Sống an vui

An lạc trong thực tại – Hạnh phúc mãi bên ta

Thứ bảy, 26/08/2023 09:06

Thời buổi hiện nay, chúng ta rất dễ sao lãng những cái thuộc về bên trong, ưa chuộng hình thức bên ngoài. Người con Phật phải dè dặt cẩn thận chớ có dễ vui, quên cái gọi là phản văn văn tự tánh, phản quan tự kỷ… là điều thiếu sót vô cùng tận.

Audio

Diễn đọc kinh văn, tông cao trầm bổng du dương, nhưng quên đi rằng, đạt ý quên lời thì hỏng tuốt. Chân tu thật học, chúng ta mới có niềm vui chân thật trong sự tu hành của chính mình, kể cả cư sĩ hay tu sĩ đều vậy, miệng tụng tâm hành, lý sự viên dung mới có kết quả. Giới luật và Pháp hành trong Phật giáo tựa ngón tay chỉ trăng, đưa hành giả trở về pháp hành an lạc. Nếm được pháp vị, hành giả tăng trưởng tín tâm lợi lạc trong cuộc sống, trong lộ trình tu tập. “Bước chân an lạc” không thể thiếu đối với mỗi người. Vậy làm sao để có sự an lạc thiết thực nhất trong cuộc sống hiện nay, thời đại công nghệ số? 

Phật pháp quả là biển học vô bờ, muôn ngàn pháp môn phương tiện, tùy theo căn cơ trình độ chúng ta chọn và thích hợp với các pháp môn tu khác nhau. Trăm sông cũng về biển lớn, Đạo Phật cùng vị chung, đó là vị giải thoát. Tu sao mỗi ngày chúng ta xét lại thấy bản thân, an vui trong tâm, dù ngoại cảnh có bập bùng sóng vỗ. Biết rõ bản thân, hơn là soi chiếu ngoại cảnh, biết mình còn khuyết điểm nào, tu sửa ra sao, nên phát triển và hạn chế điều gì?

Người tưới nước lo phần dẫn nước

Thợ cung tên lo chuốc cung tên

Thợ hồ tô vách xây nền

Cũng như người trí ngày đêm luyện lòng.

(Kinh Pháp Cú – NT. Huỳnh Liên dịch)

An lạc trong chánh niệm, hạnh phúc mãi bên ta.

An lạc trong chánh niệm, hạnh phúc mãi bên ta.

Nguồn tâm vẫn là quan trọng nhất, an lạc hay không cũng từ tâm mà ra, tâm là đầu mối của sanh tử luân hồi, tâm cũng là cội nguồn của giải thoát. Chính vì thế Phật đã dạy trong Kinh Lăng Nghiêm, người tu hành phải cẩn trọng, nếu lầm nhận vọng là chơn mà dụng công thì chẳng khác nào, nấu cát muốn thành cơm ngon, trọn không thể được. Đối với phàm phu chúng ta tâm này có chơn có vọng, rõ biết chúng để điều phục tu hành mới được lợi ích an vui. Miệng tụng tâm hành lời Phật dạy thì tuyệt vời còn gì bằng? 

Thập chủng đại nguyện xuất phát từ Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm thường được tụng sau khi gần kết thúc thời kinh trong Thiền môn, vậy ý nghĩa từng câu chữ, mình có lần nào ngồi lắng lòng chiêm nghiệm và ứng dụng được gì trong cuộc sống thường nhật chăng? Để đem lại niềm vui, hạnh phúc chân thật cho chúng ta trong từng câu kinh tiếng kệ mà Thế tôn đã chỉ dạy.

Đệ tử chúng đẳng,

Tùy thuận tu tập,

Phổ Hiền Bồ tát,

Thập chủng đại nguyện.

(Đệ tử các chúng, tùy thuận tu tập, mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền).

Nhứt giả lễ kính chư Phật

Một là nguyện kính Lễ mười phương chư Phật, ngoài nghĩa trên câu chữ chúng ta còn nên hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, kính lễ khiêm hạ với mọi người vì ai cũng có tánh Phật, đức Thế tôn từng khẳng định, ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành.

Nhị giả xưng tán Như Lai

Hai là dùng ngôn ngữ xưng tán, khen ngợi công hạnh của các Đức Phật. Ngoài ra chúng ta nên tán thán ngợi khen những người xung quanh khi họ làm được những việc phước thiện, cao thượng, có cả trái tim tùy hỷ vui theo, không khởi sự đố kỵ ích kỷ, khi họ làm được mà mình không đủ khả năng và điều kiện. Phước tùy hỷ với công hạnh lành cũng rất lớn. Thay vì khởi niệm tiêu cực, ghét ganh chúng ta tùy thuận tán dương khen ngợi mọi người thì cuộc sống này nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Tam giả quảng tu cúng dường

Ba là nguyện rộng tâm từ tu bố thí cúng dường, một khi chúng ta biết cho đi là ta có tất cả. Người giàu họ cho đi là chuyện bình thường, nhưng nghèo chúng ta vẫn cho đi, chứng tỏ một điều rằng, ta đang rất giàu, giàu trái tim, tấm lòng, nhân nghĩa, tình người… Một khi biết bố thí, cúng dường ta đã vô tình tập buông xả, giảm bớt sự ích kỷ thâu tóm cho bản thân mình. Biết vì mình vì người mà chia sẻ yêu thương cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Chuyên tâm tu tập tự lợi và lợi tha, hành hạnh nguyện phụng sự, độ sanh giúp người cùng tu như mình cũng là pháp cúng dường. “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Tứ giả sám hối nghiệp chướng

Bốn là nguyện sám hối nghiệp của chính mình từ đời này và bao nhiêu kiếp về trước đã gây tạo khi bản thân không thể nhớ hết. Sám hối, tiếng Phạn gọi là sám ma, Trung Hoa dịch là hối quá, Sám là, chính mình tự biết những nghiệp ác đã lỡ gây ra từ trước, thật không đáng làm sanh lòng biết hổ thẹn, chừa bỏ lỗi cũ, hối là ăn năn. Hối hận không làm lỗi mới.

Ngũ giả tùy hỷ công đức

Năm là tùy hỷ công đức, tùy hỷ nghĩa là vui theo những công đức tu tập phước báu của mỗi người, tập mở rộng lòng thương là Từ bi trong Phật giáo. Tập yêu thương hoan hỷ tùy thuận, giúp chúng ta có nhiều năng lượng tích cực trong cuộc sống. Thay vì oán than khóc lóc, trách móc giận hờn, ta chọn vui vẻ hoan hỉ yêu thương, xóa tan bao muộn phiền trong cuộc sống thường nhật bởi những tâm chúng sanh dấy khởi.

Lục giả thỉnh chuyển pháp luân

Sáu là thỉnh pháp của ĐứcThế Tôn luôn được luân chuyển trong thế gian. Chúng ta hãy để những bài pháp sống dậy thiết thực nhất là thực hành lời Phật dạy, mới đem lại lợi ích chân thật trong cuộc sống của chính mình.  

Thất giả thỉnh Phật trụ thế

Bảy là thỉnh Phật trụ ở đời. Trong thực tế đức Thế tôn đã nhập Niết bàn, điều này chúng ta có thể hiểu, mỗi người ai cũng có tánh Phật hằng sáng suốt hãy để tâm Phật sống dậy, hãy thỉnh Phật trụ thế trong từng sát na tâm của mỗi người.

Bát giả thường tùy Phật học

Tám là nguyện thường theo học Phật nhiều đời nhiều kiếp không bao giờ thối chí nản lòng và lui sụt đối với chánh pháp.

Cửu giả hằng thuận chúng sinh

Chín là nguyện thường hành sự tùy thuận, thương xót cứu giúp đối với tất cả chúng sinh trong tinh thần bình đẳng không phân biệt kẻ thân người sơ, như tâm Phật dành cho chúng sanh, như tâm mẹ hiền dành cho con dại.

Thập giả phổ giai hồi hướng

Mười là nguyện đem tất cả phước đức, công đức tu tập từ nguyện thứ nhất đến nguyện thứ chín, rộng khắp hồi hướng cho mọi loài. Đây là tâm rộng lớn bao la không bờ mé phân biệt đối đãi mà rộng độ quần sanh không gì chướng ngại. Tâm hạnh của Phật và Bồ tát, yêu thương cứu vớt, ban vui nếu chúng ta tu tập và thực hành lời Phật dạy thì lợi ích vượt ngoài mong đợi.

Thật sự tu để có sự an lạc chân thật, bất kể pháp môn nào đều không ngoài, chúng ta phải rõ biết tâm mình, muốn như vậy vâng lời Phật dạy: Trong Kinh Lăng Nghiêm, pháp “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” nghĩa, xoay ngược cái nghe để nghe tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo, của Bồ Tát Quán Thế Âm. Phật dạy chúng ta phương pháp xoay chuyển sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, quay ngược lại trở về tánh biết hằng sáng suốt, biết thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, rõ biết, của sáu căn hằng tri hằng giác khi tiếp xúc sáu trần gọi là “phản văn văn tự tánh”. 

Ta đã có sẵn tâm Phật, tánh giác hằng tri, mạnh dạn nhận lại, kích hoạt tánh giác ấy. không cần kiếm tìm đâu xa xôi, thực tại hiện tiền. 

“Bụt ở trong nhà

Chẳng phải tìm xa

 Nhân quên gốc

Nên ta tìm Bụt

Đến lúc biết, chỉ Bụt là ta”. 

(Cư trần lạc đạo phú – Trần Nhân Tông)

An lạc trong chánh niệm, hạnh phúc mãi bên ta. Hạnh phúc chỉ được thiết lập khi chúng ta tỉnh giác, biết rõ chính mình, biết để điều tiết, chỉnh đốn, trang bị, tu sửa bản thân từng giờ, từng ngày, có như thế mới tiến bộ trên con đường tu tập khi mình còn là phàm phu Tăng.

Quả thật cuộc sống này vốn mong manh như sương đầu ngọn, cỏ phút chốc tan biến khi duyên mãn, ngày nào còn hiện hữu chúng ta hãy sống hết mình trong chánh pháp, vâng lời chỉ dạy của Thế Tôn. Tập buông xả những vọng niệm chấp trước nơi tâm, sẽ giúp mình có sự an lạc trong thực tại, hạnh phúc mãi bên ta. Khổ là do ta chấp thật mọi thứ, buông đi để lòng nhẹ tênh, kệ đi để tâm thanh thản đón gió ngoài kia đang mát, hư không cảnh vật đất trời cho ta ôi tận tình. Những tên tuổi lẫy lừng, vang danh một thời rồi cũng vắng bóng với bao sự tiếc nuối yêu thương của mọi người, đâu phải đến già mới chết, vô thường có đợi chờ ai? Thôi thì ngày nào còn duyên nơi cõi tạm ta hãy sống ý nghĩa từng ngày, tu tập chuyển hóa lợi mình ích người. An vui hạnh phúc ngay tại đây, phút giây thực tại tỉnh sáng nay. Một lần đọc là là một nhắc nhở bản thân tu là hạnh phúc.

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo

loading...