Kiến thức
Bồ Tát Quán Thế Âm đạo Pháp rộng lớn, tùy theo căn tánh của chúng sanh mà giáo hóa
Thứ hai, 05/08/2023 08:40
Bồ Tát khi còn ở trong nhân, do quán tánh nghe mà chứng viên thông, lúc ở trên quả, do quán tiếng chúng sanh xưng danh hiệu mà tìm đến cứu độ, nên gọi là Quán Thế Âm.
Bồ Tát Quán Thế Âm từ kiếp lâu xa về trước đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh. Vì lòng từ bi sâu thiết, nên tuy ở cõi Thường Tịch, Ngài hóa hình nơi ba cõi: Thực Báo, Phương Tiện, Đồng Cư; tuy thường hầu cận đức A Di Đà, mà vẫn khắp hiện thân Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến thân lục đạo trong mười phương pháp giới.
Những việc lợi ích, Ngài đều làm, chúng sanh đáng dùng thân nào được độ, Ngài hiện thân ấy mà nói pháp. Non Phổ Đà chính là nơi ứng tích của Bồ Tát. Vì muốn cho chúng sanh có chỗ bày tỏ lòng thành, đức Quán Thế Âm mới thị tịch tại núi này, đâu phải Bồ Tát chỉ ở Phổ Đà mà không ở những nơi khác ư? Như chỉ duy một vầng trăng trên trời mà bóng in khắp ngàn muôn sông hồ, từ biển cả cho đến giọt sương, những nơi có nước trong là có trăng hiện. Song nếu nước đục, bóng trăng sẽ mờ khuất.
Bồ tát Quán Thế Âm là hình tượng nổi bật nhất của đại từ bi
Tâm tánh ta ví như nước, nếu chúng sanh một lòng chuyên niệm đức Quán Thế Âm, Bồ Tát liền dùng đủ cách thuận, nghịch, ẩn, hiển, khiến cho được lợi ích. Trái lại, nếu không chuyên nhất, tức là nước tâm lờ đục, tất nhiên khó mong nhờ Ngài cứu độ. Nghĩa nầy rất thâm, xin xem đoạn 'Phổ Đà Sơn Chí', trong bộ Văn sao của tôi sẽ tự rõ.
Bồ Tát khi còn ở trong nhân, do quán tánh nghe mà chứng viên thông, lúc ở trên quả, do quán tiếng chúng sanh xưng danh hiệu mà tìm đến cứu độ, nên gọi là Quán Thế Âm. Lại, Bồ Tát đạo pháp rộng lớn không ngằn, tùy theo căn tánh của tất cả chúng sanh, nói đủ pháp để giáo hóa, không riêng lập một môn nào, nên pháp môn của Ngài gọi là Phổ Môn.
Trích Từ Lá Thơ Tịnh Độ.
Ấn Quang Đại Sư
HT. Thích Thiền Tâm dịch.