Kinh Phật

Bài kinh: Đức Phật dạy về oai lực của cây bồ đề

Thứ năm, 12/12/2023 04:05

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về việc Tôn giả A-nan (Ananda) cử hành lễ cúng dường cây Bồ-đề.

Một thuở nọ, trong vương quốc Ka-lin-ga (Kalinga) tại kinh thành Nại-đa-bố-la (Dantapura), con trai của vương tử Ka-lin-ga tên là Cul-la-Ka-lin-ga, được vị Tế sư của triều đình tên là Ka-lin-ga-Ba-ra-da-ja (Kàlinga - Bhàvadvàja) dạy chàng Mười Pháp mà một Chuyển luân Thánh vương phải thành tựu và chàng học tất cả mười phận sự ấy. Sau khi được kế vị ngôi vua, vào một ngày rằm, tức là ngày Trai giới, từ Ca-ka-da-ha (Cakkadaha) xuất hiện cho vua Bánh xe báu (Bảo luân), từ dòng họ U-po-sa-tha (Uposatha) xuất hiện Voi báu, từ giống quý tộc Va-là-ha (Valàha) xuất hiện Ngựa báu, từ Ve-pu-la (Veppulla) xuất hiện Bảo châu, kế là Nữ vương báu cùng đám tùy tùng thị nữ và vương tử báu dần dần xuất hiện.

Sau đó vua thống trị toàn cõi địa cầu.

Một ngày kia, ngài được đám tùy tùng hộ tống suốt ba mươi sáu dặm đường, ngự trên bảo tượng toàn thắng, cao như đỉnh núi Ke-la-sa (Kalàsa). Trong cảnh uy nghi lộng lẫy, ngài trở về thăm song thân chốn cũ. Nhưng khi muốn vượt qua vùng đất quanh cây đại Bồ-đề, bảo tọa vinh quang của chư Phật, nơi đã trở thành trung tâm điểm của vũ trụ, thì Voi báu không thể nào qua được: vua cứ thúc Voi mãi, song Voi vẫn không thể nào vượt qua. Do đó, vị Tế sư của triều đình cùng du hành với vua thầm nghĩ: "Trên không gian chẳng có gì cản trở cả, tại sao đức vua không giục Voi qua được? Ta muốn đến xem sao". Từ trên không hạ xuống, vị này chiêm ngưỡng bảo tọa vinh quang của chư Phật, và khu vực quanh cây đại Bồ-đề.

Vị Tế sư thấy trong khoảng chừng một dặm vuông ấy không có một ngọn cỏ mọc, dù chỉ bằng một sợi lông nhỏ, mặt đất như thể cát mịn, bốn bề là thảo mộc, cát đằng và đại thọ chẳng khác nào chúa tể sơn lâm sừng sững như đang chiêm ngưỡng, đầu quay mặt về hướng bảo tọa Bồ-đề. Khi vị Bà-la-môn Tế sư quan sát chỗ này, lại suy nghĩ: "Ðây là nơi chư Phật đã đoạn tận mọi dục tham của trần thế nên không ai có thể vượt qua được, dù cho đó chính là Ðế Thích (Sakka) Thiên chủ đi nữa".

Tế sư tiến về phía đức vua, thỉnh cầu Thánh vương ngự xuống Voi và tâu với vua về các đặc tính của địa phận quanh cây Bồ-đề cũng như tán thán công đức của chư Phật và ca tụng các Đức Phật hết lời.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vua nghe nói về công đức của chư Phật, nên lòng đầy hoan hỷ, liền ban lệnh cho mọi người trần thế đem thật nhiều vòng hoa thơm đến cúng dường vùng đất quanh linh thọ Bồ-đề suốt bảy ngày đêm liền. Và vua cũng hết lời ca ngợi về sự uyên thâm của vị Tế sư và phong cho vị Tế sư danh hiệu là Quốc sư.

Kể tới đây, Bậc Ðạo sư ngâm đôi vần kệ:

Thánh thọ Bồ-đề, Vua cúng dường, Với bao âm nhạc thật du dương, Các vòng hoa đẹp thơm ngào ngạt, Vua lại xây quanh một bức tường. Sáu vạn xe hoa Vua mang tới

Sau khi đã làm lễ cúng dường trọng thể Ðại thọ Bồ-đề như trên, đức vua thăm song thân, rồi rước hai vị về thành Nại-đa-bố-la sống cùng ngài. Tại đấy ngài chuyên bố thí và làm các phận sự khác, cho đến khi mạng chung ngài được tái sinh vào cõi Trời Ba mươi ba.

Sau khi chấm dứt Pháp thoại trên, bậc Ðạo sư bảo:

- Này các Tỷ kheo, vào thời ấy A-nan-đà là vua Ka-lin-ga, và Ta chính là vị quốc sư Ka-lin-ga-Ba-ra-da-ja. Đức Phật nhận diện Tiền thân.

Sau nghe Đức Phật kể, đại chúng được hoan hỷ với việc cử hành lễ cúng dường cây Bồ-đề.

Và trong hiện kiếp này, tôn giả A-nan-đà cũng được Đức Phật cho phép trồng cây Bồ Đề tại tịnh xá Kỳ Viên, cây Bồ Đề đó được trồng từ hạt của đại thọ Bồ Đề (Đức Phật đã ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, để thiền định 49 ngày, đắc thành Chánh giác) và được mang tên là cây Bồ Đề của A-nan. A-nan và dân chúng cũng thường hay làm lễ cúng dường cây Bồ Đề này. 

(Trích soạn từ: Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Tiểu bộ - Tập 8, chương Mười ba, phẩm Mười ba bài kệ, Chuyện cây Bồ Đề và Thánh đế Kalinga, tr. 61-78, Việt dịch: Nguyên tâm Trần Phương Lan, Nxb. Tôn giáo năm 2003)

loading...