Chùa Việt
Bí ẩn những kiệt tác bảo vật quốc gia: Siêu hương án ở chùa Bút Tháp
Chủ nhật, 20/02/2021 11:16
Dù trong chùa còn những chiếc hương án khác rất đẹp, hương án bảo vật quốc gia chùa Bút Tháp vẫn bỏ xa những tác phẩm còn lại.
Về hương án chùa Bút Tháp vừa được công nhận bảo vật quốc gia, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nói: “Chiếc hương án có rất nhiều đồ án rồng kết hợp với nhau, và mỗi hình tượng rồng lại có một vẻ đẹp riêng”.
Tại phần thân hương án phía trước có các ô hộc hình vuông được trang trí đồ án rồng cuộn, nằm trong lá đề, bên ngoài có mây lửa bao quanh. Cũng tại phần thân này còn có ô hộc hình chữ L được chạm khắc hình ảnh 2 con rồng nằm dọc, nằm ngang. Trên thân hương án cũng có những hình thân rồng đang vận động, bám vào thân cột. Ở những ô hộc hình chữ nhật còn lại là đồ án rồng vần vũ trong mây, mỗi con một vẻ. Dù thân ngắn, thân dài khác nhau, chúng đều có vảy, mây vờn và tia lửa phóng ra từ thân rồng. Phần thân hương án ở 2 cạnh và phía sau cũng có đồ án rồng cuộn lá đề, bên ngoài là mây lửa bao quanh và những góc cánh hoa.
Tại chân hương án, mỗi chân trụ có một hình rồng với đầy đủ đầu, thân, bàn chân trước của rồng. Rồng ở đây trong tư thế đang ngóc đầu, miệng ngậm ngọc báu, bờm và tia lửa khỏe khoắn, chân rồng có vảy và lộ ra các móng sắc nhọn. Các chi tiết đao lửa, mây cuốn nối từ đầu và thân rồng lan tiếp tới cạnh mặt trước, sau và hai bên hồi hương án. Ở cạnh hồi này, có đồ án lưỡng long chầu mặt trời với hình rồng bay lượn rất phóng khoáng. Cùng lúc chân hương án còn có đồ án hổ phù. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc vừa có đồ án hổ phù lẫn lưỡng long chầu mặt trời là dạng thức đồ án kép, hay đồ án chồng đồ án. “Đồ án chồng đồ án vừa mang đến cảm giác về thẩm mỹ, vừa là sự kết hợp thần quyền và vương quyền”, PGS Tín nhận xét.
Mặt hương án cũng được tạo tác rất đặc biệt. Mặt là tấm gỗ liền để trơn và phủ sơn ta rồi đánh bóng. Việc phủ sơn này giúp bảo vệ bề mặt gỗ khỏi tác động khi đặt lễ, bày đồ thờ lên trên. Mặt ngoài cách gỗ này được chạm khắc những cánh sen ngửa xếp chồng, đan xen nhau. Phần dưới tiếp theo được bố cục giật cấp, thu lại dần từng cấp vào phía bên trong, được trang trí bằng cánh sen đơn và dây hoa. Tổng thể mặt hương án giống một đóa sen mãn khai. Đây cũng là một biểu tượng quan trọng và quen thuộc, gắn liền với tinh thần của Phật giáo.
Hồ sơ bảo vật quốc gia đánh giá nét độc đáo của hương án chùa Bút Tháp không chỉ nằm ở kích cỡ đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ, mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí, đặc biệt là các đồ án trang trí có hình tượng rồng. “Từ tần suất hình ảnh rồng xuất hiện dày đặc trên những hương án đan xen với các biểu tượng Phật giáo khác như cánh sen, quỷ la hầu cho thấy ý tưởng của nghệ nhân xưa nhằm biểu thị sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng vương quyền và thần quyền”, hồ sơ nêu rõ.
Tiêu biểu phong cách khắc gỗ thời Lê Trung hưng
Chùa Bút Tháp không chỉ có chiếc hương án vừa được công nhận bảo vật quốc gia mà còn có nhiều hương án khác. Trong đó tiêu biểu nhất là 3 hương án niên đại thế kỷ 17. Chúng được chạm khắc tỉ mỉ, bố cục chặt chẽ thống nhất, phủ kín hoa văn. Hiện 3 hương án này được đặt theo trục dọc từ tòa Tiền đường vào tới Thượng điện. Trong số này, hương án ở Thượng điện có kích thước lớn hơn cả, cũng nổi trội hơn về đồ án trang trí, nghệ thuật tạo tác. Do đó, chiếc hương án này đã được làm hồ sơ và công nhận bảo vật quốc gia.
Để trở thành bảo vật quốc gia, hương án chùa Bút Tháp phải là hiện vật gốc độc bản. Một điều may mắn là từ khi được tạo tác vào thế kỷ 17 đến nay, chiếc hương án này vẫn được sử dụng làm nơi đặt lễ phẩm, hương hoa cúng Phật ở chùa Bút Tháp và còn nguyên vẹn. Sự độc bản còn được thể hiện ở hình thức tạo tác. Tinh thần chung của tác phẩm là kết hợp giữa tinh thần Phật giáo (qua hình dáng tòa sen cách điệu) và biểu tượng vương quyền (qua đồ án rồng dày đặc). Hương án có kỹ thuật chạm tinh xảo, sinh động, thống nhất giữa 4 mặt với nhau, bố cục tinh tế, tạo cảm giác kết nối chuyển động của cả hệ thống đồ án.
Cũng theo hồ sơ bảo vật quốc gia, hương án chùa Bút Tháp là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách điêu khắc gỗ thời Lê Trung hưng. Có thể nhận ra phong cách này nhờ họa tiết đặc trưng là những hình đao lửa, mây lửa, mây mác sắc nhọn. Đây là những họa tiết “bản quyền” của nghệ thuật thời kỳ Lê Trung hưng. Cũng phải nói thêm, có thể gặp các tác phẩm điêu khắc cùng chủ đề ở các ngôi đình/chùa cùng thời; tuy nhiên đạt đến độ tinh xảo như hương án chùa Bút Tháp thì không dễ gặp. Nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán điều này do quá trình tạo tác hương án được sự giám sát chặt chẽ từ những người công đức trong hoàng cung. Trong số đó, có hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (con gái chúa Trịnh Tráng và cũng là vợ vua Lê Thần Tông).
Nguồn: Báo Thanh Niên