Kiến thức

Bảy pháp đoạn trừ phiền não

Thứ sáu, 05/11/2020 03:05

Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc do có nhiều phiền não mà cảm thấy khó chịu, bực dọc, bất an. Phiền não chính là nguyên nhân dẫn đến đau khổ, tội lỗi và sa đọa. Tâm an lạc thì không có phiền não, cũng như có ánh sáng sẽ không còn bóng tối.

Vậy, muốn có được an lạc và hạnh phúc, chúng ta phải đoạn trừ phiền não, không để nó ngự trị trong lòng. Nhưng đó là việc không dễ dàng gì, vì phiền não có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và dẫn dắt chúng ta tạo nghiệp sinh tử luân hồi từ đời này sang đời khác.

Để đối trị với vô lượng phiền não, đức Phật đã dạy cho chúng ta vô lượng pháp môn. Phiền não được ví như bệnh, còn pháp môn được ví như thuốc để chữa lành bệnh. Tùy theo bệnh mà chúng ta uống thuốc cho phù hợp, cũng như tùy từng loại phiền não mà chúng ta thực tập phương pháp thích hợp để đoạn trừ.

Trong kinh Trung Bộ, bài kinh “Tất Cả Lậu Hoặc”[1], đức Phật đã dạy chúng ta bảy phương pháp đoạn trừ lậu hoặc, đó là: dùng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, dùng kham nhẫn, tránh né, trừ diệt và dùng tu tập để đoạn trừ phiền não. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cụ thể hơn về các phương pháp này.

Sống an lạc, bớt phiền não

7-phuong-phap-doan-tru-phien-nao 1

Đoạn trừ phiền não do tri kiến 

Tri kiến là sự thấy biết, sự nhìn rõ. Chúng ta phải nhìn rõ khi nào thì phiền não khởi lên và thấy được nó bắt nguồn từ đâu. Biết được nguyên nhân thì chúng ta mới có thể hóa giải phiền não.

Thí dụ, nếu người thân trong gia đình qua đời, lẽ thường ta sẽ rất đau khổ. Vậy chúng ta phải ứng dụng Phật pháp như thế nào để hóa giải phiền não trong lúc này?

Đức Phật dạy, những gì hữu hình đều hữu hoại, có sinh phải có diệt, có hợp phải có tan. Xét lại thân của chúng ta, vốn là thứ vật chất giả tạm, do tứ đại[2] nương nhau hợp thành nên một ngày nào đó sẽ phải tan hoại theo quy luật vô thường: sinh, già, bệnh, chết. Đó là điều hiển nhiên và không thể tránh khỏi. Chúng ta có mặt trên cuộc đời đều mang chung một án tử, chỉ khác là khi ra “pháp trường” kẻ trước người sau. Trước đây, chúng ta đau khổ, than khóc. Bây giờ, chúng ta hiểu rằng, khóc như vậy chỉ thêm sầu bi mà thôi, có khóc bao nhiêu thì người mất cũng đã ra đi, không thể sống lại được. Hiểu được như thế là chúng ta đang dùng Phật pháp để đoạn trừ phiền não và hóa giải những nỗi khổ của mình.

Quý vị nào đã xem phim Trưởng Giả Kén Rể sẽ thấy rõ điều này. Cả ba người con của bà trưởng giả lần lượt ra đi. Đau khổ vì điều đó, bà không ăn không ngủ, khóc cả ngày lẫn đêm đến mù mắt, không bao lâu sau bà cũng ra đi, và những giọt nước mắt, những đau khổ của bà như vậy có phải vô ích không? Rõ ràng, cứ giữ mãi nỗi đau khổ trong lòng sẽ không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ khiến cuộc sống của chúng ta bế tắc hơn thôi.

Có một câu chuyện kể rằng: Vào thời đức Phật còn tại thế, có một nữ cư sĩ đến tinh xá cúng dường, trong lúc bà đang sớt bát cho chư Tăng thì người ta đến báo tin con của bà vừa mất. Khi nghe như vậy, bà không biểu lộ sự hốt hoảng hay khổ đau mà vẫn bình tĩnh tiếp tục sớt bát cho chư Tăng. Sau khi cúng dường xong, bà trở về nhà. Lúc đó, người ta hỏi: “Tại sao con bà mất rồi mà bà vẫn bình tĩnh như vậy?”. Bà nói rằng: “Tôi không mời mà nó đến, tôi không đuổi mà nó đi, đến như thế nào, đi như thế đó, đến đi như gió, hợp tan như mây, gió mây vô thường, vấn vương chi khổ”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy vị nữ cư sĩ này đã hiểu Phật pháp rất sâu sắc. Điều quý giá nhất là khi còn sống với nhau, con người có thể yêu thương, chăm sóc và quan tâm nhau hết lòng. Còn sinh tử là lẽ đương nhiên, đời người “đến đi như gió, hợp tan như mây”, cảm thấy đau khổ vì gió đã thổi qua hay vì mây đã tan mất thì thật là dại dột. Vậy nên, khi thấy biết đúng đắn tính chất vô thường của gió mây nói riêng và vạn vật nói chung, chúng ta sẽ hóa giải được phiền não và đau khổ của mình.

Tương tự như vậy, tài sản là vật ngoài thân, không thể tồn tại mãi mãi, nhưng khi mất rồi chúng ta vẫn tiếc nuối, đau khổ. Ngay cả người học Phật cũng vậy. Đức Phật dạy rằng tài sản của chúng ta trước sau gì cũng sẽ rơi vào một trong năm nhà: bị nước trôi, lửa cháy, trộm cướp, vợ con phá tán hoặc bị vua quan tịch thu. Chúng ta đã hiểu giáo lý nhân quả thì phải biết rằng, trong quá khứ mình nợ người ta thì bây giờ mình phải trả. Nếu chỉ nhìn hiện đời, chúng ta sẽ thấy mình bị mất, bị thiệt, nhưng xét theo nhân quả thì thật ra chúng ta không hề thiệt thứ gì, bởi đã là trả nợ thì không thể gọi là thiệt được.

Như vậy, khi có sự thấy biết đúng đắn, chúng ta sẽ hóa giải được phiền não, đau khổ. Đó là pháp thứ nhất “dùng tri kiến để đoạn trừ phiền não” mà đức Phật đã dạy chúng ta.

Những phiền não trở ngại trên bước đường tu tập

7-phuong-phap-doan-tru-phien-nao 2

Đoạn trừ phiền não do phòng hộ 

Phòng có nghĩa là giữ gìn, ngăn ngừa. Hộ có nghĩa là bảo vệ, che chở. Để ngăn nước tràn vào ruộng làm lúa bị ngập úng, chúng ta đắp bờ đê. Để ngăn gà, heo vào phá vườn rau, chúng ta làm hàng rào. Để ngăn kẻ trộm vào lấy cắp tài sản, chúng ta đóng cửa thật chặt và khóa tủ thật kỹ. Đó gọi là phòng hộ.

Tương tự như vậy, để ngăn sáu tên giặc: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm nhiễu loạn tâm, mỗi chúng ta phải phòng hộ sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đức Phật dạy rằng, ví như một tòa thành có sáu cánh cửa, mỗi cửa có một ông lính gác, nếu có một ông lính ngủ gật, không canh giữ được thì quân giặc sẽ đột nhập vào bên trong và phá nát tòa thành đó. Cũng vậy, nếu không chính niệm tỉnh giác, phòng hộ sáu căn thì “giặc sáu trần” sẽ đột nhập vào trong tâm thức, phá hoại thiện căn của chúng ta và làm phát sinh phiền não.

Cụ thể, về việc phòng hộ nhĩ căn: Khi nghe bất cứ điều gì chúng ta cũng cần phải có chính niệm, tỉnh giác, đừng để bị dẫn dắt, sai sử. Chẳng hạn, khi bị người chê bai hoặc chửi mắng, nếu chúng ta để tên giặc âm thanh xâm nhập và làm chủ trong tâm thì sẽ rất dễ tức giận, phiền não, thậm chí còn có những lời nói và hành động không tốt gây ra đau khổ cho cả ta và người. Hay khi nghe lời nói êm dịu, ngọt ngào từ những kẻ xấu, nếu không phòng hộ thì chúng ta dễ tin tưởng, giao cho họ làm những việc quan trọng, đưa cho họ tài sản vật chất của chúng ta. Lúc tỉnh ra thì có tiếc nuối cũng đã muộn màng. Nếu chính niệm, tỉnh giác, chúng ta sẽ nghĩ: “Người ta nói vậy thôi, còn đúng hay sai mình có thể cân nhắc”. Thế thì tên giặc âm thanh sẽ không thể làm nhiễu loạn tâm ta và không sai sử được ta nữa.

Trong kinh Tương Ưng Bộ IV[3], đức Phật đã kể một câu chuyện như sau: Có con rùa đang đi kiếm ăn dọc bờ sông thì chợt nhìn thấy từ đằng xa, một con dã can đang tiến đến. Biết con dã can chuyên ăn thịt rùa, nó liền rụt đầu, rụt bốn chân và cả đuôi vào trong mai. Con dã can đến đứng cạnh con rùa, chờ cho con rùa thò cái gì ra là chộp ăn ngay. Nhưng con rùa vẫn nằm bất động. Dã can đứng canh một lúc, thấy không đợi được nên đành bỏ đi. Thế là con rùa thoát nạn.

Cũng vậy, đức Phật dạy chúng ta phải biết thu thúc sáu căn của mình, giống như con rùa biết bảo vệ sáu bộ phận cơ thể trước con dã can. Nếu không làm chủ được sáu căn thì chúng ta dễ rơi vào phiền não và khổ đau do ngoại cảnh. Câu chuyện trên là bài học quý báu cho mỗi chúng ta.

Phòng hộ không có nghĩa là nhắm mắt không nhìn, bịt tai không nghe, ngậm miệng không nói,… mà là lúc nào cũng chính niệm, tỉnh giác. Chúng ta phòng hộ sáu căn bằng cách nhận biết niệm nào khởi, niệm nào diệt, niệm nào chính, niệm nào tà. Từ đó, chúng ta sẽ ngăn chặn và hóa giải được phiền não. Như vậy, phương pháp thứ hai đức Phật dạy cho chúng ta để đoạn trừ phiền não chính là phòng hộ.

Đoạn trừ phiền não do thọ dụng 

Thông thường chúng ta nghĩ rằng, đã là Phật tử thì phải biết thiểu dục tri túc, phải biết buông bỏ. Càng buông bỏ thì càng ít phiền não, càng thọ dụng thì càng nhiều phiền não. Nhưng trong pháp này, đức Phật lại dạy rằng, phiền não có thể được đoạn trừ do thọ dụng.

Thí dụ như đói – đói là một loại phiền não. Khi đói, chân tay bủn rủn, đi đứng không vững, thậm chí là không ngủ được. Để đối trị với phiền não này, chúng ta phải thọ dụng bằng cách ăn uống.

Hoặc như lạnh, chúng ta thường cảm thấy khó chịu khi trời lạnh. Đặc biệt là ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp sẽ rất khó ngủ. Để có được một giấc ngủ ngon, chúng ta phải mặc áo ấm hoặc dùng lò sưởi. Hay khi thời tiết nóng cũng sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy rất khó chịu, bực bội. Để được mát mẻ và dễ chịu hơn, chúng ta phải dùng quạt hoặc máy điều hòa. Khi thọ dụng những thứ này là chúng ta đang đoạn trừ phiền não do ngoại cảnh gây ra.

Hay như bị bệnh, đơn cử là khi bị đau răng, chúng ta vô cùng khó chịu, nhiều khi cơn đau còn lên đến tận đầu và chúng ta sẽ thấy rất phiền não. Muốn đoạn trừ phiền não này, chúng ta phải uống thuốc giảm đau. Sau khi thọ dụng thuốc, cơn đau sẽ giảm dần.

Qua các thí dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng, tùy từng hoàn cảnh mà đức Phật dạy các phương pháp khác nhau để đoạn trừ phiền não. Không phải loại phiền não nào chúng ta cũng diệt trừ bằng cách đối trị, nhiều khi phải thọ dụng, phải thuận theo từng loại phiền não mới có thể giải quyết được.

Đức Phật lại dạy rằng, càng buông bỏ thì càng ít phiền não...

Đức Phật lại dạy rằng, càng buông bỏ thì càng ít phiền não...

Đoạn trừ phiền não do kham nhẫn 

Kham nhẫn nghĩa là chịu đựng. Phương pháp này giúp chúng ta tăng khả năng chịu đựng, cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách để đoạn trừ phiền não.

Thí dụ, nếu chúng ta đi đến một xứ sở quá nóng hoặc quá lạnh so với nơi ta ở, chắc chắn ta sẽ thấy trong người khó chịu và sinh phiền não. Tại sao như vậy? Vì khả năng thích ứng của chúng ta sẽ không bằng người dân bản xứ. Người ở xứ nào thì chịu được thời tiết của xứ đó, do từ nhỏ đến lớn họ đã quen với việc chịu đựng khí hậu đó rồi, nên cũng ít bị phiền não hơn.

Cũng vậy, khi sống gần những người thường hay nói khích, nói nặng hoặc hay la mắng, nếu không biết kham nhẫn, chúng ta sẽ dễ nổi sân. Nếu cả hai đều sân hận như vậy thì bên nào cũng bị phiền não và đau khổ. Ngược lại, nếu chúng ta biết kham nhẫn thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Người xưa thường nói: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Kham nhẫn sẽ giúp tâm chúng ta bình lặng.

Kham nhẫn trước những tác động của ngoại cảnh đã khó, nhưng để có thể kham nhẫn trước những ham muốn của nội tâm còn khó khăn hơn. Chẳng hạn, chúng ta bị nghiện rượu, nghiện thuốc lá. Khi hiểu được tác hại nghiêm trọng của rượu và thuốc lá đến bản thân, gia đình và xã hội, chúng ta cố gắng từ bỏ. Nhưng hằng ngày chúng ta sử dụng quen rồi, không dùng nữa sẽ cảm thấy rất khó chịu, nên không thể bỏ ngay được mà phải tập từ từ. Trước đây, mỗi ngày mình uống một xị, hút một bao, giờ giảm xuống còn một nửa thôi, rồi dần dần không sử dụng liên tục nữa mà vài ngày mới dùng một lần, cuối cùng là bỏ hẳn. Dân gian có câu: “Ăn quen khó nhịn, nhịn hoài cũng quen”. Trước bất kỳ phiền não nào, nếu biết chịu đựng, nhất định sẽ có ngày chúng ta vượt qua nó.

Người học Phật cần phải biết kham nhẫn, từ từ vượt qua những khó khăn, thử thách để tiến bộ hơn trên con đường tu tập. Lúc mới bắt đầu tu, mỗi khi ngồi tụng kinh, niệm Phật, chúng ta thường cảm thấy khó chịu vì bình thường mình không ngồi yên lâu, nay phải ngồi tới một tiếng. Nếu không biết kham nhẫn, chúng ta sẽ than mệt, than đau, thế là bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng nếu lúc đó chúng ta tự nhủ với bản thân: “Thôi kệ, đau một chút cũng ráng”, thì sau một thời gian, chắc chắn chúng ta sẽ tiến bộ.

Bản thân tôi cũng từng trải qua điều này. Hồi trước, tôi tập ngồi thiền trong tư thế kiết già[4]. Ngồi được khoảng mười lăm phút thì chân bắt đầu đau, không còn niệm Phật được nữa mà toàn niệm “tê quá”, “đau quá”. Dù đau, tôi vẫn cố gắng chịu đựng. Qua một thời gian, tôi ngồi lên được hai mươi phút, nhưng tới phút thứ ba mươi chân lại bắt đầu đau. Tôi kiên trì, cố gắng chịu đựng để vượt qua từng cơn đau và tăng dần thời gian ngồi thiền. Bây giờ, tôi có thể ngồi từ một tiếng đến một tiếng rưỡi mà không đau chân là do quá trình vượt qua những cơn đau như thế. Muốn đạt kết quả cao thì bắt buộc chúng ta phải biết kham nhẫn, nếu không thì khó mà có thể tiến bộ được.

Như vậy, ngược với pháp thứ ba là thọ dụng để đoạn trừ phiền não, ở pháp thứ tư này, đức Phật lại dạy chúng ta phải đoạn trừ phiền não bằng kham nhẫn. Giống như cây tre, muốn uốn được phải hơ qua lửa cho mềm dẻo; chúng ta muốn tiến bộ trên đường tu thì phải kham nhẫn để vượt qua những khó khăn, thử thách và đoạn trừ các phiền não trong tâm.

Phiền não và khổ đau gốc rễ của giải thoát

Đoạn trừ phiền não do tránh né 
Đức Phật đã dạy chúng ta bảy pháp để đoạn trừ phiền não, đó là dùng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, tránh né, trừ diệt, và tu tập.

Đức Phật đã dạy chúng ta bảy pháp để đoạn trừ phiền não, đó là dùng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, tránh né, trừ diệt, và tu tập.

Tránh né là gì? Tránh né nghĩa là không đối diện, không tiếp xúc, gần gũi với người, sự vật hoặc sự việc nào đó. Đức Phật dạy rằng có những phiền não có thể đoạn trừ do tránh né. Để chúng ta hiểu rõ hơn, tôi sẽ đưa ra một vài thí dụ:

Khi thấy những con thú dữ, chúng ta nên tránh xa, vì khi đến gần chúng ta có thể bị tấn công. Thứ hai là chúng ta không nên vào những nơi cờ bạc, coi chừng “cháy túi”, bởi “cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết tra chân vào cùm”. Thứ ba, không nên vào các quán rượu. Đó là nơi ăn chơi sa đọa, hơn nữa, trong năm giới căn bản của người Phật tử có giới không uống rượu. Uống rượu làm tâm trí mê mờ, mất tự chủ, không những gây ảnh hưởng xấu tới bản thân chúng ta mà còn tới gia đình và xã hội.

Và nhất là chúng ta nên tránh xa những người không phải thiện tri thức. Thời đức Phật còn tại thế, Đề-bà-đạt-đa là anh em bà con và cũng là đệ tử của đức Phật. Về sau, vì muốn lên làm giáo chủ nên Đề-bà-đạt-đa đã tìm mọi cách để hại đức Phật. Ông ta đến xúi thái tử A-xà-thế giết vua Tần-bà-sa-la để cướp ngôi, còn ông ta sẽ giết đức Phật để lên làm giáo chủ. Thái tử A-xà-thế đã nghe lời Đề-bà-đạt-đa, nhẫn tâm giết chết vua cha và sau khi tỉnh ngộ đã ân hận rất nhiều. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nếu gần người xấu ác trước sau gì mình cũng sẽ có hành động xấu ác, tự chuốc lấy phiền não cho mình. Ngoài ra, quý vị cũng nên tránh né những người hay sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, vì gần gũi những người này sẽ đem đến cho quý vị rất nhiều phiền não.

Như vậy, ở đời có những sự nguy hại, phiền não không thể đối trị bằng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, mà phải biết tránh né. Đó cũng là một phương pháp hữu hiệu mà đức Phật dạy chúng ta để ngăn phiền não phát sinh.

Đoạn trừ phiền não do trừ diệt 

Phương pháp thứ sáu là đoạn trừ phiền não do trừ diệt. Nghĩa là khi phiền não khởi lên, chúng ta phải lập tức đoạn diệt, không để nó dây dưa và phát triển.

Ví như một vết dầu khi mới rớt xuống hồ nước, nếu chúng ta kịp thời vớt lên thì sẽ hạn chế vết dầu loang ra, còn không thì chắc chắn mặt hồ sẽ bị vết dầu này làm cho loang lổ. Cũng như thế, khi phiền não khởi lên, chúng ta phải lập tức đoạn diệt, không nên để nó kéo dài và nhân rộng.

Khi tâm khởi lên một ý niệm xấu, nếu được hóa giải ngay lập tức thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Thí dụ, một em học sinh xích mích với người bạn cùng lớp. Không thể phản ứng lại ngay khi bị ăn hiếp, trong tâm em liền khởi lên ý niệm: “Tao sẽ trả thù”. Nếu cha mẹ, thầy cô biết được và giúp hai em hòa giải thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Còn nếu để xích mích ngày càng phát triển, em học sinh đó có thể sẽ rủ bạn bè đến đánh người bạn kia. Điều đó sẽ gây đau khổ cho cả hai bên.

Hay như trong gia đình, khi hai vợ chồng bất hòa với nhau, dù là những mối bất hòa nhỏ, nếu không hòa giải sớm sẽ ngày càng buồn phiền, bế tắc, cuối cùng có thể dẫn đến ý nghĩ muốn ly hôn để giải thoát cho nhau. Còn nếu mâu thuẫn được dập tắt ngay lúc mới khởi lên thì sẽ tránh được nhiều hậu quả khôn lường.

Cho nên, đức Phật dạy, khi phiền não khởi lên, chúng ta phải trừ diệt ngay, không để nó kéo dài và phát triển. Nếu chúng ta nuôi dưỡng phiền não chắc chắn sẽ gây khổ đau cho mình và cho người.

Đoạn trừ phiền não do tu tập 

Đức Phật đã dạy cho chúng ta vô lượng pháp môn để tu tập, phải tùy theo căn cơ, trình độ của mình mà chọn pháp môn thích hợp để thực hành. Khi thực hành thuần thục rồi thì phiền não sẽ không còn cơ hội để phát triển nữa. Đó gọi là do tu tập mà đoạn trừ được phiền não.

Chẳng hạn, về pháp môn niệm Phật. Niệm Phật là lúc nào cũng nghĩ nhớ đến Phật, không nhớ gì khác nữa. Tâm làm chủ các pháp, tạo ra mọi hạnh phúc và khổ đau. Chúng ta thường nhớ Phật, niệm Phật thì tâm sẽ luôn tỉnh giác và tham, sân, si bớt dần. Hằng ngày, chúng ta niệm Phật là đang luyện cho tâm được thanh tịnh. Từ đó thân và khẩu cũng thanh tịnh, tránh xa được các ác pháp. Khi ấy, chúng ta sẽ không còn phiền não, bởi trong tâm có Phật thì không có Ma, cũng như có sáng thì không có tối.

Thường niệm Phật Di-đà,

Ý chẳng nghĩ điều tà,

Miệng không nói điêu ngoa,

Thân lánh xa việc ác,

Thời thời hằng tỉnh giác

Trong cả bốn oai nghi.

Như vậy, nếu thường xuyên niệm Phật thì chúng ta sẽ đoạn trừ và chuyển hóa được phiền não, giúp cho thân tâm của mình luôn được an lạc. Đó là một thí dụ do tu tập đoạn trừ được phiền não.

Tóm lại, đức Phật đã dạy chúng ta bảy pháp để đoạn trừ phiền não, đó là dùng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, tránh né, trừ diệt, và tu tập. Sau khi biết được bảy pháp này, khi phiền não khởi lên, chúng ta phải suy nghĩ xem nên ứng dụng phương pháp nào để hóa giải và đoạn trừ.

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”[5] Tâm của chúng ta là chủ. Nếu tâm thanh tịnh thì lời nói và việc làm cũng sẽ thanh tịnh. Nếu tâm ô uế thì lời nói và việc làm cũng sẽ ô uế. Chúng ta phải nắm chắc điều này để chọn cho mình những phương pháp hóa giải phù hợp và đúng đắn. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ đoạn trừ được phiền não, tránh gây tạo ác nghiệp, đạt đến an vui và hạnh phúc ở hiện tại cũng như tương lai.

(Quyển sách này được biên tập từ pháp thoại “Bảy pháp đoạn trừ phiền não”, giảng vào ngày 24 tháng 12 năm 2006, trong Khóa tu niệm Phật một ngày tại chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh).

Chú thích:

[1] Đại Tạng Kinh Việt Nam (1992), “Bài Kinh Tất Cả Lậu Hoặc”, Kinh Trung Bộ I, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.

[2] Tứ đại: đất, nước, gió, lửa.

[3] Đại Tạng Kinh Việt Nam (1993), “Con Rùa”, Phẩm Rắn độc, Tương Ưng Sáu Xứ, Kinh Tương Ưng Bộ IV, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.

[4] Tư thế ngồi kiết già: Bàn chân trái gác lên đùi chân phải, bàn chân phải kéo chéo lên, gác qua đùi chân trái.

[5] Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu, Thích Giác Toàn, Phạm Kim Khánh (2014), Phẩm Song Yếu, Lời Phật dạy (Kinh Pháp Cú – Dhammapada), NXB Tổng Hợp TPHCM, trang 21.

loading...