Chùa Việt
Ai nặng lòng với chốn Tổ Sùng Ân?
Thứ bảy, 26/12/2015 01:30
Chùa Sùng Ân là ngôi chùa cổ có tuổi đời trên 700 năm, đây được xem là chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm, chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia về nghệ kiến trúc điêu khắc và cũng là ngôi chùa được xếp hạng di tích Quốc gia sớm nhất của huyện Ninh Giang.
Có lẽ ai trong đời cũng có những kỷ niệm tuổi ấu thơ, có những hoài niệm mà khi lớn lên không thể nào quên được. Đó là những khoảng thời gian đẹp nhất trong mỗi con người. Dù muốn hay không thì những điều đó vẫn cứ đến, cứ đi như một quy luật tất yếu của dòng thời gian.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hồng Châu thuộc tỉnh Đông xưa – nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, chúng tôi cũng có những kỷ niệm đẹp bên dòng sông Cửu An êm đềm trôi, với những con người dân lam lũ, chân chất đồng quê như hạt lúa, củ khoai. Tuổi thơ chúng tôi còn được gắn liền với những dấu tích huyền thoại về chùa Sùng Ân, về những giai thoại được mọi người trong làng kể lại hun hút tuổi thơ. Lớn lên, đi học và lại được có duyên đến với nhà Phật, với nghề truyền thông. Thì những ký ức về chùa Sùng Ân luôn là cảm hứng cho mỗi lần tôi về quê tìm đến chiêm bái.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hồng Châu thuộc tỉnh Đông xưa – nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, chúng tôi cũng có những kỷ niệm đẹp bên dòng sông Cửu An êm đềm trôi, với những con người dân lam lũ, chân chất đồng quê như hạt lúa, củ khoai. Tuổi thơ chúng tôi còn được gắn liền với những dấu tích huyền thoại về chùa Sùng Ân, về những giai thoại được mọi người trong làng kể lại hun hút tuổi thơ. Lớn lên, đi học và lại được có duyên đến với nhà Phật, với nghề truyền thông. Thì những ký ức về chùa Sùng Ân luôn là cảm hứng cho mỗi lần tôi về quê tìm đến chiêm bái.
Dấu ấn chốn Tổ linh thiêng
Chiều cuối năm, cái rét, cái lạnh và những hạt mưa bụi giăng mờ khiến cho làng quê thêm hiu quạnh. Hôm nay là ngày Rằm tháng 11 Ất Mùi mà sao lòng mình thấy trống trải quạnh hiu. Chợt nhớ đến những ngày cuối năm, cảnh cơm áo gạo tiền và cuộc sống mưu sinh vẫn ghì chặt chúng tôi. Đúng là thế thật! và trong cõi lòng bỗng ước sao sang năm mới bớt sự lo toan, vất vả. - Mới về quê hả cháu, lại tìm về chùa chụp ảnh chứ gì? nhanh vào đi, hôm nay ngày Rằm đông vui lắm – tiếng bà Lánh trong Ban hộ tự chùa Sùng Ân hỏi khi thấy tôi mới đến cổng.
- Dạ vâng ạ!
Đúng là hôm nay ngày Rằm đông vui thật, dắt xe qua cổng Tam quan đã thấy mọi người đang chuẩn bị vào lễ Phật. Các bà, các cô, các chị ai cũng thành tâm, nhẹ nhàng nâng niu từng đồ lễ và những tiếng cầu khấn rì rầm từ ngôi Tam Bảo, ngôi nhà Tổ vang vọng hòa lẫn tiếng chuông, tiếng kinh cầu nhà Phật.
Chùa Sùng Ân là ngôi chùa cổ có tuổi đời trên 700 năm. Đây được xem là chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm thuộc tỉnh Đông xưa. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1974 về nghệ thuật kiến trúc điêu khắc và cũng là ngôi chùa được xếp hạng di tích Quốc gia sớm nhất của huyện Ninh Giang.
Trên diện tích gần 5000 m2, chùa Sùng Ân gồm các công trình hạng mục: Chính điện Tam Bảo, nhà Tổ, động thờ Mẫu, nhà khách, vườn Tháp, khuôn viên, tường bao, giếng ngọc, nhà trống. Chính điện Tam Bảo được xây dựng kiểu chữ Đinh quay theo hướng Tây Nam, gồm 7 gian tiền tế và 9 gian hậu cung. Trong ngôi Tam Bảo có 14 bức đại tự, 8 câu đối, một bản mộc cổ, 32 cột gỗ lớn nhỏ và có hệ thống tượng Phật cổ bằng gỗ với nghệ thuật trạm khắc tinh xảo. Lịch sử kiến trúc chùa Sùng Ân có từ thời Lý, có bố cục kiểu nội công, ngoại quốc. Mái lợp ngói mũi hài cổ kính. Chùa thờ Phật và thờ Huyền Quang đại sư thuộc phái Trúc Lâm thời Trần.
Trải qua những biến cố của lịch sử và thăng trầm của thời gian. Chốn Tổ Sùng Ân là nhân chứng sống sinh động chứng kiến những bước đổi thay của địa phương và đất nước. Trước đây chùa Sùng Ân còn rất nhiều hiện vật quý giá, nhưng do bị kẻ gian đột nhập lấy cắp, nên hiện nay di vật chùa còn một cây thiên đài bằng đá cao 1.7 m dựng năm Cảnh Trị 9 (1671), 6 sấu đá, 3 bia đá thế kỷ XVII, một hệ thống 30 tượng Phật gỗ sơn thếp vàng, nghệ thuật điêu luyện. Nhà tiền đường có một quả chuông, đúc năm Gia Long 11 (1812) thân cao 90 cm, đường kính 62.5 cm, toàn thân phủ kín bài minh, rất đẹp. Đặc biệt là bệ đá hoa sen hình lục giác 2 tầng có chạm rồng mào lửa, thân nhiều nếp gấp khúc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xân lược, chùa Sùng Ân là nơi trường Đảng huyện Ninh Giang, bệnh viện 7 (Quân khu 3) về sơ tán và là nơi nuôi dấu cán bộ Việt minh. Hàng năm vào ngày 15/3 âm lịch nhân dân mở hội thu hút hàng ngàn nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái, ngưỡng vọng.
Vấn vương cõi lòng phật tử
Có thể khẳng định rằng: Ai trong mỗi chúng ta đều tự hào về làng quê mình có ngôi chùa to nhất, linh thiêng nhất và nhiều thứ nhất nữa. Đó là niềm tự hào của mỗi một người dân khi kể cho người khác nghe về làng mình, chùa mình. Chùa Sùng Ân cũng vậy, ai cũng cho rằng trong huyện Ninh Giang này không chùa nào đẹp, linh thiêng và cổ bằng chùa làng mình, rồi chùa làng mình là chốn Tổ một thời cho cả tỉnh Hải Dương nữa… tất cả tự hào là có, nhưng mấy ai đã làm gì cho Phật giáo thịnh hưng? Hỏi người, thực ra là nhắc mình.
Chiều cuối năm đứng trước ngôi Tam Bảo thấy mắt mình cay cay bởi khói hương trầm nghi ngút được toả ra từ chính Điện. Hay là cảnh hiu quạnh bởi một ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích Quốc gia đang bị xuống cấp và bị lãng quên?
Chiều cuối năm đứng trước ngôi Tam Bảo thấy mắt mình cay cay bởi khói hương trầm nghi ngút được toả ra từ chính Điện. Hay là cảnh hiu quạnh bởi một ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích Quốc gia đang bị xuống cấp và bị lãng quên?
Đưa chúng tôi đi thăm các hạng mục chùa đang bị xuống cấp, bà Lánh nói giọng xót xa: “ Đây là chùa cổ và được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đó. Nhưng có đơn vị và cơ quan nào quan tâm đâu. Nhiều hạng mục ở trong ngôi Tam Bảo và nhà Tổ bị xuống cấp từ lâu rồi mà không có ai về sửa chữa. Đơn từ kiến nghị chúng tôi đã gửi các cơ quan chức năng từ lâu rồi mà vẫn vậy. Buồn lắm cháu ạ!”. Những chia sẻ và nỗi buồn của bà Lánh là có lí do, bởi bà cũng là người của địa phương, sớm tối ra quét dọn trông chùa và lên hương vào tuần Rằm, mùng Một. Quan trọng hơn bà có cái Tâm rất lớn của một phật tử phải từng ngày chứng kiến sự xuống cấp của chùa.
Do bị ảnh hưởng chiến tranh và thời gian, cuối năm 2002 một gian chùa chính bị sập mái đúng vị trí thờ của Tam tổ Huyền Quang. Các mảng trạm khắc hoa văn ở gian giữa gian đại bái bị bong tróc, rơi rụng, mái chùa ngoài bị võng, ngói vỡ, dột, cửa chùa ngoài mục xuống cấp. Đặc biệt tại nhà thờ Tổ bị sập một gian ảnh hưởng đến hệ thống tượng phật. Hệ thống mái ngói, xà đã bị võng và nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mỗi khi trời mưa, toàn bộ gian nhà bị dột và nước chảy ngấm xuống tường. Bên cạnh đó, một số bức tường hoành chùa, hậu cung bị nứt, mối mọt, mục ruỗng, gẫy và hệ thống máng nước đã bị long lở.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Xuân Đương, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đông Cao cho biết: “Không phải đến bây giờ mà địa phương và các cấp, các nghành của xã Đông Xuyên mới phản ánh tình trạng xuống cấp của ngôi chùa cổ Sùng Ân đang bị xuống cấp. Nhiều năm qua, Ban quản lý chùa, lãnh đạo thôn Đông Cao và UBND xã Đông Xuyên đã làm tờ trình gửi Phòng Văn hóa huyện Ninh Giang, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương. Nhưng đến nay vẫn chưa được tu sửa”.
Có lẽ ai cũng hiểu vì chùa Sùng Ân là di tích lịch sử Quốc gia, nên phần nội tự chùa nhân địa phương không được phép tu sửa. Để khắc phục hiện tượng trên, Ban quản lý hộ tự chùa và chính quyền địa phương đã căng bạt che chắn tạm thời để tránh mưa nắng. Đồng thời trong 3 năm qua, cán bộ nhân dân thôn đã quyên góp trên 1 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để xây dựng các hạng mục tường bao, nhà khách, giếng ngọc, tắc môn và sân. Đó là sự cố gắng nỗ lực của cán bộ nhân dân và các phật tử gần xa góp công, góp của để làm đẹp thêm cho chùa. Nhưng đối với phần nội tự của chùa nếu không có phương án, biện pháp trùng tu, tôn tạo kịp thời, một số hạng mục nội tự của chùa Sùng Ân sẽ bị hỏng bất cứ lúc nào và ảnh hưởng đến một số hiện vật cổ có giá bị đang lưu giữ tại đây và không an toàn cho nhân dân và du khách thập phương đến thăm quan, chiêm bái và tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của địa phương.
Chỉ vì cuộc sống mưu sinh nên những phật tử như chúng tôi – là người con của địa phương phải rời nơi chôn nhau cắt rốn, tạm biệt làng quê để lo cho cuộc sống. Nhưng cũng buồn biết bao khi mỗi lần trở về làng quê, trở về với chùa Sùng Ân lại nghe những câu chuyện buồn về ngôi chùa đang bị xuống cấp, đang dột nát mà chưa có cấp nào, nghành nào quan tâm sửa chữa. Lúc này đây, những phật tử của chùa Sùng Ân và nhân dân địa phương mong mỏi các cơ quan chức năng của huyện Ninh Giang và tỉnh Hải Dương sớm có biện pháp trùng tu, tôn tạo kịp thời để cứu lấy một di tích lịch sử Quốc gia đang xuống cấp.
Đức Tuỳ