Kiến thức

Vượt qua dòng xiết sinh tử

Thứ bảy, 16/03/2021 09:18

Vượt qua dòng xiết ở đây chính là vượt qua vô minh và tham ái, thẳng đến giải thoát Niết-bàn. Trong rất nhiều pháp thoại, Thế Tôn thường đưa ra lộ trình tu tập theo thứ bậc.

Thông thường thì lộ trình ấy là thành tựu phước và trí; tu tập giới-định-tuệ nhưng cũng có khi giới-tuệ-định; tu tập thiền chỉ trước thiền quán sau, có khi chỉ-quán song hành và cũng có khi thuần quán. Nhưng riêng pháp thoại này, Thế Tôn lại chỉ thẳng, khá vắn tắt, gần như siêu việt pháp môn để vượt qua dòng xiết.

Đức Phật thường được tôn xưng là vị đại lương y tùy bệnh mà cho thuốc cốt sao nhanh khỏi bệnh. Tùy căn cơ mà có pháp cao thấp đốn tiệm khác nhau. Pháp tu ‘không vin duyên và không chỗ trụ’ trong pháp thoại dưới đây nghiêng về minh sát, thiền quán (quán nhân duyên, quán tính không-vô ngã), được thực thi trong mỗi phút giây của đời sống. Trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, trong mỗi suy nghĩ lời nói và hành vi, trong khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, trong khi thường biết về tự ngã-cái tôi… tất cả đều được chiếu soi để ‘không vin duyên và không chỗ trụ’.

Cảnh giới Niết Bàn trong Phật giáo

Vượt qua dòng xiết ở đây chính là vượt qua vô minh và tham ái, thẳng đến giải thoát Niết-bàn.

Vượt qua dòng xiết ở đây chính là vượt qua vô minh và tham ái, thẳng đến giải thoát Niết-bàn.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi lui qua  một  bên;  từ  thân  tỏa  ánh  sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử này bạch Phật:

- Thế Tôn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo vượt qua dòng xiết chăng?

- Thiên tử! Đúng vậy.

Thiên tử lại hỏi:

- Không  chỗ  vin  duyên,  cũng  không chỗ trụ, mà vượt qua dòng xiết chăng?

Phật bảo:

- Thiên tử! Đúng vậy.

Thiên tử lại hỏi:

- Không  chỗ  vin  duyên,  cũng  không chỗ trụ mà vượt qua dòng xiết, ý nghĩa ấy thế nào?

Phật bảo:

- Này Thiên tử, Ta ôm chặt như vậy, như vậy, tiến thẳng như vậy, như vậy; không  bị  nước  cuốn  trôi.  Không  ôm chặt  như  vậy,  như  vậy,  không  tiến thẳng như vậy, như vậy, thì bị nước cuốn trôi. Thiên tử, như vậy gọi là không chỗ vin duyên, cũng không chỗ trụ mà vượt qua dòng xiết.

Khi ấy Thiên tử kia nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn

Đã đạt Bát-niết-bàn

Qua rồi mọi sợ hãi

Vượt hẳn ái ân đời.

Thiên tử kia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ chân Phật, rồi biến mất.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1267)

Đức Phật dạy Pháp Niết bàn tức khắc

Thế Tôn đã xác quyết về pháp tu ‘không chỗ vin duyên, cũng không chỗ trụ, mà vượt qua dòng xiết’. Không chỗ vin duyên là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần ta phải làm chủ được mình, không bị trần cảnh chi phối. Nắm bắt hay xua đuổi, tham ái chạy theo để nắm giữ hoặc bực bội chối bỏ khước từ đều là vin duyên, dính mắc. Nếu không vin duyên thì cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe, nhờ không dính mắc nên không bị nhấn chìm cũng không bị cuốn trôi, vượt qua dòng xiết.

Không chỗ trụ là đối với năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thấy rõ ràng là duyên sinh giả có, không có bất cứ pháp nào đích thực là tôi, của tôi. Nói cách khác không chỗ trụ là luôn ‘chiếu kiến ngũ uẩn giai không’. Thế Tôn khẳng định, ‘Ta ôm chặt như vậy, như vậy, tiến thẳng như vậy, như vậy; không bị nước cuốn  trôi. Không ôm chặt  như  vậy, như vậy, không  tiến thẳng như vậy, như vậy, thì bị nước cuốn trôi”. Nên hành giả cứ giữ vững (ôm chặt) và thẳng tiến với pháp ‘không  chỗ  vin  duyên, cũng không chỗ trụ’ mọi lúc mọi nơi thì định và tuệ luôn có mặt, hành giả sẽ vượt qua dòng xiết tham ái mà thẳng đến bờ an vui, giải thoát, Niết-bàn.

loading...