Chùa Việt
Bảo Lâm - ngôi chùa linh thiêng ở vùng đất 'hoa vàng cỏ xanh'
Chủ nhật, 09/03/2017 10:54
Phú Yên sát cạnh Bình Định, hai địa phương lại được ghép chung trong tên gọi “Xứ Nẫu” thân thương, với một số tương đồng trong giọng nói, tập quán, phong vị ẩm thực…Đến đây, bạn đừng quên ghé thăm ngôi chùa Bảo Lâm nổi tiếng linh thiêng.
Chùa Bảo Lâm với có niên đại hơn 200 năm. Ảnh: I.T |
Chúng tôi chiêm ngưỡng từng mảng kiến trúc xen lẫn cảnh vật hiền hòa dọc các bậc đá khúc khuỷu thơ mộng dẫn lên đỉnh non thiền trong tán lá. Sự thâm viễn bình lặng của đất Phật nơi thôn núi, tương phản với cảnh phố xá nhộn nhịp kia, được huyền diệu thêm bằng lịch sử sáng lập từ Tổ húy Đạo Trung thuộc phái Lâm Tế đời thứ 38, khiến cho du khách thêm cảm giác mang mang hoài cổ. Tiếng chuông chùa phát ra từ đại hồng chung 1,5 tấn kia dường như có sức mạnh ngân nga gợi mở các tâm hồn hướng về sự từ bi hỉ xả, trong cuộc mưu sinh quăng quật của cõi trần gian.
Rời chùa Bảo Lâm, chúng tôi đến An Thạch bên sông Kỳ Lộ thăm nhà thờ Mằng Lăng, ngôi nhà thờ cổ nhất Phú Yên, nơi lưu trữ trân trọng quyển sách Quốc ngữ "Phép giảng tám ngày" của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma, Ý. Nó được trưng bày trong một hộp kính, đặt trong căn hầm nhỏ giữa lòng một hòn giả sơn kỳ vĩ trước sân ngôi nhà thờ hình thành từ năm 1892 này.
Ngoài quyển sách cổ, trong hầm còn nhiều mảng điêu khắc chạm trổ kể về sự tích thánh Anre Phú Yên. Mằng Lăng là tên loài hoa rừng màu tím, độ cuối thế kỷ XIX là loài thực vật đặc chủng ở vùng này, nay còn chứng tích là cái mặt bàn gỗ đường kính 1,7m.
Chúng tôi tìm hiểu thêm rằng, sau thời kỳ kiến trúc Roman vòm cong tròn, người châu Âu bắt đầu theo kiểu kiến trúc Gothic kiểu vòm nhọn, có cửa sổ nhiều hơn và kích thước lớn hơn trong các đền đài, cung điện, cơ sở thờ tự mà nhà thờ Mằng Lăng thuộc loại hình này.
Như các cơ sở tôn giáo ở Bình Định, Phú Yên có những lịch sử văn hóa tương đồng, tuy muộn hơn một ít so với Thập Tháp Di Đà Tự hay Tu viện Lòng Sông. Dải đất Xứ Nẫu cứ liên tiếp nối nhau như những cung bậc đầy dư ba, từ thuở mở cõi 1471 triều Lê Thánh Tông, cho đến các thế kỷ liền kề, mà sông núi hai địa phương láng giềng, những thư tịch đông tây cùng những kiến trúc cổ xưa cùng ấp iu trong lòng những di sản vô giá.
Sự gắn bó của tín hữu cùng cư dân bản địa đối với các cơ sở thờ tự làm nên sự sống của kiến trúc và những vật vô tri như đá ong, đá sa thạch, xi măng, cốt thép làm nên tường mái, cửa nẻo, tranh tượng… không phải bỗng dưng mà có linh hồn. Ký ức người Xứ Nẫu qua các thế kỷ bể dâu hãy còn đọng lại ở những nơi này và bao nhiêu nơi khác giữa núi sông, trong lòng đất, trên vòm trời, trong sự sẻ chia, nguyện ước, kỳ vọng…
Nói đến xứ Nẫu, không thể không nói đến duyên hải, biển đảo. Trong niềm cảm xúc ấy, chúng tôi tìm về một vùng vịnh trong xanh có tên Xuân Đài, liền kề với vịnh Quy Nhơn. Đến nơi này là đến với hòn đảo Nhất Tự Sơn cách bờ 300m có thể lội bộ qua, đầu tháng thì buổi chiều nước ròng, cuối tháng thì buổi sớm. Mùa 8.3 này, chúng tôi ngẫu nhiên với buổi chiều ngoạn mục, trai lội nước, gái ngồi trên phao, í a í ới gọi nhau rồi tập kết lên các chòi lá trên đảo.
Nhất Tự Sơn được cư dân bản địa xem như vị thần canh giữ cửa biển, hoặc bức bình phong của một vạn chài hiền hòa bên đầm Cù Mông, nay thuộc thị xã Sông Cầu. Những vách núi và bờ đá lô nhô, hang động kỳ thú, giữa thảm thực vật đặc chủng của rừng nguyên sinh, ấy là không khí trong lành của biển trời man dại. Nó tiếp sức cho những cư dân đô thị bon chen, lâu lâu ao ước hòa mình vào thiên nhiên hoang dã để được sôi động trong tĩnh lặng, tĩnh lặng trong sôi động, tùy vào lứa tuổi hoặc tâm niệm riêng.
Những chuyến du lịch kỳ thú qua các vùng xứ Nẫu với ý nghĩa trên, hứa hẹn sẽ còn…bất tận.
Ma Trà Bàn
Nguồn: http://danviet.vn/du-lich/bao-lam-ngoi-chua-linh-thieng-o-vung-dat-hoa-vang-co-xanh-751375.html
Ma Trà Bàn
Nguồn: http://danviet.vn/du-lich/bao-lam-ngoi-chua-linh-thieng-o-vung-dat-hoa-vang-co-xanh-751375.html