Sống an vui
Vượt qua sân hận oán thù
Chủ nhật, 05/03/2024 05:36
Khi có sự buồn phiền và sân hận trong tâm, thiền sinh cũng nên nghĩ tới nguyên nhân của sự bực bội, khó chịu và sân hận. Đối tượng nào làm chúng ta khó chịu?
Khi đối tượng nhất là tâm sân phát sinh trong tâm, chúng ta luôn luôn nghĩ đến nghiệp báo và biết rằng nghiệp báo là định luật của thiên nhiên.
Đừng nói chi trong tâm. Nơi thân này, khi hành thiền chúng ta sẽ thấy, càng ngồi lâu thì càng cảm giác đau nhức ở trong thân. Nếu thiếu chánh niệm và có sự dính mắc với thân này, chúng ta bắt đầu chấp và có sự bực bội. Bực bội vì chúng ta không thích sự đau nhức đó. Mỗi lần bực bội là mỗi lần chúng ta cột một cái nghiệp mới vào tâm, không ai khác ngoài chúng ta trói buộc chính mình cả. Cái đau cứ đến, thay vì buông bỏ sự bực bội, chúng ta tiếp tục không thích nó, và cứ thế chúng ta tiếp tục cột thêm, thắt thêm cái nghiệp sân vào tâm, làm cho nó ngày càng dày hơn và chắc hơn.
Đức Phật dạy ta nên ghi nhận cái tâm không thích sự đau nhức đó. Vì cái đau chỉ là cảm giác và chúng ta không thể làm gì được cả. Ngay lúc đó chúng ta chỉ có thể sửa đổi cái tâm của chúng ta mà thôi. Vì vậy chúng ta nên có trí nhớ và ghi nhận là tâm chúng ta đang có sự không thích. Như vậy chúng ta sẽ giải quyết được nó bằng cách ghi nhận nó để thấy nó thay đổi.
Sư xin kể một thí dụ nữa về cách niệm chướng ngại sân hận và oán thù. Có một hình ảnh không khả ái của ai đó đến với mắt của chúng ta. Có một lời nói không vừa ý của người nào đó đến với tai của chúng ta. Lúc đó vì thiếu chánh niệm, nên chúng ta tức giận và bực bội. Thật ra ngay sau đó, hình ảnh cũng như lời nói của người đó đã đi mất rồi. Nhưng chúng ta vẫn giữ lại hình ảnh và lời nói đó trong tâm để rồi tiếp tục giận và giận thêm. Đức Phật dạy chúng ta Pháp Tâm Quán Niệm Xứ để chúng ta tập ghi nhận tâm. Khi chúng ta ghi nhận tâm không thích, tự nhiên chúng ta sẽ thấy tâm thay đổi và từ đó chướng ngại sân hận sẽ yếu dần.
Tâm luôn luôn phản ứng: Thích và không thích. Khi thân đau nhức, nó phản ứng không thích và trở nên bực bội với thân. Khi nghe lời nói không vừa ý, nó phản ứng không thích và tức giận, muốn chửi, muốn đánh người nói ra lời đó. Tâm làm việc theo thứ tự như vậy. Khi tâm phản ứng khó chịu với thân này hay khi tâm phản ứng giận dữ với một số đối tượng nào đó, phản ứng này sẽ tác động đến thân, thân sẽ căng thẳng và đau nhức hơn. Nếu giận quá, tay chân có thể run rẩy và miệng lập cập.
Trong trường hợp như vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải luôn luôn ghi nhận. Khi chúng ta ghi nhận kịp thời lời nói, đó là Pháp Quán Niệm Xứ. Nếu chúng ta ghi nhận không kịp thời thì lời nói sẽ tiến sâu vào tâm chúng ta. Nếu chúng ta lại ghi nhận không kịp thời phản ứng của tâm với lời nói, thì sự không thích và tức giận sẽ tăng dần, sẽ tác động trở lại thân. Khi giận quá chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu trong tim và ngực. Sự giận này vốn là phản ứng của tâm, trở lại thành phản ứng của thân. Lúc đó chúng ta nên trở lại ghi nhận sự khó chịu ở thân, rồi lần lần sự khó chịu ở thân sẽ bắt đầu tan, nó tan đi là nhờ sự ghi nhận của chúng ta.
Đó là những phương pháp giúp vượt qua chướng ngại thứ hai là sân hận và oán thù.