Đức Phật
7 thứ tài sản của bậc Thánh
Thứ bảy, 03/10/2019 07:04
Nhân Phật về Thành Ca Tỳ La Vệ giáo hóa, công chúa Da Du Đà La bảo con mình đến xin Phật chia gia tài, Phật nói ta không còn nắm giữ tài sản thế gian, chỉ có tài sản của bậc Thánh. La Hầu La nghe Phật nói liền chấp nhận và sau đó phát tâm xuất gia tu theo Phật.
Này các bạn, đức Phật của chúng ta trước khi đi tu vẫn có vợ có con, sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề thấu rõ mọi nguyên lý sai biệt như phải quấy, tốt xấu, nên hư, thành bại trong cuộc đời đều do chính mình tạo lấy, sau đó Phật mới trở về tiếp chúng độ sinh.
Bảy thứ gia tài Thánh nếu chúng ta biết ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày, thì chúng ta sẽ giàu có và tràn đầy hạnh phúc, không một ai có thể cướp đi được. Đức Phật của chúng ta đã thừa hưởng gia tài đó, nên đã không còn luyến tiếc cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan và thần dân thiên hạ. Gia tài tâm linh đó là bảy gia tài bậc Thánh: Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, huệ - bảy thứ này nếu chúng ta biết cách tiếp nhận thì sẽ làm chủ bản thân mà sống đời an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.
TÍN
Tín ở đây là lòng tin, trước tiên là phải tin sâu nhân quả, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu đau khổ. Chính ta là chủ nhân của bao điều họa phúc, chứ không có một đấng thần linh, thượng đế nào có quyền ban phước giáng họa.
Kế đến là tin có Bụt trong lòng mỗi người, Bụt là tiếng đọc trại của chữ Buddha hay còn gọi là người giác ngộ, người tỉnh thức, nói gọn lại gọi là Bụt. Bụt là từ ngữ của người Việt Nam đã được sử dụng qua thơ ca truyện cổ trên hai ngàn năm nay. Người Trung Hoa gọi là Phật, nói cho đủ là Phật đà, nói tắt là Phật. Tin chính mình là Phật, trong kinh hay nói ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành.
Tin như vậy là lòng tin chân chính, sau khi chúng ta biết suy xét quán chiếu và tu sửa, nên đã thể nghiệm rõ ràng mà không lầm lẫn. Con người vì không biết, tự khinh thường mình nên đành chấp nhận số phận đã an bài mà sống trong đau khổ lầm mê.
Có một Bồ tát tên là Thường Bất Khinh, chuyên trì hạnh khơi mở Phật tính sáng suốt cho mọi người, cho nên dù bị ai chửi mắng đánh đập ngài chỉ nói một câu: “Tôi không dám khinh các ngài vì các ngài sẽ thành Phật”.
Bồ Tát Thường Bất Khinh suốt đời chỉ hành trì một câu ấy để nhắc nhở chúng ta biết quay lại chính mình mà sống với tính biết sáng suốt đó, đang tiềm ẩn ngay nơi thân này. Niềm tin đó sau khi đã kiểm chứng qua sự tu tập, thì dù ai nói ngả nói nghiêng nhưng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Một hôm Phật đến làng nọ để giáo hóa thì mọi người ở đây mới thưa hỏi rằng: “Chúng con là người dân chưa đủ niềm tin vững chắc đối với các tôn giáo, ai đến đây cũng tuyên truyền đạo của mình đều tốt và khuyên mọi người nên tin theo. Chúng con làm thế nào để biết rõ đạo nào tốt, đạo nào xấu, đạo nào đúng, đạo nào sai?”
Phật không trả lời mà hỏi lại:
- Này các thiện nam tín nữ, giết hại có lòng từ bi không? Dạ không ạ! - Gian tham trộm cướp có từ bi không? Dạ không ạ! - Uống rượu say sưa có lòng từ bi không? Dạ không ạ!
Tôn giáo nào khuyên nhủ không làm các điều trên thì nên tin theo. Thật ra đức Phật của chúng ta quá khôn khéo, vì ngài lúc nào cũng khuyên giữ các giới điều đó để thể hiện lòng từ bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
Thế cho nên đạo Phật là đạo của từ bi, là đạo của tình thương, là đạo của tỉnh thức, là đạo của con người, vì con người mà thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Khi được nghe Phật giải thích rành rẽ từng chi tiết cụ thể, tất cả người dân ở đây đều xin quy y với Phật và phát nguyện gìn giữ năm điều đạo đức và tu mười điều lành.
GIỚI
Giới giúp cho chúng ta ngăn ngừa việc xấu ác không rơi vào hố sâu của tội lỗi, giới như con đường sáng phá tan si mê, tối tăm mờ mịt.
Chị lươn và chị cá rô là đôi bạn thân tuy không phải cùng chung giống nòi, nhưng do cuộc sống gần gũi thân cận nên hai chị em sống với nhau rất có tình có nghĩa. Một hôm chị lươn đi chơi xa vô tình gặp được mòi ngon, đương say mê thưởng thức nhưng nhớ chị bạn ở nhà nên về rủ chị cá rô cùng thưởng thức mòi ngon. Chị cá rô cứ từ chối mãi, rằng em đã dùng bữa no rồi để khi khác đi chị lươn à.
Nhưng vì hiếu ăn nên chị lươn cứ năn nỉ hoài, làm chị cá rô động lòng không từ chối được. Đến nơi, chị rô cảm thấy không an tâm cho lắm nên cứ đứng nhìn trau tráu vì thấy đó là cái rọ bên trong có nhiều thức ăn. Chị lươn nói không sao đâu, tôi từ sáng đến giờ ra vô bình thường ăn uống thoải mái, chị hãy cùng vào ăn với tôi. Chị rô nghe năn nĩ mãi cầm lòng không được đành chui vô theo.
Sau khi ăn no chị lươn ung dung trườn ra khỏi rọ một cách thoải mái nhẹ nhàng, còn chị cá rô cứ loanh quanh lẩn quẩn mãi mà không tìm được lối ra. Bằng đủ mọi cách chị ta vùng vẫy để chui ra, nhưng mà ra không được đến nỗi thân thể bị trầy da tróc vẫy đủ chỗ. Chị lươn bên ngoài tưởng chị cá rô đùa giỡn chơi trong rọ nên càng thúc nhanh hơn, chúng ta hãy mau về kẻo trời tối. Nhưng trớ trêu thay, “cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng mấy thuở nào ra.”
Chị cá rô càng vùng vẫy để thoát thân thì càng thương tích đầy mình, cho nên thân thể đau nhói, tâm tư hoảng loạn và lo lắng sợ hãi mà khóc mếu máu. Còn chị lươn cứ nghĩ rằng bạn mình đùa giỡn chút thôi, nào ngờ đâu tình thế lại càng trở nên bi đát hơn, cuối cùng chị lươn mới biết bạn mình mắc bẫy, trong lòng ăn năn hối hận vô cùng vì thương bạn mà thành ra hại bạn.
Câu chuyện trên được dừng lại nơi đây để tôi và bạn cùng suy ngẫm, đứng về tâm lý học, đạo Phật không cấm chúng ta vui chơi hưởng thụ các dục lạc thế gian. Phật vẫn cho phép và khích lệ người cư sĩ tại gia, có quyền làm giàu để hưởng thụ trong phạm vi của mình vừa phải, để không dẫn đến tha hóa nhân cách đạo đức, bằng công sức của chính mình tạo ra.
Này các bạn, sống trên thế gian giữa dòng đời nghiệt ngã chúng ta cần phải có hiểu biết chân chính và nhận thức sáng suốt, để biết cách khéo léo mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Nghịch cảnh hay chướng duyên nó chỉ là sự thử thách để giúp ta rèn luyện nhân cách đạo đức, mà vươn lên vượt qua vũng bùn tội lỗi. Cạm bẫy cuộc đời rất đa dạng, phong phú, tất cả đều dựa trên lòng tham muốn ích kỷ quá đáng của chúng ta, nếu các em không biết đưa vào dược chất tâm linh để có hiểu biết chân chính, mà sáng suốt vươn lên làm chủ bản thân, do đó không bị sự cám dỗ của thế gian làm mê mờ.
Đối với người cư sĩ tại gia, Phật cho phép chúng ta có quyền làm giàu và hưởng thụ những gì mình có được, nhưng vừa phải hài hòa, không quá mức để làm ảnh hưởng đến đời sống người khác.
Chị lươn vì thương bạn nên muốn chị cá rô cùng vui hưởng với mình, mà không biết cái rọ là cái bẫy, bẫy tiền tài, bẫy sắc đẹp, bẫy danh vọng, bẫy ăn ngon mặc đẹp và ngủ nhiều. Trong cái rọ đó có nhiều con mồi có thể giúp cho các em sống được một tháng, hai tháng, một năm, hai năm hoặc cả một đời, cho nên ai mà không ham, không muốn.
Chính vì sự ham muốn đó mà các em sẽ dễ dàng bị mắc bẫy, dù lúc đó có muốn ăn năn hối hận cũng đã muộn màng rồi. Nhưng tại sao chị lươn vẫn ung dung thoải mái mà không bị mắc bẫy, còn chị cá rô thì quằn quại đau thương trong ngục tù tội lỗi.
Chuyện ngụ ngôn trên cho chúng ta một bài học thiết thực trong cuộc đời, chị lươn tượng trưng cho người biết gieo trồng phước đức, giữ gìn giới hạnh tốt nên dù có hưởng thụ đôi chút nhưng vẫn không bị sự trói buộc của cạm bẫy. Còn chị cá rô do không biết tích lũy phước báo, giữ gìn giới hạnh tốt nên khi hưởng thụ không biết cách kiềm chế, thúc liễm thân tâm, nên dễ dàng bị dính mắc sa ngã.
Nhìn lại thực tế cuộc đời, có biết bao người vướng vào vòng tù tội cũng chỉ vì cái bẫy của chính mình, cái bẫy của người thân, cái bẫy của bạn bè, cái bẫy của kẻ thù mà làm cho ta vô cùng đau khổ, không biết làm sao khi chuyện đã lỡ làng rồi. Ngày nay một số người bị vướng vào các tệ nạn xã hội cũng chỉ vì ham vui nghe theo lời bạn bè, hoặc vì buồn bực bất mãn gia đình mà tự mình lao đầu vào bẫy, để rồi một phút bồng bột ham vui cuối cùng mang họa vào thân, sống trong đau khổ lầm mê.
Chỉ có đạo Phật mới giúp cho chúng ta thấu hiểu kiếp nhân sinh, khi lớn lên biết sống với tình yêu thương chân thật, biết sống với trái tim hiểu biết, hay giúp người cứu vật và không hề làm tổn hại cho ai. Chị cá rô do tin theo bạn bè mà không biết phân biệt đúng sai nên đã vướng vào vòng lao lý, khi đã thức tỉnh thì quá muộn màng, đành chịu quả báo khổ đau.
Con người sở dĩ bị vướng vào vòng lao lý tù tội là vì không biết giữ gìn năm giới của đạo Phật mà thế giới này luôn xảy ra chiến tranh, binh đao tàn sát giết hại lẫn nhau, từ sự không giữ giới sát sinh hại vật mà ra.
Thế cho nên chúng ta phải ý thức được sự khổ đau do sự giết hại gây ra, các em không được giết người, không được xúi bảo giết người, không vui vẻ đồng tình việc giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật cho đến khi nào chúng ta đủ sức dứt trừ việc sát sinh hại vật. Và chiến tranh sẽ chấm dứt khi mọi người ý thức giữ giới không giết hại.
Chúng ta ý thức sự khổ đau do gian tham trộm cướp, lừa gạt gây ra nên quyết tâm không vi phạm và thế giới này sẽ không còn tư tưởng xâm lăng, làm hại nhau. Không nói dối hại người, thì nhân loại sẽ sống bằng trái tim hiểu biết.
Không tà dâm phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác thì mình và người dễ dàng thương yêu đùm bọc giúp đỡ trong sự quý kính tôn trọng lẫn nhau.
Không uống rượu say sưa và dùng các chất kích thích như xì ke ma túy và các chất độc tố, thì nhân loại sẽ sống với nhau bằng sự thương yêu bình đẳng. Nhờ giữ giới với tâm từ bi rộng lớn nên đã giúp cho chúng ta không rơi vào hố sâu của tội lỗi mà hay giúp người cứu vật.
TÀM
Tàm là biết hổ thẹn với chính mình khi làm điều sai quấy. Biết ăn năn hối lỗi tự biết xấu hổ với chính mình, thường tôn trọng danh dự cá nhân nên không bao giờ để tái phạm lại lỗi lầm xưa.
QUÝ
Quý là biết hổ thẹn với người nên cố gắng không làm điều xấu ác. Khi ta lỡ làm một điều gì lầm lỗi ta cảm thấy ăn năn, ta cảm thấy hối tiếc mà cố gắng tìm cách khắc phục sửa sai. Người biết hổ thẹn xấu hổ với lỗi lầm, tức còn thấy mình sai nên cố gắng sửa sai do đó có cơ hội làm mới lại chính mình mà vươn lên vượt qua số phận tối tăm.
VĂN
Văn là học rộng, nghe nhiều mở mang kiến thức để sau này lớn lên phục vụ nhân loại, thành tựu sự nghiệp thế gian. Cho nên chúng tôi có hai câu đối để tự răn nhắc chính mình nhiều hơn: Học mở rộng tầm nhìn kiến thứcTu sửa tâm ngày một sáng trong.
Học là một nhu cầu cần thiết trong đời sống của chúng ta, nhỏ mà không học, lớn không làm gì lợi ích cho ai. Các bạn có thể học từ trường lớp qua sự chỉ dạy của thầy cô giáo, học từ bạn bè, học từ cha mẹ, học từ kinh nghiệm cuộc sống hay tự học qua sách vở. Nhờ có học, các bạn mới biết được thiên hình vạn trạng trên thế gian này mà áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Đa số con người làm nên việc lớn là nhờ từ siêng học mà ra.
Người thiếu học thường ít thành công trên đường đời vì không đủ khả năng để gánh vác công việc cần có tri thức. Cho nên học phải đi đôi với hành, học là quá trình nghiên cứu tìm tòi, hành là đem áp dụng vào cuộc sống thực tế để phục vụ tốt cho nhiều người.
THÍ
Thí là tâm biết buông xả các phiền muộn khổ đau có tính cách hại người vậy, ngoài ra còn biết bố thí cúng dường, cung kính hiếu dưỡng với ông bà cha mẹ, biết ơn thầy cô giáo và sẵn sàng chia vui sớt khổ khi gặp người hoạn nạn khó khăn. Bố thí cúng dường giúp đỡ chia sẻ là mục đích đầu tiên Phật dạy chúng ta, là nhân dẫn đến sung mãn về tài sản tiền bạc vật chất dồi dào, nhờ vậy đời sống con người được ổn định mà có cơ hội tu tâm dưỡng tính. Do đó:
Phật dạy pháp bố thí
Để chuyển hóa nghèo khổ
Để dứt trừ tham si
Nhờ vậy nên dễ tu.
Khi chúng ta có được đời sống ổn định về vật chất, đỡ phải bận bịu lo toan việc cơm áo gạo tiền, do đó có thời gian mà làm các việc hữu ích khác. Người nghèo khổ, cuộc sống khó khăn thường làm cho họ hay oán trời trách đất, đổ thừa xã hội gia đình người thân nên không có điều kiện đóng góp phúc lợi xã hội.
HUỆ
Huệ là trí tuệ thấy biết đúng như thật, nhờ có tu tập nên dễ dàng buông xả tâm tham đắm si mê hại người vật. Làm tất cả sáu điều trên mà không có trí huệ sáng soi thì không thể thành tựu viên mãn, bởi lòng tin mà không có trí huệ dễ trở thành mê tín, có phước mà không có huệ thì phiền não tham sân si còn hoài, phước là cái đóng góp bên ngoài, huệ là quán chiếu lại bên trong để thấy rõ thật tướng của các pháp là do nhân duyên theo nguyên lý: “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Nên ta phục vụ đóng góp làm việc mà không bị các dục lạc thế gian làm mê mờ.
La Hầu La khi nghe Phật trao cho mình gia tài tâm linh liền nhận chịu và phát tâm theo Phật về tịnh xá. Nhưng vì còn nhỏ tuổi nên chú tiểu La Hầu La hay tinh nghịch phá phách, nói dóc, nói láo làm ảnh hưởng đến sự tu hành của đại chúng.
Một hôm, Phật biết chuyện liền đi đến để chỉ dạy cho La Hầu La. Phật đến nơi thì chú tiểu múc một chậu nước để cho Phật rửa chân, sau khi rửa chân xong Phật hỏi chuyện gia tài tâm linh con đã tiếp nhận đầy đủ chưa, chú tiểu khép nép một bên không nói gì.
Phật chỉ chậu nước rửa chân đã dơ hỏi chú tiểu La Hầu La, nước này có thể dùng để ăn uống, súc miệng hay rửa mặt nữa hay không?
Chú tiểu thưa: "Dạ kính bạch Thế tôn nước đã dơ không dùng được nữa". Phật mới chỉ dạy: "Này La Hầu La, con người mà không nói lời thành thật và sống chân thật cũng vô dụng như chậu nước dơ kia không thể xài vào việc gì đành phải đổ bỏ đi".
Sau đó, Phật bảo chú tiểu đổ hết nước trong chậu đi, rồi hỏi: "Chậu này giờ có thể đựng đồ ăn uống được không?"
"Kính bạch thế tôn, chậu này đã đựng nước dơ nên không thể đựng đồ ăn uống".
Phật dạy tiếp, con người mà không có lòng chân thật như cái chậu đã đựng đồ dơ làm sau con có thể tiếp nhận được gia tài tâm linh của Như Lai. Nói xong, Phật đá chiếc chậu bể nát rồi hỏi chú tiểu chiếc chậu này đã bể có đáng tiếc hay không?
Chú tiểu trả lời, dạ không còn gì để tiếc nữa vì chậu kia đã đựng đồ dơ.
Cũng vậy, này La Hầu La, người tu mà không biết sống chân thật, thành thật thì các bậc hiền Thánh không ai thương mến cả thì làm sao con có thể tiếp nhận gia tài tâm linh đễ vượt thoát cạm bẫy cuộc đời, mà sống có nhân cách và đạo đức vì lợi ích tất cả chúng sinh.
Quả nhiên chú tiểu La Hầu La biết ăn năn hối cải, biết hổ thẹn với chính mình và thức tỉnh sám hối với các bậc hiền Thánh, cố gắng tu tập, sau này trở thành mười vị đệ tử xuất sắc nhất của Phật.
“Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Lời nói là sự biểu lộ phẩm giá và nhân cách của một con người. Người ta có thể thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn và cũng có thể ghét nhau vì lời nói, vậy nói sao cho vừa lòng nhau. Lựa lời là chúng ta biết chọn lọc những từ ngữ diễn đạt thích hợp với vai vế của từng người, từng sắc thái hoàn cảnh khác nhau.
Như vậy, hai câu nói trên muốn khẳng định nếu biết chỉnh chu lời nói thì ta sẽ được mọi người tôn trọng, yêu mến, xây dựng được các mối quan hệ xã hội lành mạnh và tốt đẹp. Để đạt được sự thân thiện, khi nói ta diễn đạt làm sao không làm tổn thương người khác, gắn kết tâm hồn con người lại với nhau, viết nên những cảm xúc, ấn tượng đẹp trong giao tiếp.
Sở dĩ chúng ta phải ăn nói thật cẩn thận như thế, là vì lời nói vừa có thể xây dựng tốt đẹp các mối quan hệ xã hội và cũng có thể hủy hoại nó ngay tức thời. Nhất là trong kinh doanh hay ngoại giao, lời nói còn quyết định sự thành công hay thất bại.
Lời nói là một phương tiện hữu hiệu để truyền đạt cho người khác biết những tư tưởng, những ý nghĩ, những ước muốn thầm kín, nhờ đó tạo nên một nhịp cầu cảm thông cho nhau. Lưỡi đóng một vai trò quan trọng như vậy, song cái lưỡi cộng với lời nói lại chính là nguyên cớ làm cho chúng ta dễ hiểu lầm nhau hơn, mà dẫn đến ganh ghét hận thù làm khổ cho nhau. Cho nên tục ngữ có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” là vậy.
Nghĩa là cái lưỡi của con người không có xương, cho nên con người muốn nói kiểu nào, muốn nói cách nào, muốn nói thế nào cũng được, cũng lời nói đó họ nói đúng nói sai gì cũng được. Những người thường hay nói ngược nói xuôi, không giữ uy tín, không giữ tư cách, không giữ lời hứa, người ta hay mỉa mai đó là hạng người trở mặt nuốt lời, như người bán bánh tráng mà trở qua trở lại.
Bởi thế người xưa thường nói “một người nói ngang ba làng cãi không lại” là vậy đó. Vì sao khi có một người, nói năng ngang tàng, bất kể lẽ phải, bướng bỉnh cố chấp, đi khắp ba làng, chẳng ai đếm xỉa, chẳng ai thèm cãi, chẳng ai ngu dại, phí công phí sức, phí cả thời gian, hơn thua với họ.
Có những lời nói khi thốt ra thì làm cho tan nhà nát cửa, mất nước hại dân. Nhưng, cũng có những lời nói làm cho gia đình hạnh phúc biết sống yêu thương nhau, bằng trái tim hiểu biết. Chính vì vậy, trước khi nói chúng ta cần phải uốn lưỡi bảy lần và quyết tâm nói lời chân thật, nghĩa là chuyện không nói không, chuyện có nói có, không nói dóc nói láo, không nói lời bịa đặt, không nói lời móc họng, không nói lời hằn học mắng chửi, không nói lời làm mê hoặc lòng người để dụ dỗ và không nên trước mặt nói tốt, sau lưng nói xấu hoặc nói cho hai bên hiểu lầm nhau…
Nói chung những gì ta nói nhằm mục đích để hại người thì ta cố gắng không để cho nó phát sinh, khi đã lỡ nói rồi thì ta phải tìm cách xin lỗi, không để cho đối phương buồn giận mà sinh đau khổ, do đó lời nói rất quan trọng và hữu ích, nếu ta biết nói lời yêu thương chân thật. Chân thật và sự thành tâm là biểu hiện đạo đức của bản thân không che giấu điều gì, vì người ấy biết hổ thẹn xấu hổ với chính mình mà cố gắng tu sửa và biết xấu hổ với người khác, nên không bao giờ dám làm điều sai quấy nữa, nhờ vậy mà luôn sống tốt hơn với mọi người.
Thành thật là một đức tính cao quý có giá trị trong đời sống hằng ngày, nếu sau này các bạn lớn khôn, có nhà cao cửa rộng, có quyền uy thế lực, giàu có sang trọng mà thiếu sự thành thật thì chỉ làm khổ thiên hạ bởi vì các bạn đang lừa dối mọi người. Nhân lừa dối thì quả sẽ mất mát đau thương khi hội đủ nhân duyên.