Kiến thức
Bài học giác ngộ
Thứ bảy, 20/01/2024 09:30
Nhà thiền có kể câu chuyện về Thiền sư Thâm và Hòa thượng Minh. Hai vị trên đường đi đến sông Hoài nhìn thấy một người lưới cá, chài được con cá to. Con cá ấy từ trong lưới nhảy vọt ra về sông lại, Thiền sư Thâm nhìn thấy bèn thốt: “Giỏi thay! Này huynh Minh, giống hệt một nạp tăng.”
Hòa thượng Minh nói: “Đâu bằng buổi đầu đừng vào trong lưới thì hay hơn.”
Khi ấy, Thiền sư Thâm nói: “Huynh Minh, ông vẫn còn chưa ngộ.”
Hòa thượng Minh vẫn còn chưa tỉnh.
Đến khi hai huynh đệ về nhà trọ nghỉ đến khuya thì Hòa thượng Minh mới nhận ra được điều ấy.
Quí vị chọn trường hợp nào?
Như có nhiều người cũng nghĩ như Hòa thượng Minh là buổi đầu đừng bị mắc lưới để khỏi tốn công vượt ra thì hay hơn.
Lý luận này mới nghe thì hay nhưng nghĩ lại thì chưa.
Chỗ thực tế là chúng ta đang ở trong lưới mà từ trong đó nhảy ra được mới hay, còn nếu chỉ lý luận thì suốt đời cũng ở trong lưới.
Vì vậy mà Thiền sư Thâm mới nói: “Huynh Minh chưa ngộ.”
Tầm cầu giác ngộ để lợi lạc quần sinh
Đây là điểm để chúng ta thấy dù lý luận cao siêu hay trí thức thế gian cũng rất dễ gạt người.
Vừa mới nghe điều gì đó thấy có lý nhưng thực tế ngẫm lại thì không phải.
Bởi thực tế chúng ta đang ở trong cái lưới sanh tử trần lao, điều quan trọng là chúng ta khéo vượt ra được thì mới quý, nếu chỉ lo lý luận: “Phải chi trước kia đừng vào hay hơn, vào làm gì để ngày nay phải nhọc tìm cách thoát ra …,” nếu lý luận như vậy suốt đời thì vẫn ở mãi trong lưới.
Chúng ta thường bị lý luận gạt gẫm, bởi trí thức thế gian thì luôn ở trong chiều tương đối, nên nhiều khi nghe thì thấy hợp lý nhưng cần phải xét sâu để khỏi bị lý luận gạt.
Xin nhắc tất cả là chúng ta đang ở trong lưới trần lao, trong bùn lầy sanh tử đây mà vượt ra được thì đó mới là người giỏi.
Đây là “bài học” để tất cả chúng sanh sau này thấy gương sáng đi theo.
Cho nên, Đức Phật ra đời không giống các vị thần linh hiện xuống liền thành Phật, mà Ngài ở thế gian giống như một con người, cũng có sinh ra lớn lên, có cha mẹ, có hưởng ngũ dục mà vẫn từ đó vượt ra.
Qua đó, chúng ta thấy rằng Đức Phật là một con người như mọi người mà vẫn giác ngộ, chúng ta bắt chước theo thì cũng sẽ giác ngộ được như Ngài.
Nếu như Ngài ở trên trời hiện xuống liền thành Phật thì ngày nay sẽ không có mấy ai tu để cầu giác ngộ thành Phật hết vì nghĩ :
"Ngài là siêu nhân, là Thánh thiện quá, còn ta là phàm phu thì làm sao theo được! "
Ở đây, Ngài hiện thân là một con người khéo biết vượt qua trần lao.
Như câu chuyện Ngài dạo bốn cửa thành, khi thấy cảnh người già, người bệnh, người chết liền thức tỉnh và hình ảnh giải thoát của vị Sa-môn đã thúc đẩy Ngài quyết tâm xuất gia cầu giải thoát.
Ngược lại, chúng ta thấy cảnh người già, bệnh, chết ấy được bao lần rồi?
Và tỉnh được bao nhiêu?
Chính nhờ Đức Phật đi trước, Ngài để lại đầy đủ công thức và con đường đi đến giác ngộ, vậy mà chúng ta vẫn chưa chịu đi.
Còn lúc ấy, Đức Phật chưa có gì phải tự mò mẫm, và Ngài băn khoăn thắc mắc tìm phương tiện để giải quyết vấn đề.
Ngài thấy người sống trên đời tại sao lại phải già, phải chết …, nên hỏi Sa-nặc:
“Có phải ai trên đời này cũng đều phải bị già bệnh rồi chết không?”, Sa-nặc đáp:
“Thưa Thái tử, đúng như vậy.”
Khi ấy, Ngài nghĩ là phải tìm cho ra phương cách giải quyết vấn đề này, không chịu cúi đầu chấp nhận.
Đó, chính là chỗ khác người của Ngài.
Còn chúng ta vì thấy ông bà tổ tiên của mình đều như vậy thì mình cũng như vậy là việc thường nên dễ chấp nhận.
Còn Ngài thì không chấp nhận như vậy mà quyết tìm con đường vượt ra, quyết tìm cho được nguyên nhân đưa đến sanh già bệnh chết, tìm được nguyên nhân thì có cách giải quyết và Ngài đã thành công.
Chính lý 12 nhân duyên mà Ngài đã phát minh là nguyên nhân sanh tử, nếu cắt được 12 nhân duyên là giải thoát.
Như vậy để thấy rằng đức Phật đã mở đường đi và để lại công thức cho chúng ta rồi nên chúng ta chỉ còn một việc là đi theo bài học giác ngộ đó.
Tức là không để đời mình phải đắm mê trong sanh tử này mãi, người giác khác người mê là ở chỗ biết vươn lên.