Sách Phật giáo

Bát thức quy củ tụng (Phần cuối)

Thứ ba, 21/02/2017 12:25

Đức Phật sở dĩ không chỉ bày Thức A Đà Na nói trên cho hàng phàm phu và Nhị Thừa là nguyên do sợ hai hạng này phân biệt và chấp trước. Đức Phật sợ họ mê lầm chấp trước cho Thức A Đà Na hay Tàng Thức thứ tám là thật Ngã. Vì lý do nói trên đức Phật mới không chỉ bày Thức A Đà Na hay Tàng Thức thứ tám cho hai hạng người vừa kể. Bởi thế kinh điển của Nam tông không thấy đề cập đến Tâm Thức này nhiều. Mặc dù kinh điển của Nam tông không đề cập đến Tàng Thức thứ tám (Thức A Đà Na) một cách rõ ràng, nhưng trong đó thâm ý của Phật đôi khi cũng nói đến một cách tổng quát với hình thức khác. 

ĐỆ TỨ CHƯƠNG 
(Chương thứ tư)

ĐỆ BÁT THỨC TỤNG

Dịch: bài tụng giảng về Tâm Thức thứ tám.

33. Tánh duy vô phú ngữ biến hành:

Dịch: Đặc Tánh của Tâm Thức thứ tám chính là Vô Phú Vô Ký và chỉ tương ưng với năm Tâm Sở Biến Hành.

Giải: Đệ Bát Thức là tàng Thức thứ tám, tức là Thức Chứa thứ tám. Tàng Thức thứ tám có ba đặc tính:

1. Năng tàng: nghĩa là có khả năng tàng trữ tất cả hạt giống của vạn pháp.

2. Sở tàng: nghĩa là chỗ nơi có thể tiếp nhận tất cả hạt giống của vạn pháp do sự huân tập (chứa nhóm) của bảy Tâm Thức ở trước.

3. Chấp tàng: gọi cho đủ là Ngã Ái Chấp Tàng, nghĩa là Tâm Thức này bị Thức Mạt Na thứ bảy luyến ái chấp làm Bản Ngã.

Đặc tính của Tàng Thức (Alaya) thứ tám thì thuộc về Vô Phú Vô Ký. Vô Phú nghĩa là Tâm Thức này không bị các phiền não nghiệp chướng ngăn che, và Vô Ký nghĩa là Tâm Thức này không nhất định thiện hay ác. Tàng Thức thứ tám chỉ theo Nghiệp báo để thọ sinh và nó không bao giờ gây tạo nên Nghiệp báo nào cả, vì thế Tàng Thức này được gọi là Vô Phú. Về phương diện Thể Tánh, Tàng Thức này không bị nhiễm ô, không tương ưng với các Tâm Sở sai lầm và cũng không mê chấp tất cả cảnh giới vọng hiện cũng như cảnh giới nghiệp duyên, nên được gọi là Vô Phú. Thế giới vọng hiện nghĩa là những thế giới do sự mê vọng hiện ra. Thế giới nghiệp duyên nghĩa là những thế giới do nghiệp nhân quyết định tạo nên.

Về phương diện tàng trữ, Tàng Thức thứ tám này đều dung chứa tất cả hạt giống thiện ác và không chê bỏ bất cứ hạt giống tốt xấu nào cả, nên gọi là Vô Ký, còn về phương diện tác dụng sinh khởi, Tàng Thức thứ tám này xây dựng tất cả pháp đều bình đẳng và xây dựng không bỏ sót một pháp nào cả. Tàng Thức này xây dựng đúng theo Nghiệp báo của các pháp và xây dựng các pháp không sai trái của nghiệp báo. Cho nên Tàng Thức này được gọi là Vô Ký. Đây là đặc tánh của Tàng Thức thứ tám.

Tàng Thức thứ tám chỉ tương ưng với năm Tâm Sở Biến Hành. Nguyên vì năm Tâm Sở Biến Hành đều đồng tánh Vô Phú Vô Ký với Tàng Thức thứ tám. Tàng Thức thứ tám thì chỉ sinh hoạt hiện lượng và không bao giờ sinh hoạt Tỷ Lượng và Phi Lượng. Nguyên do Tàng Thức này thì luôn luôn sinh hoạt theo Nghiệp lực một cách mặc nhiên để duyên với hiện cảnh và ngoài hiện cảnh này ra, Tàng Thức thứ tám không có khả năng duyên với bất cứ cảnh giới nào khác. Do đó, Tàng Thức thứ tám nhất định không thể tương ưng với năm Tâm Sở Biệt Cảnh.

Tàng Thức thứ tám thì thuộc về loại Vô Phú Vô Ký, cho nên nó không tương ưng vói các Tâm Sở Thiện và các Tâm Sở Ác. Hơn nữa, Tàng Thức thứ tám chỉ duyên với Tánh Cảnh và ngoài Tánh Cảnh này ra nó không thể duyên với Đới Chất Cảnh hay Độc Ảnh Cảnh, còn trong mỗi niệm (mỗi hồi tưởng), Tàng Thức thứ tám chỉ duyên với hiện cảnh và không thể duyên với danh từ hay lời nói nào khác. Thế nên, Tàng Thức thứ tám không thể tương ưng với các Tâm Sở Bất Định.

34. Giới địa tùy tha nghiệp lực sinh:

Dịch: Trong ba cõi (Tam Giới), chín Địa (Cửu Địa), Tàng Thức thứ tám tùy theo Nghiệp lực để thọ sinh. (Sự thọ sinh của Tàng Thức này đều do Nghiệp lực quyết định).

Giải: Đặc tính của Tàng Thức thứ tám thì thuộc về Vô Phú Vô Ký. Cho nên Tàng Thức này tự mình không thể gây nghiệp. Sự thọ sinh cõi này hay cõi khác của Tàng Thức thứ tám là do sự quyết định của các Nghiệp Thiện Ác đã được huân tập (chứa nhóm) trong nội tâm. Tàng Thức thứ tám thọ sinh trong các cõi với hình thức Quả Dị Thục do các Nghiệp Thiện Ác lôi cuốn. Tàng Thức thứ tám sinh vào cõi nào thì liền phát khởi những loại Tâm Thức giống như cõi đó. Cho nên Tàng Thức thứ tám mỗi khi rút lui ra đi thì khiến cho thân thể của chúng sinh ở những cõi đó bị tan rã ngay. Tàng Thức thứ tám không giống như Ý Thức thứ sáu. Ý Thức thứ sáu tuy là sinh vào cõi này nhưng có thể phát khởi Ý Thức thứ sáu của cõi khác để tạo nghiệp cho cõi khác.

Thí dụ: Ý Thức thứ sáu tuy đã sinh vào cõi người, nhưng còn chạy vào trong cõi mộng (dream) để tạo nghiệp luyến ái với người trong mộng.

Trong tám Tâm Thức, Tâm Thức thứ tám thì hoàn toàn lệ thuộc nghiệp lực và theo nghiệp lực để thọ sinh vào trong các cõi với hình thức là Dị Thục Sinh, còn Ý Thức thứ sáu thì có một phần theo nghiệp lực thọ sinh để hưởng thụ, nhưng Ý Thức thứ sáu cũng có một phần hóa giải nghiệp lực để giải thoát. Trái lại năm Tâm Thức ở trước thì không bị chi phối bởi người lực trong việc thọ sinh, nhưng chúng nó lại có một phần tương ưng với các Tâm Sở Thiện và các Tâm Sở Ác trong việc sinh hoạt hiểu biết.
 
35. Nhị thừa bất liễu nhân mê chấp, do thử năng dữ luận chủ tranh:

Dịch: Hàng Nhị Thừa vì không nhận thức rõ lý Duy Thức và nhân đó mê chấp cho rằng “Không có Tâm Thức thứ sáu". Bởi thế hàng Nhị Thừa thường tranh luận với các Luận Chủ Đại Thừa.

Giải: Kinh Giải Thâm Mật có câu: “Thức A Đà Na rất sâu nhiệm. Hết thảy chủng tử như dòng nước dốc, ta đối với kẻ phàm phu ngu không khai diễn, sọ bị nhận lầm là chấp Ngã”.

Thức A Đà Na là tên riêng của Tàng Thức thứ tám. Hành tướng của Thức A Đà Na thì rất vi tế và mầu nhiệm, khó có thể thấu hiểu. Hết thảy Hạt Giống (Chủng tử) của Thức A Đà Na cứ mãi nối tiếp nhau sinh diệt và diệt sinh một cách liên tục không gián đoạn giống như dòng nước dốc chảy xuống. Chúng ta nhìn tổng quát nhận thất tất cả hạt giống trong Thức A Đà Na này dương như tĩnh lặng, nhưng thật ra chúng nó biến đổi rất mau chóng.

Thí dụ: Những hạt giống Video Tapes trong Thức A Đà Na di chuyển thì vạn vật trên mà ảnh cũng di chuyển theo. Những hạt giống Video Tapes trong Thức A Đà Na không di chuyển biến đổi thì vạn vật trên màn ảnh sẽ bị đứng yên và những Hạt Giống Video Tapes không tác dụng biến động thì vạn vật trên màn ảnh cũng sẽ bị tiêu diệt. Vạn vật trên màn ảnh sở dĩ bị tiêu diệt là do những hạt giống Video Tapes trong Thức A Đà Na không tác dụng biến động để di chuyển biến đổi. Mặc dù vạn vật trên màn ảnh không còn, nhưng thật ra những hạt giống Video Tapes trong Thức A Đà Na vẫn còn nguyên.

Đức Phật sở dĩ không chỉ bày Thức A Đà Na nói trên cho hàng phàm phu và Nhị Thừa là nguyên do sợ hai hạng này phân biệt và chấp trước. Đức Phật sợ họ mê lầm chấp trước cho Thức A Đà Na hay Tàng Thức thứ tám là thật Ngã. Vì lý do nói trên đức Phật mới không chỉ bày Thức A Đà Na hay Tàng Thức thứ tám cho hai hạng người vừa kể. Bởi thế kinh điển của Nam tông không thấy đề cập đến Tâm Thức này nhiều. Mặc dù kinh điển của Nam tông không đề cập đến Tàng Thức thứ tám (Thức A Đà Na) một cách rõ ràng, nhưng trong đó thâm ý của Phật đôi khi cũng nói đến một cách tổng quát với hình thức khác.

Bởi thế, Nhị thừa không thể hiểu được Tâm Thức này và cũng không tin có Tâm Thức này. Hơn nữa, chỗ chứng đắc của Nhị thừa là chỉ đoạn trừ sự chướng ngại nơi Phiền Não (Phiền Não Chướng), nghĩa là hai hạng này chỉ làm cho Mạt Na Thức thứ bảy không tương ưng (không kết hợp) với những hạt giống Ngã si, Ngã kiến, Ngã mạn, Ngã ái, nhưng Thức Mạt Na thứ bảy thì lại thường tương ưng với hạt giống Ngã Trí cho nên Tâm Thức này có thể rõ biết được Tàng Thức thứ tám.

Đối với căn cơ (trình độ) của hàng Nam tông, Phật không đề cập đến Tàng Thức thứ tám, nhưng đối với căn cơ (trình độ) của bậc Đại Thừa, Phật thường trình bày Tàng Thức thứ tám nhằm mục đích giúp đỡ hàng Nhị Thừa nương theo đó tu tập để tiến lên chứng được Trí Nhất Thế Chủng của Đại thừa. Đến khi Phật nhập diệt, hàng Đại thừa và hàng Nam tông vẫn hòa hợp với nhau trong quan niệm và không có vấn đề chống trái nhau về tư tưởng. Hàng Nam tông lúc đó, mặc dù không biết rõ Tàng Thức thứ tám, nhưng không phủ nhận Tâm Thức này. Về sau, nhiều nhà luận sư Nam tông không hiểu được thâm ý của Phật, nên mê lầm chấp trước, bài bác Đại thừa, không tin có Tàng Thức thứ tám, và phủ nhận luân cả kinh luận của Đại thừa. Bởi thế các luận chủ Đại thừa mới sáng tác nhiều bộ luận không ngoài mục đích biện minh cho sự có mặt của Tàng Thức thứ tám.

Thành Duy Thức Luận của Ngài Huyền Trang đã dẫn mười lý do trong kinh điển Tiểu thừa (Kinh A Hàm) đều có đề cập đến Tàng Thức thứ tám. Mười lý do đó được trình bày như sau:

1. Trì Chủng: Trì Chủng nghĩa là bảo trì hạt giống của các pháp. Trong kinh Nam tông Phật có dạy rằng: “Chỗ chứa nhóm của các pháp nhiễm tịnh thì gọi là Tâm. Như vậy Tàng Thức thứ tám nếu như không có thì các pháp nhiễm tịnh nương tựa vào đâu để làm cái Tâm Trì Chủng”.

2. Dị Thục: Dị Thục là tên riêng của Tàng Thức thứ tám. Trong kinh Tiểu thừa Phật có dạy rằng: “Có Tâm Dị Thục huân chứa nghiệp lực lành dữ để chiêu cảm. Tàng Thức thứ tám nêu như không có thì Tâm Dị Thục nương tựa vào đâu để chiêu cảm và nghiệp lực nương tựa vào đâu để thành thục”.

3. Thú Sinh: Thú nghĩa là cõi. Thú gọi cho đủ là Ngũ Thú. Ngũ Thú nghĩa là năm cõi. Ngũ Thú gồm có: Cõi Trời, cõi Người, cõi Địa Ngục, cõi Ngạ Qủy và cõi Súc Sinh, còn chữ Sinh gọi cho đủ là Tứ Sinh. Tứ Sinh nghĩa là bốn loại sinh ra. Tứ Sinh gồm có: loại sinh ra bằng thai gọi là Thai Sinh, loại sinh ra bằng trứng gọi là Noãn Sinh, loại sinh ra nơi chỗ ẩm thấp gọi là Thấp Sinh và loại sinh ra bằng cách chuyển hóa gọi là Hóa Sinh. Kinh Nam tông lại nói rằng: “Loài hữu tình lưu chuyển trong Ngũ Thú, Tứ Sinh”. Tàng Thức thứ tám nếu như không có thì loài Hữu Tình nương tựa vào đâu để Thú Sinh.

4. Thọ Giả: Kinh nói: “Có sắc thân (Mạng Căn) và có chấp thọ (Thọ nhận)”. Tàng Thức thứ tám nếu như không có thì sắc thân (Mạng Căn) nương tựa vào đâu để được chấp thọ (mạng căn là thân thể).

5. Thức Giả: Kinh nói ba loại: “Thọ (Thọ thai), Noãn, (Noãn châu, tức là tinh cha huyết mẹ) và Thức (Thức Alaya) cùng nhau nương tựa và cùng nhau duy trì sự sống một cách liên tục”. Tàng Thức thứ tám nếu như không có thì Thọ và Noãn nương tựa vào đâu để duy trì sự sống.

6. Sinh Dĩ: Kinh nói: “Các loài hữu tình một khi mạng sống đã chấm dứt thì an trú nơi Tán Tâm”. Tàng Thức thứ tám nếu như không có thì các loài hữu tình trong lúc mê man bất tỉnh cũng như sau khi chết không biết nương tựa vào đâu để làm cái Tâm cho mình. 

7. Duyên Giả: Kinh nói: “Thức duyên danh sắc”. Tàng Thức thứ tám nếu như không có thì Danh Sắc nương tựa vào đâu để cho Thức duyên.

8. Y Thực: Kinh nói: “Tất cả loài hữu tình đều nương theo bốn cách ăn để sống. Bốn cách ăn là Đoạn Thực, Xúc Thực, Thức Thực và Thiền Duyệt Thực”. Tàng Thức thứ tám nếu như không có Thích tất cả loài Hữu Tình nương tựa vào đâu để có Thức Thực.

9. Diệt Định: Kinh nói: “Khi nhập vào Thiền Định Diệt Tận, các động tác về Thân, Miệng và Ý không còn hoạt động. Thân, Miệng, và Ý mặc dù không có hoạt động, nhưng chúng nó vẫn còn tồn tại trong tư thế bất động. Ý tưởng tuy không phát khởi tác dụng, nhưng nó chưa hẳn đã bị tiêu diệt, nguyên vì các Căn (các cơ quan) thuộc Thọ Noãn (thọ nhận nơi tinh cha huyết mẹ) của Thân và Miệng hiện chưa bị tan biến. Các Căn (các cơ quan) của Thân và Miệng sở dĩ chưa bị tan biến là do Tâm Thức vẫn chưa lìa khỏi Thân Thể. Tâm Thức vẫn chưa lìa khỏi Thân Thể như đã được đề cập ở trên chính là chỉ cho Tàng Thức thứ tám hiện còn có mặt trong con người một khi con người đó đã nhập vào Thiền Định Diệt Tận mặc dù Ý Tưởng của Hành Giả lúc đó cũng không còn phát khởi tác dụng nữa”.

10. Nhiễm Tịnh: Kinh nói: “Vì Tâm bị tạp nhiễm cho nên hữu tình bị tạp nhiễm theo. Ngược lại, Tàng Thức thứ tám nếu như không có mặt thì hữu tình nương vào đâu để làm chỗ nhiễm tịnh”.

Mười lý do vừa giải thích cũng đủ chứng minh rằng, Tàng Thức thứ tám nhất định phải có mặt trong sự sinh khởi và tồn tại của vạn pháp. Vạn pháp sở dĩ được sinh khởi và tồn tại là nhờ Tâm Thức này xây dựng và boảo trì. Mười lý do nói trên đã được trình bày một cách minh bạch trong luận Thành Duy Thức Thức của Ngài Huyền Trang.

36. Hạo hạo tam tàng bất khả cùng:

Dịch: Lồng lộng ba Tàng không thể cùng.

Giải: Ba Tàng nghĩa là Năng Tàng, Sở Tàng và Ngã Ái Chấp Tàng. Đây là giá trị của Tàng Thức thứ tám. Thể của Tàng Thức thứ tám thì bao la rộng lớn không cùng tận. Giá trị của Tàng Thức thứ tám gồm có ba:

1. Năng Tàng: nghĩa là Tâm Thức thứ tám này có khả năng tàng trữ tất cả hạt giống của vạn pháp không cho tiêu diệt. Tàng Thức thứ tám thì thuộc về loại Vô Phú Vô Ký và luôn luôn sinh hoạt liên tục không gián đoạn. Tàng Thức này có năng lực bao trùm và dung chứa tất cả hạt giống vạn pháp, nên gọi là Năng Tàng.

2. Sở Tàng: nghĩa là cơ sở dùng để tàng trữ tất cả hạt giống vạn pháp. Tàng tức thứ tám giống như cái kho dùng để chứa tất cả hạt giống vạn pháp. Bảy Tâm Thức chuyển biến ở trước huân tập (chứa nhóm) những hạt giống của vạn pháp như thế nào thì Tàng Thức  thứ tám duy trì những hạt giống nói trên được tồn tại y nguyên như thế đó và khiến cho chúng không bị biến chất. Tàng Thức thứ tám tiếp nhận tất cả hạt giống của vạn pháp một cách bình đẳng không chọn lựa thiện ác, không khen chê tốt xấu. Do đó, Tàng Thức thứ tám này được gọi là Sở Tàng của các hạt giống vạn pháp.

3. Ngã Ái Chấp Tàng: nghĩa là Thức Mạt Na thứ bảy luôn luôn mê chấp Tàng Thức thứ tám một cách luyến ái cho là Ngã của mình, nên gọi là Ngã Ái Chấp Tàng. Thức Mạt Na thứ bảy thường duyên với Tàng Thức thứ tám bằng cách thẩm xét, suy tư và so lường để chấp trước. Tàng Thức nghĩa là Thức Chứa, dịch từ chữ Alaya Thức. Bởi thế cho nên Thức Alaya có ba nghĩa: Năng tàng, Sở Tàng và Ngã Ái Chấp Tàng.

37. Uyên thâm thất lãng cảnh vi phong:

Dịch: Nơi nguồn biển nước sâu thẩm của Tàng Thức thứ tám, cảnh giới biến động tạo thành gió và khiến cho các làn sóng bảy Chuyển Thức nổi lên.

Giải: Kinh Lăng Già có câu: “Tạng Thức hải thường trú, cảnh giới phong sở động, chủng chủng chư Thức lãng, đẳng chước nhi chuyển sinh”, nghĩa là Biển tàng Thức thì thường trú, gió cảnh giới biến động khiến cho các thứ Sóng Thức cuồn cuộn lưu chuyển sinh ra. Tàng Thức thứ tám vẫn đầy đủ Kiến Phần và Tướng Phần. Chỉ vì bị vô minh bất giác (bị tối tăm không giác ngộ) mê hoặc, Tàng Thức thứ tám không nhận rõ được tánh của Duy Thức, vì không nhận rõ được tánh của Duy Thức, cho nên Tàng Thức thứ tám mê chấp Tướng Phần ngoại cảnh làm duyên. Do bởi mê chấp Tướng Phần ngoại cảnh làm duyên, Tàng Thức thứ tám cứ mãi chạy theo các duyên ngoại cảnh hư vọng đó để chuyển biến và sinh ra bảy Tâm Thức ở trước. Điều này cũng tương tợ như nước biển và các làn sóng.

Nước biển dụ như Tàng Thức thứ tám và các làn sóng dụ như bảy Tâm Thức ở trước. Nước biển Tàng Thức thứ tám bị Gió Nghiệp ngoại cảnh thổi mạnh khiến sinh ra các lượn sóng bảy Tâm Thức ở trước nổi lên, nhưng nước tức là sóng, nguyên vì sóng cũng là nước. Các Tâm Thức ở trước cũng không ngoài Tàng Thức thứ tám. Vì thế, Tàng Thức thứ tám cũng có tên là Căn Bản Thức.

38. Thọ huân trì chủng căn thân khí, khứ hậu lai tiên tác chủ ông:

Dịch: Tàng Thức thứ tám chịu huân tập (chứa nhóm), Trì Chủng (bảo trì hạt giống) và chuyển biến sinh ra Căn Thân (Thân Thể) cùng Khí Giới (Thế Giới). Tàng Thức thứ tám đi thì đi sau, đến thì đến trước, theo Nghiệp lực và làm chủ tất cả mọi việc để chịu quả báo.

Giải: Hai câu nói về công dụng của Tàng Thức thứ tám. Công dụng của Tàng Thức thứ tám gồm có bốn phần:

1. Chân Huân Tập: cũng gọi là Sở Huân Tập. Chân Huân Tập nghĩa là sự xông ướp đúng với chân giá trị của nó. Sở Huân Tập nghĩa là chân giá trị của chỗ xông ướp. Chân Huân Tập được giải thích như sau:

- Huân: nghĩa là xông ướp, như trà ướp sen gọi là Trà Sen. Ý nghĩa sự xông ướp này so sánh cũng tương tợ như viên than. Bản chất viên than thì không phải thơm và cũng không phải hôi thối. Viên than được xông ướp bởi chất thơm thì nó trở thành có mùi thơm và viên than này nếu như được xông ướp bởi chất hôi thối thì nó trở thành có mùi hôi thối, nhưng bản chất đã thơm thì không thể xông ướp chất khác để biến đổi thành mùi khác được. Chất hôi thối thì cũng thế. Ý nghĩa sự xông ướp như đã trình bày ở trên thì gọi là Huân.

- Tập: nghĩa là thói quen. Ý nghĩa thói quen so sánh cũng tương tợ như nghiện rượu, nghiện thuốc v.v... Người tập uống rượu lâu ngày thì trở thành thói quen nghiện rượu, người tập hút thuốc lâu ngày thì trở thành thói quen nghiện thuốc v.v... Ý nghĩa thói quen như đã trình bày ở trên thì gọi là Tập.

- Huân tập: nghĩa là những việc thiện hoặc những việc ác đã được hành động nhiều lần qua Thân, Miệng, và Ý liền trở thành Nghiệp Lực. Những Nghiệp Lực trên đây được huân tập vào trong Tàng Thức thứ tám để trở thành Hạt Giống. Những Hạt Giống Nghiệp Lực thiện ác vừa kể lại xông ướp lâu ngày khiến cho Tàng Thức thứ tám trở nên mùi thơm hoặc mùi hôi thối tùy theo chất liệu của Nghiệp Lực. Đây là ý nghĩa của sự Huân Tập. Nói cách khác Huân Tập nghĩa chứa nhóm các hạt giống thiện ác vào trong Tàng Thức thứ tám. Chân Huân Tập có hai lãnh vực: Sở Huân Tập và Năng Huân Tập.

A/ Sở Huân Tập: nghĩa là nơi chốn để được huân tập. Nơi chốn để được huân tập nhất định phải hội đủ bốn nghĩa thì mới có thể chịu sự chứa nhóm. Bốn nghĩa đó là:

a) Kiến Trụ Tánh: nghĩa là tánh tồn tại kiên cố. Tánh Kiên Trụ là tánh không bị hoại diệt, nghĩa là chỗ nơi để được huân tập thì nhất định phải có tính cách thường trú, có tánh chắc thật và nơi đó không có vấn đề sinh diệt hoặc sinh hoạt gián đoạn. Chúng ta không thể xông ướp với tính cách chứa nhóm chất thơm vào trong Gió hoặc vào trong Áng sáng, nguyên vì hai vật này không có tánh chắc thật và cũng không có tánh thường trụ. Tàng Thức thứ tám thì có tánh chất chân thật và thường trú. Cho nên Tàng Thức này chính là nơi chốn rất tốt đẹp để được huân tập.

b) Vô Ký Tánh: nghĩa là nơi chốn để được huân tập thì nhất định phải có tính chất Vô Ký. Tánh chất Vô ký là tánh chất không phải thiện và cũng không phải ác. Nơi chốn có tính chất vô ký thì mới có thể chịu huân tập đủ các loại hạt giống Thiện Ác và huân tập một cách trung thực không bỏ sót bất cứ hạt giống tốt xấu nào. Điều này cũng giống như một vật muốn được xông ướp với tính cách chứa nhóm thì tính chất của nó nhất định phải không có một chút mùi vị nào trong đó cả. Nhờ không có mùi vị nào cả, sau khi xông ướp, nó mới có thể trở thành mùi thơm hoặc trở thành mùi hôi thối. Tàng Thức thứ tám thì thuộc về tính chất vô ký, cho nên có thể tiếp nhận tất cả hạt giống Thiện Ác đã được huân tập.

c) Khả Huân Tập: nghĩa là tính chất có thể chịu huân tập. Tàng thứ tám thì thuộc về tánh Vô phú một cách rộng rãi, nghĩa là tánh không bị ngăn che bởi các chất liệu vô minh phiền não. Hơn nữa Tàng Thức thứ tám thì không phải bất động giống như các pháp Vô Vi, không phải hữu phú (bị ngăn che) giống như Thức Mạt Na thứ bảy và cũng không phải phú tàng (ngăn che) giống như các Tâm Sở. Ở đây Tàng Thức thứ tám chính là Tâm Vương (vua Tâm) cho nên nó có thể huân tập tất cả hạt giống Thiện Ác trong thế gian.

d) Dữ Năng Huân Tập Cộng Hòa Hiệp Tánh: nghĩa là tánh hòa hợp với các Năng Huân. Năng Huân  là chỉ cho bảy Tâm Thức ở trước. Bảy Tâm Thức này có khả năng huân tập các Nghiệp lực thiện ác. Sở Huân là chỉ cho Tàng Thức thứ tám. Tàng Thức này là nơi chốn để cho các Nghiệp lực thiện ác được huân tập vào. Năng Huân và Sở Huân phải hòa hiệp với nhau thì mới có thể huân tập được những nghiệp lực thiện ác. Điều này cũng giống như các vật có mùi thơm hay các vật có mùi hôi thối phải để gần bên cạnh cục than không mùi vị thì mới xông ướp được cục than. Từ nguyên nhân đó, những việc của người này làm không thể huân tập được Tàng Thức thứ tám của người khác.

Tánh chịu huân tập là tánh đặc biệt của Tàng Thức thứ tám, còn bảy Tâm Thức ở trước thì sinh hoạt có gián đoạn, cho nên chúng nó không thể chịu nhận sự huân tập nào của các hạt giống thiện ác. Mạt Na thức thứ bảy thì thuộc về hữu phú (bị ngăn che) nên không chịu cho huân tập tất cả hạt giống thiện ác, còn Tnàt Thức thứ tám thì có công năng giữ gìn các hạt giống thiện ác không cho hoại diệt. Thế nên Tàng Thức thứ tám thì chịu cho các hạt giống thiện ác huân tập vào.

B/ Năng Huân Tập: nghĩa là có công năng huân tập. Đây là chỉ cho sáu Tâm Thức ở trước. Sáu Tâm Thức này thường hay huân tập các hạt giống thiện ác đến cho Tàng Thức thứ tám. Những pháp được sáu Tâm Thức ở trước huân tập vào Tàng Thức thứ tám gồm có bốn nghĩa:

a) Hữu Sinh Diệt: nghĩa là có sinh và có diệt. Những pháp được huân tập nhất định phải có tính cách sinh diệt vô thường thì mới có thể sinh ra tập khí (chất hơi huân tập).

b) Hữu Thắng Danh: nghĩa là phải có danh nghĩa thù thắng. Những pháp được huân tập nhất định phải có sức mạnh (danh nghĩa thù thắng) thì mới sinh ra được tập khí. Cũng như các chất hóa học hòa hợp với nhau biến thành dầu thơm.

c) Dữ Sở Huân Hòa Hợp: nghĩa là phải hòa hợp với nơi chốn được huân tập. những pháp được huân tập phải hòa hợp với Tàng Thức thứ tám thì mới có thể sinh ra tập khí.

2. Trì Chủng Tử: Chủng tử tức là hạt giống tập khí (hạt giống thói quen). Những Chủng Tử tập khí này đều thuộc về loại năng lực có tính cách hạt giống được nằm trong Tàng Thức thứ tám. Những chủng tử tập khí này đều sai khác nhau tính chất và có thể sinh ra vạn pháp theo tính chất nhân quả của mình. Những chủng tử tập khí nơi Tàng Thức thứ tám được gọi là Nội Chủng Tử. Nội Chủng Tử trong Tàng Thức thứ tám không giống như Ngoại Chủng Tử. Ngoại Chủng Tử là những hạt giống được hiện bày ra bên ngoài. Ngoại Chủng Tử như là những hạt lúa, những hạt bắp v.v... đều là giả danh, có tính cách duyên sinh là do Duy Thức biến hiện. Cho nên những hạt giống này không giống như Nội Chủng Tử. Chủng Tử có sáu nghĩa:

1. Sát Na Diệt: Chủng Tử của vạn pháp là những hạt giống thuộc loại hữu vi có tính cách sinh diệt biến hoại. Cho nên chúng nó luôn luôn bị chuyển biến sinh diệt liên tục từng sát na một (từng tích tắc giây đồng hồ) không ngừng để sinh ra các pháp. Các pháp nhờ sự chuyển biến sinh diệt liên tục không ngừng của những hạt giống thì mới có thể sinh ra và các pháp cũng vì sự chuyển biến sinh diệt liên tục không ngừng của những hạt giống nên bị hoại diệt. Những hạt giống cũng vì có tính cách chuyển biến sinh diệt liên tục không ngừng trong từng sát na một nên khiến cho vạn pháp phải bị sinh khởi và phải bị hoại diệt nên gọi là Sát Na Diệt.

2. Quả Câu Hữu: Nhân là chỉ cho các Chủng Tử (hạt giống) và Quả là kết quả, tức là chỉ cho vạn pháp hiện hành (hiện đang sinh khởi). Nhân và Quả của vạn pháp thì luôn luôn hiển hiện, hiện tại và hiện hữu. Hiển hiện nghĩa là chỉ cho vạn pháp đang hiện bày về phần Kết Quả. Hiện Hữu nghĩa là chỉ cho vạn pháp hiện có mặt về phần Nguyên Nhân. Hiện Tại nghĩa là chỉ cho Nhân và Quả của vạn pháp đều dung thông với nhau, tức là trong Nhân có Quả và trong Quả có Nhân.

Chủng Tử  và các Pháp hiện hành (hiện đang sinh khởi) muốn thành Kết quả thì luôn luôn phải hòa hợp với nhau và không tách rời nhau trong sự tác dụng sinh khởi. Chủng Tử và các Pháp hiện hành phải được hòa hợp với nhau mới có thể sinh khởi. Chủng Tử và các Pháp hiện hành không tách rời nhau trong sự tác dụng mới có thể kết thành hạt giống kế tiếp. Chủng Tử và các Pháp hiện hành phải tác dụng cùng một lúc mới thành hình, nghĩa là Chủng Tử sinh ra các Pháp hiện hành thì các Pháp hiện hành và Chủng Tử phải tác dụng cùng một lúc mới đi đến kết quả và các Pháp hiện hành huân tập thành Chủng Tử thì Chủng Tử và các Pháp hiện hành cũng phải tác dụng cùng một lúc mới thành hoa trái, nên gọi là Đồng thời. Hoa trái chứa những hạt giống còn non nên chưa thành Chủng Tử.

Nhưng chỉ có Chủng Tử sinh ra Chủng Tử thì mới khác nhau thời gian. Chủng Tử mỗi khi tác dụng để sinh ra các Pháp hiện hành thì hạt giống khởi đầu đó đã bị biến thể và các Pháp hiện hành mỗi khi huân tập để kết thành Chủng Tử trở lại thì những Hạt giống kế tiếp đó không cùng một thời gian (không đồng thời) với những Hạt Giống lúc khởi đầu. Trường hợp này gọi là Dị thời. Những Chủng Tử mỗi khi khởi đầu tác dụng muốn đi đến kết quả thì phải trải qua một thời gian chuyển biến liên tục không ngừng trong từng sát na một bằng cách chuyển hóa sinh diệt và diệt sinh mới có thể huân tập để kết thành những Chủng Tử cùng loại về sau. Trường hợp này được gọi là Chủng Tử dị thời sinh Chủng Tử (Hạt Giống sinh ra Hạt giống khác nhau thời gian).

3. Hằng Tuỳ Chuyển: nghĩa là khởi điểm từ vô thỉ (không đầu mối) cho đến cứu cánh, Chủng Tử  nhất loại đều chuyển biến một cách liên tục không xen hở, chuyển biến không gián đoạn để đạt đến kết quả. Nhất loại nghĩa là Chủng Tử một khi tác dụng kết hợp thọ nhận để sinh khởi thì cũng không thay đổi tính chất và giá trị. Tánh chất và giá trị của Chủng Tử mỗi khi chuyển biến thì tác dụng liên tục không ngừng để đưa đến địa vị cứu cánh một cách thuần nhất, chuyển biến không bị gián đoạn và không bị mất đi bản chất, nên gọi là Hằng Tùy Chuyển.

4. Tánh Quyết Định: Chủng Tử thì có năng lực quyết định mọi quả báo. Ác Chủng Tử thì có năng lực quyết định sinh ra Ác Pháp. Thiện Chủng Tử thì có năng lực sinh ra Thiện Pháp. Chủng Tử nào thì sinh ra Pháp đó. Chúng sinh ra không thể hổn tạp và cũng không thể lầm lẫn.

5. Đãi Chúng Duyên: Chủng Tử muốn đi đến kết quả phải đợi cho đủ các Duyên mới có thể sinh trưởng. Một Chủng Tử không thể tự động sinh khởi nếu như không hội đủ các Duyên liên hệ. Các Duyên ở đây chính là Nhân Duyên, Đẳng Vô Gián Duyên và Tăng Thượng Duyên.

Nhân Duyên nghĩa là chỉ cho hạt giống và hạt giống đó có khả năng tác dụng sinh khởi để thành kết quả. Đẳng Vô Gián Duyên nghĩa là hạt giống đó mỗi khi sinh
loading...