Chùa Việt

Bí ẩn ngôi chùa không sư trụ trì tại làng hiếu học ở Nam Định

Thứ năm, 29/10/2023 10:45

Làng Hành Thiện nổi tiếng hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao. Nhưng nơi đây còn có một ngôi chùa bí ẩn không có sư trụ trì và không có người tu hành.

Ngôi chùa "kỵ sư"

Từ TP Nam Định, xuôi theo quốc lộ 21 khoảng 30km là về tới trung tâm huyện lỵ Xuân Trường, đi thêm 7km sẽ về đến làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Hành Thiện nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ, tiếp giáp với huyện Vũ Thư (Thái Bình) và huyện Trực Ninh (Nam Định) vốn nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Nơi đây còn gây tò mò cho khách phương xa bởi ngôi chùa Thần Quang (hay còn gọi là chùa Keo Hành Thiện) không có sư trụ trì, không có người tu hành.

Trước cổng chùa, hai cây đa cổ thụ ngót bốn trăm tuổi soi bóng xuống mặt hồ, hai dãy hành lang gồm bốn mươi gian gỗ lim, mái ngói vảy cá chạy dọc, sân chùa lát gạch nghiêng, viên nào viên nấy cũng rắn đanh một màu lửa nung già dặn.

Chùa Thần Quang không có sư trụ trì, mọi việc trông coi, phụng sự tại chùa do các thủ từ đảm nhận.

Chùa Thần Quang không có sư trụ trì, mọi việc trông coi, phụng sự tại chùa do các thủ từ đảm nhận.

Tham quan ngôi chùa cổ, ông Đặng Ngọc Kỳ, Phó trưởng Ban Quản lý di tích chùa Keo Hành Thiện cho hay, do không có sư nên dân làng bầu các thủ từ, các thủ từ thay phiên nhau cả ngày lẫn đêm để trông nom, chăm sóc chùa, hướng dẫn việc khách vào lễ chùa.

Theo ông Kỳ, dấu tích đầu tiên của chùa Keo là ở làng Dũng Nhân (còn gọi là làng Keo, ở huyện Giao Thủy, Nam Định). Năm 1061, Thiền sư Không Lộ (một vị quan văn võ song toàn từ thời Lý, có tài bốc thuốc, chữa bệnh) dựng chùa Nghiêm Quang ven sông Hồng. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa; đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa.

Dân làng Keo phải rời bỏ quê cha đất tổ, một nửa vượt sông đến định cư ở phía Đông Bắc tả ngạn sông Hồng (về sau dựng nên chùa Keo Thái Bình); một phần xuống vùng Xuân Trường, dựng chùa Keo Hành Thiện (Thần Quang).

Theo truyền tụng, khi Thiền sư Không Lộ dựng nên chùa Thần Quang, dân làng nơi đây không mấy mặn mà với khói nhang, tượng Phật, khiến Đức Thánh tổ giận dữ. Trong một đêm, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, rồi đưa tất cả tượng Phật vào đó. Ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình, mang theo tất cả tượng Phật về nơi đất mới. Để rồi sau một đêm, khi dân làng Duy Nhất (huyện Vũ Thư, Thái Bình) tỉnh giấc đã thấy ngôi chùa sừng sững mọc lên. Đức Thánh tổ rời bỏ chùa cũ với lời nguyền: sẽ không có sư nào đến ở đất Hành Thiện. Cũng từ đó, đất Thần Quang "có tiếng" là đất kỵ sư.

Theo các bậc cao niên trong làng Hành Thiện, nhiều lần, các vị sư theo sự phân công của Giáo hội Phật giáo về trông coi chùa Thần Quang, được dăm ba ngày chẳng hiểu vì lý do gì cũng đều khăn gói ra đi.

Cụ Nguyễn Quang Chẩn (79 tuổi, trú xóm chùa Hành Thiện, xã Xuân Hồng) cho biết, từ xưa đến nay, mọi việc trông nom, phụng sự chùa Phật tại chùa Thần Quang đều do người dân làng Hành Thiện đảm nhiệm. Riêng thủ từ phải theo kiểu "cha truyền, con nối". Đời cha truyền đời con, đời sau kế thừa đời trước.

"Trước đây, thủ từ được truyền từ đời ông sang đời bố, bố truyền lại cho con, con truyền lại cho cháu cũng khoảng bảy, tám đời. Tuy nhiên, nay đã có sự thay đổi, mỗi năm có tới 30 ông thủ từ thay phiên nhau, mỗi thủ từ duy trì 15 ngày", cụ Chẩn cho biết.

Tại ngôi chùa, hiện còn tượng của Thiền sư Không Lộ. Theo tích kể, Thiền sư Không Lộ vốn họ Dương, sinh ra trong một gia đình ngư phủ, xuất gia theo Thiền sư Lôi Hà Trạch. Tương truyền, khi ngài đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước, có tài thuần phục được rắn, hổ.

"Truyền thuyết còn kể, trước khi viên tịch, ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung chùa Thần Quang, quanh năm khóa kín cửa, cứ sau 12 năm, một chủ lễ và 4 viên chấp sự được cử ra để làm lễ trang hoàng tượng thánh.

Những người được cắt cử làm nghi lễ tôn nghiêm này phải ăn chay, mặc quần áo mới, sau khi rước thánh tượng từ cấm cung ra mới dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm gội và tô son lại cho tượng thánh. Họ buộc phải giữ bí mật những điều đã thấy khi trang hoàng", ông Kỳ cho biết.

Làng hiếu học

Làng Hành Thiện xưa nay vốn nổi tiếng về truyền thống hiếu học, là mảnh đất "địa linh nhân kiệt", quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử.

Làng Hành Thiện được bao quanh bởi hai nhánh của một con sông. Nhìn từ trên cao, hai nhánh sông như những đường viền ngăn cách ngôi làng với vùng đất bên cạnh. Trên bản đồ, làng Hành Thiện xuất hiện rõ nét với hình ảnh của một chú cá chép khổng lồ, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc.

Làng được chia thành 14 xóm, tương đương với 14 khúc trên mình con cá chép, mỗi xóm cách nhau đúng 60m. Những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt Cá. Ở chính giữa đầu cá có chữ Miếu, chính là miếu thờ thần dựng làng, xuống dưới một chút là chữ Thị, là khu chợ, nơi tụ họp đông đúc.

Ông Đặng Ngọc Kỳ, Phó trưởng Ban Quản lý di tích chùa Hành Thiện trao đổi với phóng viên.

Ông Đặng Ngọc Kỳ, Phó trưởng Ban Quản lý di tích chùa Hành Thiện trao đổi với phóng viên.

Ngày nay về cơ bản làng vẫn giữ nguyên hình dạng như thuở sơ khai, có chăng chỉ thay đổi về kiến trúc. Những dãy nhà thẳng tắp, đường khang trang, sạch sẽ, hai bên bờ sông là hàng liễu xanh mát mắt uốn lượn bao bọc lấy ngôi làng.

Thầy Nguyễn Đăng Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Năng khiếu huyện Xuân Trường, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học - khuyến tài làng Hành Thiện cho biết, tháng 8 hàng năm, chi hội đều tổ chức lễ khen thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế để động viên các học sinh, sinh viên phấn đấu trong học tập.

Cụ Chẩn cho biết thêm, chỉ có điều lạ là mảnh đất này không có những đại gia làm kinh tế nổi danh, cho dù người làm thầy giáo, thầy thuốc, tướng lĩnh quân đội, nhà khoa học... thì rất nhiều.

"Ở làng Hành Thiện, mọi người thường răn dạy con cháu học để làm người, để làm thầy dạy chữ thánh hiền, làm thầy thuốc cứu nhân độ thế, chứ không chỉ học để làm quan. Mà đã làm quan thì luôn được gia tộc giáo huấn cặn kẽ rằng một khi đã làm quan thì nhất định phải là quan thanh liêm", cụ Chẩn chia sẻ.  

Kỳ bí cây bồ đề trăm tuổi ôm kín ngôi mộ vị thiền sư ở chùa Vĩnh Phúc

loading...