Kiến thức

Ai tin theo số phận sẽ đánh mất chính mình

Thứ ba, 06/04/2023 02:00

Theo quan niệm của một số người thời xa xưa, họ cho rằng đời sống con người là do đấng tạo hóa hay thần linh thượng đế, hoặc do ông trời tạo ra và sắp đặt. Ai tin theo truyền thống này thì được hưởng ân sủng tối cao. Ngược lại, ai không tin, không làm theo thì sẽ bị đọa vào chỗ khốn cùng.

Audio

Họ cho rằng con người sinh ra đều có số mệnh định sẵn hay đã được an bài, con người khó có khả năng vươn lên vượt qua số phận tối tăm để làm mới lại chính mình.

Nếu ai cũng nghĩ sống trên đời này giàu nghèo, sang hèn, tốt xấu, nên hư, thành bại đều do số mệnh đã định sẵn thì con người đành bất lực, xuôi tay và phải chấp nhận sống theo mệnh lệnh của đấng tối cao. Thực tế có phải vậy không?

Trong khi đó, thế giới hỗn loạn với chiến tranh binh đao, con người đối xử độc ác với nhau, lại thêm nạn thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất, nghèo đói, dịch bệnh, chết chóc đau thương hàng loạt. Chẳng lẽ đấng tối cao cũng tạo ra những điều đau khổ ấy hay sao?

Luật nhân quả rất công bằng. Mỗi suy nghĩ, hành động của chúng ta tạo ra sẽ quyết định tới cuộc sống ở hiện tại và tương lai.

Luật nhân quả rất công bằng. Mỗi suy nghĩ, hành động của chúng ta tạo ra sẽ quyết định tới cuộc sống ở hiện tại và tương lai.

Nếu con người và muôn loài đều do một đấng thần linh thượng đế quyền năng tạo ra, tại sao lại có sự sai biệt quá lớn trong thế gian nhiều đến như vậy? Kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, kẻ trắng người đen, kẻ cao người thấp, kẻ sống lâu người chết yểu, kẻ thông minh người dốt nát… Chẳng lẽ đấng tối cao muốn tạo ra nhiều nỗi bất công lớn lao và sai biệt như thế ?

Ngày xưa có ông thầy tướng số rất giỏi bói đâu trúng đó, gần nhà ông có người nông dân nghèo nhưng chất phát, thật thà, hiền hậu. Một hôm, trên đường đi làm ruộng về thì trời đổ mưa, anh vô tình đi ngang qua nhà ông nên ghé vào trú mưa. Ông nhìn anh kỹ càng từ khuôn mặt cho đến vóc dáng, tướng đi rồi lắc đầu nói: “Số chú nghèo ba đời”.

Rồi thời gian trôi qua, anh nông dân mỗi ngày vẫn đi làm ruộng siêng năng cần mẫn nhưng đời sống chẳng có gì khấm khá hơn trước.

Một hôm, trên đường đi về nhà, anh thấy sợi dây chuyền vàng của ai đánh rơi bên vệ đường. Anh nhặt lên rồi suy nghĩ, “người bị mất chắc sẽ phải khổ đau vì mất của.” Do suy nghĩ như vậy và tội nghiệp cho người bị mất nên thay vì đi về nhà dùng cơm trưa anh ngồi lại ngay chỗ đó để chờ người mất của đến tìm mà trả lại.

Anh ngồi suốt từ trưa tới chiều quên cả đói bụng chỉ vì hy vọng gặp được người đánh mất. Đến lúc trời chập choạng tối, anh thấy một cô gái vừa đi vừa nhìn xuống đất như tìm kiếm vật gì, lại vừa đi vừa khóc sướt mướt. Anh bèn kêu lại hỏi thăm xem cớ sự ra sao. Cô nói trong nức nở: “Dạ thưa chú, con vừa được chồng sắp cưới tặng cho đôi bông tai và một sợi dây chuyền vàng, chẳng may trên đường đi về nhà sợi dây chuyền bị đứt rơi mất lúc nào con không hay. Nếu không tìm lại được nó chắc con phải tự tử chết quá chú ơi để khỏi bị bên chồng nghi ngờ con đem tặng cho người khác.”

Nghe xong, anh nông dân mới hỏi cô gái về hình dáng của sợi dây chuyền, cô gái mô tả đúng như sợi dây mà anh đã nhặt được. Anh liền trao lại sợi dây cho cô và vui vẻ đi về nhà, nhờ tấm lòng tốt của anh cướu cô gái thoát chết và sống hạnh phúc bên chồng.

Anh nông dân tuy là người nghèo khổ, thiếu thốn nhưng khi lượm được của rơi anh không sanh lòng tham đắm vì anh nghĩ người mất của sẽ rất đau khổ. Vì anh là một Phật tử thuần thành luôn sống theo lời Phật dạy nhờ hiểu thấu được lý nhân quả nên anh không quản ngại hay tiếc công chờ đợi mặc dù bụng đã đói meo.

Đây cũng là một nghĩa cử cao thượng với những ai đã có lòng tin nhân quả sâu sắc, hành động tốt đẹp đó nói lên tinh thần cứu khổ ban vui của người tu theo đạo Phật không bao giờ làm tổn hại đến người khác dù chỉ trong tâm tưởng.

Thời gian thấm thoát trôi qua, anh nông dân vẫn miệt mài với công việc đồng áng với thân phận nghèo thiếu. Một hôm, anh ghé qua nhà thăm ông thầy tướng số. Vừa trông thấy anh, ông ngạc nhiên nói: “Tướng chú sắp làm quan rồi.” Anh nông dân nói:” Thưa bác, con là một nông dân thuần túy, đâu có tri thức, chữ nghĩa gì nhiều mà làm quan. Người làm quan thì phải học cao hiểu rộng, có năng lực lãnh đạo giúp dân giúp nước. Con thì chỉ biết cày sâu cuốc bẩm, ruộng đồng thiếu trước hụt sau thì giúp gì được cho ai.”

Nhưng ông thầy tướng số khẳng định: “Tôi từ xưa đến nay xem tướng số cho ai chưa trật bao giờ. Bây giờ tôi hỏi thiệt chú, từ ngày chú ghé nhà tôi cho đến nay chú có làm điều phước thiện nào không? Anh nông dân trả lời: “Dạ, con đâu có làm việc gì lợi ích cho ai.” Song, anh chợt nhớ lại việc lượm được sợi dây chuyền vàng và kể cho ông nghe. Ông thầy tướng cười nói: “Đó là phước của chú đấy! Chú đã thay đổi và chuyển hoá được nghiệp nhân nghèo khổ của mình rồi. Chú sắp làm quan rồi, chú hãy nhớ lời tôi nói nhé!”

Anh nông dân nghe ông thầy tướng nói sao hay vậy, anh chẳng quan tâm gì nhiều mà vẫn tiếp tục công việc ruộng nương từ bấy lâu nay. Một thời gian sau, người trong làng cần chọn người hiền đức để bầu làm xã trưởng và anh là người được chọn. Anh bây giờ mới thấy lời ông thầy tướng nói quả không sai.

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy rõ ràng tướng số cũng không cố định mà có thể thay đổi được nếu ta biết tu nhân tích đức. Ai nói rằng cuộc sống con người là do trời định đoạt, sắp đặt và con người sẽ phải sống phụ thuộc vào đấng tối cao ấy thì người nghèo sẽ phải nghèo vĩnh viễn nhưng thực tế lại không phải như vậy. Có người thuở nhỏ sống hàn vi nghèo khổ nhưng khi lớn lên biết siêng năng chăm chỉ làm việc đã trở nên giàu có. Đó là một sự thật mà ai cũng có thể nhận thấy.

Anh nông dân kia do nhiều đời trước không biết giúp đỡ, sẻ chia nên đời này phải chịu nghèo khổ. Nhờ gặp được Phập pháp và một lòng tin sâu nhân quả nên anh sống hiền hậu, chất phát, thật thà. Phật pháp rất sâu kín và nhiệm mầu, ai có duyên lành nhiều đời mới gặp được Tam bảo sáng soi. Là một Phật tử sống tốt theo lời Phật dạy, anh nông dân dù nghèo nhưng trong sạch, nhờ tâm niệm tốt đẹp lượm được của rơi mà biết nghĩ đến người đánh mất mà anh đã thay đổi được cuộc đời.

Khi xưa Phật chưa ra đời, nhiều người không biết nên tin vào học thuyết số phận đã an bài hay tất cả do một đấng tối cao, quyền năng đã tạo ra. Ai như thế nào phải chịu như thế ấy, suốt đời không thể nào thay đổi được. Đó là cách nhìn của người thường kiến, họ lợi dụng quyền cao chức trọng để bắt buộc kẻ dưới phải phục tùng người trên và đó là cách thức bảo vệ địa vị cho họ.

Nhờ tu chứng dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thấy rõ mọi sự sai biệt trong cuộc đời này đều do nhiều nhân duyên hòa hợp lại mà hình thành. Trong vũ trụ bao la này không có cái gì do một nhân mà hình thành. Nếu ai nói có một chủ thể tạo ra tất cả thì ta biết họ chưa hiểu về sự vận hành của nhân quả-nghiệp báo trong bầu vũ trụ bao la với thiên hình vạn trạng vì không thể có cái gì chỉ có một nhân mà hình thành.

Nếu nói cái gì cũng do trời quyết định thì tại sao có sự bất đồng và sai biệt trên thế gian này, không ai giống ai. Nếu thượng đế có khả năng ban phước giáng họa thì tại sao không ban phước lành đến cho tất cả chúng sanh? Còn nếu nói số phận đã định sẵn từ trước thì tại sao có người thay đổi được vận mệnh như anh nông dân lượm được của rơi.

Nếu thượng đế tạo tác ra tất cả thì chính sự tạo tác của thượng đế mà con người trở nên sát hại, trộm cướp, loạn luân, giả dối, phỉ báng, thô lỗ, nhảm nhí, thèm thuồng, khao khát, hiểm độc và hiểu biết sai lầm. Nếu số mệnh đã sắp đặt sẵn thì thật là tai hại vô cùng, ai lỡ làm những việc xấu ác sẽ đổ thừa số phận họ như thế mà không cố gắng phấn đấu vươn lên làm mới lại chính mình.

Đạo Phật quan niệm rất thiết thực, không chấp nhận hay đổ thừa cho số phận, làm cái gì được thì nói nhờ trời, còn không được thì đổ thừa tại trời, nói như vậy thì oan cho trời quá. Người nào quan niệm như thế thì vô tình hại mình, hại gia đình và xã hội. Bởi vì người ấy sẽ không cố gắng phấn đấu để vươn lên sống có ích cho cuộc đời mà rơi vào mê tín dị đoan. Trong khi đó, mỗi con người chúng ta đều có khả năng suy luận, nhận xét, tư duy, quán chiếu, có thể vận dụng sự hiểu biết của mình mà thay đổi, chuyển hóa từ con người cho đến muôn loài vật.

Theo quan điểm của đạo Phật, “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, tất cả đều nương tựa mật thiết vào nhau, tùy theo hoàn cảnh mà có đổi thay, thay đổi vô cùng tận.”

Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, giàu lòng từ bi, đầy đủ trí tuệ, Ngài luôn thương tưởng đến tất cả chúng sinh, mong làm sao giúp cho mọi người tin sâu nhân quả, tự tin chính mình, làm lành lánh dữ, sống có ích cho tha nhân. Ai tin sâu nhân quả và luôn hướng đến chân-thiện-mỹ thì lúc nào cũng sống được bình an, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Sự ra đời của đạo Phật đã giúp cho mọi người biết cách làm chủ bản thân, đem lại giá trị hạnh phúc thật sự cho tất cả chúng sinh. Mọi sự tốt đẹp, phải quấy, nên hư, thành bại đều do chính mình tạo lấy, không ai có quyền ban phước, giáng họa hay sắp đặt số phận con người.

Từ xa xưa, một số người lợi dụng quyền thế của mình đã tuyên truyền con người và vạn vật sinh ra trong cõi đời này đều do một đấng thần linh thượng đế tạo ra. Ai không chấp nhận tu tập theo sự hướng dẫn của họ sẽ bị đọa lạc vào chốn khốn cùng, khổ đau. Ai chịu nghe lời thần linh thượng đế thì sẽ hưởng được quả báo tốt đẹp.

Đức Phật dạy rằng, trong mỗi người chúng ta ai cũng có khả năng giác ngộ và giải thoát, chỉ vì chúng ta không chịu thừa nhận, không chịu suy xét thấu đáo nên đã tạo ra những nỗi khổ, niềm đau mà làm tổn hại cho nhau. Chính vì thế mà khi sinh ra đời ta phải chiêu cảm những quả báo xấu xa, đau đớn và khổ não.

Tuy sinh ra cùng là thân phận con người nhưng do nhân đời trước gieo tạo khác nhau mà trong đời hiện tại phải chịu quả khác nhau nên mỗi người mỗi hoàn cảnh, đời sống. Còn người mê muội, tà kiến, chấp trước, không hiểu biết đúng sự thật của cuộc đời sẽ bị rơi vào các loại súc sanh sống theo quán tính, nghiệp tập, tùy theo sự chiêu cảm mà rơi vào quả báo loài nào và phải chịu trả quả suốt đời, suốt kiếp không cưỡng lại được.

Chúng ta ai được sanh ra làm người là một diễm phúc rất lớn vì có đầy đủ phương tiện, có tư tưởng, có tư duy, có hiểu biết, có nhận định đúng sai, có tìm hiểu, học hỏi giáo lý nhân quả một cách chân chính. Ta tin tưởng rằng mình có khả năng giác ngộ, giải thoát thật sự nên cố gắng không làm các điều ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp nhờ tin sâu nhân quả. Khi chúng ta đã biết cách làm chủ bản thân thì lúc nào cũng kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ cho đến lời nói và hành động trong sáng suốt. Nhờ vậy, ta luôn sống trong bình an, hạnh phúc.

Vậy nhân quả là gì? Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Tuy nhiên, nhân quả rất đa dạng và phức tạp.

Có loại nhân quả gần, tức là khi ta làm điều gì thì có kết quả liền trong hiện tại, không phải chờ đợi lâu xa. Thí dụ như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu hay còn gọi là nhân nào quả nấy. Trường hợp thứ hai như khi ta đang đói bụng, ăn cơm vào thì ta no liền, hoặc ta đánh trống thì nghe được âm thanh của trống ngay tức khắc.

Có những nhân ta gieo trong hiện tại sau một thời gian ngắn từ năm ba tháng cho đến vài năm mới cho ra kết quả. Có những nhân ta gieo tạo nhưng trải qua một đời, hai đời hoặc vô số kiếp về sau thì quả mới trổ ra. Khi chúng ta gieo nhân mà không có kết quả là do thiếu những duyên phụ hoặc vì ta tu hành quá tinh tấn nên nhân xấu không đủ sức trổ quả.

Như trường hợp trong một lúc ta cùng gieo ba thứ hạt giống là cây lúa, cây chuối, cây mít và chăm sóc kỹ càng nhưng kết quả cho ra không cùng một thời gian. Cây lúa khi gieo xuống thì từ 3 tháng cho đến 6 tháng có kết quả, cây chuối phải từ 9 tháng đến một năm, còn cây mít ít nhất phải từ 2 năm trở lên, đó là nhân quả thuận chiều theo nhân duyên. Nhưng có những nhân mà ta đã gieo lại không có kết quả như nửa chừng cây bị chết hoặc bị trường hợp rủi ro khác.

Nhân quả rất đa dạng và phức tạp, chúng ta là những phàm phu mắt thịt nên không thể nào nhìn thấy hết tất cả tiến trình chi phối và diễn biến của luật nhân quả nghiệp báo. Là người Phật tử chân chính chúng ta phải thận trọng trong từng ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động do mình tạo ra trong từng phút, từng giờ. Ta phải thường xuyên xem xét, quán chiếu, soi sáng lại chính mình để không vấp phải lỗi lầm.

loading...