Kiến thức
Bảy phương pháp chế tác hạnh phúc theo lời giảng của TT. Thích Nhật Từ
Thứ hai, 18/02/2021 08:59
Mỗi người sống trên đời này đều hướng tới một điều tối hậu: Hạnh phúc. Tiếc là đối với nhiều người đây chỉ là một khái niệm lý thuyết và xa vời.
Dưới đây xin được tuần tự trình bày bảy điều giúp một người có thể trải nghiệm được hạnh phúc bây giờ và tại đây:
1. Học nhận lỗi và xin lỗi
Ngày Rằm tháng bảy, theo truyền thống của đạo Phật Đại thừa, trong đó có Việt Nam, được gọi là ngày tự tứ. Người Trung Quốc và Việt Nam thường ngộ nhận đây là ngày xá tội vong nhân. Thực ra, các hương linh không phải là những người có tội như Trung Hoa đã ngộ nhận. Dưới lòng đất không có âm phủ như được kể trong văn học dân gian.
Sau khi chết, con người tái sinh theo nghiệp. Do vậy, Thập điện Diêm vương không có chức năng xá tội con người, và các đức Phật, các vị Bồ tát, các tăng đoàn tại các chùa cũng không làm công việc xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng bảy.
Theo truyền thống của đạo Phật Đại thừa, mùa an cư của tu sĩ được bắt đầu kể từ ngày 16 tháng tư âm lịch. Sau 90 ngày tu học, tu sĩ có một buổi gọi là tự tứ. Mỗi tu sĩ sẽ phải tự nói ra lỗi của mình hoặc mời gọi các bạn đồng tu chỉ cho thấy những gì còn yếu kém của bản thân trong suốt thời gian tu tập. Mục đích của việc này là để hoàn thiện đời sống đạo đức, tiến bộ nhanh hơn trên con đường thực tập tâm linh.
Nói về văn hóa báo ơn, Rằm tháng bảy không chỉ là ngày báo ơn cha mẹ. Đây còn là ngày chúng ta nhớ ơn thầy cô giáo, ơn các vị thầy tâm linh, ơn tổ quốc và ơn đồng loại. Khi tự mình nhận lỗi, ta sẽ nghiêm khắc hơn với bản thân và thẳng thắn nhìn vào những khiếm khuyết của mình. Đức Phật khích lệ chúng ta mạnh dạn thừa nhận các lỗi lầm của mình, dù là lỗi nhân sự hay tội về luật pháp. Có dám nhận lỗi chúng ta mới có thể tiến bộ về đạo đức. Ngày nay các nước trên thế giới kêu gọi phạm nhân đầu thú trước khi bị phát hiện để nhận được sự khoan hồng của luật pháp.
Nhìn ra hết lỗi lầm của bản thân thật không dễ chút nào. Vì thế ta cần nhờ người khác chỉ ra giúp những thiếu sót của mình. Nhận lỗi không phải là một việc xấu xa, yếu hèn. Ngược lại nhận lỗi là một hành động rất can đảm, là ứng xử văn hóa đẹp và là minh chứng của tiến bộ về đạo đức.
Kinh tế học Phật giáo: Hướng tới một xã hội hạnh phúc hơn
Sau khi nhận lỗi, ta cần xin lỗi. Xin lỗi trực tiếp sẽ giúp cho người kia dễ tha thứ và bỏ qua. Vợ chồng xin lỗi lẫn nhau, con cái xin lỗi cha mẹ, anh chị em xin lỗi nhau và thậm chí cha mẹ và những người đi trước nhận lỗi trước con cháu. Đây đều là những nét đẹp của cuộc sống và giúp giải tỏa không biết bao khổ đau, đè nén trong tâm cả hai phía người có lỗi và người bị oan.
Không cần đợi đến ngày Rằm tháng bảy, lễ tự tứ mới nhận lỗi và xin lỗi. Các tu sĩ mỗi tháng hai lần, vào ngày rằm và mùng một, thường làm lễ chỉ lỗi. Tiếc là không ít chùa làm việc này một cách qua loa, hình thức, không kỹ càng, tận tâm góp ý để giúp người có lỗi tiến bộ. Nhiều người do chủ quan, cố chấp và nhiều lý do tâm lý khác đã không mạnh dạn nhận lỗi, huống hồ là xin lỗi.
Lỗi về dân sự là các hành động đi ngược lại với quyền lợi, hạnh phúc của người khác, để lại những vết hằn tâm lý, nỗi khổ niềm đau trong họ. Tội là những hành động trái với luật pháp, ngược với lương tâm, dù có bị phát hiện hay chưa thì vẫn là đáng báo động về phương diện đạo đức. Chân thành nhận tội để xin hưởng khoan hồng là cơ hội để ta làm mới về nhân cách và đạo đức. Hành vi này giúp ta xây dựng một mối quan hệ xã hội rất công bằng, đứng đắn. Tất cả mọi người cùng có trách nhiệm giúp nhau trở nên tốt hơn. Mỗi khi thấy mình có điều gì đó bất toàn, hãy dũng cảm đề nghị người khác giúp ta vượt qua khó khăn của bản thân.
2. Học độ lượng và tha thứ
Độ lượng là một cách thể hiện tâm từ bi. Người biết tha thứ cho người khác là người cao thượng, vĩ đại, rộng lượng. Ta biết độ lượng thì người mắc sai lầm dễ mạnh dạn nhận lỗi và sửa sai.
Ở các nước phương Tây có văn hóa từ chức, một nét văn hóa rất đáng học hỏi, rất quý. Một người đương chức sau khi thấy hành động của mình mang lại hậu quả xấu cho xã hội thì quyết định rời khỏi vị trí đương nhiệm. Ở nước ta, văn hóa từ chức vẫn còn là cái gì đó rất lạ. Ở Nhật Bản, sau vụ động đất và sóng thần kép năm 2011, tổng giám đốc nhà máy điện hạt nhân đã đệ đơn xin từ chức. Năng lượng hạt nhân bị rò rỉ sau thiên tai dẫn đến cái chết của nhiều người. Mặc dù đây là nguyên nhân khách quan, nhưng vì trách nhiệm đạo đức mà vị giám đốc này vẫn quyết định rằng mình không xứng đáng tiếptục giữ chức nữa. Thủ tướng Nhật Bản đã tiếp nhận đơn từ chức của vị này vì đây là cách giúp lắng dịu bớt nỗi đau của người dân sau vụ thảm họa đáng buồn.
Đối với các tình huống như vừa nêu, người không rộng lượng và sẵn sàng thứ lỗi sẽ trở thành người có lỗi. Nếu chối từ đơn xin thôi việc của vị giám đốc, thủ tướng Nhật Bản sẽ vô tình làm cái việc xát muối vào vết thương, làm tê cóng nghị lực của người phạm lỗi và xóa bỏ cơ hội sửa sai của vị giám đốc này.
Có lẽ do ảnh hưởng từ đạo Phật mà nhân dân Việt Nam đã có những câu nói ứng xử rất hay như: “Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, tức là mở lòng từ bi, rộng lượng, nhân ái để tha thứ và bỏ qua. Bằng động tác này sự làm lành được có mặt, oán kết, gập ghềnh giữa cá nhân a với cá nhân b, tập thể a với tập thể b được kết thúc.
Trên nguyên tắc, các đổ vỡ của dân sự và xã hội giống như một cái lý bị vỡ. Dù có hàn gắn lại bằng các công cụ chuyên môn thì cái ly vỡ vẫn còn vết nứt rạn, không bao giờ trở lại như cũ được nữa. Quan hệ đổ vỡ của tình người thì không như vậy, khéo độ lượng và tha thứ thì tình thân, tình thâm lại nguyên vẹn và đằm thắm như ngày nào.
Hạnh phúc khổ đau không do vận mạng
Vậy ứng xử rộng lượng bằng cách nào? Theo đạo Phật, trước nhất chúng ta phải thấy rằng hễ là người phàm thì còn có rủi ro mắc lỗi về dân sự hay tội về luật pháp. Đó là chưa nói đến các hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, những cạm bẫy và cám dỗ về vật chất, những sức ép về mạng sống. Hiểu được thế thì ta sẽ dễ hành xử rộng lượng với tội lỗi của người khác. Mặc khác, với tư cách là một công dân trong xã hội, một người mắc lỗi vẫn phải chịu những hình phạt nặng hay nhẹ để giữ kỷ cương, trật tự trong cộng đồng. Ở các nước phương Tây có bồi thẩm đoàn, còn ở các nước xã hội chủ nghĩa có thẩm phán. Khi tội của một người nào đó được tuyên mà không có kháng cáo thì bị cáo đó được xem là tội phạm và theo phán quyết của tòa án (bồi thẩm đoàn), bị cáo sẽ phải chịu các khung hình phạt như bồi thường, ngồi tù hoặc cả hai. Chúng ta có rộng lòng từ bi đi nữa cũng không thể nào tự mình quyết định việc bỏ qua, ngoại trừ những người đứng đầu nhà nước như tổng thống, chủ tịch nước, thủ tướng, vua, hoàng hậu, nữ hoàng…, tùy theo thể chế chính trị mà việc ân xá đó thường được diễn ra vào những ngày quốc lễ như ngày độc lập, ngày Quốc khánh.
Chỉ có thể thứ lỗi về phương diện dân sự và xã hội. Đối với các hành vi phạm pháp, việc thứ lỗi được thể hiện ở sự không coi người phạm tội là kẻ thù, song người đó phải chịu trách nhiệm về việc đã làm và chịu hình phạt theo quyết định của tòa án. Khi đã nếm trải qua các vị đắng của cuộc đời, người ta mới có thể thay đổi nhân cách. Sự thứ lỗi quá dễ dãi thường không tạo ra những “cú huých” cho người đã phạm sai lầm hối lỗi và hoàn lương.
Cha mẹ tin vào những lời hứa hão của những đứa con nghiện ma túy, vợ quá dễ dãi tin vào những hứa hẹn của những ông chồng nghiện cờ bạc là làm hỏng con, hỏng chồng. Tha thứ trên nền tảng độ lượng phải có sự dẫn dắt của trí tuệ để người xin lỗi không làm dối, không lợi dụng và người cao thượng thứ lỗi không rơi vào tình trạng tha lỗi sai. Bằng nhận thức đó, việc phát triển lòng từ bi trên nền tảng độ lượng và tha thứ làm cho chúng ta dễ gần gũi hơn và các mối quan hệ xã hội của chúng ta trở nên hài hòa, hạnh phúc hơn.
3. Học thấu hiểu và thông cảm
Thông cảm là một biểu hiện của sự hiểu biết do thấy được những nguyên nhân tâm lý, nguyên nhân gia đình, nguyên nhân xã hội đã đưa đến tội lỗi. Thay vì ghét bỏ, thù hận, xung đột, loại trừ, người tu học Phật tự đặt mình vào tình huống của người có lỗi để thấu hiểu tâm can của người đó. Từ đó ta mới trải nghiệm được những cảm thông sâu sắc đối với người đã trót sa ngã.
Trong đạo Phật Đại thừa, tên Bồ tát Avalokitesvara được ngài Huyền Trang dịch là Quán Tự Tại, trong khi ngài Cưu Ma La Thập dịch là Quán Thế Âm.
Quán Tự Tại là rũ bỏ mọi chấp trước, đối diện trước nỗi khổ niềm đau và lắng nghe những lời đề nghị được giúp đỡ của người đang gặp vướng mắc.
Quán Thế Âm là cách dịch sát nghĩa hơn, bộc lộ được bản chất của sự thấu hiểu và thông cảm tốt hơn.Quán Thế Âm nghĩa là quán sát âm thanh khổ đau của cuộc đời, ở đây là tiếng kêu cứu của những con người cụ thể. Họ có thể là những người phạm pháp, những kẻ tội lỗi, bất hạnh, gặp tai ương trongđời, những người thiếu trí tuệ… gặp phải ách nạn thì kêu cứu. Đồng cảm lắng nghe những nỗi lòng thương tâm đó, chúng ta phát huy được hai năng lực là từ và bi. Bi là thông cảm với nỗi khổ niềm đau của tha nhân. Từ là nỗ lực chữa lành vết thương và mang lại hạnh phúc cho người khác. Phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ đều có tâm bi. Nhưng tâm từ bao giờ cũng được phát sinh từ trí tuệ.
Cả hai dịch ngữ Quán Tự Tại và Quán Thế Âm đều liên hệ ít nhiều sự chú tâm, nhìn sâu để hiểu thấu đáo ngọn nguồn và cảm thông với người đang khổ đau. Nhờ có hiểu và thông cảm thấu đáo, ta không quay lưng với các bất hạnh mà người khác đang vướng kẹt.
Những đổ vỡ hạnh phúc gia đình, những gập ghềnh trong các quan hệ xã hội phần lớn đều do chúng ta cố tình không hiểu hoặc hiểu sai. Chúng ta không thông cảm, không nhân nhượng, không lắng nghe. Như thế, ta sẽ làm cho mọi việc xấu đi thêm.
Hồi tháng 7 và tháng 8 năm 2014, Phật giáo Việt Nam phải chịu một cơn lốc ào ạt từ một số phương tiện truyền thông qua vụ bảo mẫu Trang ở chùa Bồ Đề lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của nhà chùa đã buôn bán trẻ em. Khi sự việc xảy ra trong khuôn viên của chùa Bồ Đề, người ta đã khó thông ảm với Ni sư Đàm Lan, trụ trì ngôi chùa. Một số nhà báo còn cố tình dùng cụm từ “vụ mua bán ở chùa Bồ Đề”, trong khi sự thật đúng sai phải được phán quyết bởi tòa án. Các nhà báo đó ít khi dùng từ “bị cáo” hay “cáo buộc”, họ hay gọi thẳng là “tội phạm”. Nói khác đi, họ tự cho mình chức năng định tội. Buôn người là một trong những tội danh tầm quốc tế. Đức Phật liệt nó vào những nghề xấu nhất cần phải xa lánh. Buôn bán trẻ em lại càng đáng lên án nhưng không vì thế mà ta bừa bãi trong sử dụng ngôn từ, xuyên tạc sự thật. Thay vì miêu tả chính xác “vụ bảo mẫu Trang buôn bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề” thì một số nhà báo thiếu đạo đức nghề nghiệp lại viết “chùa Bồ Đề bán trẻ em”.
Ngày 22/08/2014 nếu ta gõ vào Google cụm từ “chùa Bồ Đề bán trẻ em”, sẽ có khoảng trên hai triệu người truy cập. Điều này cho thấy có một sự ngộ nhận quá lớn, cơn bão tố này đã quét trụi các hoạt động từ thiện của chùa Bồ Đề trong suốt mấy chục năm qua và khiến cho rất nhiều người thui chột lòng từ bi, mất niềm tin đối với các cơ sở từ thiện nói chung và từ thiện Phật giáo nói riêng. Đó là những ác ý cần được lên án. Đó cũng là thiếu đạo đức trong truyền thông. Các nhà báo này chẳng những không thấu hiểu và thông cảm về tệ nạn mà còn lợi dụng vào sức bật của truyền thông để giết chết lòng từ bi của nhà chùa.
Vì thế thông cảm là một ứng dụng của lòng từ bi. Ta hiểu rõ tại sao trong hoàn cảnh đó, người ta đã làm những việc lẽ ra không nên làm. Có thông cảm chúng ta mới có thể cùng dắt dìu nhau vượt qua những khó khăn.
Ở đây phải thấy rất rõ không chỉ các cháu nằm trong danh sách bị buôn bán ở chùa Bồ Đề là nạn nhân. Ni sư Đàm Lan trụ trì chùa Bồ Đề, các tăng ni Phật giáo làm công việc từ thiện trên toàn quốc đều là nạn nhân của việc truyền thông thiếu chính xác do sử dụng ngôn ngữ sai lệch một cách cố ý. Trong vụ việc này, những nhà báo cố tình xuyên tạc bản chất sự thật thật ra cũng làm một việc tệ không kém hành động bán trẻ em ở chùa Bồ Đề vì họ bán đứng lương tâm, họ chụp mũ, quy kết sai mà lẽ ra công việc đó phải để tòa án phán quyết.
Đương nhiên nhà chùa cũng phải có trách nhiệm trực tiếp và chính yếu trong vụ buôn bán, mặc dù nhà chùa cũng là nạn nhân. Trách nhiệm còn thuộc về các cơ quan chức năng như Sở lao động và thương binh Hà Nội, Phòng lao động và thương binh huyện Long Biên, phường sở tại, các lãnh đạo các cấp của phường và huyện nơi chùa Bồ Đề trực thuộc. Không thể đổ lỗi đơn thuần cho ni sư trụ trì, mặc dù ni sư là người trực tiếp phải chịu trách nhiệm khi có sự việc gì xảy ra ngoài tầm kiểm soát của luật pháp.
Người có tâm cảm thông sẽ tránh được những quy kết sai, những gán ghép tội trái với lương tâm. Nhờ đó, chúng ta mới góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh và tốt đẹp.
4. Học hài hòa và đoàn kết
Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc gắn kết với người khác. Điều này do tính cố chấp, tự ái quá cao, hoặc cũng có thể ngược lại, do mặc cảm tự ti. Khi cố tình không tìm ra tiếng nói chung thì người ta dễ xung đột, mà xung đột nào cũng dẫn đến kết thúc là loại trừ nhau. Dù muốn hay không, kết quả đó vẫn diễn ra như một quy luật tất yếu.
Các đảng phái chính trị khó có thể hài hòa và đoàn kết nhau vì họ đại diện cho một ý thức hệ hay một lý tưởng và khuynh hướng quản trị đất nước. Các tôn giáo trong lịch sử như Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo đã từng có những cuộc thánh chiến.
Đạo Phật dạy chúng ta hài hòa về nhận thức, hài hòa trong ngôn ngữ, trong việc sống chung, trong việc đảm nhận các trách nhiệm, trong việc chia sẻ các quyền lợi thỏa đáng.
Ta thử quan sát một vườn hoa. Có biết bao loại hoa với sắc màu, hình dáng, mùi thơm khác nhau. Nếu biết cách nhìn tích cực, ta sẽ thấy màu vàng của hoa cúc làm nổi bật màu tím của thược dược. Màu trắng của hoa huệ tôn thêm vẻ đẹp của bông hồng đỏ. Như vậy, sự dị biệt làm cho các khác biệt trở nên nổi bật và phong phú hơn. Nhận thức này giúp cho ta bỏ được thái độ độc tôn, độc tồn. Thói độc tôn, độc tồn thường dẫn đến nhu cầu lợi ích nhóm. Ta nghĩ rằng chỉ có những người cùng quan điểm, khuynh hướng mới có thể nối kết với nhau. Đó là lý thuyết. Thực tế, nếu ta biết tương nhượng các quyền lợi, nếu ta biết cộng tồn để cùng phát triển thì hạnh phúc sẽlà một kết quả hiển nhiên. Theo tinh thần Phật dạy qua học thuyết duyên khởi, thái độ và khuynh hướng sống hài hòa được xem là sự chọn lựa tốt nhất.
Trong các tăng đoàn, tăng đoàn Làng Mai dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Nhất Hạnh điển hình về tình huynh đệ, tức là các vị đồng tu thương kính nhau, nâng đỡ, dìu dắt nhau, không xảy ra các tranh chấp quyền lợi. Một phần là do cách tổ chức rất đặc biệt của làng Mai, khi vị trụ trì không phải là người quyết định. Ban Giáo thọ là những người có trách nhiệm giáo dục trong các khóa tu và các vị đủ giới lạp tỳ kheo có thể tham gia biểu quyết, đúng theo tinh thần của đức Phật thời Ngài còn tại thế. Lấy ý kiến tập thể làm ý kiến chung là việc làm rất thông minh, vì thế mọi người dễ đồng thuận và chấp nhận làm theo.
Người đứng đầu một tổ chức, dù là chính phủ, tôn giáo, xã hội hay dân sự mà không có được tâm lý hài hòa, lời nói, hành động, ứng xử hài hòa thì nhân viên cũng như đối tác khó tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột do dị biệt. Nghiệp trong thuật ngữ tiếng Sanskrit là Karma, hiểu theo nghĩa gốc là các hành động đơn lẻ của con người. Hành động riêng thì thường mang tính khác biệt. Vì vậy sau này khi các hành động đó được phân loại thành hành động cùng tính chất và khác tính chất thì chúng ta có những khái niệm mới. Đó là nghiệp tập thể để đánh dấu sự khác biệt và là tập hợp của những nghiệp cá nhân. Nghiệp tập thể bao gồm nghiệp gia đình, nghiệp làng xã, nghiệp cộng đồng, nghiệp vùng miền, nghiệp quốc gia, nghiệp liên minh.
Thấy được nghiệp chung và nghiệp riêng, chúng ta dễ thông cảm và chấp nhận ranh giới của sự tương nhượng giữa mình và người khác, giữa tổ chức này với tổ chức khác. Tôn trọng ranh giới tương nhượng đó, ta giữ được tố chất hài hòa và không làm cho những dị biệt trở thành các trở ngại trong tương quan xã hội.
Trên thương trường, các công ty lớn thường muốn thôn tính, “nuốt gọn” các công ty nhỏ. Nhưng nếu sống bằng tâm hài hòa, ta sẽ chú tâm vào việc đầu tư và phát triển, hoàn thiện bản thânchứ không bận tâm vào việc loại trừ người khác. Phải thấy rằng doanh nghiệp nào cũng làm một công việc chung là phục vụ khác hàng. Công ty nào khéo tổ chức dịch vụ, có giá cả hợp lý, sản phẩm tốt thì tự nhiên sẽ có khách hàng, hữu xạ tự nhiên hương là vậy.
Hài hòa và đoàn kết không phải là điều quá khó để thực hiện. Chỉ cần ta có tấm lòng và quyết tâm. Nếu biết chấp nhận các dị biệt, biết tán dương và tùy hỉ với thành công của người khác thì ta thoát ra khỏi xung đột, loại trừ, thôn tính do các mâu thuẫn mà ra.
5. Học kiên trì và nhẫn nại
Một trong sáu Ba la mật được đức Phật giảng dạy cho các đệ tử của Ngài là giữ tâm kiên trì, nhẫn nại trước nghịch cảnh, khó khăn.
Rất tiếc, người Trung Quốc đã dịch ra thành một từ có nghĩa quá hẹp là “nhẫn nhục”. Nhẫn nhục chỉ là một nội hàm nhỏ của nhẫn nại. Trong kinh Trung bộ và một số bài kinh Pali khác, đức Phật mô tả nhẫn nại bao gồm nhẫn nại thời tiết khí hậu bốn mùa, nhẫn nại các khó khăn của hoàn cảnh như chiến tranh, thay đổi chính thể, các luật lệ hà khắc không phục vụ cho quyền lợi của dân tộc và phát triển của mọi thành phần.
Nhẫn nại còn là những chịu đựng tích cực để lên dây cót tinh thần cho chúng ta không bỏ cuộc giữa chừng, thiếu trách nhiệm và trốn tránh những rắc rối mà lẽ ra nếu kiên trì theo đuổi thì ta sẽ nhận diện được và vượt qua. Nhẫn nại còn là sự chịu đựng đi theo cái thiện và phải chấp nhận những nghịch cảnh diễn ra với những người làm thiện để từ đó chúng ta có cơ hội mang lại công bằng xã hội, những giá trị lợi ích lớn cho tha nhân.
Thiếu tính nhẫn nại thì chỉ cần gặp một vài trở ngại nhỏ là ta đã thui chột lòng hảo tâm của mình. Có không ít người tâm thiện nhưng chưa được trí tuệ soi sáng. Vì thế khi họ bị một vài người xấu lợi dụng thì ngọn lửa từ bi trong họ có thể bị tắt ngấm ngay. Họ bị ám ảnh, hoài nghi và không muốn dấn thân làm việc thiện nữa.
Đọc những bình luận trên hàng trăm bài báo online viết về vụ bảo mẫu Trang buôn bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề, ta sẽ thấy nhiều người nóng vội, không kiên trì chờ đợi phán quyết của tòa án mà cứ phê phán, chửi bới, tấn công ni sư trụ trì, chùa Bồ Đề, Phật giáo. Có nhiều người đã bày tỏ sự chán chường và thề thốt trên mạng rằng từ nay về sau sẽ không làm từ thiện nữa.
Đừng quên câu ngạn ngữ “nhà dột có nơi, mía sâu có mắt” để không quy nạp tùy tiện, không quơ đũa cả nắm. Một sự kiện cá biệt xảy ra tại chùa Bồ Đề không thể được mang ra để quy kết cho toàn bộ các chùa ở Việt Nam.
Nhờ công nghệ thông tin và các công cụ hiện đại như iPad, iPhone, điện thoại thông minh, chúng ta có thể cập nhập thông tin rất nhanh. Mặt khác nếu không khéo léo thì hàng ngày chúng ta sẽ phải hấp thụ một lượng thông tin xấu quá nhiều. Cứ vào những trang web online lớn thì có thể thấy, tin xấu xuất hiện nổi trội hơn tin tốt. Các phóng viên, nhà báo của các trang mạng điện tử thường dùng tin xấu để câu khách, giật tít càng “nóng” càng tốt. Truyền thông theo cách đó gieo rắc rất nhiều các hạt giống khổ đau ở người đọc, người xem, người tiêu thụ. Coi chừng vì hấp thu quá nhiều các hạt giống xấu, đến một lúc nào đó do mất tự chủ các hạt giống đó sẽ nảy mầm thành những hành động tiêu cực.
Ta cần biết nhẫn nại để thận trọng phân tích đúng sai. Chỗ nào xấu, chỗ đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không vì một chỗ xấu mà ta đánh mất niềm tin với những chỗ tốt. Hai năm trở lại đây, truyền thông Việt Nam đã lợi dụng những sự kiện như vậy để tấn công Phật giáo. Khi làm Phật sự, làm từ thiện hay khi phụng sự nói chung, ta phải có bản lĩnh để không bỏ cuộc nửa chừng.
Người mới bắt đầu con đường tu học trong chùa thường được dạy cách thực tập vượt qua cái tôi bằng cách phải làm những việc vặt vãnh, buộc học những nghi thức, thi kệ, luật ni, các lời kinh. Rất nhiều tu sĩ “trượt vỏ chuối” ngay trong chặng này. Muốn thành công thì ta phải kiên trì hơn những người bình thường.
6. Học buông bỏ và thong dong
Buông bỏ trong Phật giáo không phải là buông trách nhiệm mà là buông nỗi khổ niềm đau, buông quá khứ bất hạnh, buông những thứ mà chúng ta không cần ghi giữ trong tâm. Thử hình dung, một người đang đeo ba lô nặng trĩu vai, chỉ cần bỏ ba lô xuống thì sẽ thấy nhẹ nhàng, thảnh thơi biết bao nhiêu!
Rất tiếc, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra được cái gì cần buông bỏ và cái gì cần giữ lại. Người có tâm hoài cổ, có ký ức dai dẳng thường mang theo nỗi khổ niềm đau theo mình thật lâu. Hãy khép nỗi khổ niềm đau ở nơi nó xuất phát. Hãy khép công việc ở nơi nó có mặt. Giờ nào việc đó, không gian nào việc đó, tuổi nào việc đó. Nếu biết cách thực tập chánh niệm hiện tiền thì bộ não chúng ta không bị chịu tải vì những vọng tưởng miên man. Người biết buông bỏ luôn an lạc, tự tại, ngủ không mộng mị.
Buông bỏ khổ đau khác với buông trách nhiệm. Buông trách nhiệm là thiếu trách nhiệm, tức là không màng gì đến người khác, ai chết mặc ai, bản thân mình sống hạnh phúc là được rồi. Đó là sự chai sạn lòng từ bi đối với tha nhân, không phải là buông bỏ.
Ví dụ, một số Phật tử mải đi hộ niệm vãng sinh mà bỏ bê công việc, trách nhiệm gia đình, khiến người thân bắt đầu hoài nghi và có những ý nghĩ tiêu cực về Phật giáo.
Tu học Phật đúng nghĩa phải là những người phụng sự chúng sinh, năng động, tích cực, lạc quan, yêu đời, tinh tấn ba la mật.
Thong dong là trạng thái không bị câu thúc bởi nỗi khổ niềm đau, luôn tự tại, thư thái, thoải mái, thảnh thơi. Người tu phải trải nghiệm được sự thong dong này. Được sống trong một môi trường tâm linh tốt, có tùng lâm (tức bóng cây cổ thụ), không gian lớn, chùa to, kiến trúc và trang trí mỹ thuật đẹp thì con người dễ hướng về chánh đạo.
Về phương diện này, các Phật tử không nên cực đoan chỉ trích tại sao phải chùa to Phật lớn. Thực tế chùa Việt Nam không to, Phật Việt Nam không lớn. Chùa Việt Nam không bằng 1/10, 1/50 các nhà thờ ở phương Tây. Phật Việt Nam không bằng 1/10, 1/50 Phật ở các nước trong khu vực. Do cái nghèo, do khiêm tốn mà chùa và Phật Việt Nam rất nhỏ. Ta cứ hình dung mỗi chùa hàng năm ít nhất có bốn lần tổ chức lễ quy y. Chùa Giác Ngộ chỉ có 750 m2, mỗi lần quy y được 400 người, một năm 1.000 đến 1.600 người. Chánh điện của chùa có rộng khoảng bốn ngàn mét vuông đi nữa cũng không thể nào đủ chỗ dung chứa hết tất cả các Phật tử quy y của chùa trong vòng hai mươi năm. Như vậy, thế nào gọi là to?
Chùa Pháp Thân (Dhammakaya) ở Thái Lan cách Bangkok khoảng vài chục cây số có hội trường lớn nhất toàn cầu với sức chứa là một triệu chỗ ngồi. Đến những ngày lễ lớn, khoảng hai triệu đến bốn triệu Phật tử có mặt, hội trường đó vẫn không đủ sức phục vụ. Vì thế đừng bận tâm đến vấn đề to hay nhỏ mà nên bận tâm đến chức năng sử dụng. Vì cố chấp vào hình thức mà rất nhiều Phật tử không nỗ lực giúp các tu sĩ xây dựng những trung tâm lớn. Kết quả là Việt Nam là nước có các trung tâm và các chùa Phật giáo nhỏ nhất trên toàn cầu. Đó là một thiệt thòi cho Phật tử tại gia.
Thong dong là rũ bỏ các chấp trước. Chấp về hình thức, chấp về quá khứ, tương lai, chấp vào sắc, thanh, hương,vị, xúc, pháp, chấp vào nỗi khổ niềm đau đều là những “cản trở vật” khiến chúng ta đánh mất an lạc, hạnh phúc. Phải tập buông bỏ để có được sự thong dong trong tâm. Người biết buông làm nhiều việc mà không thấy mệt mỏi. Ngược lại người chưa học cách thoát ra khỏi chấp trước, bám dính thì có khi làm một việc cũng thấy nặng như núi, căng thẳng, vất vả. Những người như thế không thể làm đại sự được. Người thong dong, nói theo ngôn ngữ hiện đại, là người đa năng, làm nhiều việc cùng lúc mà vẫn có kết quả toàn mãn.
Thực tập sự thong dong và buông bỏ những điều không cần thiết, chúng ta sẽ thành công trong kinh doanh, trong quản trị, trong tu tập để đạt được hạnh phúc.
7. Học Phật pháp để vượt khổ đau
Sáu điều học đầu như học nhận lỗi xin lỗi, học độ lượng tha thứ, học thấu hiểu cảm thông, học hài hòa đoàn kết, học kiên trì nhẫn nại, học buông bỏ thong dong là những ứng dụng của học Phật trong đời sống thực tiễn. Tất cả những triết lý trên đây là của nhà Phật, trong khi nhiều người ngộ nhận rằng chỉ trong các cuốn sách học làm người mới viết về những điều này. Trong kho tàng giàu có của kinh Phật có đủ cả. Chẳng qua chúng ta chỉ biết tới kinh Phật qua vài bài kinh tín ngưỡng như kinh Di Đà, kinh Vu Lan, kinh Báo ơn cha mẹ, kinh Phổ Môn, kinh Dược Sư, các nghi thức sám pháp như Sám pháp hồng danh, Sám pháp sáu căn, Lương Hoàng sám, Từ bi thủy sám... Vì không chịu nghiên cứu kinh điển Phật giáo, ta không học được những bài học rất thực tế, gần gũi mà đức Phật chỉ bày.