối với những người xung quanh, với người dưng nước lã mà thù ghét nhau, mà sống luôn thấy nhau thì có thể một ngày nào đó không tránh được cảnh hại nhau gây ra thương vong hoặc chết chóc dẫn tới con đường lao lý vào tù ra tội.
Đó là những nỗi khổ do thù ghét nhau mà phải thấy mặt nhau hoặc chung sống với nhau. Đó là oán tắng hội khổ.
F. Cầu bất đắc khổ (Cầu mong mà không được là khổ).
Bất cứ người nào sống trên đời, ai cũng mong cuộc sống của mình tốt đẹp, giàu sang, hạnh phúc, gia đình êm ấm, vợ đẹp con khôn. Vì vậy ai cũng sống theo hy vọng để những cầu mong trong cuộc sống được toại nguyện. Muốn thế họ phải lao tâm khổ trí để đạt được những hy vọng, những cầu mong chính đáng ấy. Nhưng một khi những cầu mong không được toại nguyện, họ đau khổ vô cùng. Nhà văn Nga nổi tiếng Pautốpxkhi đã nói qua một nhân vật trong Bình Minh Mưa về nỗi khổ trong: “Tất cả những gì mà ta mong đợi thì ta đều ít gặp”.
Đó là cầu bất đắc khổ. Cái khổ do cầu mong mà không được có thể thể hiện bằng nhiều cách sau:
a. Khổ do cầu mong giàu sang phú quý mà không được. Ta vẫn biết sống trên đời, ai cũng mong được giàu sang phú quý. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:Đồng tiền không phấn không hồ,
Đồng tiền khéo điểm khéo tô mặt người
Vì vậy ai cũng muốn có nhiều tiền, muốn giàu có. Nhưng muốn được nhanh giàu, người ta phải lao động vất vả đã là khổ, vì phải lao tâm khổ tứ. Nhưng cũng có người muốn giàu sang mà chỉ tìm cách lừa lọc, dùng âm mưu phi pháp để có nhiều tiền. Đó là những kẻ tham nhũng, những kẻ làm ăn phi pháp, buôn gian bán lận, cướp bóc, chèn ép của người. Khi bị phát hiện, bị vào vòng lao lý, tù tội, gia sản bị tịch thu, thật là khổ sở và nhục nhã.
b. Khổ do cầu mong được công thành danh toại mà không đạt được. Đức Phật đã dậy: “Nguyên nhân đau khổ của loài người là do vô minh, do tham, sân, si”. Trong cái tham có năm điều : Tài, danh, sắc, thực, thùy. Cái khổ do muốn có nhiều tiền tài (giàu sang) như đã nói ở trên, còn tham danh thì ai cũng muốn mình có danh tiếng với người đời và để danh thơm lại cho người đời sau. Điều đó là chính đáng, nếu thực hiện theo chính pháp, theo khả năng lao động của chính mình. Nhưng ngay cả việc thực hành một cách chân chính theo khả năng lao động của mình cũng có những nỗi khổ do vất vả, do lo toan để đạt được điều mong muốn. Họ phải đem hết năng lực, tài trí và những kiến thức của mình một cách vất vả mới đạt được, thậm chí nhiều khi còn thất bại.
Còn đối với những kẻ vô lương tâm, họ tìm mọi cách để đạt được danh vọng vì đó là điều kiện để họ được mọi người kính trọng, nể nang, khiếp sợ và chế ngự những người mà họ không ưa thích. Muốn vậy, họ cũng phải khổ sở lo toan mưu kế để đạt được điều họ muốn, nhưng thường không tránh được thất bại và rõ ràng điều đó sẽ đem lại đau khổ cho họ.
Vì vậy Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, trong Cung oán ngâm khúc đã thốt lên”
Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu,
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.
c. Khổ do thất vọng về mặt tình cảm. Ta đã biết con người có hai mặt : thể xác và tâm hồn. Trong cầu bất đắc khổ, thể xác chịu thất bại, đau khổ đã đành. Nhưng về mặt tình cảm của con người cũng bị đau khổ về tinh thần hay tâm hồn. Nhất là đối với tình duyên của con người.
Trong quan hệ tình duyên của con người, trong quá trình yêu nhau, người ta thường bị tình yêu thử thách nên đã chịu nhiều khổ sở. Nhưng những cái khổ do giận nhau, hiểu sai ý nhau trong khi yêu dễ khắc phục và thường không đáng kể. Nhưng cái khổ lớn nhất của tình duyên là những câu chuyện tình duyên trắc trở, do gia đình không “môn đăng hộ đối” hoặc do nhiều lý do khác trong quá trình phát triển tình yêu mà dẫn đến đau khổ thậm chí đi đến quyên sinh. Những chuyện như thế làm cho những người đó vô cùng đau khổ. Đó cũng là cầu bất đắc khổ vậy.
G. Ngũ ấm xí thạnh khổ (Thân mình tự làm khổ)
Ngũ ấm hay ngũ uẩn chỉ thân con người bao gồm : sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn . Trong đó sắc uẩn chỉ thân xác con người, hợp thành bởi tứ đại là: đất, nước, gió, lửa. Còn bốn uẩn khác như thọ, tưởng, hành, thức chỉ phần tâm của con người.
Chính vì vậy mà trong kinh Tương Ưng Bộ , phẩm Gánh nặng, Đức Phật đã chỉ rõ:
Ngũ uẩn là gánh nặng
Kẻ gánh nặng là người
Mang gánh nặng ấy lên
Chính là khổ ở đời
Còn đặt gánh nặng xuống
Chính là lạc ở đời.
Các đau khổ do Ngũ ấm xí thạnh khổ gây ra có thể có nhiều mặt:
a. Đức Phật đã chỉ dạy giữa các uẩn của thân con người luôn luôn có sự chi phối lẫn nhau, thậm chí xung đột nhau và mâu thuẫn lẫn nhau sẽ gây ra đau khổ. Một khi con người cứ bám víu vào năm uẩn, vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, coi đó là ta, là của ta, là tự ngã của ta, thì sẽ xuất hiện sự đau khổ. Ý niệm về "thân thể tôi", "tình cảm tôi", "tư tưởng tôi", "tâm tư tôi", "nhận thức của tôi"... hình thành một cái tôi ham muốn, vị kỷ, từ đó mọi khổ đau phát sinh. Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng đều gắn liền với ý niệm về "cái tôi" và "cái của tôi" ấy.
b. Cái khổ đau do ngũ uẩn gây ra có thể là do quy luật vô thường chi phối làm cho mọi con người dù trẻ, dù già đều phải qua các giai đoạn trẻ đến già, từ mạnh khỏe đến ốm đau rồi đến chết. Những cái đó luôn luôn làm cho con người phải lo sợ, buồn phiền và đau khổ.
c. Cái khổ do ngũ uẩn còn do lòng tham của con người say đắm trong “ngũ dục, lục trần” mà tự gây ra đau khổ cho mình, vì ham muốn nhiều quá. Cho nên Đức Phật đã từng dạy con người ta cần phải “thiểu dục, tri túc” nghĩa là ham muốn ít và cần biết đủ.
Tất cả những cái đau khổ đó đều do Ngũ ấm xí thạnh khổ gây ra.
IV.Mục đích tìm hiểu về những nổi khổ
1.Tại sao Đức Phật lại nói về nỗi khổ đầu tiên.
Ta biết rằng, sau khi Đức Phật đã đạt được Vô thượng, Chính đẳng Chính giác. Điều đầu tiên, Đức Phật đi tìm năm anh em Kiều Trần Như để truyền đạt những giáo lý cơ bản mà Người đã chứng được. Và Tứ Diệu Đế là bài học đầu tiên, là pháp bảo đầu tiên của Phật giáo và trong Tứ Diệu Đế, điều đầu tiên Đức Phật phải nói về các loại nỗi khổ ở trên đời.
Vậy tại sao Đức Phật lại nêu nỗi khổ của con người ra làm gì? Con người ta, từ tấm bé không ít biết đến nỗi khổ. Cái tuổi con nít, nhi đồng và ngay cả tuổi thiếu niên hầu như chưa biết và chưa để ý gì đến cái khổ đối với mình. Chỉ khi lớn lên, con người ta mới dần dần thấm thía những nỗi khổ trong cuộc sống. Nhưng đại đa số con người ta tuy có bị khổ, nhưng hầu như không bao giờ suy nghĩ đến hoặc nói đến các nỗi khổ đó làm gì, bởi vì họ nghĩ rằng cứ nhắc đến các nỗi khổ chỉ để làm thêm đau khổ mà thôi. Vì vậy người ta thường che dấu những nỗi khổ của mình, thâm chí lại cố gắng tạo nên một ảo tưởng tốt đẹp rằng không có đau khổ, cuộc đời toàn an vui, để sống yên ổn và an tâm với cuộc sống. Nhưng điều đó chỉ là giả tạo, cốt để che đậy một cách giả dối cuộc sống thực của mình.
Nhưng Đức Phật là một đ̐