Sống an vui
Ăn chay trường đúng cách để bảo vệ sức khỏe
Thứ hai, 10/01/2020 07:27
Nếu bạn ăn chay trường đúng cách thì sẽ tăng cường sức khỏe cho bản thân nhưng lại tăng nguy cơ cao bị thiếu chất dinh dưỡng khi ăn uống không lành mạnh. Làm thế nào để bạn ăn chay trường đúng cách đây?
Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Ăn chay
Khi bạn ăn chay trường đúng cách, cơ thể sẽ tăng lượng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật và giảm thiểu những thực phẩm từ động vật. Chế độ ăn chay lành mạnh thường bao gồm nhiều loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc.
Theo MedicalNewsToday, việc ăn chay trường đúng cách sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, đột quỵ, béo phì, cao huyết áp và một số bệnh ung thư.
Nếu ăn chay trường không đúng cách, bạn có thể bị thiếu chất dinh dưỡng là iron, canxi, protein, vitamin D, vitamin B12, kẽm. Bạn cũng có thể bị dư thừa calo khi tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, những thực phẩm carbohydrate tinh chế hoặc các sản phẩm từ sữa.Dưới đây là những chế độ ăn chay trường phổ biến, cách lên thực đơn và những lưu ý khi ăn chay để bạn đạt được những lợi ích sức khỏe.
Chế độ ăn chay trường phổ biến
Chế độ ăn chay lành mạnh thường bao gồm nhiều loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nhưng chế độ ăn chay khác nhau sẽ bổ sung thêm những thực phẩm khác nhau. Dưới đây là 3 chế độ ăn chay thường gặp:
Chế độ ăn chay lacto – ovo: không ăn các loại thịt, hải sản và cá nhưng ăn trứng, các sản phẩm từ bơ sữa và thức ăn có nguồn gốc từ thực vật.
Chế độ ăn chay lacto: không ăn thịt, cá, hải sản, kể cả trứng mà chỉ tiêu thụ các sản phẩm từ sữa và từ thực vật.
Chế độ ăn chay ovo: không ăn thịt, cá, hải sản, các sản phẩm từ bơ sữa nhưng ăn trứng.
Chế độ ăn chay lacto-ovo thường phổ biến vì được nhiều người lựa chọn. Đây cũng là chế độ ăn chay cung cấp cho cơ thể bạn nhiều chất dinh dưỡng nhất. Khi thực hiện chế độ ăn này, bạn hãy tuân thủ ăn những thực phẩm như các loại rau, trái cây, các loại hạt, các loại đậu, các loại ngũ cốc, dầu thực vật, các loại trứng và sữa.
Cách lên thực đơn ăn chay trường
Cách lên thực đơn ăn chay trường sẽ quyết định rất nhiều đến nhu cầu dinh dưỡng mà bạn cung cấp cho cơ thể hàng ngày.
Dưới đây là một số gợi ý lên thực đơn ăn chay mà bạn có thể tham khảo.
1. Xây dựng chế độ ăn với các loại rau củ
Để duy trì dinh dưỡng cho chế độ ăn chay, bạn nên xây dựng bữa ăn xung quanh nhiều loại rau. Các món ăn từ rau giúp bạn tăng lượng protein là cải bó xôi, đậu Hà Lan, bắp cải và cải xoăn. Nếu là người ăn chay không tiêu thụ sữa, bạn hãy thêm các loại rau xanh như cải bắp và đậu bắp vào chế độ ăn uống của mình để bổ sung canxi.
Các món ăn từ rau thường rất đa dạng. Bạn có thể nấu các món ăn như canh, mì xào cà rốt và rau cải, cải thìa xào nấm, salad rau trộn, rau củ xào, bắp xào bơ, khổ qua nhồi cùng với đậu hũ, cà rốt, nấm mèo, bún tàu…
2. Ăn chay trường đúng cách với trái cây
Trái cây cung cấp chất xơ lành mạnh và các chất dinh dưỡng quan trọng cho bạn. Dưới đây là những gợi ý về các loại trái cây cung cấp các chất thiết yếu cho cơ thể.
• Canxi: Bạn có thể cung cấp canxi cho cơ thể từ các loại dâu tây, cam, quả sung.
• Sắt: Thực phẩm giàu chất sắt bạn nên cung cấp cho cơ thể hàng ngày là nước ép mận hay các loại trái cây khô như quả mơ, nho khô và mận khô.
• Protein: Bạn hãy kết hợp trái cây sấy khô với các loại hạt để tạo ra một bữa ăn nhẹ giàu protein.
Trái cây cũng có thể được sử dụng để thay thế các nguyên liệu trong món bánh ngọt. Ví dụ, chuối có thể được sử dụng thay trứng để làm bánh kếp nếu bạn thực hiện chế độ ăn chay lacto. Trái cây có thể được nghiền, đánh bông và để đông lạnh như một món thay thế kem nếu bạn là người ăn chay theo chế độ ovo.
3. Lên thực đơn lành mạnh với các loại ngũ cốc
Các loại ngũ cốc đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn chay lành mạnh. Bạn hãy chọn những loại ngũ cốc còn nguyên thay vì đã qua tinh chế để đạt được lượng protein khuyến nghị và các chất dinh dưỡng khác là vitamin B, sắt, magie và selen.
Diêm mạch được coi là một protein hoàn chỉnh vì nó chứa chín axit amin thiết yếu. Đây là những axit amin phải được tiêu thụ trong chế độ ăn vì cơ thể bạn không tự tạo ra chúng. Các loại ngũ cốc dinh dưỡng giàu protein khác là yến mạch, gạo lứt, lúa mạch, hạt dẻ và kiều mạch…
Bữa ăn với các loại ngũ cốc giúp bạn cảm thấy no lâu vì chúng rất giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan. Những chất này giúp cơ thể bạn phải mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa.
Một chế độ ăn giàu chất xơ cũng giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ, tiểu đường loại 2 và các tình trạng sức khỏe khác.
4. Ăn chay trường đúng cách với các loại đậu
Thành phần quan trọng trong chế độ ăn chay mà bạn không nên bỏ qua là các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh… Những loại đậu này thường bổ dưỡng mà không tốn kém nhiều chi phí và dễ bảo quản.
Các loại đậu có chất béo tự nhiên thấp có thể cung cấp chất xơ, protein và các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể bạn như folate, magie, kali và sắt. Các loại đậu cũng chứa tinh bột đề kháng thường được chuyển trực tiếp đến ruột già để nuôi các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe.
Bạn hãy thêm các loại đậu đã được nấu chín vào món súp, salad hoặc các món ăn khác để tạo ra một món ăn thay thế cho thịt. Khi chọn đậu, bạn hãy cân nhắc mua đậu khô (trong túi hoặc số lượng lớn) hoặc đậu đóng hộp không chứa natri.
5. Xây dựng thực đơn với các loại hạt dinh dưỡng
Các loại hạt là một nguồn protein và chất béo lành mạnh trong chế độ ăn chay. Bạn có thể thêm hạt chia, hạt bí ngô, hạt gai dầu và hạt lanh vào sinh tố, sữa chua, salad và các món ăn khác.
Bạn có thể sử dụng bơ đậu phộng hoặc bơ hạnh nhân để thay thế bơ sữa hoặc phô mai. Nếu bạn là người ăn chay không tiêu thụ sữa từ động vật, bạn có thể tìm các sản phẩm sữa thay thế được làm từ hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó và các loại hạt khác.
6. Lên thực đơn ăn chay trường từ đậu nành
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, tempeh (tương nén) và sữa đậu nành thường được tiêu thụ trong chế độ ăn chay.
Bạn có thể sử dụng đậu phụ để thay thế cho thịt như cắt nhỏ chúng rồi đem nướng, chiên, xào để tăng lượng protein cho cơ thể. Đậu nành có thể được pha chế thành sữa và thay thế trứng trong nguyên liệu làm bánh.Bạn có thể lựa chọn các sản phẩm sữa chua làm từ đậu nành, kem đậu nành, bột protein đậu nành và bánh protein đậu nành.
7. Sử dụng dầu thực vật thay thế dầu động vật
Bạn có thể sử dụng dầu thực vật để thay thế cho dầu động vật trong chế độ ăn chay của mình như dầu ô liu, dầu bơ, dầu đậu phộng, dầu hạt lanh, dầu mè, dầu hướng dương. Các loại dầu này cung cấp các chất béo lành mạnh giúp bạn giảm mức chất béo trung tính, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Các loại dầu thực vật có chứa 9 calo trong mỗi gram nên bạn cần tiêu thụ chúng ở mức vừa phải.
8. Ăn chay trường đúng cách từ trứng và sữa
Nếu là người thực hiện chế độ ăn chay lacto-ovo, bạn có thể tiêu thụ trứng và các sản phẩm từ sữa để đáp ứng nhu cầu protein dễ dàng hơn.
Một quả trứng lớn cung cấp 6g protein, phốt pho, vitamin A, vitamin D (hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi). Một cốc sữa tách kem cung cấp khoảng 9g protein và khoảng 35% lượng canxi khuyến nghị hàng ngày.
Nếu không tiêu thụ trứng hoặc sữa, bạn hãy đọc nhãn để đảm bảo các sản phẩm bạn mua không chứa các thành phần này. Trứng và sữa thường có trong các món nướng, mì ống, súp và các thực phẩm phổ biến khác.
Lưu ý để ăn chay trường đúng cách
Bạn hãy lưu ý những điều dưới đây khi thực hiện chế độ ăn chay trường đúng cách:
• Tập dần thay đổi chế độ ăn chay: Bạn không nên cắt bỏ thói quen ăn uống hàng ngày của mình mà chuyển sang hẳn chế độ ăn kiêng.
Khi bắt đầu ăn, bạn chỉ nên dành 1 ngày 1 tuần để cắt giảm lượng thịt và thưởng thức các món ăn chay. Khi bạn cảm thấy thoải mái hơn với thói quen ăn chay này thì giảm lượng thịt, hải sản, sữa và trứng vào những ngày khác trong tuần.
• Thử chế độ ăn chay bán phần: Các chuyên gia khác khuyên bạn nên áp dụng chế độ ăn kiêng flexitarian. Chế độ ăn chay này sẽ cho phép bạn thỉnh thoảng ăn thịt.
• Dành thời gian cuối tuần lên thực đơn và mua sắm: Khi thay đổi thói quen ăn uống, bạn phải mất nhiều thời gian hơn để lựa chọn thực đơn cho mình. Vì thế, bạn hãy dành thời gian cuối tuần để lên thực đơn cho 1 tuần rồi đi mua sắm để tiết kiệm thời gian.
• Lưu ý khi đi ăn ngoài: Các nhà hàng và hàng quán ngày càng có thêm những lựa chọn ăn chay. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cẩn trọng đọc menu hoặc đặt câu hỏi cho chủ quán để chắc chắn.
• Nhãn thực phẩm không ghi từ “chay”: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không quy định việc sử dụng từ “chay” trên nhãn thực phẩm vì không có định nghĩa chuẩn về những nguyên liệu tạo thành thực phẩm chay.
Bạn cần cẩn trọng xem lại thành phần nếu bao bì ghi chữ “chay” để biết sản phẩm có phù hợp với chế độ ăn chay của mình hay không.
• Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày: Bộ Y tế Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên ăn các nhóm thực phẩm khác nhau như rau có màu xanh, các loại rau củ có tinh bột, các loại đậu và hạt, sản phẩm từ đậu nành… Lượng calo được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày là 1.000 đến 3.200 calo.
Việc ăn thực phẩm chay đa dạng sẽ cung cấp cho cơ thể bạn đầy đủ lượng protein chứa chín axit amin thiết yếu giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, hệ thống miễn dịch, cơ bắp và xương.
• Người không dung nạp gluten nên cẩn trọng: Các loại ngũ cốc đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn chay nhưng ngũ cốc thường có chứa nhiều gluten. Nếu có triệu chứng không dung nạp gluten, bạn hãy chọn các loại ngũ cốc là ngô, kiều mạch, diêm mạch, hạt kê, lúa miến và gạo.
Cách ăn chay trường đang ngày càng được nhiều người áp dụng. Bạn hãy thử nhiều chế độ ăn chay khác nhau rồi tìm cho mình một chế độ ăn phù hợp và đảm bảo sức khỏe nhé!
Hoa Vũ | HELLO BACSI