Kiến thức
Bài học đáng quý nhân ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo
Chủ nhật, 23/12/2022 09:00
Chúng ta thấy không có kết quả tốt đẹp nào đến ngẫu nhiên cả, tất cả đều nhờ công phu cực khổ mới được. Bây giờ chúng ta kính phục lễ lạy Phật, đó là kết quả Ngài đã từng trả giá rất đắt trên bước đường tầm tu, không phải chuyện dễ dàng.
Niềm vui ngày Phật thành đạo… Chẳng những Đức Phật vui mừng mà chúng ta cũng thế, bởi vì Ngài thành đạo nên sau này mới chỉ cho chúng ta con đường, phương pháp tiêu diệt mầm sanh tử, giúp chúng ta giải thoát giác ngộ như Ngài.
Đó là niềm vui chung, nên nhân kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo, chúng ta vui mừng và cố gắng thực hiện theo những gì Đức Phật đã thực hiện.
Muốn giống Đức Phật, trước phải có bản nguyện siêu thoát, tu là vì giải thoát đau khổ luân hồi của thân phận mình và chúng sanh, không phải tu để qua ngày qua tháng chờ già chết, được cái tháp tốt, hơn người thế gian. Phải luôn luôn nuôi dưỡng bản nguyện trong tâm, không thể lơ là được.
Ánh sáng giác ngộ đêm Phật thành đạo mãi mãi chiếu soi nẻo đường nhân thế
Những gì không đúng sở nguyện tu hành, chúng ta không màng tới, dù nó hay nó lạ mấy, mình cũng không để ý. Đức Phật có sở nguyện chánh đáng nên gặp các vị tiên dạy tu, Ngài chứng được các tầng thiền cao nhất của họ, song vẫn thấy không hài lòng vì chưa giải quyết được vấn đề sanh tử. Ngài từ giã các thầy ngoại đạo, vì nó chưa đúng bản nguyện của Ngài.
Sang chặng thứ hai, muốn thành tựu sở nguyện, phải nỗ lực, siêng năng tinh tấn lắm mới được.
Trong kinh thường nói Đức Phật đã là một vị Bồ-tát, mà trên đường tu Ngài hết sức cần khổ, năm năm lang thang tầm đạo trong rừng già biết bao cực khổ, sáu năm khổ hạnh cho tới chỉ còn da bọc xương và ngất xỉu v.v... Sau đó, Ngài thiền định dưới cội bồ-đề mới được giác ngộ.
Đức Phật thành đạo phải trải qua bao nhiêu khó khăn, không phải rời khỏi cung điện đến cội bồ-đề thành đạo liền.
Chúng ta thấy không có kết quả tốt đẹp nào đến ngẫu nhiên cả, tất cả đều nhờ công phu cực khổ mới được. Bây giờ chúng ta kính phục lễ lạy Phật, đó là kết quả Ngài đã từng trả giá rất đắt trên bước đường tầm tu, không phải chuyện dễ dàng.
Ngày nay chúng ta tu, ai cũng mơ ước đến ngày thành đạo, mà không muốn cực, sợ cực, làm sao cho sướng mới chịu tu, cực khổ quá thì tu chi. Thử hỏi như vậy đến bao giờ mới thành đạo? Muốn kết quả tốt, kết quả cao siêu mà không chịu cực thì làm sao có!
Thông thường người đời nay hay nói mình phước mỏng nghiệp dày rồi tu lơ mơ, vì vậy không bao giờ đạt được kết quả tốt đẹp. Ngày xưa, Đức Phật là Bồ-tát tái thế mà còn cần khổ tu hành mới thành tựu sở nguyện. Nếu Phật khổ chừng năm chục phần trăm mới đạt kết quả, thì chúng ta bây giờ phước mỏng nghiệp dày phải khổ trăm phần trăm mới có kết quả chứ. Bây giờ khổ bằng Phật mình còn không làm nổi huống nữa là hơn, cho nên quả Bồ-đề thật khó với tới.
Nếu chúng ta quyết chí nhất định một đời tìm ra cái cao siêu quý báu, thì phải chấp nhận con đường tu cay đắng, khó khăn, cương quyết vượt qua hết mọi thử thách để đạt được mục đích của mình.
Một đời có mặt ở đây là rất quý, chúng ta đừng bỏ mất cơ hội này. Nếu đời này mất đời sau cũng sẽ mất, mất hoài không bao giờ chúng ta tiến được. Đời này nếu chúng ta chưa tìm ra trọn vẹn thì ít ra một phần, hai phần cái cao siêu ấy. Có thế sau này mới hy vọng tiếp tục con đường tu hành như nguyện, còn thả trôi đời này thì đời sau cũng sẽ mất. Mất mãi mãi như vậy làm sao tránh khỏi muôn kiếp luân hồi trong lục đạo.
Mong tất cả Quý Tăng Ni, Quý Phật Tử nhớ và gắng thực hành những gì tôi nhắc nhở nhân ngày kỷ niệm Đức Phật thành đạo.
Ngày 8/12 âm lịch hàng năm là ngày ghi nhớ Đức Phật thành đạo. Đón mừng sự kiện vĩ đại này, chúng tôi khởi đăng loạt bài xiển dương Đạo Phật và ngày Đức Phật thành Đạo, cũng như kêu gọi Phật tử mọi miền có các hành động thiết thực tưởng nhớ Ngài.