Sống an vui
Ăn chay - một phương cách ăn lành mạnh
Chủ nhật, 16/08/2021 08:51
Ăn chay là một thói quen ăn uống phổ biến gần gũi với tinh thần từ bi của Phật giáo. Mặc dù không bắt buộc trong cách hành trì theo Phật giáo, ăn chay luôn được khuyến khích vì ăn chay đem lại nhiều lợi ích, kể cả việc hỗ trợ sức khỏe tốt.
Nghiên cứu khoa học đã đưa ra kết quả thuyết phục rằng những người ăn chay có nguy cơ bị các chứng bệnh như tim, đột quỵ, ung thư, cao huyết áp và tiểu đường thường thấp hơn so với người ăn mặn. Về mặt tình cảm, ăn chay giảm đi tội lỗi lấy khổ đau và mạng sống của chúng sanh để duy trì mạng sống của mình. Cũng có thể nói rằng ăn thịt làm tăng thêm tính khí nóng nảy sân hận. Sở dĩ như vậy vì năng lượng tiêu cực sân hận trong con vật khi sắp bị giết sẽ chuyển vào trong thịt và khi ăn thịt, năng lượng sân hận ấy sẽ vào cơ thể người ăn. Luật bảo tồn năng lượng cũng nói rằng năng lượng không tự sinh ra mà cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển hóa. Do đó, sân hận là một năng lượng tiêu cực được chuyển vào cơ thể con người qua con đường tiếp thu thịt vào cơ thể rồi làm cho tính khí con người trở nên nóng nảy sân hận. Nhìn một cách toàn diện, giảm ăn thịt là tập quản lý cơn giận của mình.
Để có nhiều thông tin hơn về ăn chay, đặc biệt là về phương diện dinh dưỡng, ví dụ, liệu tôi có nên lo lắng về thiếu chất đạm, vi-ta-min B12, can-xi và sắt trong chế độ ăn chay không (câu trả lời là ‘không’), liệu trẻ sơ sinh và trẻ em có nên trở thành người ăn chay trường không (câu trả lời là ‘nên’), xin vui lòng ghé thăm trang mạng của ‘Hiệp hội ăn chay quốc tế’ ở địa chỉ sau: http://www.ivu.org.
Phải thừa nhận rằng chế độ ăn chay trường là quà tặng dành cho chúng ta về phương diện sức khỏe thân thể, tinh thần và tâm linh.
Có khi nào bạn khuyên một thành viên trong gia đình được chẩn đoán bị bệnh gì đó, như đột quỵ chẳng hạn, cần chuyển từ chế độ ăn mặn sang ăn chay không? Bác sĩ đã chẩn đoán mẹ tôi bị ung thư vú và được chữa trị. Từ đó, mẹ tôi tình nguyện trở thành người ăn chay (tuy không ăn chay trường) vì lý do sức khỏe. Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu một người muốn trở thành người ăn chay trường, bằng cách này hay cách khác, là khi họ thấy được nhiều lợi ích trong chế độ ăn này. Thế nhưng, nếu một người, đặc biệt là người bệnh, ái ngại khi nghĩ đến việc chuyển sang ăn chay trường (hầu hết bệnh nhân của tôi đều thuộc nhóm người này), chúng ta nên trải tâm từ để tìm giải pháp khác cho họ.
Tùy vào phương tiện, văn hóa và niềm tin cá nhân, thuyết phục một người điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng và thích hợp là điều dễ dàng hơn nhiều; ví dụ nên ăn thức ăn hàm lượng chất béo, đường và muối thấp, nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên. Duy trì được chế độ ăn uống như vậy là tốt lắm rồi và rõ ràng là tốt hơn không ăn gì cả, vì không ăn gì cả thì hệ thống miễn dịch dần dần suy giảm. Tôi từng thấy nhiều bệnh nhân ung thư vẫn duy trì chế độ ăn mặn, nhưng kiêng cử hơn, có khả năng chống chỏi với bệnh tốt hơn so với những người ăn không kiêng cử. Về phương diện tâm linh, cứ để họ tự nguyện chọn chế độ ăn như vậy sẽ giúp bệnh nhân tránh được tâm lý sợ hãi và tội lỗi. Chúng ta nên tránh kiểu nói với họ rằng, “Bạn bị ung thư là do mình ăn nhiều thịt. Nếu tiếp tục ăn thịt, bạn lại tạo nghiệp không tốt và bệnh ung thư có nhiều nguy cơ tái phát hơn!” Nói với bệnh nhân như vậy là thiếu tâm từ và dễ dàng đưa họ đến tâm trạng trầm uất. Nói như vậy, thay vì cố gắng giúp họ, chúng ta càng hại họ thêm.
Về cá nhân mình, tôi dần dần chuyển sang chế độ ăn chay trường trong khả năng có thể. Trong khi làm như vậy, tôi không quên nhắc nhở mình lời Pháp về việc ăn chay trường trên quan điểm nghiệp báo mà tôi đã được nghe:
Những gì đi ra từ miệng (lời nói chân chính) quan trọng hơn những gì đi vô miệng (thức ăn).
Ajahn Brahmavamso
Thích Nữ Liên Trí dịch