Kiến thức
10 điều về công ơn cha mẹ - con nguyện tìm cách đáp đền
Thứ hai, 15/08/2023 07:26
Công đức sinh thành của cha mẹ vô cùng lớn lao, tựa như trời biển bao la không có bến bờ. Cha mẹ không chỉ nuôi dạy con khôn lớn nên người mà còn hy sinh tất cả vì con cái, là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời con.
Công đức sinh thành của cha mẹ vô cùng lớn lao, tựa như trời biển bao la không có bến bờ. Cha mẹ không chỉ nuôi dạy con khôn lớn nên người mà còn hy sinh tất cả vì con cái, là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời con.
Để có thể ghi nhớ thật sâu sắc và hiểu được công ơn dưỡng dục sâu dày của cha mẹ, kính mời quý vị cùng tìm hiểu 10 điều Đức Phật dạy về công ơn cha mẹ qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây!
1. “Giữ gìn thai giáo - Mười tháng trường chu đáo mọi bề”
Điều thứ nhất chúng ta nhớ: Cha mẹ là đối tượng, là người mà chúng ta mang ơn và phải yêu thương suốt đời, bởi vì cha mẹ có công sinh ra, nuôi dưỡng và đặc biệt là cha mẹ yêu thương chúng ta vô cùng như trời, biển bao la. Cho nên có câu:
“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”.
Còn trong kinh “Báo đáp công ơn cha mẹ”, Đức Phật có dạy rằng:
“Ơn cha nghĩa mẹ, mười phần phải tin.
Điều thứ nhất, giữ gìn thai giáo
Mười tháng trường chu đáo mọi bề”
Mẹ mang thai là mang mầm sống, linh thức của con, từ khi mới nhập thai, con đã dựa vào máu huyết của mẹ để hình thành và lớn lên. Khi mẹ biết tin mình có thai, mẹ rất vui mừng nhưng cũng mong mỏi, lo lắng rất nhiều: Không biết đứa con trong bụng là trai hay gái, con mình có được khỏe khoắn, có được thông minh, được lành lặn, có bị tật nguyền, sứt thiếu không? Rồi mai này đến ngày sinh nở có được mẹ tròn, con vuông không?...
Rồi mẹ đi tìm hiểu, học hỏi, mẹ phải ăn gì để tốt cho thai, phải kiêng gì để không ảnh hưởng đến thai; đi, nằm thế nào… Bên cạnh mẹ còn có cha cũng rất lo lắng cho con. Mẹ mang thai con, tuy con chỉ nặng hai, ba cân nhưng thực tế thì bụng mẹ còn mang nặng mười mấy cân hơn thế, vì trong bụng mẹ ngoài con ra thì còn có nước ối bao bọc con, để giữ cho con không bị chấn động. Suốt 9, 10 tháng như thế, mẹ rất vất vả, kìu kĩu mang bụng không lúc nào rời, kể cả khi mẹ đi ngủ.
2. “Sinh đẻ gớm ghê - Chịu đau, chịu khổ, mỏi mê trăm phần”
Đến ngày sinh con, mẹ sinh con rất đau khổ, thế gian gọi là “đau như đau đẻ”, bởi vì đau đẻ đau hơn những cái đau khác. Đau là vì đứa con trong bụng đạp, có người mẹ chịu đau để bác sĩ mổ, rạch lấy con ra vì không thể sinh nở bình thường được.
Việc sinh con có rất nhiều chướng ngại, có nhiều trường hợp sinh con xong thì mẹ qua đời, cho nên, lúc sinh nở gọi là vượt cạn. Con rắn khi lột xác, nó yếu vô cùng, mất hết cả máu huyết thì người mẹ sinh con cũng vậy, cảm giác như bị lột xác, hết sức đau khổ, máu me dầm dề, mất bao nhiêu máu để sinh con ra.
3. “Thâm ân nuôi dưỡng - Cực đến đâu bền vững chẳng lay”
Mẹ mang thai sinh nở đã là công lớn nhưng thâm ân nuôi dưỡng này của cha mẹ mới vô cùng lớn lao, vô cùng vất vả. Con mới sinh ra đỏ hỏn, oe oe vì chưa biết gì, lại lạ không khí, lạ môi trường, sức đề kháng yếu ớt nên con hay ốm đau, sài đẹn nên mẹ phải chăm bẵm, nâng niu, nuôi dưỡng chút một cho đứa con bé bỏng.
Khi con khỏe thì mẹ vui nhưng những lúc con ốm đau, bệnh tật thì đêm khuya, có khi mẹ chỉ nằm, chợp mắt một lúc, con lại oe oe, không ngủ được thì mẹ lại phải thức dậy, dỗ con, lật con bên này, lật con bên kia mà con không ngủ thì mẹ lại phải đứng dậy đi long dong để dỗ con ngủ. Mẹ chăm sóc con vất vả biết bao nhiêu, héo mòn cả thân xác. Cho nên, Đức Phật dạy, công sinh dưỡng của cha, của mẹ hết sức to lớn mà chúng ta cần phải khắc ghi.
4. “Ăn đắng nuốt cay - Để dành bùi ngọt đủ đầy phần con”
Đây là đức hy sinh của cha mẹ. Có những bạn nhà nghèo thì tiền bạc của cha mẹ không dư dả, mỗi ngày lại có rất nhiều thứ phải chi tiêu: thức ăn cho gia đình, tiền điện, tiền nước, áo quần, thuốc men,... thế nhưng cha mẹ vẫn chắt chiu dành dụm tiền để mua miếng thịt ngon, con tôm ngon để dành phần con, còn cha mẹ thì gặm xương xẩu.
Có câu chuyện về ông bố tần tảo nuôi con vì vợ mất sớm. Nhà ấy có năm, sáu đứa con mới lớn, chưa biết gì. Bố đi đánh cá về, mỗi lần nấu xong thì bố dặn các con: “Các con nhớ để phần cho bố cái đầu, bộ xương cá, món ấy ngon nhất để dành cho bố”. Mấy đứa con cứ nghĩ bố nói thế là đúng nên nấu nướng xong gỡ hết thịt, còn xương với đầu bố thích ăn nhất nên để dành phần bố và thấy bố ăn một cách ngon lành. Cho đến khi trưởng thành, những đứa con mới hiểu được tình thương của bố, vì muốn để các con ăn phần ngon nên bố mới nói dối như vậy.
Trong miếng ăn, đồ ngon ngọt, bùi bổ, cha mẹ đều dành cho con, cho nên, có câu: Hy sinh cả đời bố để củng cố đời con. Cha mẹ là như vậy, có khi chấp nhận cả sự nhục nhã, có khi hèn kém để con mình được ăn học nên người, có khi chấp nhận lam lũ, đầu tắt mặt tối, áo rách quần sờn để con mình được lành lặn, được bằng chúng, bằng bạn bè.
Chúng ta thấy, đức hy sinh của cha, của mẹ rất âm thầm nhưng hết sức lớn lao. Không có cha mẹ nào kể cho con những điều này với con, cha mẹ tự nguyện, tự giác bởi vì con là máu thịt của cha mẹ, là ngọc, là vàng mà cha mẹ rất quý!
5. “Lại còn khi ngủ - Ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con”
Khi ngủ, con tiểu tiện ướt cả tã mẹ vừa thay cho con. Đêm rồi, mẹ cũng không thay chiếu ướt được, mẹ lại đặt con ra chỗ khô, còn mẹ nằm chỗ ướt cả đêm. Có khi mùa đông lạnh, cha mẹ cũng chịu nằm chỗ ướt để dành con chỗ khô. Cha mẹ âm thầm làm tất cả vì con, mong muốn con những điều tốt nhất, tất cả tâm hồn của cha, của mẹ đều để dành hết cho con.
6. “Sú nước nhai cơm - Miễn con no ấm, chẳng nhờm, chẳng ghê”
Cha mẹ nuôi con “sú nước nhai cơm” tức là mớm nước cho con vì sợ con bị sặc. Cho con bú bằng bình sữa rồi, nhưng nhiều khi mẹ sợ con bị sặc nên uống nước vào miệng, xong mớm cho con, bởi tự mớm thì mẹ mới biết con uống từng nào là vừa.
Ngày xưa, khi không có máy xay, bột xay sẵn, mẹ phải nhai cơm, nhai dập cơm, dập xương cho nhuyễn hết thức ăn ra rồi mẹ mớm cho con ăn. Trong nước miếng của mẹ có cả chất kháng sinh rất tốt cho con. Mẹ mớm cho con giống như con chim mẹ mớm mồi cho con chim con. Miệng be bé xinh xinh của con là ngày xưa mẹ đã mớm cho con ăn rồi.
Rồi cha mẹ còn hút mũi cho con, vắt mũi thì sợ con bị đau, bóp mũi thì sợ con ngạt thở, sợ đau nên cha mẹ ngậm cả miệng mút nước xanh lè từ mũi con. Đó là nghĩa mẹ, tình cha nuôi con.
Thậm chí khi ngón tay con có bị mưng mủ, cha mẹ xót con đau, con khóc mà đưa ngón tay mủ của con vào miệng của mình để ngậm cho ấm ngón tay, mút nhè nhẹ để con đỡ đau. Dù cho máu mủ vỡ ra trong miệng nhưng cha mẹ vẫn ngậm như thế suốt đêm để con đỡ đau, được giấc ngủ an lành.
Chúng ta thấy, cha mẹ không sợ ghê, sợ bẩn, không bao giờ nghĩ ghê bẩn gì cả. Vì con là giọt máu, ruột rà của cha mẹ. Đây là điều chỉ có mẹ, cha mới làm được mà thôi!
7. “Không chê ô uế - Giặt đồ dơ của trẻ không phiền”
Khi con tiểu tiện, đại tiện, đồ của con dẫu có dơ bẩn, bệnh tật, máu mủ nhưng mẹ sẵn sàng giặt không ghê, không sợ bẩn. Còn khi mẹ nhờ con giặt một cái áo, một cái quần bẩn của mẹ thì con nói ngại. Hay mẹ đến tháng, đến kỳ kinh nguyệt bảo con giặt, con cũng chối: “Con không giặt được”. Vậy đó, nghĩa mẹ, tình cha vì con mà không sợ ngại, dơ bẩn, sẵn sàng giặt đồ dơ cho con.
8. “Chẳng nỡ chia riêng - Nếu con đi vắng, cha phiền, mẹ lo”
Khi con đi vắng, bảy ngày xa nhà tham gia Khóa tu mùa hè, lên chùa rèn luyện, chắc chắn cha mẹ ở nhà cũng lo nghĩ cho con rất nhiều: Không biết con gái của mẹ, con trai của bố ở trên đó có khỏe, có vui, có hòa nhập được với mọi người, hay là con học được điều gì hay không?
Cũng như hằng ngày ở nhà, cha mẹ vẫn hay hỏi con gái, con trai của mẹ lên trường học thế nào, ở ký túc xá có bị ai trêu chọc không? Cha mẹ lo lắng từng chút một nên nếu con đi vắng là cha phiền, mẹ nhớ mong, lo lắng lắm!
Khi Thầy ở tại gia, còn công tác tại trường thì có một chị bạn đồng nghiệp, hằng ngày cứ tầm 10 giờ rưỡi trưa, sắp đến giờ tan học của con là chị ấy không làm việc được. Rồi chị buông bút, sổ đi ra ngoài cửa nhìn xuống đường phố vì con của chị hằng ngày tan học thường đi qua con đường này về nhà. Chị bảo với Thầy, chị rất nóng ruột, lo lắng cho con, không biết con đã đi học về chưa và chị cứ đi ra đi vào, đứng ở cửa, ngóng con, cho đến khi con đạp xe đạp, đi qua vẫy gọi mẹ, chị dặn con đi cẩn thận xong thì chị mới yên tâm được.
Tấm lòng cha mẹ nghĩ đến con rất nhiều, luôn ngóng trông con. Con vắng một chút thôi là lo, là nhớ, dù con đã lớn 19, 20 tuổi thì cha mẹ vẫn không hết lo, vì cha mẹ vẫn thấy con còn nhỏ dại. Có những lúc bất chợt mà các con thấy được cảnh cha mẹ ngồi nói chuyện về mình thì các con mới biết cha mẹ mới thật thương con vô cùng. Cha mẹ suốt ngày nghĩ đến con, ở trường báo về điểm số học tập của con, nếu điểm số thấp thì cha mẹ buồn lắm, ngày hôm đó đi làm buồn, lo lắm. Cha mẹ là như vậy đó.
9. “Miễn con sung sướng - Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam”
“Điều thứ chín miễn con sung sướng,
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam,
Tính sao có lợi thì làm,
Chẳng màng tội lỗi, bị giam bị cầm”.
Tất cả cha mẹ đều mong con mình được sung sướng, bằng bạn, bằng bè, không chịu thua kém ai. Mẹ, cha tần tảo sớm hôm, chắt chiu mồ hôi, nước mắt, dành dụm cũng chỉ để cho con; dù cha mẹ có nghèo thì cha mẹ cũng chắt chiu, có khi phải chấp nhận tạo tội, tạo nghiệp thì cha mẹ cũng cam lòng, để cho con được ăn học bằng chúng, bằng bạn.
Có trường hợp, đứa con đi học, cần tiền nộp học phí, người cha vì không có tiền nên đã ăn cắp ổ gà nhà hàng xóm về bán để cho con. Chẳng may gia đình người ta bắt được, bắt phạt phải bị giam, phải đền bù. Hay đứa con cần tiền đi liên hoan với bạn, mẹ cũng tất bật chạy đầu làng, cuối xóm để vay ít tiền cho con. Cha mẹ là như vậy, vì con mà sẵn sàng tạo tội, chấp nhận tạo nghiệp chướng.
Thầy nhớ hồi Thầy còn học đại học, mỗi lần Thầy về là mang một gánh nặng với mẹ cha. Mẹ Thầy tuy biết con về rất vui nhưng mẹ lại vất vả chuẩn bị mang một thúng thóc đi chợ để bán, để có được ít tiền dắt túi cho con mang lên trường nộp học. Các con đi học đại học cũng thế, bên cạnh mừng vui con đỗ đại học thì cha mẹ lo lắng nhiều thứ, oằn lưng để lo cho con: nào là tiền học bốn, năm năm đại học, tiền ăn, tiền học, tiền trọ, lo những thứ phát sinh đến với con. Đến khi con ra trường thì cha mẹ lại lo con xin việc thế nào, quen ai để nhờ cậy giúp cho con…
Chúng ta thấy, cha mẹ bao nhiêu thứ phải lo, lo lắng cho con vô cùng, vô tận. Lời nói của con giống như mệnh lệnh cho cha mẹ, một cái lệnh rất nặng. Bây giờ, con cứ dọa con bỏ học là cha mẹ sợ dúm hết cả, sợ mất mày, mất mặt với hàng xóm, bạn bè, sợ vì nhà nghèo không lo nổi cho con ăn học nên cha mẹ âm thầm đi vay nặng lãi, mang sổ nhà, sổ đỏ để vay tiền cho con học.
Chúng ta phải thấu hiểu sự lo lắng vất vả của cha mẹ. Cha mẹ thật sự chỉ vì mong con sung sướng, nếu vì con mà cha mẹ phải bị tội, bị giam, bị tù, dẫu có mang nghiệp chướng thì cha mẹ cũng cam lòng, chấp nhận để con được sung sướng bằng bạn, bằng bè.
10. “Chẳng ham chau chuốt - Dành cho con các cuộc thanh nhàn”
“Điều thứ mười chẳng ham trau chuốt,
Dành cho con các cuộc thanh nhàn
Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha, nghĩa mẹ sánh bằng thái sơn”
Các con gót đỏ, chân son, áo trắng, đi trên đường vui vẻ với các bạn nhưng mẹ ở nhà chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, gánh phân, băm bèo, nuôi lợn… ở quê. Hoặc nếu cha mẹ làm công chức thì tất tả ở cơ quan, lo hoàn thành công việc, nếu không thì bị trừ lương, cắt thưởng, không có tiền cho con ăn học.
Cha mẹ vất vả để mong cho con được thanh nhàn, được đi chơi vui vẻ với các bạn. Mẹ cố gắng vất vả, gánh nặng thêm vài chục mớ rau, đi bán chợ rau sớm thêm một chút để cho con có tiền đi sinh nhật các bạn. Cha cố đạp thêm mấy cuốc xích lô, chạy thêm mấy chuyến xe ôm để có tiền cho con ăn học. Không phải ai cũng sinh ra trong gia đình giàu có, nhiều bạn có cha mẹ là công chức, nông dân, Thầy cũng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nên Thầy rất thấu hiểu cái đau, cái vất vả của cha mẹ vô cùng.
“Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha, nghĩa mẹ sánh bằng thái sơn”.
Công đức của cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng và đặc biệt hơn tất cả là thương yêu con vô điều kiện. Cho đến khi về già, dù nằm trên giường bệnh, lúc hấp hối, cha mẹ cũng nhớ đến con, có khi trông con chưa về là cha mẹ chưa nhắm mắt được. Cha mẹ là như vậy, thương con đến khi chết nhắm mắt lìa đời vẫn chưa hết thương.
Nếu có một đứa con hư hỏng, chưa nên người thì cha mẹ dẫu ra đi nhưng lòng vẫn đầy lo lắng, nhắm mắt mà không yên vì thương đứa con non dại. Cha mẹ là người suốt cả một đời từ khi sinh ra con là mang món nợ yêu thương với con mãi. Con ngoan ngoãn, thành đạt thì cha mẹ mừng vô cùng, bớt lo nhưng cha mẹ chưa hết lo; nhưng nếu một đứa con không nên người, ăn chơi, hư hỏng thì cha mẹ khổ suốt đời, đau cùng tột, đau hơn dứt ruột, đau vô cùng, không nói thành lời, cái đau thầm lặng nén trong tâm, không nói được. Rất đau! Rất xót xa!
Và chính khi gặp những người cha, người mẹ bất hạnh đó thì trong tâm Thầy phát sinh một cái nguyện: “Mãi mãi, đời đời sinh ra đâu, Thầy cũng là người con có hiếu và sẽ giúp cho mọi người trở thành người con có hiếu”.
Cho nên, cha mẹ rất vĩ đại! Công ơn cha mẹ kể không cùng lớn lao. Đặc biệt cha và mẹ chỉ có duy nhất ở trên đời, không thể có hai, mất rồi thì không lấy lại được, không làm ra được cha mẹ. Đức Phật dạy: Trong nhà chúng ta có hai vị Phật, đó là cha và mẹ. Chúng ta hãy hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ thì công đức bằng như cúng dường Phật, đừng bất hiếu với cha mẹ, vì đó là người mà chúng ta suốt đời phải mang ơn, yêu thương trở lại.
Phía sau hạnh phúc của con là bóng hình của cha mẹ - là hai đấng sinh thành đã sinh ra chúng ta trong cuộc đời này. Mong rằng, từ lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, mỗi chúng ta sẽ nguyện khắc ghi trong lòng mình, ân nghĩa cha mẹ suốt đời này không bao giờ được quên.