Chùa Việt

Bảo tàng “thu nhỏ” ở chùa Khmer Sà Lôn vùng Bảy Núi

Thứ sáu, 28/11/2015 10:54

Với những nông cụ cầm tay đến vật dụng sinh hoạt, rồi phương tiện phục vụ sản xuất và đời sống trong phum, sóc. Các vị sư sãi, tà cha và phật tử chùa Khmer Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) khéo tập hợp, sắp xếp thành “bộ sưu tập” khái quát nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang).

Chiếc cối xay lúa
Vật dụng sinh hoạt
Trong khuôn viên chùa Sà Lôn, hình thành “bảo tàng thu nhỏ” với nhiều hiện vật được sưu tầm và kỳ công phục chế. Hòa thượng Chau Sơn Hy (sãi cả chùa Sà Lôn) cho biết, toàn bộ vật dụng trưng bày ở đây đều của phật tử, đồng bào Khmer đóng góp. Khi nghe nhà chùa phát động, đồng bào rất ưng bụng, tích cực tham gia tìm kiếm và hiến tặng cho chùa. Từ mái nhà mở rộng đơn giản, xây tường, có cửa sổ, mặt bằng khá rộng trưng bày các hiện vật.                                  
Khung dệt thổ cẩm
Tuy không có biển thuyết minh, ghi rõ nguồn gốc, niên đại xuất xứ… Thế nhưng, khi phật tử cao niên, đồng bào Khmer bước vào tham quan, gần như ai cũng biết ít nhiều và hiểu được giá trị một thời sản xuất dần đổi công, sinh hoạt tập quán trong phum, sóc. Đó là những loại hiện vật, như: đời thường (rổ, rá, giỏ, sào hom…), sản xuất lúa (cày, bừa, nọc cấy, xe bò…), sinh hoạt (xề, nia, cối xay lúa, cối giã gạo…), nghề truyền thống (khuôn đạp chấp chân, sa quay chỉ dệt, khung dệt thổ cẩm…)… đươn tre hoàn toàn và làm bằng cây thời xưa.
Chài giã gạo
Cối giã gạo 
Khi triển khai đợt sưu tầm các hiện vật mang giá trị văn hóa trong sản xuất, sinh hoạt và đời sống phum, sóc thì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) và Hòa thượng Chau Sơn Hy (sãi cả) đều được Bảo tàng tỉnh An Giang tặng giấy khen. Trung tâm Văn hóa huyện Tri Tôn cũng thừa nhận, ngôi chùa Khmer Sà Lôn này lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị nhất và đóng góp số lượng cũng nhiều nhất. Giờ đây, với việc hình thành “bảo tàng thu nhỏ” ở chùa Sà Lôn là điều khiến ít người nghĩ tới, đây còn là điểm tham quan duy nhất, vừa có giá trị rất độc đáo trong việc nghiên cứu khoa học và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trên vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang).
Cây gặt lúa
Cày đất ruộng cấy
Đồng bào Khmer kể, thấy vật dụng của bà con đã cũ, không ai còn xài nữa, bỏ uổng quá nên Hòa thượng Chau Sơn Hy (sãi cả chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) mới vận động đồng bào gom lại. Món nào còn nguyên thì để y vậy, món nào hư mục thì dặm vá hoàn chỉnh. Chùa mới mở nhà trưng bày, phục vụ phật tử, đồng bào Khmer đi viếng chùa và lễ Phật thường nhật, rồi vào tham quan để thấy được giá trị đời sống xưa và nay. Đây là sáng kiến độc đáo của Hòa thượng Chau Sơn Hy (sãi cả), khiến đồng bào hết sức vui mừng và lập tức ủng hộ ngay.
Xe bò đi chơi
Cộ bò chở lúa
Sinh ra, lớn lên từ phum, sóc và có nhiều thế hệ gắn bó với vùng Bảy Núi. Đồng bào Khmer luôn tự hào về con người và vùng đất này từ xưa đến nay. Phật tử, đồng bào Khmer đến viếng chùa, lễ Phật và tham quan “bảo tàng thu nhỏ” ở chùa Sà Lôn, bà con vô cùng hãnh diện và quý trọng nơi giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang). 

Phan Trọng Ân
loading...