Kiến thức
8 hoạt động bổ ích giữ năng lượng tích cực trong đại dịch
Thứ ba, 24/06/2021 11:01
Đại dịch COVID-19 đang tác động đến toàn thế giới. Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng mà còn là một biến cố lớn đối với nhân loại, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại, sức khỏe cộng đồng và an toàn xã hội.
Tại Việt Nam, lần tái phát thứ 4, kèm theo dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhất là khi có sự xuất hiện của biến chủng mới. Vì vậy, bên cạnh việc khẩn trương đưa vắc xin vào sử dụng trong cộng đồng, thì thực hiện giãn cách xã hội được xem là biện pháp song song được áp dụng để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã gây ra những xáo trộn to lớn trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 28/5/2021 đã đăng bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có đoạn: “Đại dịch COVID-19 đã và đang đe dọa an toàn – sức khỏe nhân dân ta. Xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là với những người dân nghèo. Rất nhiều gia đình đã mất việc làm, hoặc thu nhập hết sức bấp bênh trong 1 năm rưỡi qua”.
Ngoài ra, có thể kể thêm đại dịch làm gián đoạn các hoạt động giáo dục đào tạo. Rất nhiều trường học ở tất cả các cấp phải đóng cửa. Việc học tập của học sinh, sinh viên cũng gặp không ít xáo trộn, lịch học, lịch thi trong năm học phải điều chỉnh liên tục… Hệ quả là tâm lý của học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ đến bạn đọc một số hoạt động bổ ích, thiết thực có thể làm trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống covid để vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách nhẹ nhàng, tỉnh thức.
"Muôn kiếp nhân sinh 2" - "Liều vaccine" tinh thần giúp con người vượt qua đại dịch
Trước hết, đại dịch là một sự thật đã và đang diễn ra khiến chúng ta vô cùng lo ngại. Nhưng tránh né không phải là cách, hãy đối diện với những lo sợ để tìm cách vượt qua
Nếu bạn đang cảm thấy buồn chán, căng thẳng, vô vọng, mất phương hướng, luôn suy nghĩ về những điều tiêu cực để rồi lo sợ hoặc tức giận. Tình trạng này trong khủng hoảng là điều bình thường, và để không rơi vào nguy cơ trầm cảm bạn hãy trò chuyện và chia sẻ với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc ai đó mà bạn tin tưởng như quý Linh mục ở nhà thờ, quý Mục sư Tin lành hay quý Thầy quý Sư cô ở các ngôi chùa. Bằng không, bạn cũng có thể tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp, người thân yêu trong gia đình… Hãy nói với họ về mối quan tâm, cảm giác cũng như việc Covid-19 đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Họ sẽ giúp bạn những lời khuyên để xử lý tình trạng này.
Không gặp nhau trực tiếp thì bạn hãy duy trì các mối quan hệ xã hội với những người thân yêu ngay tại nhà bằng cách gọi điện thoại, gửi email, tin nhắn, trò chuyện qua video và các nền tảng truyền thông xã hội. Hãy nhắc nhở bản thân rằng, dịch bệnh đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người chứ không riêng gì bạn hay tôi. Và mỗi chúng ta đều có vai trò quan trọng trong việc chống lại đại dịch này.
Thứ hai, người xưa có dạy: “một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện” tinh thần khỏe mạnh, cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, lúc nào cũng lạc quan yêu đời. Vì thế hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn trong thời gian này nhé
Trong thời gian giãn cách xã hội, hãy duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn, ngủ, tập thể dục, xem phim, nghe nhạc giải trí một cách hợp lý. Luôn nhớ rằng, thực hiện bất kỳ vận động nào ở nhà cũng đều tốt hơn là không làm gì cả, vì thế hãy vận động để rèn luyện sức khỏe về thể chất lẫn trí não cho bản thân mình. Thêm nữa, hãy liệt kê những cách bạn đã sử dụng trong quá khứ từng giúp bạn vượt qua khó khăn, và dùng những cách này để kiểm soát các cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Thứ ba, trong trái tim mỗi người đều có một ngọn lửa thắp sáng, ngọn lửa đó là niềm khao khát cháy bỏng cho những ước mơ, hoài bão. Có biết bao điều chúng ta ấp ủ mà chưa làm được, hãy tận dụng thời gian này để thực hiện các dự định, công việc mình chưa làm
Phải ở nhà, hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc với mọi người có thể khiến tinh thần bạn đi xuống. Điều này có thể khiến bạn ì ra, từ bỏ các hoạt động thường ngày. Đây là phản ứng rất thường khi gặp phải điều bất như ý. Tuy nhiên, nếu tình cảnh kéo dài bạn dễ rơi vào trạng thái ngưng hoạt động, trì trệ thật sự. Cho nên, khi gặp phải tình huống khó khăn, hãy tập trung vào những thứ bạn có thể thay đổi, chấp nhận những chuyện nằm ngoài sự kiểm soát và luôn cố gắng sống bằng giá trị của bản thân mình. Hãy cố gắng tìm động lực để tham gia vào các hoạt động bạn yêu thích. Đó có thể là nghe một bài nhạc, đọc tiếp một cuốn sách còn dang dở; một môn học mình yêu thích; một kỹ năng mình còn thiếu; hay một ngoại ngữ mình cần bổ túc… Tất cả chúng sẽ giúp bạn khôi phục sức khỏe tinh thần và giữ cân bằng trong cuộc sống.
Thứ tư, tất cả kho báu trên trái đất này không thể nào sánh bằng hạnh phúc gia đình vì thế hãy quan tâm và chăm sóc gia đình nhiều hơn
Cuộc sống hằng ngày bận rộn, hối hả với công việc ngoài xã hội khiến nhiều người không có đủ thời gian chăm sóc cho mái ấm gia đình. Trong những ngày giãn cách xã hội, mọi sinh hoạt, công việc đều diễn ra dưới mái nhà chung đã khiến họ có cơ hội nhiều hơn cho gia đình; có thời gian gần gũi với cha mẹ, vợ chồng, con cái… Những việc vốn bình dị nhưng trong ngày thường bận rộn, không phải ai cũng có thể làm được. Ban đầu có lẽ bạn sẽ gặp rắc rối về vấn đề cân đối quỹ thời gian dành cho công việc và thời gian gia đình, nhưng tôi tin những xáo trộn sẽ nhanh chóng được sắp xếp theo trật tự mới với sự hỗ trợ, chung sức của tất cả các thành viên.
Và bạn ơi, hãy thực hiện vai trò của mình để bảo vệ những người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất. Tổ chức y tế khuyến cáo những người trên 60 tuổi hoặc những người đang mắc bệnh nền như phổi, tim mạch, đái tháo đường, các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch khác. Thứ đến là trẻ em, nhất là trẻ em nhỏ, sức đề kháng còn kém, cũng cần quan tâm chăm sóc để phòng ngừa bệnh tốt hơn. Nếu trong gia đình mình có người bị cách ly, bạn hãy quan tâm đến họ nhiều hơn nhé, vì người bị cách ly có thể cảm thấy rất cô đơn, sự cô đơn khiến con người dễ suy sụp về thể chất lẫn tinh thần. Hơn bao giờ hết, lúc này hãy kết nối với họ thông qua mạng xã hội, điện thoại và trò chuyện trực tuyến; khuyên họ giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời. Sự quan tâm, động viên từ gia đình là điều tuyệt vời nhất để họ vượt qua khoảng thời gian căng thẳng này.
Thứ năm, những khó khăn trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi, việc cần làm là chọn cách thức để vượt qua. Hãy thực tập thiền định và sống trong chánh niệm để cảm nhận cuộc sống mầu nhiệm và ý nghĩa hơn
Chúng ta dễ bị choáng ngợp trước cảm xúc, tâm trí luôn bận rộn. Việc chạy lòng vòng làm tâm trí của chúng ta không yên ổn, dễ stress. Thiền trong Phật giáo là một phương pháp rèn luyện tâm trí để tâm trí của ta sáng suốt và bình tĩnh hơn, trong cơ thể và trong cuộc sống. Hãy ngồi xuống và hít thở thật sâu, bắt đầu theo dõi hơi thở vào ra, cho phép bản thân cảm nhận được sự bình yên. Bạn có thể dành một chút thời gian để nghĩ về tất cả những phẩm chất mà bạn yêu thích ở bản thân. Bạn cũng có thể nghĩ về một người thực sự yêu bạn, đó có thể là một đối tác, một người bạn hoặc thậm chí là một con vật cưng. Hãy nắm bắt thời điểm này và kết nối với lòng tốt của chính bạn. Khi bản thân ngập tràn những cảm giác yêu thương và biết ơn , bạn có thể bắt đầu chuyển những cảm xúc này sang người khác. Hãy nhớ đến một người nào đó trong cuộc sống của bạn khiến bạn dễ dàng yêu họ. Sau đó gửi một lời cầu chúc cho người đó luôn khỏe mạnh sẽ là điều rất tuyệt vời trong thời gian này.
Thứ sáu, càng hiểu biết càng thấy cuộc sống thật dễ dàng. Vì thế, hãy liên tục cập nhật các thông tin lây truyền covid-19 và các biện pháp bảo vệ cho mình và người thân
COVID-19 lây truyền chủ yếu từ người sang người. Phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm chung của chúng ta. Hãy cập nhật thường xuyên nội dung các cụm từ 5K, 7K, các biện pháp phòng chống dịch bệnh,… và biến chúng thành thói quen mới trong sinh hoạt hằng ngày nhé
Nỗ lực duy trì Phật sự trong đại dịch
Thứ bảy, khi trong lòng có tình người sẽ thấy cuộc đời rất ấm, khi trong tâm có Phật cuộc sống trở nên từ bi. Vì vậy hãy cùng cộng đồng chia ngọt sẻ bùi
Trước tiên là y bác sĩ, công an, bộ đội,… họ là những người chiến sĩ tuyến đầu chống dịch đã làm việc không biết mệt mỏi để cứu sống từng người bệnh trong giai đoạn dịch. Hãy luôn hỗ trợ và cảm ơn vì tất cả những công việc họ đang làm. Tiếp đến là những người yếu thế trong xã hội. Trong tình hình hiện nay, vắc xin phòng ngừa, các nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế và kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch đối với nhiều địa phương còn rất hạn chế. Vì thế, đồng bào chúng ta cùng “tương thân tương ái” hỗ trợ cơ quan chức năng, hỗ trợ bà con sớm vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch. Việc giúp đỡ người khác về vật chất và tinh thần, cùng nâng cao ý thức kiểm soát cảm xúc cá nhân, vượt qua trầm cảm và lo lắng. Tìm những cách an toàn để cung cấp hỗ trợ xã hội cho người khác, điều này thể hiện tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt từ ngàn đời, rất đáng trân trọng.
Thứ tám, ngạn ngữ phương Tây có câu “một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Nêu cao tinh thần cảnh giác trước thông tin thiếu chính xác về dịch bệnh
Trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận, tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Người dân chúng ta cần tỉnh táo, thận trọng khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, tránh tin, nghe theo những đồn đại vô căn cứ, thông tin chưa được kiểm chứng hoặc cơ quan chức năng chưa xác nhận; đồng thời tuyệt đối không chia sẻ những thông tin này đến gia đình, bạn bè hay người thân.
Cuộc sống luôn cho chúng ta cơ hội thứ hai đó gọi là ngày mai. Đại dịch một lần nữa nhắc chúng ra về Thông điệp bất hủ của Đức Phật: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Tình thương là sợi dây nối liền người với người”. Bất kỳ ai ở bất cứ quốc gia nào, dù văn minh hay lạc hậu, Đông hay Tây, thành phần dân tộc, màu da, tình trạng khuyết tật, tuổi hay giới tính. Tất cả đều mong manh trước Covid-19, không quốc gia đơn lẻ hay cá nhân nào có thể một mình vượt qua. Chúng ta hãy cùng gắn kết, cùng nêu cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng; góp phần vào các nỗ lực chung vượt qua thách thức của đại dịch.
Hàng ngày, có nhiều quốc gia, nhiều người nhiễm bệnh đang tốt dần lên và hồi phục trước COVID-19. Vì thế chúng ta vẫn có thể tìm thấy mục đích sống của mình qua việc thực hiện tám hành động bổ ích trên để đồng hành cùng thế giới, các cơ quan chức năng trong nước chống lại đại dịch, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cầu chúc quý vị mạnh về thân thể, khỏe về tinh thần, cân bằng về đời sống để gia đình mãi hạnh phúc an vui.