Sống an vui

Ăn chay ngày Rằm, mùng một

Thứ năm, 23/11/2023 11:54

Người dân quê tôi ở thị trấn La Hai thuộc huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đa phần gắn bó với công việc trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Những ngày rằm và mùng một, nhiều người đến chùa thắp hương, lễ Phật cầu an, ăn chay tại nhà.

Audio

Việc ăn chay mỗi tháng hai ngày đã trở thành xu hướng phổ biến được nhiều gia đình, trong đó có các gia đình trẻ đang tích cực hưởng ứng. Theo tôi, đây là một nét đẹp văn hóa đáng quý.

Vốn dĩ, người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo. Điều này dễ nhận thấy từ làng quê đến chốn thị thành, đâu đâu cũng có những ngôi chùa trầm mặc rêu phong hoặc nghiêm trang bề thế, luôn rộng mở để mọi người sớm hôm lui tới thắp hương, niệm Phật, hướng đến những điều thiện lành, mong cầu đấng từ bi độ trì, che chở. Việc ăn chay cũng rất gần gũi, quen thuộc, có sự kế thừa từ truyền thống gia đình như cha mẹ đã ăn chay thì về sau gia đình nhỏ của con cái cũng thực hiện theo. Nếu như trước đây số người ăn chay còn ít, chủ yếu là người lớn tuổi và thường xuyên đến chùa, thì nay lại có rất nhiều người lựa chọn và ưa thích ẩm thực chay vào ngày rằm, mùng một. Vấn đề ăn chay không còn giới hạn ở tôn giáo, tuổi tác, nghề nghiệp mà phát triển rộng khắp, đa dạng thành phần.

Việc ăn chay mỗi tháng hai ngày đã trở thành xu hướng phổ biến được nhiều gia đình, trong đó có các gia đình trẻ đang tích cực hưởng ứng.

Việc ăn chay mỗi tháng hai ngày đã trở thành xu hướng phổ biến được nhiều gia đình, trong đó có các gia đình trẻ đang tích cực hưởng ứng.

Ăn chay còn gọi là ăn lạt, được hiểu là chỉ sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như nấm, đậu, rau, củ, ngũ cốc để nuôi sống cơ thể mà không dùng những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Ăn chay có nhiều hình thức, nhiều trường phái khác nhau nhưng tôi quan tâm nhiều hơn là tinh thần và mục đích ăn chay của bà con ở quê mình.Thứ nhất, tinh thần ăn chay hoàn toàn tự giác, tự nguyện. Ngoài những Tăng, Ni, Phật tử ăn chay trường theo giới luật nhà Phật, ngày nay càng có nhiều người, nhiều gia đình ăn chay vào ngày rằm và đầu tháng âm lịch theo tâm nguyện của họ. Mọi người thực hiện ăn chay tự giác, xuất phát từ tâm chứ không ai bắt buộc. Cũng có những người dù không theo tôn giáo nào nhưng vẫn ăn chay với tấm lòng thành.

Thứ hai, mục đích ăn chay cũng rất đẹp, đẹp như nếp nghĩ hồn nhiên, thật thà, mộc mạc muôn đời của người quê. Ăn chay giúp thanh lọc cơ thể, cải thiện và tốt cho sức khỏe. Thức ăn chay có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều vitamin, nhiều chất xơ, có tác dụng chống oxy hóa, ít cholesterol, ít acid béo nên rất có lợi cho tim mạch, huyết áp, tăng cường tuổi thọ, tốt cho sức khỏe. Quan trọng hơn, ăn chay còn giúp thân tâm nhẹ nhàng, thư thái, an lạc hơn. Thật tình, sau nhiều ngày ăn mặn đã thừa chất đạm, dư chất béo nên chúng ta có cảm giác ngán thịt cá dầu mỡ. Do đó, một bữa cơm chay tịnh gồm toàn rau, củ, quả sẽ đem lại những dư vị, dư hương thanh khiết. Khi thực hiện ăn chay, tôi cũng như bà con ở quê không dám mong cầu những điều gì quá cao siêu, xa vời mà chỉ đơn giản tìm đến sự dung hòa với vạn vật cỏ cây, tránh sát sinh động vật, dưỡng nuôi mầm thiện cho thân tâm thanh thản nhẹ nhàng. Tóm lại, mục đích ăn chay của người quê tôi mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Tôi thường thức dậy sớm, châm bình trà nóng, pha ly cà phê rồi đi dạo ra ga La Hai cho giãn xương cốt. Lúc này, không gian còn tĩnh mịch, tôi nghe rõ tiếng chuông đại hồng chùa Long Hưng ngân vang từng tiếng. Nếu tiếng chuông đầu đêm nhắc nhở mọi người buông bỏ cơn vô thường, an yên bản thân để nghỉ ngơi thì tiếng chuông cuối đêm, gần sáng như thức tỉnh mọi người, tỉnh táo trở dậy để bắt đầu ngày mới. Do công việc gắn với ngày tháng dương lịch nên đôi khi tôi quên mất âm lịch là ngày mấy. Nhưng nhờ thấy bà con ở xóm quê đi chợ sớm hơn thường lệ, rộn ràng í ới gọi nhau mua bông, mua chuối là tôi sực nhớ hôm nay là ngày rằm hoặc mùng một. Ai cũng tranh thủ đi chợ sớm, mua bông và rau củ còn tươi để về tranh thủ nấu bữa cơm chay rồi còn kịp về chùa.

Các món chay rất dễ nấu, chẳng đòi hỏi cầu kỳ, nguyên liệu chủ yếu là rau củ sẵn có trong vườn nhà. Chỉ khi nào nấu một mâm cơm chay để cúng kính vào dịp đầu năm mới hoặc những ngày rằm lớn thì cần chế biến tươm tất, đủ đầy hơn. Ngày rằm và đầu tháng, chợ La Hai đông hơn, họp sớm hơn, bà con bày bán thức ăn chay được nấu sẵn rất phong phú. Tôi phụ giúp vợ nấu bữa cơm chay thanh đạm và nghĩ đến xu hướng ăn chay tích cực của bà con quê mình cũng là điều đáng vui mừng.Hiện nay, số người ăn chay ở Việt Nam có xu hướng gia tăng. Theo số liệu của báo Nhịp cầu đầu tư, Việt Nam có khoảng 10% dân số ăn chay (9-10 triệu người), thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Đứng đầu top các nước có tỉ lệ người ăn chay nhiều có Ấn Độ (20-30%), Đài Loan (13-14%), Israel (13%). Nhiều chuyên gia dinh dưỡng có nhắc nhở nếu ăn chay không đúng cách sẽ thiếu hụt dưỡng chất, không đảm bảo cho sức khỏe, nhưng tôi và bà con ở quê chỉ ăn chay hai ngày mỗi tháng thì chẳng có gì đáng lo ngại. Đến ngày rằm và mùng một, nhiều gia đình Phật tử về chùa, đưa con cháu đến đây thắp hương, lạy Phật, nghe tiếng mõ tiếng chuông ngân vọng cùng lời kinh kệ tụng trì, dùng một bữa cơm chay tịnh ở chốn thiền môn thật đáng quý thay!

loading...