Chùa Việt

Vãn cảnh Tổ đình Trung Hậu

Thứ hai, 23/05/2014 08:59

Chùa Trung Hậu có bề dày lịch sử 300 năm, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính hài hòa với vẻ uy nghiêm, tráng lệ của một chốn tùng lâm đã qua bảy đời Cao Tăng Tổ Đức trụ trì.

Tổ đình Trung Hậu hay dân gian vẫn quen gọi là chùa Trung Hậu thuộc xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, cách trung tâm Hà Nội 25km. Nhân tháng Vesak, sen nở đua sắc trong đầm làng, một lần ghé chân tới Tổ đình Trung Hậu là một lần được trở về cõi Phật nơi trần thế, một mái chùa không những góp phần vào công cuộc giữ nước, mà còn giúp xã hội hiện đại bảo vệ môi sinh và ươm mầm trí tuệ tuổi trẻ.
 Một góc Tổ đình Trung Hậu
Chùa Trung Hậu có bề dày lịch sử 300 năm, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính hài hòa với vẻ uy nghiêm, tráng lệ của một chốn tùng lâm đã qua bảy đời cao Tăng Tổ đức trụ trì. Đặt chân trước cổng Tam quan, cánh cửa gỗ mộc mạc như gợi nhắc du khách về một miền ký ức thân quen nơi làng quê Bắc bộ.

Tượng Phật A Di Đà trên vọng gác từ bi đưa mắt thương để nhìn và đưa tay tiếp đón khách thập phương về bái viễn cội nguồn tâm linh văn hóa, nơi còn lưu giữ chứng tích chiến thắng oanh liệt của dân tộc trong thời kháng chiến chống Pháp.

Giữa vườn cây hoa cỏ xanh mát là tấm Bia chiến thắng ghi lại sự kiện lịch sử, đêm 17/10/1953, quân Pháp tập trung tại chùa, du kích xã bất ngờ tập kích, đánh sập sở chỉ huy, diệt 8 tên địch, trong đó có một quan tư pháp, và làm bị thương nhiều tên khác; chiến thắng này góp phần phá tan cuộc càn quét của giặc, qua đó điều này khích lệ tinh thần yêu nước của quân dân Việt Nam trong thời điểm loạn lạc khó khăn. Phật giáo chỉ ủng hộ chính nghĩa, cửa Phật không dung túng cho cái tham sân si của kẻ xâm lăng, Phật giáo khuyến hóa sự chuyển tâm của cái xấu, cái tham, cái sai trái trở về chính nghĩa.

Mái chùa trang nghiêm không chỉ bảo vệ cho tình yêu nước của dân tộc, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống của xã hội hiện đại. Theo tinh thần từ bi của đạo Phật, Pháp bố thí cao cả nhất là sự hữu ích, khi mỗi cá nhân có thể góp phần mang lại không khí trong lành làm môi trường sống tốt nhất cho muôn loài. Vậy nên mảnh đất chùa rộng 28000m2 xanh mướt một màu cây Bồ đề, cau, nhãn, cam, bưởi. 
 
Khoảng sân không trải nhựa, không lát gạch của nhà chùa nhờ bóng mát cây xanh sum suê nên mát rượi với bề mặt toàn sỏi, những viên đá cuội có thể làm cho bước chân khách phương xa đi đường mệt nhọc thêm thư thái, cảm giác chân trần cọ cọ trên những viên đá cuội mát mẻ dưới bóng cây xanh giống như trải nghiệm một liệu pháp massage tự nhiên.

Giữa sân chùa là một đầm hoa súng nước xanh biếc như ngọc bích, trên đó hoa súng đủ màu đang nở rộ đua sắc xanh, vàng, hồng. Một cảnh tượng gợi cho người Phật tử nhớ về Tây Phương Tịnh Thổ, để cùng nhau hành thiện tích đức nhiều hơn. Nổi lên giữa hồ là lầu Quán Âm bằng gỗ với hình dáng như một đóa sen lớn, ở đó Đức Quán Thế Âm Bồ tát hiền từ soi rọi mọi nỗi khổ của thế nhân.
 
 
Lễ Phật xong, du khách an nhàn thả bước về phía hậu viên, nơi mở ra một vườn lan ngát hương bên cạnh những cây cỏ giản dị như cây bỏng, cây hoa đá. Khách đến chùa cơ hồ nhận thấy cỏ cây chốn linh thiêng này cũng hữu tình lắm. Hẳn chư Tăng bản tự phải là những người hiền từ, đôn hậu, bởi đám cỏ cây mà ngày ngày Người vun trồng chăm sóc như đã kể cho du khách nghe về Người.

Bảy vị Cao Tăng Tổ Đức của ngôi chùa Trung Hậu 300 năm tuổi đều có tài năng và đạo hạnh xuất chúng. Một chốn tùng lâm thanh tịnh đã có lớp lớp thế hệ minh sư nối truyền mạng mạch chính Pháp, vậy nên chùa Trung Hậu là một trong những ngôi chùa thường xuyên tổ chức khóa tu dành cho thanh niên tại Hà Nội.
 
Một ngôi chùa bảo vệ hồn thiêng dân tộc từ quá khứ, giữ gìn môi trường sống trong lành cho từng phút giây hiện tại, và kế thừa cùng phát huy những giá trị đạo đức của Phật giáo đến với thế hệ tương lai, nên ngôi chùa đó mang tên một đức tính đẹp của dân tộc Việt Nam: Trung Hậu.
loading...