Kiến thức
12 loại khổ đau lí giải cho câu nói “đời là biển khổ”
Thứ hai, 27/07/2023 02:00
“Đời là biển khổ” được thời gian chứng minh trong hàng ngàn năm qua cũng như đến tận ngàn sau. Rất dễ dàng, ai cũng có thể cảm nhận được câu nói ấy đúng đến mức nào, nhất là những người từng trải sự đời, nhưng để hiểu chi tiết 12 loại khổ mà Đức Phật nhắc đến thì không phải ai cũng làm được.
Trong kinh Chuyển Pháp Luân, bài pháp đầu tiên của Đức Phật giảng tại Lộc Uyển cho 5 anh em Kiều Trần Như, Đức Phật nói:
“…Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, buồn bã, đau thương là khổ, lo lắng, bực tức là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, bám chấp năm uẩn là khổ.”
Và như thế, khái niệm “Đời là biển khổ” ra đời, và được thời gian chứng minh ở mọi nơi trong hàng ngàn năm qua cũng như đến tận ngàn sau, sự tình cũng không có gì thay đổi cả. Rất dễ dàng, ai cũng có thể cảm nhận được câu nói ấy đúng đến mức nào, nhất là những người từng trải sự đời, tuy nhiên, để hiểu chi tiết 12 loại khổ mà Đức Phật nhắc đến thì không phải ai cũng làm được.
Thường thì mỗi người chúng ta đều từng trải qua chúng, nhưng không xác định được đó là loại khổ nào. Bài viết sau sẽ giúp bạn hình dung rõ nét hơn về chúng
1. Khổ sinh:
Khi một chúng sinh tiến nhập vào trong bào thai, các dây thần kinh cảm thụ dần phát triển, cảm nhận rõ nét được xung quanh, nhưng khi ấy da thịt thì vô cùng mỏng manh, chưa có lấy một chút sức chịu đựng nào. Thế nên nhất cử nhất động của người mẹ mang thai đều có thể khiến thai nhi đau đớn, như cử động mạnh thì thai nhi chịu dằn xóc khổ sở, uống nước nóng thì thai nhi thấy bỏng rát, uống nước lạnh thì thai nhi thấy tê buốt. Ngày này qua tháng khác bị giam nhốt trong bụng mẹ trật hẹp, tay chân lúc nào cũng phải giữ trong tư thế co quắp.
Đến ngày sinh nở, cả cơ thể phải quay đầu, chui qua sản môn trật hẹp, Đức Phật ví như một con voi phải chui qua một khe đá hẹp, bị dồn ép tột độ, toàn thân đau nhức kinh khủng
Vừa ra đến bên ngoài, liền bị bà đỡ – hay hộ sinh đem đi tắm rửa, kỳ cọ các thứ máu mủ, nước ối… làn da mỏng manh lập tức thấy như kim châm dao cắt. Rồi bắt đầu từ đó, mở ra cả một cuộc đời với đủ thứ áp lực, sóng gió, tùy nghiệp chướng nặng nhẹ mà khổ nhiều hay khổ ít.
Tuy nhiên thường ít ai nhắc đến nỗi khổ của sinh, lí do đơn giản là không ai còn nhớ. Khi trưởng thành, mọi kí ức khi ở trong thai, lúc mới chào đời, 1-2 năm tuổi hầu hết đều đã quên không nhớ được gì.
2. Khổ bệnh:
Đây là nỗi khổ dễ hiểu nhất, không cần giải thích nhiều mọi người vẫn hiểu. Vì sao vậy ? Vì nó quá nhiều, quá phổ biến ai cũng từng trải qua, ai cũng đã nhìn thấy người người xung quanh mình trải qua, không nặng thì nhẹ. Nguyên nhân thì đủ kiểu, có những bệnh do môi trường bên ngoài tác động khiến cơ thể bệnh, như thời tiết, khí hậu, vi khuẩn, virus, tác động vật lý… có những bệnh thì do bẩm sinh, do di truyền, do cơ địa, do các bộ phận bên trong cơ thể vận hành không điều hòa mà thành bệnh.
Liệt kê ra thì có đến hàng trăm ngàn loại bệnh nặng nhẹ khác nhau cùng với các thứ tai nạn đủ thể loại gây đau đớn cho cả cơ thể lẫn tinh thần.
3. Khổ lão:
Cơ thể con người cũng như bao thứ khác, phải chịu sự tàn phá của quy luật Vô thường, khi đã sống qua độ tuổi 50, con người ta sẽ đối diện với sự lão hóa. Đó là một nỗi khổ bào mòn một cách chậm rãi, càng già đi thì cơ thể xuống dốc về mọi mặt. Sức lực yếu ớt, sức đề kháng suy giảm, mở cửa cho đủ loại bệnh hoành hành, đi lại khó khăn, dung mạo xấu dần, mọi năng lực từ thể lực, trí lực, thị lực, thính lực .v.v…sút giảm, khiến cho con người ta bất lực dần trước dòng chảy cuộc sống vẫn tiếp tục tiến về phía trước.
4. Khổ tử:
Con người, cũng như bao sinh vật khác, không thể sống mãi bất tử, sớm hay muộn rồi đều phải đối mặt với cái chết. Có hàng trăm cách để chết khác nhau, có cái chết chậm rãi đến, có cái chết bất thình lình, có cái chết nhẹ nhàng, có cái chết tức tưởi, thảm khốc… chỉ rất ít trường hợp có được một cái chết an bình, còn đại đa số thì sẽ đón nhận cái chết với sự đau đớn đi kèm.
Nếu không phải do tai nạn, bị giết mà chết bất đắc kì tử, hay tự sát, thì thường người ta sẽ chết vì những căn bệnh nào đó, khoảnh khắc chết thường cũng chính là khi bệnh phát tác mạnh nhất, thân thể suy kiệt nhất, thần thức hỗn loạn, đau nhức khủng khiếp, tâm luyến ái, bám chấp vào sự sống giằng co với thực tế là thời hạn sống đã cạn, khiến cho thân tâm khổ sở.
5. Khổ ái biệt ly:
Sống trong đời, tâm ta không ngừng sản sinh ra các tình cảm yêu thích đối với những thứ hợp ý mà mình tiếp xúc, dù là yêu thích một người, hay yêu thích một con vật, một đồ vật cụ thể hay một điều gì đó trừu tượng. Nhưng cuộc đời này, mọi thứ đều phải tuân theo luật vô thường, không gì tồn tại mãi, mọi thứ ta yêu thích thì đến một lúc phải tan hoại, hoặc phải chia xa với ta, và khi ấy, tâm sẽ phải hứng chịu một nỗi đau khổ, gọi là Ái biệt ly.
6. Khổ oán tắng hội:
Ngược lại với Ái biệt ly là oán tắng hội. Cuộc sống luôn không thiếu những thứ khiến cho mình khó chịu, và sinh tâm ghét bỏ, nhưng vì nghiệp chướng, vì ác duyên nợ nần, ta lại thường xuyên tiếp xúc, gặp những thứ mình ghét bỏ. Và đây là một thứ khổ nhức nhối rất khó chịu.
7. Khổ cầu bất đắc:
Cầu bất đắc là khổ với cái mình muốn mà chưa có, hoặc không có được. Tâm mong cầu của mỗi người hoạt động không ngừng nghỉ, nó không dừng lại khi các nhu cầu căn bản được đáp ứng, mà hễ có được cái này rồi nó lại muốn có cái khác, càng có nhiều thì lại càng muốn thêm nhiều thứ.
Tham muốn thì không ngừng nở rộng với vận tốc gió bão. Nhưng phước báo thì lại chạy theo vận tốc của ốc sên ( với người biết tạo phước) hoặc thậm chí còn thụt lùi (với người hay làm việc tổn phước). Vậy nên người càng nhiều mong cầu, nhiều dục vọng, thì lại càng dễ bị khổ của cầu bất đắc dày vò. Loại khổ này gần giống với Ái biệt ly, xong Ái biệt ly là khổ vì mất đi cái mình yêu thích đang có, còn Cầu bất đắc là khổ vì chưa có và không có.
8-9-10-11. Khổ của những cảm xúc tiêu cực:
- Buồn bã
- Đau thương
- Lo lắng
- Bực tức
Đó là những cảm xúc tiêu cực phát sinh trong tâm khi ta gặp phải những hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, thất vọng, mất mát, khó khăn, tổn hại, bi đát.v.v…
Khi gặp phải hoàn cảnh xấu, mất mát, đáng thất vọng, buồn bã xuất hiện.
Khi gặp phải hoàn cảnh khốn đốn, bi đát hơn, mất mát nặng nề hơn, đau thương xuất hiện.
Khi gặp phải bất lợi, khó khăn đang đến và sắp đến, lo lắng xuất hiện.
Khi gặp phải phải hoàn cảnh trái ý, bực tức xuất hiện.
12. Bám chấp vào ngũ ấm
Để hiểu được loại khổ này hơi phức tạp một chút.
Đức Phật chia cấu tạo thân tâm của tất cả chúng sinh thuộc tất cả các cảnh giới thành 5 bộ phận, gọi là Ngũ uẩn, hay Ngũ ấm (năm ấm). Thực sự khái niệm Ngũ ấm này không dễ để hiểu cặn kẽ, chính xác, ở đây để các bạn bớt nhức đầu nhằm tập trung vào chủ đề chính, tôi sẽ giải thích Ngũ ấm một cách đơn giản, dễ hiểu nhất có thể.
Sắc ấm: chính là thân thể của mỗi người, mỗi chúng sinh
Thọ Ấm: là cảm giác, bộ phận cảm nhận các trạng thái hạnh phúc, đau khổ, vui, buồn, nóng, lạnh và cả những trạng thái trơ không sướng không khổ
Tưởng Ấm: là bộ phận chuyên suy tưởng với đủ những ý nghĩ, hình ảnh, âm thanh trong tâm trí, giúp hồi tưởng những việc quá khứ, tưởng tượng những viễn cảnh chưa xảy ra, kể cả những viễn cảnh ảo nhất, điên rồ nhất.
Hành Ấm: là hệ thống thần kinh điều khiển mọi hoạt động cơ thể. Bộ phận này sẽ bao gồm rất nhiều mảng, từ chạy nhảy, nói chuyện, làm việc, suy nghĩ, tính toán, sáng tạo, khởi lên tình cảm, ham muốn… và gồm cả hệ thống thần kinh thực vật, điều khiển tim đập, tiêu hóa, hô hấp… điều khiển cả phần tiềm thức tạo ra giấc mơ, trực giác.v.v…
Thức Ấm: là tri giác nhận biết, trí nhớ.
Vậy tại sao Đức Phật nói bám chấp vào 5 ấm này là khổ?
Có rất nhiều vấn đề, đầu tiên cả 5 ấm này đều không ngừng đòi hỏi. Sắc ấm, tức cơ thể thì liên tục đòi hỏi phải nạp thức ăn, nước uống, dưỡng khí. Thiếu dưỡng khí tầm 5-10 phút là chết, thiếu nước 4-5 ngày là chết, thiếu thức ăn 5-7 tuần là cũng chết.
Trước khi đạt đến hạn mức tử vong, thì nó sẽ hành cho cơ thể khổ sở với cảm giác ngộp thở, khát và đói. Chính chúng – cái chết, ngộp, khát và đói đã thúc đẩy con người cùng muôn loài phải không ngừng bươn chải, chịu nhiều vất vả để mưu sinh.
Và chỉ thế thôi sao?
Không, cơ thể còn đòi hỏi lắm thứ nữa, như nó cần sự sạch sẽ, và ta phải tìm nước để tắm rửa cơ thể, nếu không được tắm rửa thường xuyên, nó sẽ ngứa ngáy. Rồi nó đòi hỏi ngủ nghỉ, và ta phải tìm giường nệm, dọn chỗ cho cho nó nằm, không được đáp ứng thì nó sẽ mệt mỏi, đau nhức. Nó đòi hỏi sự an toàn, tránh mưa nắng, gió, bão, vậy nên phải xây nhà cho nó ở .v.v…
Với mỗi đòi hỏi, thì ta sẽ phải lao động mệt mỏi mà đáp ứng. Có lẽ nhiều người đã quá quen với điều đó đến mức không nghĩ đến, và cho đó là điều hiển nhiên của cuộc sống. Nhưng nếu bạn dành thời gian suy nghĩ lại, bạn sẽ nhận ra bạn đã vất vả như thế nào khi sở hữu cái thân thể này.
Đến Thọ ấm, sự tình leo thang lên một cấp độ mới, nó đòi hỏi ta phải tránh những cảm nhận khó chịu, như nóng, lạnh, ồn ào, đắng cay, sự khinh bỉ, thù ghét .v.v… Và nó cũng đòi hỏi ta không ngừng tìm đến những cảm nhận dễ chịu, thoải mái như mát mẻ, ấm áp, lãng mạn, thú vị, hay ho, ngọt ngào, sự trọng vọng, yêu quý .v.v…
Ngay cả với những khi ở giữa dễ chịu và khó chịu, là trạng thái trơ, không có cảm nhận gì, thì Thọ ấm dần dần cũng cảm thấy tẻ nhạt, chán trường, buộc ta phải làm gì đó cho đỡ chán, từ đó phát sinh ra nhiều thứ rắc rối.
Khác với nhu cầu của Sắc ấm sẽ có điểm dừng, Thọ ấm thì khác, nó có cơ chế tăng cấp. Nghĩa là hôm nay đáp ứng ở cấp độ 1 là Thọ ấm thấy thỏa mãn, nhưng ngày mai thì khác, phải tăng lên cấp độ 2, 3… nó mới thỏa mãn, và xu hướng của nó là “càng được thỏa mãn, thì nó càng tăng cấp“.
Ví dụ, khi khó khăn, một người phải đào củ, hái rau dại ăn qua bữa, lâu lâu có chút gạo, nấu được bữa cơm trắng ăn. Lúc này anh ta thấy vị của cơm trắng thật sự rất ngon, cực kỳ thỏa mãn. Vậy nên anh cố lao động nhiều để kiếm tiền mua gạo.
Đến lúc khá hơn, thì cơm đã là thứ bình thường luôn có, ngày nào cũng ăn, cũng loại cơm trắng đó, nhưng với anh ta, giờ vị nó trở thành nhạt nhẽo.
Thọ ấm thấy chán. Anh ta muốn đổi sang ăn phở ở các quán phở có tiếng, tuy nhiên chỉ đủ tiền để tháng ăn 1-2 lần. Lúc này ăn một tô phở, Thọ ấm của anh ta thấy rất ngon, rất thỏa mãn. Anh ta lại cố nai lưng làm lụng kiếm tiền nhiều hơn, để có thể tha hồ ăn phở.
Thời gian sau anh ta làm ăn giàu lên, tiền bạc dư giả. Vậy là ngày nào anh ta cũng ăn phở, tưởng chừng như từ nay Thọ ấm sẽ luôn được thỏa mãn. Nhưng không. Chỉ ăn được một tháng, thì cũng tô phở đó, anh ta lại cảm thấy ngán, ngán đến tận cổ.
Kịch bản lập lại, anh ta lại cố làm lụng để ăn hải sản, ăn thịt rừng, rồi đến những món đặc sản hiếm có trên đời… Cuối cùng, dù anh đã đánh đổi bằng bao nhiêu công sức, thời gian vất vả làm lụng đi nữa, nhưng rồi chẳng có món nào khiến Thọ ấm thỏa mãn nữa cả,
Kịch bản này đúng với mọi lĩnh vực khác khi Thọ ấm chen chân vào, khi ta thay vì nhận ra và kiểm soát nó, thì lại đi nuông chiều nó.
Nếu như Sắc ấm chỉ cần ăn no, đủ dinh dưỡng là được, thì Thọ ấm còn nhiêu khê hơn, nó đòi hỏi thức ăn phải ngon, phải phong phú, phải bài trí đẹp mắt, phải thế này thế nọ, và không ngừng tăng cấp.
Nếu như Sắc ấm chỉ cần có chỗ chui ra chui vào tránh mưa nắng là được, thì Thọ ấm sẽ đòi hỏi phải có nhà đẹp, thiết kế sang trọng, hợp sở thích. Nếu như Sắc ấm chỉ cần có quần áo che thân đủ ấm, mặc thoải mái là ổn. Thì Thọ ấm sẽ đòi hỏi nó phải đẹp, thời thượng, quý phái, lịch lãm…
Tương tự, Tưởng ấm, Hành ấm, Thức ấm cũng có những đòi hỏi của mình, như Tưởng ấm thì thích tưởng tượng ra các viễn cảnh sung sướng, hồi tưởng những chuyện vui, hành ấm thì đòi hỏi phải vận động, suy tính, thức ấm thì tò mò, đòi hỏi muốn biết thêm nhiều điều. Và với ấm nào thì Thọ ấm cũng sẽ chen chân vào, cùng với cơ chế tăng cấp của nó, không ngừng gia tăng đòi hỏi.
Mà như đã nói, để thỏa mãn các đòi hỏi, thì ta phải trả giá bằng cái gì đó, bằng công sức, bằng tiền của, bằng những gì ta có. Như vậy, càng cố chiều chuộng sự đòi hỏi của các ấm, tức là ta càng phải trả giá nhiều, đó là công thức.
Đến khi những gì ta có không thể đáp ứng được các loại đòi hỏi thì sao ? Thế thì ta rơi vào nỗi khổ Cầu bất đắc.
Rất nhiều người không cam chịu nỗi khổ của Cầu bất đắc, khi mà những gì họ đang có không thể đáp ứng được, thế là họ sẵn sàng làm những việc sai trái, phạm pháp, tạo nghiệp xấu.
Và từ đó phát sinh ra trộm cắp, cướp giết, lừa đảo, cưỡng hiếp, chiến tranh xâm lược… và rồi họ nhận về những cái kết đau khổ do sự trừng phạt của luật pháp, rồi ghê gớm hơn nữa, là luật Nhân quả nghiệp báo. Như các bạn đã tìm hiểu trong các phần trước, nó thật sự hãi hùng và khủng khiếp.
Và đó là một phần của Khổ “Bám chấp năm ấm” thôi. Ta có thể kể thêm về mối liên quan của nó đến các loại khổ khác, như:
– Khi bắt đầu một kiếp sống mới, năm ấm của một người được hình thành, đó là lúc chịu khổ Sinh.
– Khi năm ấm theo luật Vô thường, trải qua thời kỳ Hoại, thì là lúc chịu khổ Lão. Đến thời kỳ Diệt, thì chịu khổ Tử.
– Khi Sắc ấm gặp trục trặc, hoặc do ngoại lực tác động, hoặc do nội bộ cơ thể không điều hòa, thì ta chịu khổ Bệnh.
– Khi gặp các hoàn cảnh tồi tệ, mất mát, bi thảm khiến Thọ ấm cảm thấy khó chịu, đau đớn, dẫn đến những cảm xúc buồn bã, đau thương, lo lắng, tức giận.
Kết luận:
Tổng hợp lại, bạn có thể hình dung luân hồi lục đạo mà chúng ta đang sống trong đó giống như một mê cung vòng lặp, mà mê cung đó lại hiện hữu 12 loại quái vật rải rác khắp nơi, chính là 12 loại khổ trên. Chúng đã bao vây chặt mọi ngả đường. Chúng không phải luôn luôn hiện hữu, mà có một chế độ xen kẽ với những khoảng nghỉ, tạm thời không khổ.
Ở các khoảng nghỉ này, con người ta có thể hưởng thụ những sung sướng gì đó, đây là một cơ chế nhằm đánh lạc hướng, khiến người ta quên đi mất tình cảnh bị khổ sở bao vây, mà muốn ở lâu trong luân hồi, khởi lên những ý nguyện sống ở nước này, kết hôn với người kia, làm công việc này, hưởng thú vui kia v.v…
Khi gặp phải một nỗi khổ nào đó, thì người ta chỉ tìm cách dập tắt nỗi khổ trước mắt đó, kiểu như bệnh thì tìm thuốc chữa, chứ không thể nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh, để nhận ra mình đang ở trong một cái mê cung đầy quái vật. Mà không nhận ra được cái mê cung ấy, thì làm gì có ý định thoát được ra khỏi nó. Đã không thoát ra khỏi nó, thì đương nhiên tương lai sẽ tiếp tục gặp phải những thống khổ, kiếp kiếp nối nhau không dứt.
Khổ đau gắn chặt với từng kiếp sống của mọi chúng sinh, không có cách nào tách rời được. Kiếp kiếp nối nhau, luân hồi vô tận, cũng có nghĩa là khổ đau vô tận, bất luận là người phước báo lớn như thế nào cũng không thay đổi được quy luật này.
Và sai lầm của đa số mọi người là cố tìm cách vừa muốn sống trong thế gian này, sống trong dòng luân hồi sinh tử này, vừa mong tìm ra cách thức nào đó để không có khổ đau, chỉ thuần sung sướng, hạnh phúc mà thôi.
Không! Muốn chấm dứt được khổ đau một cách toàn diện, chỉ có cách duy nhất là thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tuyệt không có một cách nào khác. Và đó là mục tiêu chính của Phật Pháp: giải thoát chúng sinh khỏi luân hồi.