Sách Phật giáo
36 năm xây dựng, những thách thức trong mạng mạch trường tồn
Thứ hai, 14/11/2017 10:50
Chúng tôi thực hiện bài viết này qua chỉ thị chuyển tiếp của TT.Thích Đồng Bổn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu PGVN, từ Thông báo 052/TB.HĐTS ngày 27/03/2017 do TT.Thích Đức Thiện đã ký. Nhận thấy đây là một kỳ Đại hội quan trọng với những vấn đề ưu tư tồn đọng cần phải giải quyết dứt điểm cho bước đường tương lai được hanh thông, rạng rỡ qua tiêu chí của Đại hội. Một tương lai bước đi khi cần nhìn lại với những vấn nạn “giả sư”, “khất thực giả”, “mạo danh Phật giáo”, thậm chí từ “ma tăng” và “tà sư” đã bắt đầu xuất hiện, thách thức những lương tri chân chính đang từng bước ra sức xây dựng và bảo vệ mạng mạch Phật pháp trường tồn, trong đó GHPGVN là chủ thể đại diện duy nhất.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập trên cơ sở và nguyện vọng thống nhất Phật giáo của tăng, ni và phật tử cả nước. Với 7 nhiệm kỳ đã qua, bằng nhiều nỗ lực của khối đại đoàn kết, GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo nên thế đứng vững chắc trong và ngoài nước, có tiếng vang rất tích cực.
GHPGVN đang hướng đến một nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ thứ VIII 2017-2022 với một tinh thần phấn chấn bên cạnh những thành tựu vững bền làm đà phát triển hanh thông, nhiều hy vọng phát triển mới. Với hơn 12 Ban, Viện đủ nói lên tính đa dạng trong các mặt hoạt động cũng như nhiều sự triển khai song hành mang tính chất tùy thuận với xã hội đương thời một cách tự tại.
Để có thể nhìn lại cuộc hành trình hơn 36 năm qua của GHPGVN, cũng nên cần thiết dừng lại đôi phút, chỉnh trang y áo và nhìn lại một lần nữa bên trong những thành tựu ấy còn có những chướng ngại nào hay còn có những ước nguyện, chí nguyện chính đáng nào của tăng, ni, phật tử chúng ta chưa tròn tâm ý. Điều này rất có thể ít nhiều gây ra những va chạm nhất định, nhưng để câu châm ngôn ở mỗi hội trường các Ban Trị sự tỉnh, thành "Trưởng dưỡng đạo tâm - Trang nghiêm Giáo hội" không chỉ là một khẩu hiệu suông, không gì khác hơn chúng ta phải cùng nhau nhìn nhận những sự thật không vui này, vì đó cũng chính là chướng duyên, là mối lo ngại trên bước đường phát triển.
Chủ đề chính của Đại hội lần thứ VIII này có bốn tiêu chí "Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển". Chúng tôi xin được chọn tiêu chí "Kỷ cương", còn lại “Trí tuệ” (thì đã có chư tôn giáo phẩm, chư tôn đức lãnh đạo cũng như nhiều tăng ni, cư sĩ, phật tử đóng góp, thể hiện từng bước phát triển của GHPGVN thời gian qua); “Hội nhập” (Trong những thành tựu các mặt của GHPGVN với tinh thần cầu thị, đã giúp uy tín cũng như khả năng hoằng hóa của GHPGVN hội nhập vào các hoạt động, hoàn cảnh xã hội khác nhau trong cũng như ngoài nước. Giáo hội không còn đứng thế cô lập, xa rời thực tiễn và nhu cầu tu học của tăng, ni, phật tử).
“Phát triển” (Trên bước đường tiếp theo, nhu cầu phát triển dựa trên những thành quả đạt được là một sức mạnh có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Đó còn là trách nhiệm của các Ban, Viện khác của GHPGVN trong chiến lược phát triển lâu dài và điều này có thể nhìn thấy qua các báo cáo thành quả 35 năm qua. Còn lại, khi chọn nói đến “Kỷ cương” là nói đến sự thực thi nhất quán giới hạnh, đồng thời còn hàm chứa tất cả những văn bản mang tính pháp quy của GHPGVN. Điều này thời gian qua với những vụ việc chưa hay xảy ra đó đây, có lẽ hồ sơ lưu trữ của GHPGVN, cụ thể các Ban Hoằng pháp, Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát và Ban Thông tin Truyền thông vẫn còn nhiều dấu đóng "chờ giải quyết" không mong muốn!
Nếu căn cứ vào Hiến chương GHPGVN, vào nội quy từng Ban riêng biệt và nhất là phải đứng trên lập trường nhất quán, không vị nể hay để cảm tính lấn áp, thì có lẽ các sự việc sẽ được nhanh chóng giải quyết dứt điểm với tỷ lệ không nhỏ. Và thậm chí trước tình trạng dùng đồng tiền mua chức, mua ghế để thao túng từng bước hoạt động của GHPGVN, người có trách nhiệm không thể thờ ơ, xem nhẹ. Chúng ta phải thành thật nhận ra điều này và cố gắng bằng mọi biện pháp phải nhanh chóng loại trừ để bước đường tiếp theo của GHPGVN được trong sạch, hanh thông.
Ban Tăng sự, Ban Hoằng pháp, Ban Kiểm soát và Ban Pháp chế là những cánh cửa quan trọng của GHPGVN, có thể giúp tăng trưởng sức mạnh hay làm suy yếu các chủ trương hoạt động của GHPGVN. Nhược điểm còn tồn tại trong thời gian vừa qua có thể tóm tắt rằng: Ban Tăng sự chưa giúp gì nhiều hơn cho Ban Hoằng pháp đánh giá và khẳng định khả năng cũng như quyền hạn một vị pháp sư cụ thể hơn. Trong đó mạnh dạn đưa ra quan điểm chính thống vì sao vị A không được phép đăng đàn diễn giảng; vì sao vị Z được phép diễn giảng v.v...
Tình trạng "lấn sân", ai cũng có thể trở thành giảng sư đã ít nhiều để lại hệ quả những tư tưởng diễn giảng mâu thuẫn, đan xéo nhau, thậm chí đối lập nhau rất thô thiển. Trong các vụ xung đột, liên quan đến tính pháp lý thế tục khác cũng vậy, không riêng gì khía cạnh hoằng pháp. Vì vậy, Ban Kiểm soát như đứng ngoài vòng vây "mất kiểm soát", đôi khi chỉ đóng vai trò đồn trú trong một điếm canh, chỉ chờ có nơi phản ảnh hay kêu cứu mới thể hiện vai trò kiểm soát của mình! Có lẽ qua những thế bị động liên đới trên nên Ban Pháp chế cũng ít có cơ hội thể hiện mình, nếu không muốn nói là rất lúng túng trong phương hướng giải quyết từng vụ việc?
Tóm lại, Ban Tăng sự đã thực sự kiểm soát và quản lý nhân thân lẫn hồ sơ tăng tịch của từng cá nhân để đảm bảo tính nghiêm minh, xác thực và trong sạch hàng ngũ xuất gia (chắc chắn rằng trong hồ sơ còn tồn đọng những tăng tịch, chứng điệp giả mạo đã làm nhức nhối lãnh đạo Ban Tăng sự không ít?), từng bước tạo dựng lại niềm tin trong tứ chúng, xứng đáng một ngôi báu đáng quy kính?
Ban Hoằng pháp đã thực sự quản lý tốt đội ngũ giảng sư, đặc biệt thành phần xuất thân từ các môi trường phật sự chuyên môn cũng như luôn tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng và tâm nguyện dấn thân truyền bá chính pháp. Từ đó, càng nên mạnh tay, cương quyết hơn với những giảng sư tự phát, gây nhiều điều tiếng không hay cho Giáo hội, giảng giải theo cảm tính và trình độ hiểu biết hạn chế, gây tổn hại cho Phật pháp lâu dài. Chính hoạt động của hai ban vừa nói trên hơn lúc nào hết rất cần sự tương tác có hiệu quả từ hai ban còn lại: Ban Kiểm soát và Ban Pháp chế. Những sự việc không hay đã và đang diễn ra trong GHPGVN chúng ta đã phần nào trả lời cho những việc làm được và chưa làm được của các ban vừa nêu.
Đến đây chúng ta chắc cũng thấy rằng một trong bốn tiêu chí, tiêu chí “Kỷ cương” quan trọng đến chừng nào. Vì vậy lập lại kỷ cương rất cần thiết ở mọi nơi, mọi lúc, với GHPGVN chúng ta trong bước phát triển mới điều đó còn cần thiết hơn bao giờ hết. Kỷ cương ở đây không chỉ nằm gói gọn trong các quy định hay luật định GHPGVN, mà còn có cả trách nhiệm của từng nhân tố là tăng, ni hay phật tử cư sĩ, vốn đã thọ luật nghi giáo pháp, thực hành giới pháp nghiêm túc.
Ban Thông tin Truyền thông (Ban TTTT). Tuy được thành lập muộn hơn các Ban đồng cấp nhưng vai trò và tiếng nói của Ban này cũng không kém phần quan trọng. Ngoài việc góp chung tiếng nói hoằng dương chính pháp, về mặt tổ chức pháp lý Ban TTTT còn là tiếng nói chính thức, là diện mạo của tổ chức GHPGVN.
"Theo Quy chế về phát ngôn báo chí thì phát ngôn báo chí của Giáo hội chỉ được coi là phát ngôn chính thức khi người giữ quyền phát ngôn hoặc người phát ngôn lên tiếng. Người giữ quyền phát ngôn bao gồm: Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS), Phó Chủ tịch thường trực HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông (TTTT). Người phát ngôn của GHPGVN là Phó Trưởng ban Thường trực Ban TTTT GHPGVN được Trưởng Ban TTTT giao nhiệm vụ bằng văn bản. Hình thức phát ngôn bao gồm: Họp báo thường kỳ và họp báo đột xuất của người phát ngôn; họp báo của HĐTS do Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực chủ trì; Họp báo do Ban thường trực HĐTS phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác tổ chức; thông cáo báo chí của HĐTS, của Ban TTTT; trả lời phỏng vấn của người giữ quyền phát ngôn.
Nội dung phát ngôn bao gồm: Quan điểm, lập trường chính thức của GHPGVN về đạo Phật, về GHPGVN, về những vấn đề thuộc phạm vi liên quan tới hoạt động và tổ chức của GHPGVN; tình hình và kết quả trong công tác phật sự của GHPGVN; các vấn đề khác do người phát ngôn giao nhiệm vụ..." ( trích Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của GHPGVN).
Như vậy, ngoài Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐTS thì Ban TTTT có quyền hạn rất lớn trong việc giữ vai trò phát ngôn. Thế nhưng trên thực tế, từ khi có mặt song hành cùng hoạt động của GHPGVN, Ban TTTT dường như chỉ dừng lại ở nơi xuất phát, vẫn còn nguyên ý nghĩa và nhiệm vụ to lớn chưa được phát huy triệt để. Với đội ngũ thành viên và cộng tác viên hùng hậu, trải đều từ Bắc vào Nam, Ban TTTT có dư thừa khả năng thực thi nhiệm vụ chuyên môn Giáo hội giao phó, tiếc thay những dự định cao đẹp ấy vẫn chưa đạt đến mức để có thể báo cáo thành tích, để mỗi phiên họp tổng kết hằng năm hoàn toàn vắng mặt trong các báo cáo.
Nói đến Ban TTTT và quyền phát ngôn như vậy với những vấn đề chưa làm được để nhắc nhở với nhau rằng: hiện đã và đang có rất nhiều vụ việc GHPGVN cần phải lên tiếng qua hình thức phát ngôn và đương nhiên sẽ rất hợp lẽ khi người giữ quyền phát ngôn về các vụ việc ấy trước báo chí và thông tin ngoài Phật giáo phải là Ban TTTT. Đó cũng đồng nghĩa là tiếng nói của một kỷ cương cần phải gìn giữ.
Hy vọng từ nhiệm kỳ 2017-2022 sắp tới, các mặt hoạt động của GHPGVN, mà đi đầu là các Ban trực thuộc được kích hoạt mạnh mẽ và đồng bộ hơn, hỗ trợ tinh thần 36 năm dấn thân song hành cùng dân tộc trên bước đường hoằng pháp và góp phần dựng xây đất nước.
Dương Kinh Thành Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam
Ghi chú: Bài tham luận thể hiện góc nhìn, cách hành văn và lập luận riêng của tác giả.
Ghi chú: Bài tham luận thể hiện góc nhìn, cách hành văn và lập luận riêng của tác giả.