Chùa Việt

Ấn tượng chùa Ba Vàng

Thứ bảy, 30/09/2016 04:27

Đây không phải lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất mỏ Quảng Ninh, nhưng lại là lần đầu được đến với chùa Ba Vàng – ngôi cổ tự Bảo Quang linh thiêng trên Thành Đẳng Sơn, bắt nguồn từ dãy núi Yên Tử. 

“Thành Đẳng Sơn thắng cảnh vạn đại lưu danh,
Bảo Quang Tự thiền môn, thiên thu hương tỏa.”
Toàn cảnh chùa Ba Vàng nhìn từ trên cao 
Cùng đồng hành với chúng tôi trong chuyến đi lần này có nhà thơ Bùi Hoàng Tám và hai nhà điêu khắc về tượng Phật. Tôi và bạn đồng nghiệp đã thu lượm và học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích không chỉ về kiến trúc, về văn thơ, nghiệp vụ mà còn cả những ký ức về chùa Ba Vàng một thuở còn sơ khai.

Trở lại chùa Ba Vàng sau 42 năm, nhà thơ Bùi Hoàng Tám không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay và phát triển của vùng đất mỏ Quảng Ninh; nhất là của tổng thể kiến trúc chùa Ba Vàng. 

Đoàn chúng tôi về chùa khi trời chiều đã dần buông, xa xa thấp thoáng bóng ngôi chùa uy nghiêm tọa lạc giữa mây trời, gió núi.

Dừng xe trước cổng chùa, chúng tôi được tiếp đón và hướng dẫn tận tình bởi đội ngũ nhân viên bảo vệ; vòng xe qua những cung đường, chùa Ba Vàng đã hiện ra trước mắt thật lung linh huyền ảo.
 
Đứng trên cao nhìn ngắm cảnh vật lúc hoàng hôn, trước mặt là rừng thông vi vu gió, những ngọn núi nhấp nhô trong ánh chiều tà, sông Bạch Đằng gợn sóng, uốn khúc quanh co; những mái nhà ẩn hiện trong sắc xanh của rừng làm cho con người dường như quên đi những mệt mỏi, những âu lo với bộn bề công việc để hòa mình vào chốn linh thiêng giữa mây ngàn!
 
Chỉ tay về phía hai cột khói đang bốc lên cao, nhà thơ Bùi Hoàng Tám kể cho tôi nghe những ký ức gian nan một thời gắn bó với vùng đất mỏ và kể cho tôi về "Huyền thoại lão nông đi tìm đàn bò phát hiện ra ngôi cổ tự Bảo Quang ở trên núi thiêng Thành Đẳng".

Những câu chuyện được gợi mở, những ký ức xa xưa như hiện về thật sống động qua lời kể của người nghệ sĩ mới quen nhưng đã nhanh chóng trở nên thân thiết tự lúc nào! Bất chợt, lúc đó trong tôi xuất hiện một tứ thơ, tôi khẽ ngâm lên như để hòa vào dòng cảm xúc, vào cảnh sắc nơi đây:

"Giữa bốn bề non thiêng mây phủ,
Giữa uy nghiêm sông núi chập chùng.
Chùa sừng sững trên cao vời vợi,
Tỏa ánh hào quang,
Chiếu khắp cả muôn loài!"
 Hình ảnh: Chùa Ba Vàng nhìn từ xa - Lung linh khi đêm về (Nguồn: Internet)
Sau đó, đoàn chúng tôi tiếp tục dạo quanh chùa và đi tham quan ngôi chính điện được vinh danh "Lớn nhất Việt Nam". Với kiến thức của hai nhà điêu khắc tượng Phật, chúng tôi được biết thêm về những điều đặc biệt, đó là toàn thể kiến trúc của ngôi "Đại hùng bảo điện" từ cột, kèo, vì mái, xà... đều được làm bằng bê tông, cốt thép nhưng được sơn giả gỗ nên chùa vẫn mang dáng dấp thuần Việt.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo lời của hai nhà điêu khắc, vào thời Trần (thế kỷ 13), vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung vàng điện ngọc về non xanh Yên Tử để tu hành, là người lập ra Thiền phái - Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Việt Nam.

Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử. Theo thời gian, qua 800 năm chùa Ba Vàng đã trải qua 1 lần khai sơn, lập tự và 4 lần trùng tu. Lần trùng tu gần đây nhất vào năm 2014 cũng là lần đánh dấu sự nối lại truyền thừa dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn.

Cuối cùng, đoàn chúng tôi ghé qua thăm giếng nước cổ, không bao giờ cạn trong khuôn viên chùa. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: "Mặc dù nằm ở độ cao 340m so với mặt nước biển, nhưng giếng không bao giờ hết nước; mạch nước này từ trong lòng núi chảy ra, quanh năm xanh mát" và theo các phong thủy gia nói rằng, giếng được đặt tại mắt rồng của linh địa này.

Điều kỳ lạ hơn nữa, giếng nước này xưa kia khô cạn, nhưng từ khi Đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì thì bỗng đầy ắp nước trở lại.
 
Hành trình về thăm Ba Vàng, chưa đầy một ngày nhưng để lại trong tôi nhiều dấu ấn sâu đậm. Quỳ trước Tam Bảo trong ngôi "Đại hùng Bảo điện" rộng lớn, tôi nhớ lời nguyện ước khi xưa trên non thiêng Yên Tử 3 năm về trước và giờ đây một lần nữa tôi cầu mong nguyện ước đó sẽ sớm trở thành hiện thực!

Hồng Yến

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

loading...