Kiến thức
3 thông điệp đặc biệt về nơi đản sinh của Đức Phật
Thứ hai, 20/05/2023 07:42
Vì lợi ích nhân thiên và loài người, trước khi đản sinh, Đức Phật quán chiếu các nhân duyên để thị hiện. Ngài chọn sinh vào dòng dõi vương giả, là Thái tử của đất nước Ca Tỳ La Vệ, tên là Tất Đạt Đa.
Tuy nhiên, Ngài lại chọn nơi đản sinh là khu rừng Lâm Tỳ Ni, có vườn hoa vô Ưu chứ không phải nơi cung điện xa hoa lộng lẫy.
Vậy việc chọn nơi đản sinh như vậy sẽ có những ý nghĩa gì đặc biệt gì? Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.
1. Sự đản sinh vi diệu, hiếm có nơi đời
Vì sắp đến kỳ sinh nên thuận theo lẽ thế tục Hoàng hậu Ma Da trở về nhà cha mẹ đẻ để sinh nở. Trên đường đi từ kinh đô Ca Tỳ La Vệ trở về quê mẹ, đến khu rừng Lâm Tỳ Ni thì Hoàng hậu trở dạ nên bà xuống xe. Khi đó, Hoàng hậu thấy hoa vô ưu rất đẹp, bà vịn tay lên cành hoa thì liền hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật Thích Ca sau này).
Chúng ta thấy rằng việc Hoàng hậu về quê mẹ hạ sinh là việc thuận theo đời, thuận theo thế tục, tức là việc thị hiện của Tái Tử Tất Đạt Đa là việc thuận theo tự nhiên. Nhưng Ngài lại được sinh ra giữa đường, trên con đường Hoàng hậu trở về, tức là lại có điều không thuận theo thế gian; khi bông hoa ưu đàm nở, nghìn năm mới có một lần, tỏa hương thơm ngát giữa dòng đời. Đó là một điều đặc biệt.
2. Con người phải tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên
Đức Phật đản sinh tại khu rừng Lâm Tỳ Ni, giữa rừng cây rất thiên nhiên là thị hiện thông điệp giáo dục của Ngài đối với nhân loại. Đó là, con người sinh ra từ thiên nhiên, không thể rời bỏ thiên nhiên nên chúng ta phải sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và tôn trọng sự sống muôn loài. Đó là niềm hạnh phúc của nhân loại.
Con người phải gắn với thiên nhiên thì mới có thể sống an ổn, lành mạnh. Ngược lại, nếu chúng ta hủy hoại môi trường, ác hại thiên nhiên thì chúng ta không thể sống an lạc. Tàn nhẫn với thiên nhiên, tàn phá môi trường, chặt cây, phá rừng, khai thác đào mỏ, lấy dầu… khiến khí hậu biến đổi thì chính nhân loại chúng ta cũng phải gánh chịu hậu quả.
Chư Tăng chùa Ba Vàng tu tập trong rừng, hòa mình với thiên nhiênVậy nên, khi Đức Phật giác ngộ đạt đạo, Ngài không chỉ tuyên thuyết mà còn đưa vào giới luật Phật. Đức Phật cấm chư Tăng cố ý, chặt phá, giẫm đạp cây cỏ; việc khạc nhổ lên cây cỏ hay tự ý nhổ cỏ, cắt cây là không được làm.
Và chúng ta cũng thấy rằng, hình ảnh một vị Thánh nhân ra đời giữa rừng cây muôn hoa đua nở sẽ đẹp hơn là một vị Thánh nhân sinh ra ở trong hoàng cung, nhung lụa. Hình ảnh ấy sẽ khiến mọi người kính ngưỡng Ngài rất nhiều. Không phải là Ngài không có phước để sinh ra trong hoàng cung, vì phước của Ngài đã là con vua; mà Ngài chọn nơi đản sinh giữa rừng hoa Vô ưu là thị hiện ý thông điệp là con người phải biết tôn trọng thiên nhiên, muôn loài.
3. Ngài không lệ thuộc bất kỳ đẳng cấp, giai cấp nào
Sự thị hiện đản sinh của Đức Phật giữa rừng cây, nơi mà muông thú đều đến được còn mang ý nghĩa đó là Ngài không lệ thuộc vào bất kỳ một đẳng cấp, giai cấp nào. Ngài không chọn hoàng cung quyền quý, xa hoa, nhung lụa cao sang, không cần sự tung hô của vua quan, quý tộc.
Đặc biệt hơn, sự đản sinh của Ngài còn có thể là theo truyền thống của các Đức Phật quá khứ. Nơi đản sinh, nơi thành đạo hay nhập diệt của các Ngài là những nơi rất giống nhau. Khu rừng Lâm Tỳ Ni cũng có thể là nơi đản sinh của những Đức Phật trong nhiều đại kiếp trước đó, cho nên Đức Phật Thích Ca cũng thị hiện sự đản sinh ở đây.
Đức Phật ra đời vì hạnh phúc của nhân loại, vì hạnh phúc của chúng sinh. Cho nên, sự thị hiện đản sinh của Ngài chắc chắn phải là lợi ích cho chúng sinh, hoặc giúp cho nhân dân, hoặc để cho giáo Pháp có thể được lan rộng.
Đức Phật đản sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni là sự kiện thiêng liêng và vô cùng hy hữu - sự đản sinh vì lợi ích cho nhân thiên và muôn loài. Nhân ngày Khánh đản của Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, chúng ta hãy cùng cảm niệm ân đức của Ngài đã thị hiện trên thế gian này để chúng sinh có nhân duyên với chính Pháp, đạt được giải thoát trong kiếp vị lai.