Chùa Việt

18 vị La Hán chùa La Khởi

Chủ nhật, 28/04/2015 11:46

Chùa La Khởi hay còn có tên gọi khác là chùa Khía, chùa Cối. Chùa được nằm sâu trong ngõ tại thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. 

Bên cạnh nét độc đáo, khác lạ và mang đậm dấu ấn của ngôi chùa cổ. Chùa La Khởi còn có nhà La Hán đường với 18 vị La Hán luôn để lại dấu ấn và nhiều xúc cảm mỗi khi phật tử, du khách tới chiêm bái và tìm về cõi Phật.  
 
 
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Thanh Hòa – trụ trì chùa cho biết: Chùa La Khởi hiện nay được xây dựng theo lối kiến trúc chùa Việt cổ và kết hợp nét hiện đại mang đậm hơi thở của cuộc sống. Khuôn viên của chùa chỉ có 3.600m2, nên muốn xây dựng bất kỳ hạng mục gì cũng cân phải tính toán sao cho hợp lý và hài hòa cho cả không gian. Khu nhà La Hán đường của chùa La Khởi nằm bên phía tay phải theo hướng từ cổng Tam quan đi vào. Khu nhà này được xây dựng từ năm 2013 theo hình chữ nhật, trên nóc lợp ngói mũi giếng Đáy bỏ xuồng. Đỡ lấy nóc nhà là hệ thống cột đá. Những chiếc cột đá này được làm từ đá nguyên khối từ Ninh Bình. Trên đỉnh cột và 4 mặt được khắc hoa văn lá sen in chìm. Trong nhà La Hán đường có hình dãi vũ, 18 vị La Hán được đặt ngay ngắn, thẳng hàng, dưới chân mỗi vị La Hán đều ghi rõ tên các vị và bảng tên các phật tử phát tâm công đức với nhà chùa. 
 
 
 
Có thể nói, khi chúng tôi đến chiêm bái chùa La Khởi chúng tôi được bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ dấu tích chùa cổ, kiến trúc độc đáo, đến hệ thống tượng Phật được làm bằng đồng đen rát vàng và giờ đây là 18 vị La Hán đang hiện hữu trong khuôn viên của chùa. Dẫn chúng tôi đi vào khu nhà La Hán đường, thầy Thanh Hòa vui vẻ tâm sự: Có thể anh đã về nhiều chùa và gặp ngắm nhiều vị La Hán, nhưng đối với 18 vị La Hán của chùa chúng tôi thì lại khác, chúng tôi không làm theo một nguyên mẫu của La Hán chùa nào cả, mà tất cả 18 pho tượng này được mang hồn, cốt cách của riêng, nhưng vẫn dựa trên những điểm chính, những hình tượng chính.

18 vị La Hán: La Hán Ba Tiêu, La Hán Bố Đại, La Hán Cử Bát, La Hán Hàng Long, La Hán Khai Tâm, La Hán Kháng Môn, La Hán Khánh Hỷ,  La Hán Khoái Nhĩ, La Hán Kỵ Tượng, La Hán Phục Hổ, La Hán Quá Giang, La Hán Thác Tháp, La Hán Thám Thủ, La Hán Tiếu Sư, La Hán Tĩnh Tọa, La Hán Tọa Lộc, La Hán Trầm Tư, La Hán Trường Mi được tạc từ các tảng đá xanh nguyên khối, không chắp vá và ghép lại, tạo nên sự vững chắc và an toàn. Mỗi vị La Hán có khối lượng khác nhau tùy theo sắc thái và biểu cảm. Có vị nét mặt u sầu, đau đớn, có vị ngồi bó gối mặc kệ sự đời và cuộc sống trôi chảy và có vị mặt cười tươi an lạc. 
 
 
 
Cũng theo Đại đức Thích Thanh Hòa cho biết: 18 vị La Hán có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, tuy nhiên khi Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam đã được chọn lọc, kế thừa và mang đậm bản sắc văn hóa, phong tục, lối sống của người Việt. Cho nên dù đi bất cứ chùa nào có các vị La Hán thì đều ẩn hiện tâm hồn con người Việt.

Đức Tùy
loading...