Kiến thức

Bài học từ thiên nhiên

Thứ bảy, 14/01/2024 03:31

Cái lạnh đã lui dần, nhường cho tiết xuân ấm áp, vạn vật chuyển mình, sau một thời gian co ro thu mình chịu đựng khí hậu lạnh lẻo của tiết đông hàn.

Mặt đất đang choàng chiếc áo mới màu xanh mượt mà tươi mát; cành xanh nhú lộc, cây cỏ đâm chồi, ngàn cây nội cỏ đang vươn mình phô sức sống, góp phần làm đẹp cho tinh cầu; những hạt sương mai như ngọc đọng lại trên hoa lá cỏ cây làm tăng thêm phần diễm lệ, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hoa Mai sau một phen trụi lá trơ cành, nay đến lúc phô sắc vàng rực rỡ, mang mùa xuân đến cho nhân loại. Cổ thụ mạnh dạn trút bỏ những lá vàng héo úa, để phát triển những mầm sống xanh tươi.

Ví chẳng một phen sương thấm lạnh,

Hoa Mai đâu dể ngát mùi hương.

Trong bài thơ “Giã gạo”, Bác Hồ Chí Minh cũng cho ta một kinh nghiệm sống:

Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công.

Hãy nhìn kỹ sự tiến hoá của côn trùng, thử quán sát con ve sầu; khi từ dưới lòng tối tăm đã phải phấn đấu tìm cách chui lên khỏi mặt đất, rồi tự mình xé rách chiếc vỏ nhỏ bé chật hẹp, lột xác chui ra, trở thành một chú ve sầu trưởng thành cất giọng ngân nga thánh thót, báo tin hè. Nhưng nếu ta thấy ve quá cực nhọc khi tự mình từng chút, từng chút, cố rướn mình ra khỏi chiếc vỏ nhỏ hẹp, ta đưa tay tiếp sức, kéo ve ra khỏi vỏ một cách nhanh chóng lẹ làng, không cực nhọc; thì nó sẽ trở thành một chú ve tật nguyền đến tội, cánh không phát triển, mà cả đến tiếng hót cũng không.

Kiếp người nào khác, các bậc vĩ nhân, kỳ túc thường xuất hiện sau một giai đoạn, một biến cố lịch sử, để lại những điểm son, những dấu ấn cho cuộc đời, cho nhân loại.

Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,

Anh hùng hào kiệt mấy ai hơn.

Thật vậy, những gian nan cuộc đời để trui rèn khí tiết; những khó khăn thử thách của kiếp sống, của tình người đã cho ta thêm kinh nghiệm sống, giúp cho cuộc sống thêm sinh động, thêm ý nghĩa. Thật là tẻ nhạt biết bao khi chuỗi ngày qua bình lặng, bình lặng đến chán chường. Một lần vấp ngã cho ta thêm ý chí kiên cường, một lần thất bại cho ta thêm kinh nghiệm phấn đấu; một nghịch cảnh cho ta thêm sự nhận thức chững chạc khôn ngoan.

Thế mà trong cuộc sống, có những người rất sợ sự vấp ngã, thất bại; nhưng có biết đâu, khi ta từ chối né tránh sự thất bại; là mặc nhiên ta từ chối sự thành công, sự trưởng thành.

Cũng vậy, gặp chướng ngại con người tự mình biết khắc phục vượt qua thì sẽ tiến bộ, nhưng nếu chờ đợi từ nơi một sự đỡ nâng che chở, bảo bọc, thì sẽ trở thành một con người yếu đuối, thích nương tựa, không trưởng thành.

Trong Chơn lý “Tu và nghiệp”, Tổ sư Minh Đăng Quang đã nêu rõ ý pháp; trên đường tu, khi ta phát đại nguyện tu hành, thì sẽ có những thử thách tương ứng, để xác định khả năng trình độ.

“… Trong đời có lắm người tu, muốn nhập định thanh tịnh yên vui giải thoát, nhưng vì không dứt đặng nghiệp hiện tại và vị lai, nên không thể tu bền dài. Hơn nữa, có kẻ ngỡ tu là được trọn hưởng yên vui hạnh phúc, không còn phải bị quả báo khổ nạn, nên khi chịu khổ nạn là họ chán nản muốn thôi tu. Những kẻ ấy chưa hiểu biết rằng: “Người tu mà không còn nghiệp, quả xấu là chỉ có chư Như Lai hay đại Bồ Tát mới được. Vì hai bậc nầy đã tu lâu đời, nghiệp xấu đã từ lâu không gieo tạo thêm, và chính trong lúc các Ngài khổ nhọc giáo hoá, tức là đền nghiệp báo…, vậy nên họ rất vui lòng đền tội trả báo, càng nhiều càng hay, càng khổ càng tốt. Họ như người liều mạng xác thân, để theo đuổi mục đích giải thoát…”.

“… Cũng vì thế mà kẻ phát tâm tu về tịnh nghiệp thật có rất nhiều sự trở ngại, mà lướt qua sự trở ngại, mới là giải thoát, việc ấy tức như một bức tường, hay cái sàng, là sự cản ngăn kẻ biếng nhác, non gan, tham vọng, dơ bẩn; sàng lọc kẻ tội lỗi kém căn, khiến nên trong cõi Niết-bàn an lạc, kẻ chúng sanh phàm tâm nghiệp tội, không bao giờ đến được. Mà sự trả nghiệp ấy là phép tu tâm, là sự lập công tu đức, quý báu nên hay lắm, có trả nghiệp nhiều mới đặng khoẻ khoắn thêm lên, cũng như sự tắm rửa; nhờ vậy tam nghiệp của tâm, mới thanh tịnh vãng sanh tịnh độ”. (Trích Chơn lý “Tu và nghiệp”)

Người tu hành cũng thế, có đối diện với thực tế lão bệnh tử sanh, có mỏi mệt với tình đời lạnh ấm, có chai lì cùng sự chỉ trích khắc nghiệt của thế nhân, ta mới có dịp quán chiếu, tỉnh ngộ nhận ra chơn lý của cuộc đời. Nếu không có giông tố phủ phàng, ta đâu cảm nhận được cái đẹp của bình minh ấm áp; không có sóng dữ loạn cuồng, đâu thấy được cái bình an của mặt biển lúc sóng lặng gió yên.

Cổ đức từng nói:

Vô ma khảo, bất thành đại đạo,

Thập ma, thập nạn thành Tiên tử,

Bất ma, bất nạn, bất thành nhân.

Người mà không gặp ma, không gặp nạn chưa nên trọn vẹn phẩm chất người. Thái tử Sĩ Đạt Ta sau một đêm dài chiến đấu với quân ma, mới có bình minh đại ngộ. Vì vậy trong cuộc sống, khi gặp ma chướng thử thách, hãy xem đó là cơ hội để chúng ta tỏ ra khí tiết anh hùng. Hãy học, hãy thể nghiệm từ những bài học của thiên nhiên, của vũ trụ để ta có thể trưởng thành, sống an, sống vững, sống một cuộc sống có ý nghĩa ích đời, lợi đạo.

loading...