Kinh Phật
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thứ năm, 22/05/2020 08:12
Kinh Kim Cang là bộ kinh cô đọng tư tưởng Bát nhã tánh không của “Đại Bát nhã kinh 600 quyển”. Tên kinh lấy “Kim Cang” kiên cố bất hoại, minh tịnh sắc bén để ví dụ trí huệ Bát nhã của Bồ tát, có thể phá hủy tất cả hư vọng hý luận, mà không bị vọng chấp làm hư hoại.
'Kinh Kim cương' - cuốn sách xưa nhất còn tồn tại đến nay
Kinh Kim Cang là một bộ kinh điển vô cùng quan trọng trong giới Phật giáo Trung Quốc. Kinh này từ khi được Ngài Cưu Ma La Thập dịch thành Hán văn cho đến nay, trong giới Phật giáo lưu truyền vô cùng rộng rãi, đã từng xuất hiện cảnh tượng hưng thạnh “Tăng tục vùng Giang Tả ([1]), tranh tụng kinh này”. (“truyện Trí Tạng trong Tục Cao Tăng truyện”). Các tôn phái của Phật giáo cũng rất xem trọng “Kinh Kim Cang”, Đại sư Trí Giả Thiên Thai tông, Đại sư Kiết Tạng Tam luận tông, Thiền sư Pháp Dung của Ngưu Đầu Sơn v.v… đều chú sớ Kinh Kim Cang, ngay cả Vua Huyền Tông đời Đường cũng tự biên soạn “Ngự chú Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh”, và “chiếu khắp thiên hạ, rộng khuyên tuyên giảng”, có thể thấy Kinh Kim Cang được người ưa thích đến chừng nào. Kinh Kim Cang đặc biệt là đối với Thiền tông là một tôn phái cực thạnh trong thời Đường Tống có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc. Do vì Lục tổ thiền tông là Ngài Huệ Năng, khi nghe câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang mà được khai ngộ, khiến Thiền tông trong giới Phật giáo Trung Quốc phất riêng một ngọn cờ, sáng lập một phái riêng, trở thành tông phái chính của Phật giáo Trung Quốc.
Kinh Kim Cang ở Trung Quốc có sáu bản dịch: một là bản dịch của Ngài Cưu La Ma Thập đời Diêu Tần; hai là bản dịch của Ngài Bồ Đề Lưu Chi đời Nguyên Ngụy; ba là bản dịch của Ngài Chân Đế đời Trần; bốn là bản dịch của Ngài Đạt Ma Cấp Đa đời Tùy; năm là bản dịch của Ngài Huyền Trang đời Đường; sáu là bản dịch của Ngài Nghĩa Tịnh đời Đường. Bản dịch của Ngài Cưu La Ma Thập là căn cứ theo lý luận Trung Quán học của Ấn Độ mà dịch ra, năm bản dịch sau y theo các bản giải thích của các nhà học Duy thức học Ấn Độ như Vô Trước, Thế Thân mà dịch ra. Trong sáu bản dịch này, bản dịch của Ngài Cưu La Ma Thập được lưu hành truyền bá rộng nhất, toàn bộ kinh gồm có hơn 5200 chữ, tên kinh gọi đủ là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh.
Những vấn đề tinh yếu của kinh Kim Cương
Kinh Kim Cang là bộ kinh cô đọng tư tưởng Bát nhã tánh không của “Đại Bát nhã kinh 600 quyển”. Tên kinh lấy “Kim Cang” kiên cố bất hoại, minh tịnh sắc bén để ví dụ trí huệ Bát nhã của Bồ tát, có thể phá hủy tất cả hư vọng hý luận, mà không bị vọng chấp làm hư hoại. Toàn kinh là cuộc đối thoại giữa Trưởng lão Tu Bồ Đề và Đức Phật Thích Ca, dùng hình thức hỏi đáp, chủ yếu tuyên dương tư tưởng tánh không “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” của tất cả sự vật khách quan trong thế giới hiện thực. Tướng là chỉ tất cả sự vật tồn tại khách quan. Tất cả sự vật này đều y theo duyên mà sanh diệt, tự tánh không thể đắc, lại hư vọng không thực. Nếu có thể từ cửa vô tướng chư tướng phi tướng khế nhập pháp tánh không tịch, thì có thể thấy rõ pháp thân Như Lai. Vì thế kinh nói: “Nếu thấy các pháp không phải tướng, tức thấy Như Lai”. Kinh Kim Cang còn dùng một bài kệ bốn câu để phủ định sự vật khách quan: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện, phải nên quán như thế”. Đây là một bài kệ tụng lưu truyền rộng rãi trong giới Phật giáo, mục đích của bài kệ là giúp cho Phật giáo đồ nhận thức một cách triệt để chánh xác tánh không của sự vật.
Hiện tượng khách quan đều là tạm thời, vốn là không, giống như cảnh trong mộng, huyễn giác, bọt nước, bóng trong nước, giọt sương, ánh chớp v.v… chớp mắt liền diệt, không có căn bổn tồn tại thực thể. Kinh Kim Cang không những phủ nhận thế giới thế tục khách quan, đồng thời cũng phủ nhận chấp trước Phật pháp: “Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức không phải là trang nghiêm”, “pháp của Như Lai thuyết đều không nên chấp giữ, không thể nói”, “nếu có người nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là hủy báng Phật”. Đây là từ căn bổn phủ nhận sự tồn tại khách quan, để đạt đến cảnh giới tối cao “lìa nhất thiết các tướng tức là chư Phật”. Vì thế Kinh Kim Cang dạy rằng: “Nếu Bồ tát còn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì không phải là Bồ tát”, “nếu Bồ tát thông đạt vô ngã pháp, Như Lai gọi đó là chân Bồ tát”.
Thiền tông lấy “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” làm mục đích cứu cánh tham thiền, nên được xưng là “Phật tâm tông”, mà Kinh Kim Cang thường nhắc đến vấn đề “Ưng như thị trụ” tâm, “Như thị hàng phục kỳ tâm”, vì minh tâm kiến tánh của Thiền tông khai mở một con đường mới. Kinh Kim Cang nhiều lần nhấn mạnh: “Bồ tát nên lìa tất cả tướng phát tâm A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, mà nên sanh tâm vô sở trụ”, “Chư Bồ tát ma ha tát, nên sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Theo truyền thuyết, Lục tổ Thiền tông Huệ Năng vì ngẫu nhiên nghe người tụng Kinh Kim Cang mà có chỗ khai ngộ, mới từ xa xôi ngàn dặm từ Lĩnh Nam đến Hoàng Mai tham yết Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài Huệ Năng khi là đệ tử của Ngài Hoằng Nhẫn, cũng vì nghe “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của Kinh Kim Cang mà khai ngộ. Ngài Huệ Năng sau này thuyết pháp, cũng dùng tư tưởng Kinh Kim Cang để khai thị người.
Thiền tông từ sơ Tổ Đạt Ma vốn dùng Kinh Lăng Già để ấn tâm, đến Tứ Tổ Đạo Tín, thì dung hợp “chư Phật tâm đệ nhất” của Kinh Lăng Già và “Nhất hạnh tam muội” của “Kinh Văn Thù Thuyết Bát nhã” chế lập ra “nhập đạo an tâm yếu phương tiện”. Trong quá trình hoằng pháp pháp môn Đông Sơn, “kinh Văn Thù Thuyết Bát nhã” dần dần được “Kinh Kim Cang” thay thế. Nên nói, Thiền tông xem trọng Kinh Kim Cang là bắt đầu từ thời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Pháp Bảo Đàn Kinh của Ngài Huệ Năng ghi rằng: “Ngũ Tổ đêm đến canh ba, kêu Huệ Năng vào trong đường, thuyết Kinh Kim Cang. Huệ Năng vừa nghe liền lập tức khai ngộ”. Sau Ngũ Tổ, Kinh Kim Cang trở thành bộ kinh quan trọng của hệ Thiền tông Huệ Năng, cũng có thể nói là bộ kinh điển duy nhất mà phái thiền này y cứ theo. Như Đàn Kinh nói: “Nếu muốn vào pháp giới thậm thâm, nhập Bát nhã tam muội, trực tu Bát nhã Ba la mật hạnh, chỉ cần trì kinh Kim Cang Bát nhã Ba la mật, thì có thể thấy tánh, nhập Bát nhã Tam muội”. Có thể nói đưa Kinh Kim Cang lên đến địa vị chí cao vô thương, chính là Ngài Huệ Năng. Ngài Huệ Năng căn cứ theo “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của Kinh Kim Cang, mà kiến lập “Vô trụ vi bổn” của mình. Như Đàn kinh giải thích câu “Vô trụ vi bổn”: Vô trụ là bản tánh của người, niệm niệm không trụ, niệm trước niệm nay niệm sau, niệm niệm đều tương tục không có đoạn tuyệt; nếu một niệm đoạn tuyệt, pháp thân tức lìa sắc thân. Trong mỗi niệm, đối với tất cả pháp vô trụ. Một niệm nếu trụ, niệm niệm tức trụ, gọi là trói buộc; nếu tất cả pháp niệm niệm không trụ, tức gọi là không trói buộc, đây là lấy vô trụ làm bổn.
Thần chú Bồ Tát Kim Cương Thủ có tác dụng gì?
Thiền sư Thần Hội, đệ tử của Ngài Huệ Năng, tôn sùng Kinh Kim Cang còn hơn Thầy của mình nữa. Thần Hội cho rằng “Kim Cang Bát nhã Ba la mật là tối tôn tối thắng tối đệ nhất, không sanh không diệt không đến không đi, tất cả chư Phật đều từ trong đó mà sanh ra”, và nói rằng từ Đạt Ma đến Lục Tổ sáu đời truyền đăng đều là y theo “Kinh Kim Cang thuyết Như Lai tri kiến” mà truyền pháp vậy.
Thực ra, không những phái Thiền Nam tông đề xướng đốn ngộ của Ngài Huệ Năng xem trọng Kinh Kim Cang, mà ngay cả phái Thiền Bắc tông được xưng là Tiệm ngộ cũng xem trọng kinh này. Thần Tú trong “Ly niệm môn” của “Đại thừa vô sanh phương tiện môn” cũng dẫn Kinh Kim Cang nói: “Tất cả tướng không được chấp giữ, nên Kinh Kim Cang nói rằng: Phàm sở hữu tướng đều là hư vọng”. “Khán tịnh” của Ly niệm môn của Ngài Thần Tú cũng là căn cứ vô tướng thuyết của Kinh Kim Cang mà kiến lập. Có thể nói phần lớn các đệ tử của Ngài Hoằng Nhẫn đều xem trọng Kinh Kim Cang, chỉ là phái Thiền của Ngài Huệ Năng phát huy tư tưởng bộ kinh này càng thêm cặn kẽ thấu đáo, phát huy đến mức cùng tột đỉnh cao.
Chú thích: [1]. Xưa kia về mặt địa lí thường gọi vùng đất phía đông là tả, Giang Tả còn gọi là Giang Đông, chỉ vùng đất phía nam hạ du sông Trường Giang.
Xem thêm video: Tự tại trước khen chê: