Kiến thức

Bàn tay của mẹ

Chủ nhật, 31/08/2020 08:23

Bàn tay ấy "khéo léo và lành lẽ". Hai từ ý nghĩa và đầy đủ nhất đó mới nói lên được sự giỏi giang, tần tảo thương lo của mẹ.

Câu chuyện Phật pháp: Bồ Tát đi giày trái 

Tôi cứ thắc mắc, không biết mẹ giỏi từ trước khi đi lấy chồng, hay mẹ giỏi khi về làm dâu bên nhà chồng, và theo thời gian đảm đang nên bàn tay bà giỏi đảm đang được nhiều thứ?

Có lẽ cả hai. Vì mỗi lần theo mẹ về giỗ bên ngoại, tôi thấy mệ (bà ngoại) cũng rất giỏi giang. Nhưng đó là mẹ sau của mẹ tôi. Chắc mẹ tôi còn thừa hưởng được sự khéo léo di truyền từ ông bà ngoại của mẹ nữa.

Chúng tôi lớn lên không thấy được mặt ông ngoại, bà ngoại (mẹ đẻ của mẹ tôi). May mắn là vợ kế của ông ngoại (mẹ thứ của mẹ tôi), mệ rất mực phúc hậu và chu toàn, lo lắng cho các con như nhau.

Sự chu đáo và săn sóc của mệ, ngày nhỏ tôi có cảm giác như mệ còn thương mẹ tôi hơn cả dì Quýt, con đẻ của mệ. Chắc mệ nghĩ, vì mẹ tôi mất mẹ sớm nên mệ dành cho mẹ tôi nhiều yêu thương hơn. Và thương mệ, vì chồng mất một tay, mệ nuôi các em nên mẹ tôi lại rất thương mệ.

Tôi một đời lớn lên giữa quê, chưa nghe ai chê mẹ tôi bao giờ. Ganh ghét, chắc sẽ có, nhưng chê trách vì ăn ở, vì vụng về thì chưa. Ảnh minh họa.

Tôi một đời lớn lên giữa quê, chưa nghe ai chê mẹ tôi bao giờ. Ganh ghét, chắc sẽ có, nhưng chê trách vì ăn ở, vì vụng về thì chưa. Ảnh minh họa.

Báo hiếu người mẹ từng bỏ rơi mình lúc mấy ngày tuổi

Người xưa là thế! Họ luôn nghĩ về người khác, vì người khác. Sự thua thiệt của mình, nếu có, không bao giờ đáng kể để đem ra so đo, để trách móc hay cạnh khóe mà kèo nài để vắng đi sự quan tâm vì người khác.

Đó là một thế hệ mà tôi lớn lên thừa hưởng được từ họ (mẹ tôi và mệ - bà tôi).

Trong mâm cơm giỗ, mỗi lần chúng tôi theo mẹ về bên ngoại, từng món, từng món, nhiều món được đơm dọn lên mâm tươm tất. Chúng được làm ra với tất cả sự cần mẫn, khéo tay của lòng người còn sống, thành kính tưởng nhớ người mất.

Tôi tự hỏi, nếu không có ngày giỗ, ngày tết, thì, với bữa ăn hàng ngày đạm bạc, con người ta cần gì khéo tay nấu nướng đơm dọn làm gì. Từ lòng thành kính, vì niềm biết ơn mà người còn muốn bày tỏ với người mất, nên họ gói trọn tâm và trí vào bàn tay mình qua mâm cỗ ngày Tết, ngày giỗ.

Mẹ tôi học được các món bánh, món ăn từ những dịp đó. Nên về làm dâu, mẹ đã rành rẽ.

Tôi cũng được dịp ngày giỗ mà gặp các cụ các bà các cô dì bên ngoại. Tôi được học cách thưa chào lúc gặp mặt. Quen mặt là để quen việc xưng hô với các cô, cậu, ông bà. Ở quê, gặp nhau mà xưng hô không đúng vai vế khi cúi đầu chào hỏi, là vô lễ, là làm mất lòng bà con. Kiêng nhất là việc làm "mất lòng bà con".

Theo chân bố mẹ về quê ai bảo là thừa.

Bài học về cuộc sống, trước hết là bài học về ứng xử, xưng hô với người bà con trước, rồi làng xóm, rồi rộng ra. Là con trẻ, tôi học được ở những dịp theo chân mẹ về quê ngoại ngày giỗ, tết là vô vàn điều lẽ của tập tục quê hương.

Bên ngoại, lại làm giỗ vào buổi chiều về tối. Quê nội tôi thì làm giỗ vào buổi sáng về trưa. Chính có những quan niệm khác nhau về thời khắc cõi âm của tổ tiên về dự mà mỗi làng quê chọn giờ làm giỗ khác nhau.

Con đường về quê ngoại, bây giờ ngoảnh nhìn lại, có xa đâu, nhưng sao ngày ấy tíu tít bên chân mẹ, cứ như đi mãi không đến...

Đường quê rất ngoằn ngoèo, bởi nhẽ phải đi bộ, và đi băng giữa ruộng mới ngắn đường hơn. Ngập tràn không gian ấy là ruộng, là một màu xanh với mương nước trời trong.

Hình ảnh người mẹ tay bế tay mang, đưa con đi giữa ruộng mương băng băng qua đồng làng về quê ngoại từ ấu thơ ướp vào hồn tôi.

Quê hương đó, đẹp và thiêng liêng là vậy.

Mẹ kể, bà nội tôi rất thương mẹ. Tôi mất bà nội lúc tôi vừa sinh ra đời được 5 tháng. Tôi chỉ nghe mẹ kể là bà nội có ẵm tôi. Dù sao, đó cũng là may mắn, hơi bà đã từng chạm vào da thịt cháu trước lúc đi xa.

Về làm dâu, mẹ tôi được mẹ chồng thương quý, chắc do mẹ giỏi giang tần tảo và "ăn ở" biết giữ đạo làm dâu.

Tôi một đời lớn lên giữa quê, chưa nghe ai chê mẹ tôi bao giờ. Ganh ghét, chắc sẽ có, nhưng chê trách vì ăn ở, vì vụng về thì chưa.

Cho hôm nay, mỗi dịp tết về, tôi vẫn thích chiếc bánh thuẫn, không thể thiếu đĩa dưa món, lát mứt gừng quê bên tách trà... và nhiều thứ là bởi, từ tấm bé được chứng kiến mẹ làm.

Trước tết một hai tháng, có những thứ cần phải chuẩn bị. Để có hũ dưa món ngày tết, ăn giòn, hơi dai một tí, mẹ phải nhắm xem, cắt phơi đu đủ, kiệu, cà rốt sao cho gặp lúc trời có nắng.

Thường quê tôi từ tháng 10 đã mưa, lũ. Mưa dầm mấy tháng trời lấy đâu có nắng để phơi đu đủ và cà rốt cho có nắng. Đu đủ sắt mỏng, phơi, nếu quá nắng sẽ teo quá cũng không được. Trời râm quá, không nắng, sẽ mất giòn.

Những thứ như đu đủ, ớt (ớt phải ớt khô) phơi khô nguyên trái, cà rốt, cần làm trước và gói riêng cất ở giàn bếp. Ở quê, nấu củi, cất trên dàn bếp mới tránh được mùa mưa kéo dài ẩm ướt.

Tiếng nhạc “Xin đừng trách song thân” vang lên giữa những ngày tháng bảy

Dưa món, gồm có: Đu đủ thái mỏng, vừa, phơi đủ nắng, cà rốt, ớt khô, củ kiệu, và đậu phụng (lạc). Bước vào tháng Chạp, phải nhớ ngày để bỏ chúng vào hủ và rót ít nước muối, nước xì dầu hay nước mắn tùy theo ta ăn chay hay ăn mặn. Vào hủ quá sớm, đến mùng 1 nó quá thâm đen, và chua quá. Vào muộn quá, gần sát ngày tết, nó chưa thấm, chưa đủ chín.

Ở quê tôi, ngày tết, không thể thiếu món Dưa món ăn với bánh chưng bánh tét.

Việc ấy, người phụ nữ trong nhà phải biết làm, phải để tâm lo cho ngày tết gia đình, kẻo khách đến lại chê. Người quê tôi, tết đến thăm nhà nhất định phải ngồi lại ăn dù miếng bánh chưng nhỏ, cũng phải cầm đũa. Tục cầm đũa ngày tết rất xem trọng ở quê tôi. Mời mà khách cứ từ chối, không "cầm đũa" là do mâm ta mời không thịnh soạn, thế là khinh nhau.

"Không cầm đũa" là chưa trọng nhau, là coi thường lời mời của chủ nhà. Mà điều ấy lại xảy ra trong ngày tết thì thật là một kiêng kị lớn. Vì vậy ở quê tôi, đến chơi nhà, và ngồi lại ăn, hay đến chơi, gặp bữa, ngồi vào ăn là chuyện quý nhau.

Tục đó ở quê tôi, nó khác với người miền Bắc ở việc ăn cơm nhà người khác. Người Bắc, để ngồi ăn nhà người khác, khi đến chơi hay tình cờ gặp bữa là điều không thể.

Vai trò người vợ, người phụ nữ trong ngôi nhà Việt thật quan trọng. Mẹ tôi làm được tất cả các loại bánh ở quê cần có trong ngày tết. Nấu được các món ăn ngày tết.

Món bánh thuẫn nữa. Tuổi nhỏ chúng tôi thèm thuồng nhất là món bánh này.

Mùa Đông về, qua 3 tháng, để đến tết, kéo theo nó là rét và đói. Mùa giáp hạt, giữa Đông - Xuân quá xa nhau, nên đa phần dân quê bị thiếu ăn kéo dài qua cả tết.

Mẹ tôi ngoài việc tính toán trồng thêm các loại cây hoa màu có thể ăn thêm khi thiếu gạo, như củ sắn, khoai môn, lo chuẩn bị mùa cấy, lúc xuống đồng sao cho việc ruộng và vườn phải xong để lo tết.

Bày tay ấy mẹ khéo chèo chống để cho con lớn khôn thành người. Ảnh minh họa.

Bày tay ấy mẹ khéo chèo chống để cho con lớn khôn thành người. Ảnh minh họa.

Giữa bận rộn đó, mẹ tôi phải tính toán sao tết phải có gì để tết tổ tiên, ăn nhà, dọn khách. Nhất là thương nhà đông con, ngày tết có cái ăn để hơn ngày thường. Con trẻ líu ríu chờ tết về để có bộ áo mới.

Thế là món bánh thuẫn mẹ phải làm trong đêm và làm nhiều đêm mới xong.

Ngày đó, cả làng tôi chỉ có được một bộ khuôn để đổ được món bánh thuẫn. Phải canh nhau, từng nhà để mượn được khuôn. Tôi nhớ, về sau khi khá giả hơn, mẹ tôi đặt mua được bộ khuôn bằng gang để đổ bánh thuẫn mẹ khoe và mừng ơi là mừng. Nghĩa là từ đây trở lên khỏi phải đi mượn chầu chực.

Thế mà có người không biết đổ được bánh thuẫn. Chờ mẹ tôi mượn được khuôn về là đến nhờ mẹ tôi đổ giúp cho ít bánh thuẫn đặt cúng ba ngày tết dâng tổ tiên.

Bánh thuẫn đổ bằng bột bình tinh, trộn với trứng gà. Trứng thì có trứng gà ở nhà nuôi. Vậy bột củ bình tinh ở đâu mà có?

Ở gốc vườn.

Cây bình tinh cho củ, phải trồng sao để khi cây cho củ, kịp mài lấy bột để làm bánh, việc ấy mẹ phải tính toán. Củ bình tinh, phải nhổ lên khi nó có bột nhiều bột nhất. Bột phải phơi khô. Muốn vậy phải gặp nắng. Nắng đâu ở xứ mưa dầm Quảng Trị?

Cha mẹ là Bụt, đừng đi tìm Bụt ở nơi nào khác

Nhớ những năm không tìm đâu ra một ngày nắng, mẹ tôi phải chắt khô nước lấy bột phơi trên bếp. Phơi khô, mới cất đợi ngày làm bánh.

Ôi chao là kỳ công!

Bánh đổ trong sự thèm thuồng của anh em chúng tôi ngồi quanh bếp xem mẹ làm.

Đổ xong, mẹ gói vào giấy vở học sinh, đặt trong bao nylon, cất lên giàn bếp. Thế là từ lúc ấy, biết bánh mẹ để ở đó, nhưng đến tết, cúng giao thừa xong mới được ăn.

Ngon ơi là ngon vì thèm quá lâu ngày!

Tết với mẹ là một chuỗi tất cả các công đoạn phải thực hiện bênh cạnh mà màng và miếng ăn mùa giáp hạt.

Bánh ít gai cũng là món không thiếu trong ngày tết.

Phía trên hầm nhà tôi, nơi không thể trồng cây ăn gì, mẹ tôi trồng loại cây gai. Quanh năm nhìn nó lớn lên xanh tốt như vô bổ. Nhưng dịp gần tết, bao người đến nhà tôi xin lá gai về làm bánh.

Người phụ nữ chu toàn mọi mặt của làng quê Việt là những người mẹ như mẹ tôi.

Bà phải tính cả việc trồng loại cây ấy trong vườn, để khi cần không đi xin ai.

Thế là sau gốc vườn nhỏ có đủ các vật liệu cần dùng cho việc ngày tết.

Tôi nhớ mẹ tôi dặn bố tôi khi bước vào tháng 11. Đó là dặn về lá chuối. Mẹ tôi bảo ba tôi không được chặt một số cây chuối để lấy lá gói bánh. Phải tính mùa để lấy lá cho tết, khỏi phải đi mua lá chuối. Lá lớn, dài, nguyên lá dùng cho việc gói bánh chưng, bánh đòn. Lá nhỏ dùng cho việc gói bánh lọc.

Không tính được thế, ngày tết đến, bận trăm công ngàn đồng áng, lại khó khăn lúc giáp hạt, lấy lá đâu gói bánh.

Oái ăm, mùa này thường có mưa bảo và gió lớn. Những lúc như vậy, mẹ đứng thẩn thờ thở ra... nhìn vườn chuối: "Thế là năm không biết có chọn được lá gói bánh không?"

Hay lam hay làm.

Hình ảnh mẹ quê là ở đó. Mẹ sống gần như không có thời gian cho việc ngồi không dù là ít giây thẩn thờ, than trời... Tâm trí để hết vào con và việc vườn ruộng. Để tâm tính toán cho từng loại cây lấy hạt theo mùa... Để tâm vào việc nhà việc việc làng việc bà con ngày giỗ, ngày cưới xin.

Bày tay ấy mẹ khéo chèo chống để cho con lớn khôn thành người.

Nguồn: reatimes.vn

loading...