Kiến thức
5 phước báu lớn của sự bố thí
Chủ nhật, 04/11/2023 04:50
Vào thời Đức Phật Kassapa, có hai nhà Sư là bạn thân với nhau. Một người hằng có tâm bố thí cúng dường, người còn lại thì không có tâm làm phước bố thí. Người hằng có tâm làm phước bố thí thường động viên nhắc nhở vị Sư bạn mình rằng:
- Này bạn, hãy phát tâm bố thí, vì trong vòng luân hồi sanh tử này, nhờ phước lành của bố thí bảo trợ mà chúng ta sẽ không bị thiệt thòi và nếu có nhiều ước nguyện sẽ dễ dàng thành tựu. Vì vậy chúng ta hãy nên tranh thủ khẩn trương bố thí.
Mặc dù thường xuyên được sự động viên, ân cần nhắc nhở, nhưng vị Sư bạn vẫn không rộng lòng thực hiện hạnh bố thí. Vào cuối kiếp đó, cả hai vị hết tuổi thọ được sanh luân lưu trong hai cõi trời người nhiều kiếp. Đến thời Phật Tổ Thích Ca Gotama, vị Sư có tâm rộng lòng bố thí thọ sanh vào làm con trai của vua nước Kosala. Đó là vị hoàng tử được sống trong sự vinh quang của cung vàng, điện ngọc, trong nhung lụa, giàu sang, phú quý. Còn vị Sư không rộng lòng bố thí lại thọ sanh vào làm con trai người nữ nô tì nghèo nàn phục dịch trong cung điện.
Vào một ngày nọ, Thái tử con vua Kosala nằm trên long sàn, do phước đặc biệt đã tạo từ quá khứ mà Thái tử nhớ biết được quá khứ, và có sự hiểu biết được rõ ràng do nguyên nhân nào từ quá khứ mà mình được thọ hưởng cảnh giàu sang, cung vàng, điện ngọc này. Trong khi suy tư về quá khứ, thái tử bỗng nhớ đến một vị sư bạn thân từ thời đức Phật Kassapa: "Vào thời ấy, ta thường động viên thúc đẩy vị Sư bạn của ta hãy khẩn trương rộng lòng bố thí, nhưng người ấy vẫn không chịu nghe theo. Không biết bây giờ bạn ta đã thọ sanh về đâu?". Nghĩ đến đó Thái tử thấy ở dưới cung điện, vị Sư bạn mình đã hạ sanh làm con trai của nữ nô tì nghèo nàn phục dịch trong cung điện. Gặp lại người bạn xưa trong cung điện, Thái tử cất giọng hỏi với xuống dưới rằng:
- Này bạn! Vào kiếp xưa ta thường động viên thúc đẩy bạn bố thí nhưng bạn không chịu nghe theo, do nhân đó mà nay bạn phải chịu thọ sanh vào gia đình người hầu hạ. Này bạn hãy nhìn kỹ vào ta! Bây giờ ta đang nằm trên giường vàng, ghế ngọc, chung quanh gấm vóc lụa là,... ấy là bởi nhân của sự rộng lòng bố thí của ta từ trước vậy.
Con trai người nữ nô tỳ bấy giờ đáp trả lại rằng:
- Này Thái tử! Bạn bây giờ dù có cung vàng, điện ngọc, gấm vóc lụa là, nhưng suy cho cùng tất cả cũng chỉ là tứ đại: đất, nước, gió, lửa đó mà thôi. Tất cả rồi sẽ bị tiêu hoại cũng như ta bây giờ: giường rách, áo tơi dưới gầm cung điện, nhưng tất cả cũng chỉ là do tứ đại hợp thành mà thôi, chẳng khác gì bạn đâu!
Ngay vào lúc đó, nàng công chúa Sumana - con của đức vua - là người chị của Thái tử khi nghe cuộc nói chuyện giữa hai bạn trẻ này, nàng giật mình kinh ngạc thầm nghĩ rằng: "Hai trẻ này vào độ tuổi chưa biết nói mà lại nói chuyện được. Đặc biệt hơn nữa chúng lại có sự hiểu biết sâu sắc về bản chất cấu tạo của mọi sự vật, như tất cả chỉ là đất, nước, gió, lửa. Điều hy hữu này khó ai mà hiểu rõ nguyên nhân, chỉ có Đức Phật mới có thể hiểu được. Ta nên đến hỏi Ngài mới được!”. Sau đó, nàng công chúa Sumana cùng với 500 cô hầu nữ thắng 500 cỗ xe đi thẳng đến Kỳ Viên Tịnh Xá tại kinh đô thành Xá Vệ, nơi đức Phật Gotama đương ngự. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, nàng ngồi một nơi hợp lẽ rồi cung kính thưa rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu trong Tăng đoàn đệ tử Ngài, có hai người đều ngang nhau về giới (đức hạnh), đều ngang nhau về đức tin và ngang nhau về trí tuệ. Trong hai người đó, một người có sự bố thí cúng dường, còn người còn lại không có sự bố thí cúng dường. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, đồng được sanh về cõi trời thì giữa hai người đó có gì đặc biệt không? Có gì khác nhau không?
Đức Phật khẳng định:
- Có sự đặc biệt khác nhau, này Sumana! Tuổi thọ tại cõi trời; sắc đẹp tại cõi trời; giàu sang tại cõi trời; tuỳ tùng đông hầu hạ tại cõi trời; oai lực danh xưng tại cõi trời. Này Sumana! Người lúc trước có sự bố thí hơn hẳn người không có bố thí về năm phước báu này.
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Sau khi hết tuổi thọ tại cõi trời, nếu đầu thai xuống trần gian làm loài người thì giữa hai người đó có gì đặc biệt không? Có gì khác nhau không?
- Tuổi thọ dài tại cõi người, giàu sang tại cõi ngưòi; sắc đẹp tại cõi người; tuỳ tùng đông tại cõi người và có oai lực danh xưng tại cõi người. Này Sumana! Người lúc trước có sự bố thí sẽ hơn hẳn người không có sự bố thí về 5 phước báu này trong thế giới loài người.
- Kính bạch Đức Thế Tôn. Nếu cả hai người ấy cùng rời khỏi gia đình để trở thành bậc xuất gia tu hành thì có gì đặc biệt khác nhau giữa hai người?
- Này Sumana! Mặc dầu tuy bề ngoài giống nhau về hình thức là bậc xuất gia, nhưng có sự đặc biệt khác nhau giữa hai vị tỳ kheo ấy. Vị tỳ kheo có nhân bố thí từ trước hơn hẳn vị tỳ kheo không có nhân bố thí từ trước bởi các pháp sau:
Nếu có nhu cầu xin thọ nhận sự cúng dường về vải vóc, y áo, thì sẽ được nhiều y áo. Nếu không có nhu cầu xin thọ nhận sự cúng dường thì cũng được ít y áo.
Nếu có nhu cầu xin thọ nhận về cơm, vật thực, thì sẽ được nhiều cơm và vật thực, nếu không có nhu cầu thọ nhận về cơm và vật thực thì cũng nhận được ít.
Nếu có nhu cầu xin thọ nhận sự cúng dường về thuốc men chữa bệnh thì sẽ được thọ nhận nhiều thuốc men chữa bệnh. Nếu không có nhu cầu về thọ nhận thuốc men để chữa bệnh thì cũng nhận được ít.
Nếu có nhu cầu xin thọ nhận sự cúng dường về chỗ ở, thì sẽ được chỗ ở tốt lành. Nếu không có nhu cầu xin thọ nhận chỗ ở, thì cũng được chỗ ở.
Là người thoả thích trong nhiều cử chỉ, hành động; tư cách, tác phong lịch sự; rất ít thể hiện những tư cách, tác phong không đẹp mà mình không vừa lòng.
Là người thoả thích nhiều đối với những lời nói có tư cách, có lợi ích và rất ít thể hiện về những lời nói không đẹp, không có lợi ích.
Nếu tâm thoả thích nhiều về sự cung kính, cúng dường của người khác thì sẽ được thọ nhận sự cung kính, cúng dường của người khác. Ngược lại, nếu không thoả thích sự cung kính, cúng dường (về một phương diện nào đó) thì sẽ thọ nhận được ít sự cung kính, cúng dường ấy.
- Này Sumana! Vị Tỳ kheo có sự bố thí từ trước hơn hẳn vị không có sự bố thí từ trước bởi 5 phước báu trên trong đời sống xuất gia tu hành...
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu cả hai Tỳ kheo cùng tinh tấn hành đạo và cùng chứng đắc đạo quả A la hán thì có sự đặc biệt khác nhau gì giữa hai bậc thánh A la hán này chăng?
- Này Sumana! Như Lai không nói rằng là có sự khác nhau giữa hai bậc Thánh nhân đã đắc đạo quả A la hán này.
- Kính bạch Đức Thế Tôn. Vô cùng tuyệt vời thay! Vô cùng vi diệu thay! Kính Bạch Đức Thế Tôn! Điều không thể thành tựu mà luôn luôn thành tựu. Sự bố thí là việc làm hợp lẽ. Các việc phước thiện là việc đáng nên làm.
- Này Sumana! Với các quả lành này, sau khi sanh vào cõi trời cũng được hưởng sự an lạc thù thắng. Khi sanh vào cõi người cũng được hưởng thọ các phước lành ấy. Thậm chí các quả lành ấy vẫn bảo trợ đời sống vị Tỳ kheo cho đến thời gian cuối cùng khi nhập vào Niết Bàn vô sanh bất diệt. Đó là những sự thật! Đó là điều thực tế! Này Sumama! Như mặt trăng giữa bầu trời kia không bợn nhơ, không vẩn đục. Ánh sáng của nó lấn át những vì sao đêm như thế nào, thì cũng vậy, trong thế gian này người có đầy đủ giới đức; đầy đủ đức tin; lại thêm rộng lòng bố thí thì sẽ hưởng những quả lành thù thắng hơn hẳn người có giới, có đức tin mà không rộng lòng bố thí dường như thế ấy.
- Quả đúng như vậy, này Sumana! Người bố thí sẽ hơn hẳn người không bố thí bởi 5 pháp.
1. Tuổi thọ dài.
2. Dung sắc xinh đẹp.
3. Tuỳ tùng đông, nhiều oai lực.
4. Giàu sang phú quý.
5. Khi chết sinh về cõi trời và thọ hưởng được nhiều an lạc.
(Trích từ “Những lời dạy vàng của Đức Phật” - Tỳ kheo Thiện Minh (Bhikkhu Varapanno))