Sống an vui
An lạc trong đời thường
Thứ hai, 01/03/2021 08:35
Nhờ Đức Như Lai xuất hiện nơi đời, đem ánh sáng chơn lý vẹt sạch mây mù vô minh phiền não, trả lại sự trong sáng sẵn có của chính mình. Sóng mòi bọt bóng, nghìn sai muôn khác, khi sóng yên gió lặng thì thể tánh thanh tịnh của nước trở về tánh trong xanh và mát dịu sẵn có của nó.
Bao năm lưu lạc chốn hồng trần
Mãi lo đeo đuổi tánh tham sân
Bỏ quên viên ngọc châu như ý
Nằm ngay trí tánh thể trong ngần.
Dòng thời gian chảy dài theo năm tháng, cuốn phăng bụi bặm não phiền của kiếp nhân sinh. Ánh bình minh tươi sáng, trải ánh nắng trên ngàn cây nội cỏ, tiếng chim hót véo von, báo hiệu một ngày mới đầy sức sống. Bỏ lại sau lưng một màn đêm u tối, vô minh, dẫy đầy hận thù và phẫn nộ.
Hương vị an lạc chốn thiền môn
Vâng! Đức Thế Tôn muốn cứu độ chúng sanh thoát khỏi nhà lửa Tam giới cũ mục, nên Ngài ứng thân vào đời ngũ trược ác thế này, bày ra nhiều phương tiện để dụ dẫn chúng sanh, thoát khỏi ngục tù của sân hận, si mê. Cũng như ông Trưởng giả giàu có của cải vô lượng, nhà của ông rộng lớn nhưng chỉ có một cái cửa để ra vào, ngôi nhà mục nát, cột kèo ngã đổ, rắn rít, bò cạp, càng nhiều. Bỗng nhiên bốn bề lửa cháy, nhưng các người con của ông vẫn cứ đùa giỡn vui chơi, không biết sợ hãi là gì, chẳng biết thế nào là lửa đốt cháy! Ông nghĩ ra chước khéo để dụ dẫn các con. Ông bèn hô to: “Này các con! Cha có những đồ chơi tốt đẹp, xe dê, xe hươu, xe trâu trắng, xe nào cũng đẹp đẽ, trang sức lộng lẫy, các con mau ra chọn lấy sở thích mà dùng”.
Các con của ông giành nhau chạy ra khỏi nhà lửa để được đồ chơi tốt đẹp, nhìn thấy các con được an ổn ông rất vui mừng. Bèn ở ngã tư đường, đồng ban cho các con một thứ xe trâu tốt đẹp. Ông tự nghĩ rằng: “Các người con này, đều là con của ta, đồng yêu không thiên lệch. Nên ông đều cho xe trâu trắng lớn, đầy đủ tiện nghi, trang hoàng lộng lẫy.” Vì ông Trưởng giả của giàu vô số, kho đụn tràn đầy, tôi trai tớ gái cũng rất đông vầy.
Dưới mái hiên chùa - thân tâm an lạc
Đức Như Lai cũng lại như vậy, tuy Ngài đã chứng vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau bốn mươi chín ngày tham thiền nhập định dưới gốc cây Tất-bát-la (từ đó đến nay, nhờ sự chứng đắc của Ngài mà cội cây ấy được đổi tên là cây Bồ đề).
Ngài nhập định chiến đấu với thiên ma Ba-tuần chỉ huy khuấy nhiễu. Đêm thứ bốn mươi chín, canh hai, Ngài chứng được Túc mạng minh, thấy rõ quá khứ của đời mình trong Tam giới. Nửa đêm, Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy rõ bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo thành vũ trụ. Đến canh tư Ngài chứng được Lậu tận minh, biết rõ nguồn gốc của khổ đau và phương pháp dứt trừ đau khổ. Ngày 08/12 âm lịch khi sao mai mọc, Ngài chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Giây phút ấy không gian bừng chấn động
Đóa ưu đàm hé nở mấy ngàn năm
Sen nở thắm bên hồ hương lộng gió
Muôn cung tơ nhã nhạc tấu bổng trầm.
Tuy đã ra khỏi thế gian, nhưng vì lợi ích cho chúng sanh, Ngài trở vào nhà lửa Tam giới cũ mục này để độ chúng sanh. Sau khi chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài nhận thấy căn cơ của chúng sanh không đồng nhau, nên lập ra phương tiện để dẫn dắt chúng sanh. Nếu đem trí huệ, thần thông mà giảng nói các tri kiến, trí lực, vô sở úy của Như Lai, thì chúng sanh không hiểu được. Vì chúng sanh đang rong chơi trong rừng vô minh tam độc, tham lam, giận hờn, ngu si mê muội, trong nhà lửa Tam giới, luôn luôn sống trong cảnh khổ: sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc và ngũ ấm xí thạnh. Tuy khổ não như thế, nhưng Đức Phật bảo: “Quay đầu vào bờ”, thì chúng sanh nào chịu tin theo.” Do vậy, Đức Như Lai phải lập pháp tu, phương tiện quyền xảo, quả vị Thanh văn dụ cho xe dê chẳng hạn như thọ Tam quy, trì Ngũ giới, tiến lên chút nữa là tu Thập thiện. Hai là Duyên giác thừa ví như xe hươu, thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trong đó có Bát chánh đạo, là tám con đường đưa hành giả đến chỗ an lạc, đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Xe trâu chỉ cho Bồ tát thừa hay Phật thừa, đó là Đức Như Lai vận dụng phương tiện đáp ứng căn cơ của mỗi hạng chúng sanh. Cũng như một trận mưa rơi xuống, tùy theo chủng loại các giống cây lớn nhỏ, mà hấp thụ không đồng. Trong quá trình thuyết pháp độ sanh, với một lập trường kiên định, Đức Như Lai đã vận dụng “Tứ tất đàn” một cách vô cùng phong phú, nhờ vậy mọi căn cơ chúng sanh đều thấm nhuần mưa pháp.
1. Thế giới tất đàn;
2. Vị nhơn tất đàn;
3. Đối trị tất đàn;
4. Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Nghệ thuật sống an lạc hạnh phúc
Ngôi nhà rộng, chỉ có một cái cửa để ra vào, dụ cho ba cõi, cảnh giới thênh thang không ranh giới, nhưng muốn ra khỏi ba cõi, diệt được vô minh phiền não, chỉ có con đường Bát Chánh đạo, tức là không ngoài Tam vô lậu học (Giới, Định, Tuệ) và Tam giải thoát môn. Chuyển hóa khổ đau tột cùng của kiếp người để được an vui giải thoát, đó là mục đích duy nhất trên đường tìm về Bảo sở.
Vận dụng phương tiện nhằm đạt đến chỗ cứu cánh, phương tiện trong việc giáo hóa có nghĩa là: “Nói vậy mà chưa phải vậy.” Bảo rằng: “Học vậy đi! Hiểu vậy đi! Làm vậy đi! Lợi ích lắm đó! Tốt lắm đó!” Nhưng cái lợi ích và tốt đó, chưa phải là cái tột cùng của cứu cánh, phải học, phải hiểu nhiều hơn nữa.
Bấy giờ sự học, sự hiểu và việc làm đó mới đi đến nơi đến chốn, mới đến chỗ cứu cánh trọn vẹn.
– Lẽ ra Như Lai phải nói ra cái hoài bão duy nhất và mục đích tối thượng của Như Lai, ngay từ lúc bắt đầu cuộc hành trình thuyết pháp độ sanh, nhưng Như Lai chưa nói rõ ra được điều đó.
– Lẽ ra Như Lai phải nói thẳng với hàng Thanh Văn, Duyên Giác rằng: “Pháp Như Lai dạy các ông chỉ là pháp Tiểu thừa và Niết-bàn của các ông đạt đến, chỉ là Tứ quả Thanh Văn mà thôi chưa phải là cứu cánh”.
– Lẽ ra Như Lai phải nói thẳng với chúng sanh rằng: “Tất cả chúng sanh đều sanh có tánh Phật (Tri Kiến Phật), nhưng Như Lai đã bí mật giấu hẳn điều này, vì căn cơ của chúng sanh còn thấp kém, chưa đủ trí huệ để tiếp thu”.
– Lẽ ra Như Lai phải nói thẳng với chúng sanh rằng: “Tu hành là thành Phật, không có quả Nhị thừa, quả Tam thừa nào khác. Nhưng từ lâu nay Như Lai nói có, vì đó là phương tiện của Như Lai”.
– Lẽ ra Như Lai phải nói thẳng với chúng sanh rằng: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành, suốt bốn mươichín năm thuyết pháp Ta im lặng, đến khi gần nhập Niết-bàn, Ta mới giao cho các ông cái gia tài vô giá ấy”.
Làm thế nào mới có thể xa rời khổ đau và được an lạc?
Đức Phật chỉ ra cho chúng sanh con đường đi đến chỗ an lạc, giải thoát, bằng cách chuyển hóa trong cuộc sống hằng ngày, không có gì trừu tượng hay khó hiểu.
Ví dụ mình muốn giết một con gà hay con vịt để ăn, mình nghĩ ngay đến lời Phật dạy khi thọ giới.
Giới thứ nhất: không được sát sanh, người tham sống vật cũng tham sống, người sợ chết vật cũng sợ chết. Nghĩ như thế rồi mình không muốn giết hại nữa, tức là mình đã tha mạng cho nó, dĩ nhiên là tâm mình được yên vui, mình đã chuyển hóa khổ đau thành an lạc, đó là mình đã được hạnh phúc ngay trong phút giây hiện tại.
Mình trở về, về lại với bản giác thanh tịnh của chính mình. Lâu nay chúng ta còn bị chi phối của hạt giống hữu lậu, của nghiệp nhơn ô nhiễm trong ba cõi, nên phải trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Nay nhờ Đức Như Lai xuất hiện nơi đời, đem ánh sáng chơn lý vẹt sạch mây mù vô minh phiền não, trả lại sự trong sáng sẵn có của chính mình. Sóng mòi bọt bóng, nghìn sai muôn khác, khi sóng yên gió lặng thì thể tánh thanh tịnh của nước trở về tánh trong xanh và mát dịu sẵn có của nó.
Mẹ ru con, Mẹ cất cao tiếng hát
Phật vào đời, từ ái độ sanh linh
Dạy chúng sanh tìm hải đảo chính mình
Chuyển Bát thức, để trở thành Tứ trí*
Vô minh hoặc, trần sa hoặc thoát ly
Mảnh trăng sáng in sâu lòng đáy nước.
Tham khảo tài liệu: Pháp Hoa thâm nghĩa đề cương của HT. Thích Từ Thông.
Chú thích:
* Chuyển 5 thức trước thành Thành sở tác trí;
Chuyển thức thứ 6 thành Diệu quan sát trí;
Chuyển thức thứ 7 thành Bình đẳng tánh trí;
Chuyển thức thứ 8 thành Đại viên cảnh trí.