Đức Phật
Bồ tát Quán Thế Âm trong Đạo Phật
Thứ sáu, 03/07/2022 07:19
Trước hết nên hiểu nghĩa Bồ-tát trong đạo Phật. Phật dạy Tam thừa giáo là phương tiện của Phật đưa ra có ba con đường tu thành Phật là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa.
Trước hết nên hiểu nghĩa Bồ-tát trong đạo Phật. Phật dạy Tam thừa giáo là phương tiện của Phật đưa ra có ba con đường tu thành Phật là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Trong Tam thừa, Bồ-tát thừa cao nhất, còn gọi là Đại thừa, Thanh văn thừa là Tiểu thừa và Duyên giác thừa là Trung thừa. Thanh văn thừa lấy giải thoát cá nhân làm chính, Duyên giác thừa cầu trí tuệ và Bồ-tát thừa nguyện độ chúng sanh. Phân chia như vậy để chúng ta hiểu ai có thể tu Bồ-tát thừa, còn phát Bồ-đề tâm và tu Bồ-tát lại khác nữa.
Người ở nhân gian đầy nghiệp chướng không thể hành Bồ-tát đạo. Vì vậy, chúng ta phát tâm Bồ-đề, nhưng Phật dạy trong kinh Pháp hoa là thệ nguyện an lạc, tức ta có nguyện độ sanh, nhưng phải đợi lúc làm được, không phải lúc nào và ở đâu cũng làm được. Cho nên Bồ-tát trong kinh Pháp hoa phát bồ-đề tâm và hành Bồ-tát đạo có giới hạn, vì các ngài phát nguyện hoằng truyền kinh Pháp hoa ở nơi khác, điều này chứng tỏ có nơi làm được, nơi làm không được. Các vị Bồ-tát này là đại đệ tử của Phật, nhưng cũng có nơi làm không được. Vì vậy, chúng ta nương theo kinh tu, phải suy nghĩ, thí dụ như trong giai đoạn Giáo hội giao cho tôi chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp, nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh, các năm trước không giảng được, mà xuống Cà Mau và Cần Thơ lại giảng được. Chính vì vậy mà chúng ta phải có trí tuệ, không có trí tuệ không thể hành Bồ-tát đạo; vì làm sai hại hơn lợi, gọi là nhiệt tình cộng với dốt nát thì nguy hiểm, tức có tấm lòng nhưng không biết chỗ làm được sẽ gây ra nhiều tai hại.
Tổ Quy Sơn có dạy: "Xuất một vị tha tác tắc”, nghĩa là Bồ-tát biến mất trên cuộc đời để làm người phát tâm thì các Ngài sẵn lòng biến mất, xuất hiện làm người phát tâm thì Bồ-tát xuất hiện. Vì vậy, Phật dạy muốn độ người phải độ mình trước. Không độ mình thì độ người không được, còn hại mình. Độ mình là gì? Nghĩa là chúng ta phải tu Thanh văn và Duyên giác là Nhị thừa ví như hai chân, không có chân thì không đi được. Không tu Thanh văn, Duyên giác, không hành Bồ-tát đạo được. Tu Thanh văn, Duyên giác là hạnh tự độ mình trước, sau mới độ người, đó là nguyên tắc. Chưa độ được mình mà nghĩ độ người là sai lầm.
Trong tự độ, Phật dạy đầu tiên muốn hành Bồ-tát đạo phải đoạn được nghiệp chướng, phiền não, trần lao. Tu hạnh Thanh văn, phải cắt ba thứ này vì trần lao là sống trong Ta-bà luôn có khổ, nên ở Ta-bà phải kham nhẫn, chịu đựng được tất cả mọi việc xấu ác đổ lên đầu ta. Bước đầu tu, cắn răng mà chịu, vì oan ức lắm; nhưng cắn răng chịu như vậy không phải là Bồ tát, tuy nhiên, vẫn tốt và chúng ta chấp nhận oan ức, hẹn ngày sẽ trả món nợ này. Tôi lúc nhỏ tu hành bị oan, thường nói "Hãy đợi đấy, tôi học xong, tất cả mọi việc sẽ tính”, vì nghĩ đường còn xa, việc còn nhiều, phải lo tu trước, nếu mình ở lại tranh chấp hơn thua sẽ không học được, nên phải đợi mình thành đạt mới đòi nợ. Ý này trong kinh Pháp hoadiễn tả rằng đợi tôi đắc đạo sẽ trở lại độ. Bây giờ mình chưa đắc đạo, nói phải, họ cũng không nghe, vì mình còn nhiều nghiệp chướng. Tu hành phải xóa bỏ nghiệp chướng, còn nghiệp chướng, độ mình không xong, làm sao độ người.
Nghiệp có ba là thân, khẩu và ý nghiệp. Quan sát xem thân mình thế nào, lời nói thế nào và suy nghĩ ra sao mà đòi dạy người. Mình nghèo đói, bệnh hoạn, ngu dốt làm sao dạy người được. Phật nói khi Ngài hành Bồ-tát đạo ở thời Phật Oai Âm Vương, không ai nghe Ngài, còn đánh chửi Ngài. Huệ Tư đại thiền sư cũng bị bỏ thuốc độc ba lần. Đạt Ma Tổ sư xuất thân là vị hoàng tử, nhưng vì ngài ẩn tu tìm người truyền pháp, tức đắc đạo rồi mà cũng có năm lần bị hại. Khi Tổ sang Trung Quốc thấy người ta đánh giá con người bằng bề ngoài là coi tiền có nhiều không, sự nghiệp, công danh có không. Ở Trung Quốc không có ba thứ này thì không ai nghe. Phật tử nên nhận ra điều này, phải có quyền thế, có tiền của, người ta mới nghe. Rải tiền ra là họ nghe, tạo thành xã hội lừa dối, lường gạt nhau.
Hành Bồ-tát đạo, Phổ Hiền Bồ-tát tới Ta-bà, việc đầu tiên Ngài tới bằng cách có vô số Bồ-tát thị tùng, ngài không đi một mình. Trên bước đường hành Bồ-tát đạo, ta sẽ nhận ra lý này. Vô số Bồ-tát đều có khả năng cứu đời cùng đi theo Phổ Hiền. Các Ngài tới đây có tiền để cho, không phải xin. Tỳ-kheo tới xin thì họ không cho. Vì vậy, Phật giáo Ấn Độ sang Trung Quốc ôm bình đi xin, không ai tiếp; đến khi Bồ-tát Quán Thế Âm (cũng gọi là Quan Âm) xuất hiện cứu đời, người ta mới theo. Các Phật tử đi cứu trợ sẽ biết rõ điều này, có bao nhiêu quà đem tặng và trị giá quà bao nhiêu là điều quan trọng. Tập trung đến mà không có quà thì không ai nghe. Ta-bà khổ cần người giúp đỡ, nên ai giúp, họ theo, miễn có ăn, còn đạo ớt hay đạo dừa cũng được.
Phổ Hiền có vô số Bồ-tát nhiều của báu đi theo và có thêm Bát bộ Thiên long, quan trọng là Thiên long tiêu biểu cho quyền thế, có Càn-thát-bà theo là văn nghệ. Tôi nhớ bốn mươi năm trước, Hòa thượng Thiện Hoa về miền Tây thuyết pháp có Hòa thượng Thiền Định đi theo chiếu phim Quan Âm Thị Kính, họ tập họp đến, vì tối có chiếu phim, họ phải cố ngồi nghe thuyết pháp để chờ coi văn nghệ! Phổ Hiền có đủ tiền của, quyền thế và an vui, nên họ theo. Đức Phật Thích Ca xuất hiện cũng thế. Người ta theo Ngài đông, vì thấy vua Tần Bà Sa La theo trước, đương nhiên các quan, trưởng giả và ngoại đạo cũng đi theo Phật. Vì vậy, Phật Thích Ca là một Bồ-tát hiện thân lại, hành Bồ-tát đạo phải như vậy. Trước khi giáng sanh trên cuộc đời này, Ngài là Bồ-tát Hộ Minh, kinh Pháp hoa nói Ngài thành Vô thượng Đẳng giác sanh lại cuộc đời, có nghĩa là phước đức và trí tuệ đầy đủ, hay đủ mười hiệu mới làm được việc của Bồ tát: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.
Trên bước đường tu của chúng ta, làm sao có đủ mười hiệu này thì hành Bồ-tát đạo mới có kết quả. Không phải ai cũng làm Bồ-tát được, hay chỉ lên đàn thọ giới Bồ-tát là Bồ tát. Thọ giới Bồ tát, trở thành Bồ-tát thiệt và làm nên sự nghiệp thì chỉ Tùy Dạng Đế đánh Nam Kinh thống nhất Trung Hoa và lên Ngọc Tuyền xin Trí Giả đại sư thọ Bồ-tát giới tại gia, lúc đó tiếng đồn là Tấn Dương Quảng đã theo Phật thì tự nhiên đất nước thái bình. Người thứ hai ở Việt Nam là chúa Nguyễn Phước Chu khi phát tâm thọ giới xong, tất cả mọi người đều hướng về ông, ủng hộ ông và chỉ trong một thời gian ngắn, ông phát triển đất nước ta từ Bình Định đến Hà Tiên. Người thọ Bồ-tát giới và đắc giới Bồ-tát đều làm được việc phi thường. Thọ Bồ-tát giới do phát Bồ-đề tâm, bên trong tâm này hoàn toàn thanh tịnh, thương xót chúng sanh, muốn cứu độ tất cả mọi người, còn quyền lợi vật chất không có khả năng chi phối họ. Tất cả những gì làm được đều cho chúng sanh là có nguyện lớn như vậy thì tâm nguyện này thấu đến thế giới của Báo thân Phật Thích Ca là Lô Xá Na đang tồn tại, nên được Đức Lô Xá Na phóng quang đến đỉnh đầu, chúng ta tự sáng, cũng con người đó, nhưng mặt sáng, trí sáng lên. Cho đến bạch lần thứ hai, tâm chúng ta được an lạc, hoàn toàn thanh tịnh và bạch lần thứ ba, tâm từ bi của chúng ta phổ cập đến tất cả quần chúng, thương tất cả mọi người. Thọ Bồ-tát giới và đắc giới sẽ có cảm nhận như vậy. Và khi ba nghiệp liền thanh tịnh, mọi người nghĩ ta là Bồ-tát, vì ta thương người và người cũng thương ta. Còn bây giờ, tâm từ bi của chúng ta lúc có lúc không, nên có lúc người thương có lúc người ghét.
Con đường thuận từ nhân hướng quả, phát Bồ-đề tâm đi lên, chúng ta phải tìm các vị Bồ-tát xuất hiện trên cuộc đời để kết làm quyến thuộc của Bồ-tát, hợp tác với Bồ-tát để chia phần công đức; vì bây giờ ta tự mình chưa hành Bồ-tát đạo được, ví như ta chưa biết kinh doanh, tự làm thì sẽ bị lỗ vì phạm sai lầm. Nhưng nếu được sự hướng dẫn rõ ràng và người hướng dẫn luôn chính xác, có trí tuệ biết được năm hay mười năm sau thế giới cần gì, chỉ cho người. Cũng vậy, các nhà truyền giáo phần lớn là Bồ-tát hiện thân lại, nên thấy biết trước. Vì vậy, muốn hành Bồ-tát đạo đòi hỏi phải có trí tuệ, không có trí tuệ, phải nương vào các vị Bồ-tát có trí tuệ. Bồ-tát Quan Âm cũng không ngoài ngoại lệ này. Ngài cũng khởi đầu tu từ Thanh văn, Duyên giác đi đến Bồ-tát quyền thừa là làm quyến thuộc của Bồ-tát lớn, của Phật, nên không sai lầm và tích lũy được công đức, lần lần cho đến khi đủ mười hiệu, ngài thành Phật là Chánh Pháp Minh Như Lai mới nghĩ đến độ chúng sanh.
Đạt quả vị Như Lai rồi, chứng được quả Vô sanh gọi là Chánh Pháp Minh Như Lai là tiền thân của Bồ-tát Quan Âm, mới bắt đầu làm việc lớn thứ hai là lóng nghe. Còn Phật tử chúng ta phiền não trần lao ngập đầu mà tu hạnh lóng nghe phiền não, nghiệp chướng, trần lao của người thì bấy giờ nghiệp của ta và nghiệp của người dồn lại, chẳng ai dám gần gũi mình. Chưa có khả năng nghe, không nghe được. Là Chánh Pháp Minh Như Lai nghe để hóa giải phiền não cho người, nghe mà không bị người tác động. Thuở nhỏ, tôi cũng bắt chước nghe, nhưng nghe một lúc thì nổi sùng. Quan Âm nghe, nhưng hóa giải được, ví như hương thơm hoa sen, nghe mà mình được an lạc và người cũng an lạc theo. Nhiều người đến tôi thưa việc của họ, có lúc tôi nghe, có lúc không nghe; vì nhiều việc quá, nghe mà không giải quyết được việc của Giáo hội, nên không nghe. Tôi nhắc quý vị khi nào đắc đạo như Quan Âm thì mới lóng nghe. Chúng ta chưa có khả năng nghe, hay chưa là Chánh Pháp Minh Như Lai thì không nghe. Nghe mà phiền não chúng ta không sanh và không làm cho người phiền.
Quan Âm đắc đạo, có khả năng nghe tất cả tiếng than của chúng sanh. Nghe để biết tâm sự của mọi người, hiểu tâm sự và yêu cầu của họ, ta khởi tâm đại bi thương người mới nghĩ giúp đỡ, thì yêu cầu nào giúp được, chúng ta sẵn lòng. Vì vậy, chúng ta xuất gia là bỏ nhà đi tu để không ai quấy rầy, để tâm chúng ta yên tĩnh, chứng Vô sanh và chứng quả vị này rồi, về lại Ta-bà, tùy theo yêu cầu của người mà cứu giúp là Quan Âm. Quan Âm nghe được hai mặt là nghe âm thanh ngôn ngữ của chúng sanh Ta-bà, nhưng còn nghe được Phật ngữ, Bồ-tát ngữ trong thế giới của các Ngài. Người tu không bị đọa là nhờ tâm họ luôn để ở Cực lạc, hay Niết -bàn để luôn nghe được pháp âm của Phật và Bồ-tát để biết được việc làm, mới nghe yêu cầu của tất cả mọi người. Nghe pháp âm Phật xem Phật và Bồ-tát dạy nên giải quyết việc thế nào, ta làm đúng như vậy sẽ được các Ngài hỗ trợ. Một người tu ở thế gian nghe được Phật, Bồ-tát và tiếng kêu khổ của chúng sanh thì làm theo Phật, Bồ-tát để cứu chúng sanh là làm Phật sự, nên là việc của Phật mà ta làm thì khó mấy cũng làm được. Nếu nghe một chiều chúng sanh, chắc chắn khả năng chỉ có giới hạn, không làm được.
Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, lóng nghe yêu cầu của chúng sanh và giữ tâm thanh tịnh này sẽ nghe được Phật và Bồ-tát chỉ chúng ta ở vùng nào đó đang bị lũ lụt, nên đến cứu giúp, Phật sẵn sàng ủng hộ. Nghe Phật tận sâu kín đáy lòng, dù chúng ta không có tiền, Phật sẽ cho người đem tiền đến là kinh nghiệm của tôi, Phật đã quyết làm thì không tiền vẫn làm được. Còn Phật không gia bị, làm không xong. Quan Âm lóng nghe hai mặt, nghe chúng sanh đau khổ, vẫn nghe được chư Phật mười phương, nên Quan Âm xuất hiện được ở nhiều dạng thức để cứu độ chúng sanh.