Kiến thức
Bí quyết của những doanh nhân hạnh phúc
Thứ ba, 01/04/2021 08:59
Vừa thành công trong nghề nghiệp, vừa có quyền thế ở đời, lại vừa sống an lạc và thảnh thơi là điều có thể làm được.
Lời Phật dạy về việc 'kinh doanh thành công'
Xét theo tiêu chuẩn thông thường thì Federick là một người quyền thế. Là giám đốc của một hãng lớn, kinh doanh thành công, ông rất hãnh diện về thành công của mình. Tuy nhiên ông không có thì giờ cho ông, cho vợ ông – Claudia – và cho hai con trai còn nhỏ. Federick rất say mê công việc, luôn muốn làm thật nhiều, làm thật hay, luôn nhắm vào tương lai. Vì mải mê lo lắng cho công ty nên khi đứa con nhỏ đem bức hình mình vừa mới vẽ đến khoe bố thì ông chẳng để ý. Ông không còn khả năng thấy rõ con trai mình là hiện thân mầu nhiệm của sự sống. Về nhà sau một ngày làm việc, ông hỏi thăm Claudia qua loa. Ông không thực sự có mặt. Từ khi ông thành đạt, Claudia và các con dần dần cảm thấy ông xa cách.
Ban đầu thì Claudia yểm trợ Federick hết lòng. Claudia hãnh diện được là vợ của Federick. Bà rất vui khi tổ chức những buổi chiêu đãi bạn bè chồng. Cũng như Federick, Claudia tin rằng nếu nghề nghiệp thăng tiến, lương tiền dồi dào, nhà cao cửa rộng thì hạnh phúc sẽ được bảo đảm. Bà lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn mà Federick gặp phải trong khi làm việc. Có khi hai vợ chồng thức tới khuya bàn thảo công việc. Họ chung sức chung lòng, nhưng mục tiêu của hai người không hướng về chính bản thân, về cuộc sống, hạnh phúc của chính họ hay của con cái; Federick và Claudia chỉ bàn thảo về những khó khăn, trở ngại trong hãng, về những lo sợ, phân vân của ông.
Claudia cố gắng hết lòng giúp chồng, nhưng rồi bà mệt mỏi, đuối sức vì Federick có quá nhiều bức xúc, bị công việc chi phối. Ông không có thì giờ cho chính mình, nói gì tới thời gian cho vợ con. Thật ra Federick cũng muốn gần gũi vợ con, nhưng ông tin rằng ông không có thì giờ! Mà đúng vậy, ông không có thì giờ để thở, để ngắm ánh trăng rằm hay để thưởng thức những bước chân của chính mình. Mặc dù trên danh nghĩa Federick là ông chủ, nhưng chính sự đam mê công việc của ông mới là “ông chủ”, nó chiếm cả một trăm phần trăm thì giờ và tâm trí của ông.
Cư sĩ Cấp Cô Độc: Người đã vẽ nên một bức tranh nhân đạo sinh động
Claudia cô đơn. Federick không thực sự “thấy” sự có mặt của bà. Bà chăm sóc nhà cửa, con cái, đi giúp các hội từ thiện hoặc thăm viếng bạn bè cho khuây khỏa. Rồi bà ghi tên học đại học và bắt đầu hành nghề tâm lý trị liệu. Cuộc sống từ đó có đôi phần ý nghĩa, nhưng Claudia vẫn cảm thấy lẻ loi, thiếu nâng đỡ. Hai đứa con nhớ bố và thắc mắc tại sao bố chúng cứ đi vắng hoài.
Khi đứa con đầu của họ – Philip, phải vào bệnh viện giải phẫu tim, Claudia một mình săn sóc Philip suốt bảy giờ đồng hồ vì Federick không thể rời công ty. Ngay cả khi chính Claudia phải vào bệnh viện giải phẫu u lành tính, Federick cũng không vào thăm được.
Vậy mà Federick vẫn nghĩ rằng làm việc cật lực như vậy là đúng, là tốt. Ông nghĩ rằng ông đang làm việc vì vợ con và vì nhân viên dưới quyền, những người đang trông cậy nơi ông. Ông thấy mình có trách nhiệm phải làm tròn bổn phận. Công việc làm ông tự mãn, ông nghĩ rằng mình đã đạt được một thành tích nào đó. Federick hãnh diện vì đã thành công, vì là người đưa ra được những quyết định quan trọng, vì làm ra nhiều tiền.
Claudia đã khóc nhiều lần và khuyên chồng nên buông bỏ bớt công việc đi để dành thì giờ cho gia đình và tận hưởng cuộc sống. Bà chia sẻ với chồng rằng bà cảm thấy ông bị công việc giam hãm. Mà thật vậy, gia đình họ sống trong một khu biệt thự sang trọng có khu vườn xinh xắn và bãi cỏ xanh mướt. Federick thích làm vườn nhưng ông không có thì giờ ở nhà để ra vườn. Khi vợ năn nỉ thì Federick nói rằng ông rất thích thú với công việc trong công ty, và nếu không có ông thì công việc không chạy. Nhiều lần Federick an ủi Claudia rằng chỉ vài năm nữa, khi về hưu, ông sẽ có vô khối thì giờ dành cho bà và các con.
Nhưng chưa kịp về hưu, Federick đã chết vì tai nạn xe hơi khi mới năm mươi mốt tuổi, bỏ lại người vợ xinh đẹp, dịu hiền, bỏ lại hai đứa con ngoan ngoãn, thông minh và một tài sản kếch xù. Trước đây ông từng nghĩ không ai có thể thay ông giải quyết công việc được, thế mà chỉ ba ngày sau khi ông từ trần, công ty đã tìm ra người thay thế.
Tôi gặp Claudia trong một khóa tu chánh niệm và được bà kể cho nghe câu chuyện của chồng bà. Mặc dù Federick và Claudia không thiếu gì danh vọng, thành công và tiền bạc, nhưng họ đâu có hạnh phúc. Vậy mà nhiều người trong chúng ta cứ tin rằng nếu không có quyền lực về tài chính hay chính trị thì không thể nào có hạnh phúc.
Chúng ta đã hy sinh hiện tại cho tương lai. Chúng ta không có khả năng sống sâu sắc từng giây, từng phút trong đời sống hằng ngày.
Chúng ta thường nghĩ rằng khi có quyền lực thì có thể sai bảo người khác, nếu nghề nghiệp thành công thì sẽ có nhiều tiền và muốn làm gì cũng được. Nhưng nhìn sâu ta sẽ thấy Federick không có tự do, không có khả năng sống vui, không có thì giờ cho những người thương. Công việc đã cuốn hút Federick. Federick không có thì giờ để thở sâu, để nở nụ cười, để ngắm trời xanh và tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống.
Vừa thành công trong nghề nghiệp, vừa có quyền thế ở đời, lại vừa sống an lạc và thảnh thơi là điều có thể làm được. Vào thời của Bụt có một thương gia đệ tử tên là Cấp Cô Độc (Anathapindika). Cấp Cô Độc là một thương gia rất giàu có. Ông là người nhiều quyền thế và cũng giàu lòng nhân ái. Ông luôn biết cảm thông hoàn cảnh của nhân viên, khách hàng và các bạn đồng nghiệp. Nhờ tấm lòng rộng rãi nên ông đã được nhân viên giúp đỡ rất nhiều lần khi công việc kinh doanh đi xuống. Có lần cửa hàng của ông bị hỏa hoạn, chính những nhân viên và láng giềng của ông đã hy sinh xông vào chữa cháy. Họ bảo vệ ông vì họ coi ông như một người anh, một người cha. Nhờ thế mà ông làm ăn phát đạt. Khi ông bị phá sản, ông không bị điêu đứng vì bạn bè đã đóng góp giúp đỡ để ông nhanh chóng gây dựng lại cơ nghiệp. Cấp Cô Độc đã có một chiều hướng tâm linh trong khi tiến hành công việc kinh doanh. Cấp Cô Độc đã lôi cuốn được vợ con vào nếp sống thực tập tâm linh và chăm sóc những người nghèo khổ. Ông quả là một vị Bồ Tát với tâm từ bi rộng lớn.
Cấp Cô Độc là một người hạnh phúc không phải vì giàu sang mà vì tình thương. Tình thương là động lực chính của đời ông, là sức mạnh đưa ông đi tới. Ông luôn dành thời gian và sự quan tâm cho vợ con và những người xung quanh. Ông thân cận quý thầy, quý sư cô và các đạo hữu để cùng học hỏi, tu tập nâng cao hiểu biết và thương yêu. Cấp Cô Độc có nghĩa là “người cung cấp, giúp đỡ những người nghèo khó và cô đơn.” Người ta tặng cho ông mỹ danh đó là vì trái tim ông chứa đầy từ bi. Ông biết thương yêu săn sóc mình, thương yêu săn sóc gia đình và đồng bào. Giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn là niềm hạnh phúc của ông, vì vậy ông có rất nhiều bạn tốt và được mọi người yêu mến.
Cấp Cô Độc đã đầu tư vào tình bạn, gia đình và những người xung quanh, cho nên ông có thì giờ để trân quý và chăm sóc những người ông thương. Ông rất hoan hỷ khi phụng sự Bụt và tăng thân. Mắt ông sáng lên khi nghe nói tới tăng thân. Mắt ông cũng sáng lên khi nghe nói tới những người nghèo khổ, hay tới những đứa con của mình.
Theo tôi, điều mà phần đông chúng ta gọi là mục tiêu tối hậu chính là tình thương. Nếu chúng ta chỉ biết ham danh, ham quyền thì chúng ta không thể có hạnh phúc như Cấp Cô Độc. Cấp Cô Độc vì lòng thương mà kinh doanh, tình thương là nền tảng. Chính vì thế mà ông sống rất hạnh phúc.
Lắm khi vì thương vợ, thương con, vì muốn giúp cộng đồng mà chúng ta dấn thân vào công việc kinh doanh. Ý định ban đầu rất tốt, nhưng dần dần chúng ta đánh mất hết thì giờ vì phải đeo đuổi thành công. Vì say mê quyền lực và danh vọng mà ta không còn chú ý tới gia đình, bà con, bạn bè. Cũng từ đó chúng ta bắt đầu mất dần hạnh phúc. Bí quyết để duy trì hạnh phúc là nuôi dưỡng tình thương mỗi ngày. Đừng để cho lòng tham quyền, tham danh thay thế tình thương. Mới đầu thì Federick cũng thương vợ, thương con. Ông đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với tình thương đó. Nhưng rồi Federick đã tự phản bội lại mình vì ông đã đặt ham muốn thành công lên trên nhu cầu hạnh phúc. Nếu bạn tự xét lại và thấy rằng bạn đang mong muốn được thành công hơn là mưu cầu hạnh phúc thì bạn phải biết rằng bạn đang đi theo vết xe của Federick.
CEO tại Thung lung Silicon tiết lộ bí kíp thiền định để thoát khỏi trầm cảm, tăng hiệu quả công việc
Quan niệm về quyền lực trong đạo Bụt khác hơn. Người Phật tử cũng nghĩ đến quyền lực, nhưng là một thứ quyền lực mang lại hạnh phúc chứ không gây đau khổ.
Thói thường thì ai cũng chạy theo tiền bạc và quyền lực chính trị. Rất nhiều người tin rằng nếu có được những thứ quyền lực đó thì có thể làm được rất nhiều chuyện và sẽ được hạnh phúc. Nhưng nếu nhìn sâu, ta sẽ thấy rằng những người đang theo đuổi quyền lực chính là những người rất đau khổ, đau khổ trước hết là vì phải tranh đua, bởi vì có biết bao nhiêu người đang đeo đuổi cùng một quyền lực như họ. Ta tin rằng quyền lực mà ta đang theo đuổi là hiếm hoi, khó đạt tới và chỉ có thể có được bằng cách loại trừ những người khác. Tuy nhiên, ngay cả khi có quyền lực rồi, ta lại cảm thấy quyền lực đó vẫn chưa đủ. Tôi đã gặp nhiều người giàu có, quyền thế và danh tiếng nhưng lại không mấy khi được hạnh phúc, thậm chí có người đã phải tự tử. Cho nên tiền bạc, danh vọng và quyền lực có thể đem lại một phần nào hạnh phúc nhưng không thể bảo đảm hạnh phúc hoàn toàn nếu thiếu yếu tố tình thương.
Ai có quyền lực bằng Tổng thống Mỹ? Tổng thống George W. Bush là tổng tư lệnh của một lực lượng quân sự hùng mạnh bậc nhất, là vị lãnh đạo của một quốc gia giàu có nhất thế giới. Không mấy ai nhiều quyền lực như ông. Nhưng không có nghĩa Tổng thống là một người hạnh phúc. Tôi tin rằng mặc dù với bao nhiêu cái-gọi-là quyền lực trong tay, Tổng thống Bush vẫn cảm thấy bất lực và đau khổ vô cùng. Ông ta đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”: Tiếp tục hay chấm dứt cuộc chiến ở Iraq? Tiếp tục cũng khó mà rút quân về cũng khó, chẳng khác gì bị hóc xương, “khạc không ra, nuốt không trôi.” Tôi không nghĩ rằng Tổng thống Bush thường ngủ được yên giấc. Làm sao mà ngủ yên được khi hàng trăm ngàn thanh niên nước mình đang ngày đêm hy sinh nơi trận địa. Làm sao tránh khỏi ác mộng khi hàng trăm ngàn người dân vô tội phải chết vì chính sách của mình. Bạn may mắn lắm vì bạn không phải là Tổng thống Hoa Kỳ, nếu không thì giờ này bạn đang vô cùng đau khổ. Một điều rất rõ ràng là nếu những nhà lãnh đạo chính trị không lấy lòng từ bi và hiểu biết làm căn bản hành động thì sẽ sử dụng quyền lực sai lạc và sẽ gây đau khổ cho đất nước mình cũng như cho các quốc gia khác.
Cách đây vài năm, vị chủ tịch và tổng giám đốc của một trong những công ty lớn nhất Hoa Kỳ đã đến Tu viện Thanh Sơn Vermont để thiền tập với tôi và các thầy, các sư cô trong hai ngày. Sáng hôm đó, tôi hướng dẫn một buổi thiền tập, ông cũng ngồi thực tập cùng đại chúng. Sau đó ông đã tới và tâm sự với tôi về cuộc sống của những nhà tỷ phú. Những nhà tỷ phú đau khổ, lo âu và nghi kỵ rất nhiều. Họ luôn luôn nghĩ rằng bất cứ ai đến với họ cũng chỉ vì tiền, cũng chỉ để lợi dụng. Họ không có bạn. Vị giám đốc ấy là một người nhiều uy thế chính trị và phương tiện tài chính, nhưng ông đã đến với chúng tôi để học cách tu tập quyền lực tâm linh. Tôi đã có dịp chia sẻ với ông cách an tịnh thân tâm, cách thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm. Ông hết lòng tham dự thiền tập, thiền hành và ăn cơm im lặng. Ông đã tự rửa lấy chén đĩa của mình sau khi ăn. Ông có một vệ sĩ nhưng ông không cho phép anh ta đi theo vào tu viện. Tôi đã tặng ông một cái chuông nhỏ để ông thực tập nghe chuông, sử dụng tiếng chuông để trở về với hơi thở và lắng dịu thân tâm trong những lúc khó khăn. Tôi không biết ông có tiếp tục thực tập như vậy được hay không bởi vì ông rất cô đơn trong môi trường kinh doanh, lại không có tăng thân nâng đỡ. Thế giới mà ông đang sống là một thế giới bận rộn, nhiều đòi hỏi vì nó dồn dập xoay chuyển.
Vậy thì chúng ta phải công nhận một sự thật là nếu không có tâm từ bi và không có một động lực thúc đẩy phụng sự bởi tâm từ bi, thì dù cho giàu có, quyền thế cách mấy cũng sẽ không có hạnh phúc. Bạn chỉ hạnh phúc khi bạn có thể liên hệ với những người khác và với sự sống chung quanh. Nếu không, bạn sẽ cô độc trong thế giới riêng của mình, không bạn tri âm, không người tri kỷ. Tình thương là rất thiết yếu cho hạnh phúc.
Điều này không những đúng cho từng cá nhân mà còn đúng cho một quốc gia. Nhiều quốc gia muốn phát triển trên phương diện kinh tế, vật chất. Theo tôi, định nghĩa của phát triển là hạnh phúc. Có thêm tiền để làm gì nếu vì thế càng thêm đau khổ? Chúng ta trở thành nạn nhân của chính sự thành công của chúng ta. Phải đo mức độ phát triển bằng hạnh phúc chân thật. Một quốc gia có thể là một cường quốc, rất giàu có, rất tiến bộ, nhưng nhân dân trong nước lại đầy đau khổ. Ý muốn phát triển kinh tế, vật chất trở thành quan trọng hơn sức khỏe của nhân dân. Không còn thì giờ để tự chăm sóc và chăm sóc người thương. Quả thật đáng tiếc. Theo tôi, một quốc gia văn minh là một quốc gia mà trong đó nhân dân có một đời sống sâu sắc, có thì giờ yêu thương, chăm sóc gia đình và cộng đồng.
(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 15.03.2007)