Sống an vui
Ai là người giàu có và hạnh phúc nhất trên đời?
Thứ sáu, 18/01/2021 08:28
Con người sống trên cõi đời, mỗi người tự trang bị cho mình một lẽ sống riêng, có tính độc lập theo nhận thức chủ quan chủ mình. Vì thế mục đích, quan điểm và phương châm của họ về cuộc sống rất khác biệt nhau.
Con người sống trên cõi đời, mỗi người tự trang bị cho mình một lẽ sống riêng, có tính độc lập theo nhận thức chủ quan chủ mình. Vì thế mục đích, quan điểm và phương châm của họ về cuộc sống rất khác biệt nhau. Do vậy không thể đứng ở góc độ, lập trường sống của riêng mình rồi phán xét, bình phẩm về cuộc sống của người khác. Nếu có chăng thì chỉ dựa vào tiêu chí chung của xã hội là quan niệm sống của mỗi người có đem lại lợi ích cho cá nhân và cộng đồng hay không mà thôi. Vậy thì, vấn đề người tu tập thiền định là người giàu có nhất thế gian hay là kẻ bần cùng nhất thế gian là quan niệm riêng của mỗi người. So sánh đúng sai ở đây sẽ dẫn đến sự khập khiễng, vì không thiết lập được tiêu chí thống nhất, mặt khác có những tài sản vô giá nhưng vượt ngoài những chuẩn mực giá trị không thể cân đo đong đếm được. Tuy vậy, ngang qua quan niệm của mỗi người phản ánh rõ nét nhận thức nông sâu của người ấy trong việc tiếp cận chân lý.
Theo quan điểm Phật giáo, xét về phương diện cá nhân, một người đã bỏ ra gần nửa cuộc đời để tu tập thiền định nhằm tìm ra chân lý và hiện đã đạt đến đỉnh cao của trí tuệ là một con người tuyệt vời. Song một người khác cũng đã bỏ ra hơn nửa cuộc đời để tìm cầu tri thức và xây dựng đời sống vật chất sung mãn, làm lợi ích cho bản thân và xã hội cũng là một con người tuyệt vời chẳng kém người kia. Cả hai người đều tài hoa, giàu nghị lực và thành công như nhau. Chính vì thành công, đạt được những gì họ mơ ước, hoài bão nên cả hai đều hạnh phúc.
Đứng về phương diện xã hội, người quyết chí ra đi tìm cầu chân lý, tự thanh lọc và hoàn thiện nhân cách chính mình, siêu việt lên những tiêu chí nhân cách bình thường hướng tới sự phi thường của Thánh nhân, là bậc mô phạm toàn bích rất hữu ích cho xã hội. Sự xuất hiện, ra đời một cá nhân siêu việt là phước báo lớn cho một quốc gia, một dân tộc. Nơi nào có Thánh nhân ra đời là điềm lành báo hiệu cho sự phồn vinh, thăng hoa của nơi ấy. Hào quang về nghị lực, đức hy sinh, tinh thần vô ngã, vị tha của bậc Thánh sẽ tỏa sáng, chiếu soi những tâm hồn đen tối, lầm lạc và vị kỷ. Sự tác động, ảnh hưởng của Thánh nhân tuy vô hình nhưng có tác dụng và hiệu quả cực kỳ to lớn đối với sự hướng thiện của toàn xã hội. Tuy vậy, một người nỗ lực phấn đấu, học tập không mệt mỏi, dùng tri thức của mình để xây dựng hạnh phúc gia đình và góp phần xây dựng, phát triển đất nước, cũng là bậc mô phạm trong xã hội. Chính những con người này đã trực tiếp đổ mồ hôi và công sức, đem bàn tay và khối óc của mình làm đẹp cho đời. Sự thành công của con người này cũng là một tấm gương sáng cho mọi thành viên trong xã hội noi theo.
Phật dạy mạng người sống trong hơi thở
Tuy nhiên, xét về phương diện an lạc và hạnh phúc tự nội thì rõ ràng người tu tập Thiền định đã đạt được trí tuệ là người hạnh phúc hơn. Vì nhu yếu vật chất chỉ góp phần đem lại hạnh phúc chứ không mang tính quyết định trong việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc. Ai cũng biết rằng khát vọng của con người là vô hạn, lại không thể nào thỏa mãn nhu cầu vô hạn ấy của con người. Dẫu cho khi con người đạt được một cách đầy đủ nhất về vật chất đi nữa thì cũng không có gì bảo đảm rằng họ sẽ hạnh phúc. Bởi còn các vấn đề khác như sức khỏe, danh vọng, thủy chung và sự nghiệp...là những vấn đề không phải có tiền là mua được. Mặt khác, không thể nào an vui và hạnh phúc khi con người luôn ở trong tâm thái bất an. Chính sự bất an và bất trị của tâm đã tạo ra điên đảo và bất hạnh cho con người. Phải chăng đây cũng là điều mà ông cha ta đã từng kinh nghiệm "sướng quá hóa cuồng" đó sao?
Khi một người chuyên tâm vào thiền định, từng bước tiếp cận chân lý, thành tựu từng phần tuệ giác, hẵn nhiên cũng thiết lập được từng phần của hạnh phúc. Hạnh phúc của bậc Thánh không đơn điệu và thô phù như cảm nhận hạnh phúc của thế gian chỉ là sự thỏa mãn giác quan mà chính là sự tỉnh lặng, tịch nhiên, an lạc nhờ sự soi sáng của trí tuệ. Chính trí tuệ đã giúp cho hành giả đạt được trạng thái tự chủ, an nhiên và bất động trước vô vàn biến động vốn dĩ của cuộc đời. Ngay cả vấn đề vốn cực kỳ hệ trọng của cuộc đời là sinh tử, dưới tuệ quán cũng trở thành vấn đề vô cùng giản đơn. Không còn cái gì là quan trọng và không có cái gì có thể ràng buộc, hoàn toàn tự tại, mọi được mất, hơn thua và thành bại...không còn chi phối được người ấy. Như hoa sen, vươn lên từ bùn nhơ rồi tỏa hương ngào ngạt, người tu thăng hoa tâm hồn từ những ô trược của cuộc đời rồi dấn thân làm đẹp cho đời. Đó cũng là lý tưởng, mục đích phấn đấu của những người con Phật.