Sách Phật giáo
Ái ngữ và đời sống con người
Chủ nhật, 11/05/2013 09:47
Những lời nói không ái ngữ còn thể hiện ở người tuy có tâm trong sáng, biết tôn trọng người nghe, thậm chí có lòng từ bi giúp người, nhưng cách nói và sắc thái giọng nói không dịu dàng, nhẹ nhàng
Phần thứ Hai
CON ĐƯỜNG
GIẢI TRỪ KHẨU NGHIỆP
(Diệt trừ nghiệp ác do lời nói gây ra)
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là bản kinh Đức Phật thuyết giảng tại Long cung Sa Kiệt La, trước tám ngàn Đại tỳ kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ tát. Trong Thập thiện nghiệp đạo, Đức Phật có đề cập đến bốn điều lành về khẩu nghiêp. Ngoài ra Đức Phật còn nói về tu hành khẩu ngữ trong các pháp môn khác như trong Chính ngữ của Tứ Diệu đế, trong Ái ngữ của Tứ nhiếp pháp và trong các pháp Tứ Vô lượng tâm và Tứ Y pháp. Trong Phần thứ Hai này sẽ chỉ dành riêng nói về tu bốn điều lành về khẩu nghiệp và phương pháp tu để diệt trừ nghiệp ác do lời nói gây ra.
Chương 1
ÁI NGỮ VÀ ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Như trên đã nói, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mà Đức Phật đã giảng giải ở Long Cung bao gồm việc thực hành Mười điều lành trong đó có ba điều về thân nghiệp, ba điều về ý nghiệp và bốn điều về khẩu nghiệp, hay còn gọi là bốn nghiệp về nói. Bốn nghiệp lành về nói ấy bao gồm không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt. Muốn thực hành bốn nghiệp lành về nói ấy, ta phải thực hành hạnh lành khẩu ngữ, tức là nói những lời nói đúng chính pháp như Đức Phật đã chỉ dạy ở phân Chính ngữ trong Bát chính đạo, ở phần Ái ngữ trong Tứ Nhiếp pháp, ở phần Từ Bi Hỷ Xá trong Tứ Vô Lượng Tâm, ở phần Y nghĩa bất y ngữ trong Tứ Y Pháp. Nói tóm lại muốn thực hành hạnh lành khẩu ngữ, hay nói khác đi là tu hạnh nói, hay học cách nói, ta phải dùng các pháp môn kể trên mà có thể tóm tắt trong mấy từ là học nói lời Ái ngữ.
A. Thực hành nói lời Ái ngữ.
1. Lợi ích của việc nói lời Ái ngữ :
Trong việc thực hành thập thiện nghiệp, có bốn điều về khẩu nghiệp. Và để thực hành bồn nghiệp lành về khẩu, tức là về lời nói, Đức Phật đã để ra nhiều pháp môn. Các pháp môn nói chung đều đưa về việc thực hành ái ngữ. Vậy ái ngữ là gì? Ái ngữ là lời nói chân thật gồm các hình thức như: không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời ác khẩu và lời thêu dệt. Những lời nói theo các hình thức trên được thể hiện nhiều tính chất tốt đẹp khác như chân thành, nhân ái, dịu dàng, êm tai… sẽ khiến cho người nghe thêm tin tưởng và cảm mến ta hơn. Đó gọi chung là Ái ngữ. Người Phật tử nói những lời ái ngữ, dễ khuyến hoá mọi người tin sâu nhân quả, biết tôn kính Tam bảo và đạt được niềm vui theo con đường học Phật.
Trước khi nói về Ái Ngữ, ta hãy bàn về Ngôn ngữ.
Ta biết rằng trong tất cả các phương tiện mà con người sử dụng để giao tiếp thì ngôn ngữ là phương tiện duy nhất thoả mãn được tất cả các nhu cầu của con người. Sở dĩ ngôn ngữ trở thành một công cụ giao tiếp vạn năng của con người vì nó đi song hành cùng với sự phát triển của nhân loại, từ lúc con người xuất hiện cho đến tận ngày nay. Ngôn ngữ giao tiếp của loài người không ngừng được bổ sung và hoàn thiện dần theo lịch sử tiến hoá của nhân loại, theo những trào lưu và xu hướng tiếp xúc văn hoá có từ cổ xưa đến tận ngày nay.
Ngôn ngữ nói chung, dù là của bất kỳ một dân tộc nào đều là công cụ giao tiếp không thể thiếu giữa con người với con người. Ngôn ngữ giữ một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển xã hội loài người. Con người dùng ngôn ngữ để trao đổi tư tưởng, ý nghĩ, tình cảm, công việc cùng những niềm vui, nỗi buồn, giao lưu những hiểu biết, những khám phá, trao đổi những thông cảm lẫn nhau, tạo cho cuộc sống cá nhân, đoàn thể ngày một tốt đẹp hơn. Đó là công năng của ngôn ngữ, công năng ấy gồm hai phần quan trọng, biểu hiện ở chỗ ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng và ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp vạn năng trong xã hội.
Hình thái biểu hiện của ngôn ngữ gồm hai phần đó là ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, trong đó ngôn ngữ nói được xác nhận là chính, là chủ yếu bởi vì từ ngôn ngữ nói mới phát triển thành ngôn ngữ viết. Thậm chí trên thế giới có dân tộc đến nay chỉ có ngôn ngữ nói mà chưa có hoặc không có ngôn ngữ viết.
Trong đề tài này, xin chỉ bàn về ngôn ngữ nói và mục đích là đi đến việc bàn về tu tập thực hành hạnh ái ngữ tức là thực hành nói lời nói đẹp. Như vậy, không phải chỉ bàn về nội dung lời nói đẹp mà còn cần phải bàn đến sắc thái của lời nói, vì sắc thái ngôn ngữ xác định một cách rất cụ thể tính chất “đẹp” của ái ngữ.
Cổ nhân đã từng nói: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất, ” nghĩa là bệnh tật đi vào bằng đường miệng, tai họa từ miệng mà ra. Đúng vậy, con người ta có bệnh tật chủ yếu là do ăn uống và hít thở những nguồn lây bệnh. Có thể do ăn không điều độ hoặc do ăn phải thực phẩm có chứa nguồn bệnh hoặc nọc độc mà sinh bệnh thậm chí dẫn đến cái chết. Có nhiều người chỉ vì lời nói thiếu suy nghĩ hoặc bông lơn đùa cợt mà mang vạ vào thân, thậm chí phải vào tù ra tội. Ví dụ có người đi máy bay đã nói đùa rằng chuyến bay này có bom. Thế là cả chuyến bay phải hoãn lại, bao nhiêu người bị lỡ việc vì chuyến bay bị hoãn, lực lượng an ninh hàng không phải rà soát và cuối cùng người nói lời nói bâng quơ đó bị giữ lại để điều tra và chịu phạt. Như vậy lời nói là rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó biểu lộ tính chất con người của người nói, nó quyết định sự thành công hay thất bại của công việc, thậm chí nó quyết định đến vận mệnh con người, vận mệnh một dân tộc hay quốc gia, nó có thể gây ra tai họa do những lời nói không đúng đắn theo pháp, không đúng chỗ và không đúng lúc.
Trên thực tế, người ta nhiều khi đã dùng những lời nói khó nghe, dẫn đến sự bất hòa, tạo nên sự ganh ghét lẫn nhau trong các mối quan hệ đến đời sống xã hội. Trái lại con người ta thường thích nghe những lời nói dễ nghe, êm ái, dịu dàng, chân thành và rộng lượng đầy tính nhân văn.
Như vậy, Ái ngữ theo tinh thần Phật giáo là gì? Nó được thể hiện thế nào trong quá trình giao tiếp của con người? Ái ngữ theo tinh thần Phật giáo thể hiện dưới các khía cạnh cả về mặt nội dung lời nói và về thái độ khi nói hay sắc thái của lời nói:
2. Về mặt nội dung của lời nói theo ái ngữ:
- Ái ngữ là lời nói chân thật: Những lời nói chân thật như không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời ác khẩu và không nói lời thêu dệt đều mang tính chất tốt đẹp của sự chân thành làm cho người nghe tin tưởng và cảm mến.
- Ái ngữ là lời nói của tấm lòng nhân ái. Những lời nói xuất phát từ tấm lòng nhân ái, thì bản thân nội dung lời nói đó đã mang một sức mạnh thuyết phục làm cho người nghe ấm lòng như lời khen ngợi, động viên, ân ủi, lời tán thán, lời từ chối khéo, lời phân tích chân tình. Những lời nói ấy đem lại một kết quả tốt đẹp cho công việc vì đó là những lời nói của tấm lòng nhân ái. Những lời nói nhân ái thường mang sự tôn trọng, lòng khoang dung độ lượng và biết tuỳ hỷ, không đố kỵ với người khác.
Trong kinh Tạp A Hàm, Đức Phật đã từng khuyên đệ tử cần phải suy nghĩ trước khi nói, Người nói: “Nếu ta không thích bị người lừa dối, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại lừa dối người khác? Nếu ta không thích người khác chia lìa thân hữu, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại chia lìa thân hữu người khác? Nếu ta không thích người khác nói lời thô ác, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người khác, lại mạ nhục họ? Nếu ta không thích người nói lời thêu dệt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người, ta lại nói lời thêu dệt? Cho nên đối với người khác, ta không nên nói lời lừa dối, ly gián, thêu dệt, ác khẩu.”
- Ái ngữ là lời nói vì lợi ích cho người khác: Nói vì lợi ích cho người khác là tạo được sự thuận lợi cho trong cuộc sống của người khác, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ, làm cho tâm hồn họ an lạc, thanh thản. Tuy nhiên, nói vì lợi ích cho người khác là điều không dễ bởi vì con người ta thường nặng về chấp ngã nên thường không muốn người khác hơn mình, không muốn người khác được lợi lạc hơn mình về vật chất cũng như tinh thần. Nói vì lợi ích cho người khác không những biểu hiện trong Ái ngữ mà còn là biểu hiện trong Lợi hành nhiếp pháp, cũng là một trong Tứ Nhiếp pháp mà Đức Phật đã giảng giải. Người nói được những lời nói vì lợi ích cho người khác cần phải biết diệt cái “ngã”, nghĩa là phải dẹp bớt cái “ta” và cái “của ta”, phải có tinh thần vô ngã trước mọi sự vật và hiện tượng.
- Ái ngữ là lời nói khuyến thiện: Lời nói khuyến thiện là lời nói đầy công đức và trí tuệ làm cho mọi người thành tựu công đức qua lời nói, việc làm và cả ý nghĩ của mình. Nói lời nói khuyến thiện là nói với cái tâm từ bi nhằm động viên khuyến khích người khác làm những việc tốt, việc thiện. Nói lời khuyến thiện là thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, phát huy sự tu tập tinh tấn của người khác hoặc của cả một tập thể, cả một phong trào. Người nói lời nói khuyến thiện cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về quan điểm đạo đức xã hội nói chung và về quan điểm đạo đức tôn giáo và khi thể hiện người nói phải có phong cách nói thuyết phục và bản lãnh tư duy của mình.
- Ái ngữ là lời nói của cái tâm trong sáng. Nói Ái ngữ là lời nói không lừa lọc, không dối trá, không điên đảo, không ngoa ngoắt, không cường điệu, không phỉnh phờ, không nịnh bợ, không dèm pha chia rẽ. Và do có tâm trong sáng, hướng thiện, người nói lời ái ngữ thường thể hiện tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Do đó lời nói của cái tâm trong sáng dễ dàng thuyết phục và thuần hóa tâm hồn người nghe.
3. Về mặt thái độ khi nói và sắc thái của lời nói:
Trong các lời dạy về Chính ngữ trong Bát chính đạo, về Ái ngữ trong Tứ nhiếp pháp…khi nói về Ái ngữ, Đức Phật đều có nói đến phương cách nói những lời nói sao cho đúng pháp. Đúng pháp ở đây bao gồm cả phần nội dung của lời nói và thái độ, nét mặt, cử chỉ khi nói và ngay cả sắc thái của giọng nói.
- Nói Ái ngữ là nói với thái độ chân thành, khiêm nhường và tôn trọng người nghe mình nói. Cũng một công việc, ví dụ như cần nhờ người cấp dưới làm, nếu mình nói với lời nói tôn trọng cấp dưới thì người nghe nể phục và thi hành một cách thoải mái, nhiệt tình, công việc sẽ thuận lợi. Nếu mình nói với một lời nói ra lệnh, hách dịch, khinh thường và trịch thượng thì người thực hiện không thoải mái, khó chịu, công việc thực hiện có thể sẽ kém thuận lợi và kém hiệu quả, thậm chí công việc đi đến không thành công. Khi nhờ một người khác giúp mình việc gì, dù người đó là bề trên, kẻ dưới, bạn bè hay trẻ nhỏ, cũng phải nói với thái độ khiêm nhường, trân trọng. Đối với trẻ nhỏ lại càng phải trân trọng khi nhờ nó một việc gì dù là rất nhỏ đưa một cái tăm, một chén nước, vì mình là người phải đi nhờ người khác. Đó là thái độ khi nói của một người học Phật.
- Nói Ái ngữ là nói với lời nói với giọng nói nhẹ nhàng, dịu dàng, êm tai tạo cho người nghe một cảm xúc thân mến, dễ chịu, thậm chí ngọt ngào, lưu luyến để đến khi không còn trò chuyện, nó để lại trong ký ức người nghe một ấn tượng tốt đẹp. Cũng một sự việc, nếu ta nói với lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng thì người nghe thấy vui vẻ thực hiện, hoặc cùng đồng hành với mình một cách thoải mái trong công việc, để lại những ấn tượng tốt với người nghe, với đối tác hay với người cùng cộng tác, công việc sẽ thành công tốt đẹp. Điều này cần phải thực hiện và cần phải duy trì không những trong quan hệ xã hội nói chung mà còn cần phải duy trì ngay ở trong quan hệ gia đinh như cha con, anh em, vợ chồng. Nhất là trong quan hệ vợ chồng, lời nói của vợ chồng nói với nhau nên nhẹ nhàng, dịu dàng, điều đó dẫn đến sự êm ấm trong cuộc sống, vững bền trong hạnh phúc dài lâu. Ngược lại, lời nói không êm tai, không nhẹ nhàng, hoặc cau có thường xuyên biểu thị sự không tôn trọng nhau, thì dẫn đến tâm hồn không thoải mái, thiếu tình cảm, quan hệ kém tốt đẹp, công việc kém thành công. Cần phải thấy một điểu rõ ràng là với cùng nội dung một lời nói, nhưng với sắc thái giọng nói khác nhau hoặc là nhẹ nhàng, nể trọng hoặc là gay gắt khinh khi thì sẽ đem lại hai kết quả công việc khác nhau. Vì vậy, nói Ái ngữ là nói với thái độ vui vẻ, cởi mở, dễ thuyết phục người nghe, làm cho người nghe dễ dàng thực hiện những điều mà mình mong muốn được thực hiện.
B. Lời nói không ái ngữ:
Với những thái độ và sắc thái của lời nói Ái ngữ kể trên, người nói tạo một nghiệp lành trong đời sống của mình. Trái lại, những lời nói không thực hiện theo Ái ngữ sẽ gặp phải những trở ngại trong khi giao tiếp, như:
1. Những lời nói không ái ngữ là những lời nói của những người có cái tâm “chấp ngã” khá lớn, họ coi mình đứng trên tất cả, họ coi thường người nghe đang giao tiếp với họ. Họ nói như ra lệnh, giọng nói hách dịch, đanh thép, sắc thái giọng nói như muốn tỏ ra uy quyền của người thích lãnh đạo, thích chỉ huy người khác. Thậm chí ngay cả những việc cần nhờ người khác giúp đỡ họ, họ cũng nói như sai khiến. Những lời nói với thái độ và sắc thái giọng nói như thế là do xuất phát trong ý thức, tư tưởng của người nói, sẽ không có lợi trong việc giao tiếp, không thu phục được người nghe, công việc thực hiện khó thành công. Những lời nói như vậy tạo nên những nghiệp lực không lành hay còn gọi là nghiêp ác trong đời sống bản thân họ. Không thể ngụy biện che đậy rằng tuy cách nói giọng nói gây cho người nghe khó chịu nhưng trong tâm hay trong ý nghĩ không hề coi thường người nghe mà chỉ do bản tính đã quen ăn nói mạnh bạo nặng lời.
2. Những lời nói không ái ngữ còn thể hiện ở những người có lòng tham, muốn đem lại lợi ích cho mình nên thường hay nói với những lời nói xu nịnh, ton hót, đề cao không đúng người giao tiếp với mình bằng lời nói và bằng thái độ cung kính không đúng, thậm chí quá đáng . Những lời nói với thái độ như vậy có thể làm cho người giao tiếp với mình thỏa mãn nếu họ là người ưa nịnh, thích uy quyền, hoặc có thể làm cho người giao tiếp với mình khó chịu nếu họ là người biết xử sự đúng chính pháp. Những người nói không ái ngữ như vậy xuất phát từ lòng tham dẫn đến xu nịnh, luồn cúi, tự hạ phẩm chất nhân cách con người, làm cho người khác chê bai và khinh thường.
3. Những lời nói không ái ngữ là những lời nói đường mật ngọt ngào, đầu môi cuối lưỡi, đôi khi dẫn dắt chúng ta đến cạm bẫy không ngờ. Những lời nói kiểu ấy xuất phát từ lòng đố kỵ hại người, từ lòng thâm hiểm, có thể đưa người ta đến chỗ tan nát hạnh phúc gia đình, đến chỗ thân tàn ma dại, đến chỗ khuynh gia bại sản, đến chỗ tiêu tan sự nghiệp, có khi chết chẳng kịp hiểu vì sao!
4. Những lời nói không ái ngữ còn thể hiện ở người tuy có tâm trong sáng, biết tôn trọng người nghe, thậm chí có lòng từ bi giúp người, nhưng cách nói và sắc thái giọng nói không dịu dàng, nhẹ nhàng, êm tai thậm chí khô khốc, cứng nhắc ít truyền cảm cũng gây tác động xấu trong giao tiếp. Những lời nói của những người như vậy tuy có tâm tốt, nói với ý nghĩ chân thành nhưng trong bản thân con người họ vẫn còn một chút “bản ngã” nên chưa nói được những lời nói êm dịu, nhẹ nhàng.
C. Cần nói những lời Ái ngữ:
Người ta thường nói “Ánh mắt là cửa ngõ của tâm hồn”, đúng vậy. Nhưng cũng cần phải thấy rằng “Lời nói là cửa ngõ của nhân cách con người”. Lời nói đúng đắn theo “chính ngữ”, theo “ái ngữ” của nhà Phật chính là thông điệp của tình thương và trí tuệ. Vì sao? Vì đạo Phật dựa trên nền tảng từ bi và trí tuệ giáo hoá chúng sinh trên cõi thế. Chính pháp của Đức Phật là nguồn trí tuệ cung cấp cho chúng sinh giúp chúng ta luôn luôn trao dồi đạo hạnh của mình để có thể nói những lời nói Ái ngữ như đã học, đã biết, như đã tu tập thực hành.
Nói những lời "ái ngữ" tức là ta đã phát triển được tâm Phật, là bồi đắp tâm từ bi hỷ xả trong ta. Nói được những lời "ái ngữ" tức là ta đã dẹp được các tâm ma như tâm tham lam, tâm sân hận, tâm si mê, tâm đố kỵ, tâm ganh tị, tâm hiềm khích, tâm tật đố, tâm hơn thua, tâm ngã mạn, tâm khinh người, tâm khen mình. Nói được những lời "ái ngữ" tức là ta đã tu tập theo hạnh nguyện đại từ đại bi của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, tầm thanh cứu khổ cứu nan cho chúng sinh. Cho nên thực hành được "ái ngữ" tức là đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người chung quanh, làm chuyển hóa những con người đang phiền muộn, khổ đau, thành những con người hạnh phúc.
Phạm Đình Nhân
Còn nữa...