Đức Phật
Bồ Tát Mã Minh - Vị tổ Thiền tông từng là luật sư
Thứ bảy, 28/04/2020 02:16
Bồ Tát Mã Minh sinh vào cuối thế kỷ thứ V sau Phật Niết bàn, người nước Ba-La-Nại, hiệu Mã Minh cũng có hiệu Công Thắng. Cha là Mã Thắng Quyền, mẹ là Hữu Phúc Vân. Lúc nhỏ ngài rất thông minh nên được cha mẹ cho học luật sư, lời biện luận của ngài không ai sánh được.
Hành trình chứng quả ngộ thiền của Tôn giả Đà Nan Đề
Vị luật sư xuất gia ngộ Thiền
Lúc chưa xuất gia, là một luật sư lỗi lạc nên danh tiếng của Ngài khắp trong và ngoài nước ai cũng biết. Tương truyền khi Ngài sinh ra, các con ngựa đều ré lên, nên gọi là Mã Minh. Lại cũng có thuyết nói, mỗi khi Ngài thuyết pháp, các con ngựa trong chuồng ở gần đều lặng lẽ lóng nghe, khi thuyết xong chúng lại hý vang, nên gọi Ngài là Mã Minh.
Hành trình xuất gia của Bồ tát Mã Minh đến như một cơ duyên. Một hôm ngài đến đền Braham tanca, gặp tổ Phú Na Dạ Xa, Tổ hỏi Ngài: “Ông làm nghề luật sư, vậy ông nói làm sao cho người nghe không nghe được không?” Thấy Ngài trầm ngâm suy nghĩ chưa có câu trả lời, Tổ bảo: “Ông hãy suy nghĩ để trả lời ta, nếu ông suy nghĩ mà hiểu để trả lời ta, ông lên đem chôn nó đi cho rồi.”
Một câu nói đánh cực mạnh vào tâm suy nghĩ của Ngài, làm thân tâm Ngài như mất sự sống và suy nghĩ. Ngài ở trạng thái như vậy rất lâu, rồi như tỉnh ngộ, bỗng ngài chắp tay thưa với Tổ: Kính thưa thầy, nhờ thầy hỏi ép con vào chỗ chết, nên thân và tâm vật lý của con đã chết hẳn rồi. Tổ Phú Na Dạ Xa hỏi: Ông đã chết sao còn biết nói?
Ngài liền trình với Tổ bài kệ 60 câu như sau:
"Thân tâm vật lý mất đi
Thân tâm chân thật thfi rỗng rang.
Lời thầy hỏi con được an
Mất đi suy nghĩ được sang quê nhà.
Thì ra lời dạy Thích Ca
Con tìm con kiếm không ra chút nào
Hôm nay thầy ép con chi
Lòi ra chân thật không chi kiếm tìm.
Không kiếm mà hiện ra liền
Hiện ra những thứ không phiền không sân
Con nhìn cảnh vật dương trần
Cứ luân cứ chuyển hết gần lại xa.
Ngày xưa Đức Phật Thích Ca
Nói ra ẩn dụ không va não phiền
Thầy ép con nhận ra liền
Niết Bàn sanh tử của riêng người trần
Khi con chết lặng rõ phần
Những thứ vật lý cho người trần gian
Ai muốn hết khổ hết nan
Không theo vật lý là an muôn đời.
Trước kia thầy dạy con thôi
Nhưng con không hiểu luân hồi cứ đi
Hôm nay thầy hỏi tức thì
Vì con không biết nên suy nghĩ hoài.
Suy tưởng trong khắp trần ai
Để tìm, để kiếm lời hay trả lời
Không ngờ con lại bị rơi
Rơi vào bế tánh hết lời thế gian.
Và nơi bế tánh bình an
Ở trong bể tánh an nhàn thầy ơi
Giờ đây con nhận chữ thôi
Là dừng hay dứt, dứt dời trầm luận.
Trước kia thầy dạy con dừng
Mà con không biết phải phải dừng làm sao
Hôm nay thầy nói con sao
Tâm con thanh tịnh qua rào triều âm.
À ra thầy dạy rất thâm
Đi tìm vật lý là câm muôn đời
Nhờ thầy hỏi ngặt những lời
Đưa con qua khỏi những lời thế gian.
Nhờ vậy con được bình an
Không dính vật chất là an Niết Bàn
Ngày xưa Phật dạy rõ rang
Nơi kinh Diệu pháp chỉ đàng vượt qua.
Những lời chân thật Thích Ca
Chỉ khổ Phật đà yếu chỉ Thiền tông
Trước đây không biết con mong
Do vậy cứ mãi đi trong luân hồi.
Nhờ thầy hỏi ngặt con thôi
Luân hồi vật lý hết rồi với con
Hiện tại tâm con không còn
Những thứ vật lý không còn trong con.
Xin trình trong ý lòng con
Cảm ơn thầy dạy, vàng son tuyệt trần
Con xin kính lạy xa gần
Nhờ thầy hỏi ngặt tuyệt phần Thiền Tông.
Tâm con hiện tại đã không
Sống với Phật tánh con xong luân hồi
Xin thầy nhận con đôi lời
Những lời chân thật muôn lời cảm ơn!”
Tài thuyết pháp siêu phàm
Sau khi được Tổ Phú-Na-Dạ-Xa độ cho xuất gia và truyền tâm ấn, Ngài lại nổi tiếng là một nhà thuyết pháp tài tình. Bao nhiêu tà thuyết ngoại đạo đều bị Ngài bẻ dẹp. Chính Ngài là người thắp sáng ngọn đuốc Đại Thừa ở đầu thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết bàn. Ngài đi giáo hóa đến nước Hoa Thị nơi đây ngọn đuốc pháp của Ngài càng sáng rực hơn.
Đường tu khổ hạnh của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp
Một hôm, có một ông già gầy ốm vào trong hội nghe pháp, bỗng nhiên ngã xuống đất. Ngài bảo chúng: “Đây là việc phi thường, sẽ có tướng lạ.” Ông già kia liền biến mất. Chợt thấy dưới đất vọt lên một người con gái nhan sắc đẹp đẽ thân như màu vàng, dùng tay chỉ Ngài nói kệ: Khể thủ trưởng lão tôn/ Đương thọ Như-Lai ký/ Kim ư thử địa thượng/ Nhi độ sanh tử chúng. (Dịch là: Cúi đầu lễ trưởng lão, Hiện nhận lời Phật ghi, Nay ở nơi xứ nầy, Độ chúng khỏi sanh tử).
Nói kệ xong, trong chớp mắt không thấy cô gái nữa. Ngài bảo chúng: Giây lát đây sẽ có ngoại đạo đến đấu sức với ta. Vừa dứt lời, bỗng chốc gió mưa ầm ĩ xối xả kéo đến, khiến trời đất mịt mù. Ngài bảo: “Đây là báo hiệu ngoại đạo sẽ đến. Ta sẽ trừ chúng”. Nói xong, Ngài chỉ tay lên hư không, hiện ra con rồng vàng to lớn, phấn khởi oai thần, khiến pháp ngoại đạo tan biến.
Sau bảy ngày, có một con sâu nằm nép dưới tòa của Ngài. Ngài lấy tay nắm bắt con sâu ấy đưa cho đại chúng xem và nói: “Con sâu nầy là trá hình của ngoại đạo, đến ẩn núp nơi đây đặng nghe trộm pháp của ta”. Nói xong, Ngài ném con sâu ra nhưng con sâu sợ hãi nằm im không động đậy. Ngài an ủi: “Ta không có hại ngươi. Ngươi hãy hiện lại bổn hình”. Ngoại đạo liền hiện bổn hình đảnh lễ xin sám hối. Ngài hỏi: “Ngươi tên gì? Có bao nhiêu đồ đệ?” Ngoại đạo thưa: “Con tên Ca-Tỳ-Ma-La, có đến ba ngàn đồ đệ”.
Ngài hỏi: Tột thần lực của ngươi biến hóa thế nào? Ngoại đạo thưa: Con hóa biển cả là việc chẳng khó. Ngài hỏi: Ngươi hóa tánh biển được chăng? Ngoại đạo mờ mịt không biết, thưa: Lời nầy con không thể biết. Ngài vì giải thích: Tánh biển là núi sông quả đất đều y cứ nơi đó mà lập, tam muội lục thông do đây phát hiện.
Vị tổ sư Thiền tông thứ hai, Tôn giả A Nan Đà
Ngoại đạo nghe pháp ấy, liền khởi lòng tin mạnh mẽ, cùng ba ngàn đồ đệ đều cầu xin xuất gia. Ngài vì họ cho cạo đầu xuất gia, rồi triệu tập năm trăm vị thánh tăng đến làm lễ thọ giới cụ túc. Ngài bảo giới tử: Các ngươi thú hướng Bồ-Đề sẽ thành đạo thánh. Ca-Tỳ-Ma-La quả nhiên được giới thể, phát hào quang sáng, có mùi hương lạ xông khắp.
Một hôm, Ngài gọi Ma-La đến bảo: Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay trao cho ngươi, truyền bá chớ để đoạn dứt. Nghe ta nói kệ: Ẩn hiển tức bổn pháp/ Minh ám nguyên bất nhị/ Kim phó ngộ liễu pháp/ Phi thủ diệc phi khí. (Dịch là: Ẩn hiện vốn pháp này/ Sáng tối nguyên không hai/ Nay truyền pháp liểu ngộ/ Không lấy cũng chẳng bỏ).
Truyền pháp xong, Ngài vào chánh định hiện tướng viên tịch. Ca-Tỳ-Ma-La và đồ chúng đem chơn thể của Ngài để vào khám thờ. Ngài là vị Tổ thứ 12 của Thiền Tông, cũng là một vị pháp sư làm sáng tỏ giáo pháp Đại Thừa. Ngài sáng tác ba bộ luận: Đại-Thừa Khởi Tín luận, Đại Tông địa huyền văn bổn luận, Sự sư pháp ngũ thập tụng. Trong đó nổi tiếng nhất là bộ Đại Thừa Khởi Tín luận đến hiện giờ những nước Phật giáo Đại Thừa vẫn truyền dạy bộ luận này.
> Xem thêm video "Ý nghĩa của hoa sen trong Phật giáo":