Đức Phật
A La Hán vô não
Thứ sáu, 16/03/2020 05:45
Trong một xã hội đói đạo đức như hiện nay, một tấm gương giải thoát của một bậc chân tu, dù lánh đời trong thất, cũng tỏa ra ảnh hưởng trong dân, lợi ích không thua gì trăm bài giảng thuyết lý. Độ người, trước hết phải sạch mình. Mình ở dưới hố thì vớt ai lên khỏi hố?
Kinh Majjhimà Nikàya kể câu chuyện sau đây: “Khi ấy, Đức Phật nghỉ đêm trong nhà kho của một người thợ gốm. Trước khi Ngài đến, một thanh niên độc cư đã tá túc ở đây rồi. Khi Ngài đến, người ấy không biết Ngài là ai. Đức Phật quan sát người thanh niên và nghĩ thầm: “Người này có phong cách đáng mến; ta sẽ nói chuyện”.
Ngài bèn hỏi: “Ông Tỳ kheo, nhân danh ai mà ông từ giã gia đình? Ai là thầy của ông? Ông theo đạo của ai?”. Thanh niên trả lời:
– Thưa ông bạn, có một vị độc cư tên là Gotama, dòng dõi Thích Ca, đã từ giã gia đình để sống đời độc cư. Danh tiếng của vị ấy đã lan truyền khắp nơi như là một bậc A La Hán, một Đấng Giác Ngộ hoàn toàn. Nhân danh Bậc Giải Thoát ấy, tôi đã trở thành người độc cư. Vị ấy là Thầy tôi, tôi theo Đạo của vị ấy.
– Bậc Giải Thoát ấy, vị A La Hán ấy, đấng giác Ngộ hoàn toàn ấy hiện đang ở đâu?
– Thưa ông bạn, tại những vương quốc ở miền Bắc, có một thành tên là Savatthi. Bậc Giải Thoát, vị A La Hán, Đấng Giác Ngộ hoàn toàn đang sống tại đây.
– Ông đã thấy Bậc Giải Thoát ấy bao giờ chưa? Nếu ông thấy, ông có nhận ra không?
– Tôi chưa bao giờ thấy Bậc Giải Thoát ấy cả, và nếu tôi thấy, chắc tôi sẽ không nhận ra.
Đức Phật biết rằng nhân danh Ngài, người thanh niên xa lạ ấy đã từ bỏ gia đình và chọn đời sống độc cư. Nhưng Ngài không để lộ tung tích, chỉ nói: “Ông Tỳ kheo, ta sẽ giảng cho ông nghe; ông hãy chăm chú nghe. Ta nói đây”.
– Xin ông bạn cứ nói.
Khi Đức Phật giảng xong, người thanh niên độc cư, tên là Pukkusati, hiểu ngay rằng người vừa nói kia chính là Đức Phật. Anh đứng dậy, tới trước mặt Ngài, quỳ xuống đảnh lễ, xin lỗi đã gọi Ngài là “ông bạn”. Rồi anh thỉnh cầu Ngài cho gia nhập Tăng đoàn.
Vị cư sĩ đầu tiên đắc quả A La Hán
Đức Phật hỏi anh đã có sẵn y bát chưa. Anh đáp chưa. Đức Phật bảo anh đi sắm bình bát và ba bộ y. Pukkusati vội vàng chạy đi tìm y bát, nhưng trên đường đi, anh bị bò húc, chết ngay tại chỗ.
Khi Đức Phật nghe tin anh chết, Ngài tuyên bố:
“Pukkusati đã là thánh nhân, đã ngộ chân lý, đã đạt đến mức gần tận cùng của giác ngộ, đã thành bậc A-la-hán, đã từ giã luân hồi, không bao giờ trở lại cuộc đời này nữa”.
Chuyện kể trên đây đã làm choáng ngợp nhà văn Đan Mạch Kark Gjellerup, giải Nobel Văn chương năm 1917, và tạo hứng để ông viết cuốn truyện Người hành hương Kamanita, xuất bản năm 1906.
Ngoài những ý nghĩa lý thú khác, chuyện Pukkusati chứa đựng những yếu tố ta biết về A La Hán theo nghĩa nguyên thủy: Đức Phật là một vị A La Hán; A La Hán có nhiều cấp bậc khác nhau; bất cứ ai cũng có thể đạt được quả vị A La Hán; quả vị đó có thể đạt được một cách hốt nhiên, nhưng quả đạt được tức khắc ở đời này là do nhân đã gieo trong bao nhiêu đời trước.
Tất cả những vấn đề đó đã được HT. Thích Trung Hậu đề cập đến trong tập sách này. Sách chia làm hai phần: giải thích và sự tích. Ai muốn biết nữ giới có khả năng giác ngộ như nam giới hay không, chỉ cần đọc sự tích các vị A La Hán: không thiếu gì các phụ nữ đã đạt quả vị A La Hán. Trên phương diện giác ngộ, Phật giáo không phân biệt giới tính. Đây là dịp để tác giả nhắc nhở với mọi người tầm nhìn sáng suốt của Đức Phật về bình đẳng nam nữ, bình đẳng ở mức độ cao nhất của con người.
Ai muốn biết cấp bậc giác ngộ của A La Hán, trường hợp của Pukkusati chỉ là một trong những trường hợp tương tự: thanh niên đã đạt được cấp “gần cuối”, nghĩa là cấp ba trong bốn nấc thang giác ngộ, thuật ngữ gọi là Anàgàmi, “bậc không bao giờ trở lại nữa”. Vị này đã vượt qua nấc thang thứ hai, Sakadagàmi, “bậc còn trở lại một lần” và nấc thang thứ nhất, Sotàpanna, “bậc đã vào dòng”. Nấc thang cuối cùng mà vị ấy sẽ đến là A La Hán.
Ai muốn biết cư sĩ có thể thành A La Hán không, hay chỉ người xuất gia mà thôi, cũng chỉ cần đọc sự tích trong sách. Nhiều trường hợp cư sĩ chứng quả A-la-hán, bất luận giai cấp, già trẻ sang hèn, chứ không riêng gì thanh niên Pukkusati. Thường thường, giống như Pukkusati, các cư sĩ vừa chứng quả A-la-hán đều xin xuất gia ngay. Như thế, các vị ấy sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục sống đời đạo vị hoặc để đi lên nữa, cao hơn, trên nấc thang giải thoát – chưa kể may mắn được sống gần Phật. Và cũng thường thường, nếu vị A La Hán nào vừa chứng quả mà không thực hiện được nguyện ước gia nhập Tăng đoàn của Phật, vị ấy sẽ chết như thanh niên Pukkusati chết. Tại sao? Tại vì vị ấy đã từ bỏ đời sống này để không bao giờ trở lại nữa. Sống hay chết, cư sĩ hay Tỳ-kheo, bị bò húc không có gì quan trọng đối với bậc đã giải thoát, vì A La Hán được định nghĩa là “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm xong, sau đời này không còn đời sống nào nữa”.
Để diễn tả tâm trạng giải thoát của mình, các vị vừa chứng A La Hán thường để lại những bài kệ với những hình ảnh ví von rất đẹp, làm giàu cho kho tàng văn học Phật giáo.
Các vị ấy đã rời bỏ mọi dục lạc của đời sống này,
Như ngỗng trời rời ao
Bỏ sau mọi trú ẩn.
Các vị ấy đoạn sạch mọi tham đắm, đường đi không còn để lại dấu vết ô uế nào,
Như chim giữa hư không
Dấu chân thật khó tìm.
Nhưng giác ngộ của A La Hán có thật giống giác ngộ của Phật không? Trí tuệ của A La Hán có thật bằng trí tuệ của Phật? Tuy nói rất gọn, tác giả đã giải thích điểm then chốt này, giúp độc giả hiểu rằng ngay cả trong kinh điển Nguyên thủy, không phải là không có chỗ nêu ra những khác biệt giữa A La Hán và Phật. Và, dù đứng trên quan điểm của Nguyên thủy hay của Đại thừa, Phật làm một chuyện mà chỉ Ngài làm được, không một A La Hán nào làm nổi: Phật tự mình khám phá ra con đường giải thoát, tự mình giác ngộ, và cũng một mình Ngài chỉ đường ấy cho chúng sinh, kể cả A La Hán. Phật là Thầy của tất cả A La Hán. Phật là bậc Đạo sư.
Còn lại một điểm cuối cùng, từng gây tranh luận. Trong truyện Pukkusati, mở đầu câu chuyện, độc giả đã được giới thiệu tức khắc: Pukkusati là một thanh niên độc cư. Thanh niên độc cư đó ngưỡng một một vị độc cư như vị Thầy dù chưa gặp. Ở Ấn Độ thời ấy, các kho chứa đồ gốm rất rộng, yên tịnh, thường làm nơi trú ẩn của những người ẩn tu. Lý tưởng của người tu nguyên thủy có phải là sống một mình, xa lánh đời, để tìm giải thoát cho riêng mình không? Trong tập sách này, tác giả ghi chú: “Đại thừa khuyên Phật tử không nên đề cao lý tưởng A La Hán. Thay vì vậy, nên noi gương những bậc đã hiến trọn đời mình, đã hy sinh tự ngã và không ngừng có gắng nhằm đạt đến mục đích cứu độ chúng sanh cũng như cảnh giới của chư Phật”.
Thật ra, Đức Phật có bao giờ khuyên đệ tử của Ngài, khuyên A La Hán trước và sau khi các vị đã chứng quả, sống xa lánh cuộc đời đâu? Trong suốt bốn mươi lăm năm, Ngài đã vượt bao nhiêu sơn khê, giáo hóa bao nhiêu dân chúng, từ quốc vương cho đến em bé chăn trâu, những lời dạy của Ngài chứa đựng bao nhiêu ví von cụ thể, thực tế, phản ánh bao nhiêu quan sát tường tận đời sống của từng hạng người trong xã hội, khiến ta phải nghĩ: Phật là người đã sống trong xã hội nhiều hơn ai cả. Khi Ngài tập hợp lại đoàn thể đệ tử đầu tiên, sáu mươi vị tất cả, và tất cả đều là A La Hán, Ngài nói gì? Các vị hãy vào rừng mà tu? Không! Ngài nói: Các vị hãy chia nhau ra mà đi, mỗi người một hướng, để giáo hóa dân chúng, mang lợi lộc đến cho mọi người. Các Đại đệ tử của Phật, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên…, đều đã đi như thế, có vị không gặp lại Phật khi Ngài nhập diệt.. Phật, cũng như đệ tử của Ngài, sống trong xã hội, nhưng không dính tục lụy của xã hội. Các ngài từ bỏ tất cả, nhưng nhận thức ăn của dân, từ bỏ hệ lụy nhưng không từ bỏ xã hội, như hoa sen sống trong bùn, nhờ bùn, nhưng không vướng bùn, chỉ thơm.
Thân thế của Thập bát La Hán là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni
Vậy thì tại sao lý tưởng A La Hán lại bị chỉ trích? Tại vì Đại thừa muốn nhập thế hơn nữa. Do đó, lý tưởng Bồ Tát được phát triển: độ tất cả chúng sanh là tâm nguyện của Bồ-tát. Nhưng có thật lý tưởng độc cư để độ mình và lý tưởng nhập thế để độ người không dung hòa với nhau được chăng? Đâu có vậy! Cả hai đều quá cần thiết, cả hai đều phải phát triển song song, cả hai chỉ là hai mặt của một nhu cầu. Ai nói rằng Nguyên thủy chi lo ẩn cư để tinh tấn về trí tuệ, tìm giải thoát cho riêng mình, quên lãng từ bi để cứu độ người, hãy đọc kinh xưa nhất của Nguyên thủy, Kinh Từ Bi:
Như mẹ hiền yêu thương con một
Dám hy sinh bảo vệ cho con
Với muôn loài ân cần không khác
Lòng ái từ như biển như non.
Trong một xã hội đói đạo đức như hiện nay, một tấm gương giải thoát của một bậc chân tu, dù lánh đời trong thất, cũng tỏa ra ảnh hưởng trong dân, lợi ích không thua gì trăm bài giảng thuyết lý. Độ người, trước hết phải sạch mình. Mình ở dưới hố thì vớt ai lên khỏi hố? Có lẽ đó là mục đích của HT. Thích Trung Hậu khi kể lại sự tích của các vị A La Hán: ngoài những tấm gương sáng về giải thoát, đó còn là những mẫu đời sáng về đạo đức. Đạo đức và giải thoát vốn đi đôi với nhau. Giải thoát cho mình và giải thoát cho mọi người chung quanh cũng vậy.
Bởi vậy, gấp sách lại, nếu còn giữ được trong đầu bốn câu kệ mà thôi, tôi xin giữ lại bốn câu sau đây, vừa đơn giản, vừa thâu tóm tất cả lý tưởng, không phải chỉ của A La Hán, mà của từng vị xuất gia ngày nay, bất luận theo quan điểm nào:
Làng mạc hay rừng núi
Thung lũng hay đồi cao
La hán trú chỗ nào
Đất ấy thật khả ái.
Cầu mong “đất ấy” là đất Việt Nam.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 57