Sách Phật giáo

Bồ tát Thích Quảng Đức

Chủ nhật, 27/05/2013 09:07

Bồ tát Thích Quảng Đức là người tu hành nghiêm cẩn, mật hạnh của Ngài ít ai biết nổi. Ngài thông hiểu cả giáo lý Bắc tông lẫn Nam tông, Ngài hành trì đầy đủ các pháp môn của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.

Bồ tát Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ Lâm Hữu Ứng và cụ bà Nguyễn Thị Nương. Lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho xuất gia học Phật. Ngài thụ giáo với Hòa thượng Thích Hoằng Thâm là cậu ruột và được Hòa thượng ban pháp hiệu là Quảng Đức. Năm 15 tuổi, Ngài thọ giới Sa di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát. Sau đó Ngài phát nguyện nhập thất tu ba năm trên một ngon núi ở Ninh Hòa. Về sau Ngài có lập trên núi này một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc. Rời núi Ngài vân du hóa đạo một mình với chiếc bình bát theo hạnh đầu đà (khất thực). Hai năm mãn nguyện, Ngài quay về nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên Ân ở Ninh Hòa.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Đại lão Hòa thượng chùa Hải Đức đến nơi Ngài đang nhập thất, mời Ngài nhận chức Chứng minh Đạo sư cho Chi hội Ninh Hòa. Ba năm sau, Ngài được thỉnh cử giữ chức Kiểm Tăng cho Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo tại miền Trung, Ngài đã kiến tạo tất cả 14 ngôi chùa.

Năm 1945, rời Khánh Hòa vào miền Nam, Ngài hành đạo khắp các tỉnh Sài gòn, Gia Định, Định Tường, xuống đến Hà Tiên. Ngài cũng đã từng sang Nam Vang lưu trú 3 năm, vừa giáo hóa các phật tử kiều bào, vừa nghiên cứu kinh điển Pàli và Phật giáo Nam tông.

 

Năm 1953, Ngài được thỉnh cử vào chức vụ Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Nam Việt, đồng thời lãnh nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt.

Năm 1958, khi trụ sở của Hội dời về chùa Xá Lợi, Ngài nhận thấy tuổi già sức yếu, và với bản nguyện “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, Ngài xin thôi nhiệm vụ để an tâm tu niệm. Tuy nhiên, vốn có tâm từ bi, Ngài vẫn để cho gót chân vân du hành đạo ghi dấu nhiều nơi, khi thì chùa Quan Thế Âm ở Gia Định, lúc lại tới chùa Long Phước, xã Ninh Quang, tỉnh Khánh Hòa, dùng mọi phương tiện thích ứng hướng dẫn hậu sinh mê mờ quay về chính đạo.

Bồ tát Thích Quảng Đức là người tu hành nghiêm cẩn, mật hạnh của Ngài ít ai biết nổi. Ngài thông hiểu cả giáo lý Bắc tông lẫn Nam tông, Ngài hành trì đầy đủ các pháp môn của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. Khó ai hiểu nổi Ngài đang tu pháp môn gì. Ngài nói tiếng Khơme như người Campuchia, Ngài đọc tiếng Pali như người Ấn Độ, Ngài đọc thông viết thạo tiếng Pháp, Ngài giỏi chữ Hán và thông hiểu chữ Nôm. Trong con người Ngài hài hòa cả Nam tông lẫn Bắc tông. Ngài thực hành hạnh đồng sự trong tứ nhiếp pháp, hòa mình trong quần chúng mà ít ai biết Ngài là ai. Ngài thực sự là vị Bồ tát đi vào cuộc sống nhân sinh mà chúng ta đã được biết về Ngài.

1. Bối cảnh lịch sử và việc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, Phật giáo với 2000 năm lịch sử của mình không thể tách khỏi những nét đặc trưng của người dân Việt đó là sự kiên trì đấu tranh vì độc lập và tự do. Đó cũng là lý do tại sao Phật giáo Việt Nam lại có nét đặc trưng hòa bình và tinh thần đấu tranh vì sự công bằng suốt chiều dài lịch sử. Hành động của Bồ tát Thích Quảng Đức là một minh chứng sống động về đặc trưng này của Phật giáo Việt Nam, Bồ tát  là người đấu tranh vì hòa bình và công lý. Chủ nghĩa Cộng sản và Phật giáo có nhiều đặc tính tương đồng, đầu tiên và trên hết đó là sự hi sinh lớn lao vì đất nước, vì nhân dân, không những quên đi bản thân mình mà còn chiến đấu cho lợi ích của người khác. Chủ nghĩa Cộng sản và Phật giáo đều chia sẻ mối quan tâm trong việc xây dựng một thế giới không có chiến tranh xâm lược, một xã hội không có sự bóc lột giai cấp, không có sự bóc lột của quốc gia này đối với quốc gia khác. Đó chính là khát vọng cháy bỏng của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Lịch sử Việt Nam, nhất là đối với miền Nam Việt Nam trong những năm đầu 1960 là quãng thời gian đầy đau thương và mất mát.

Ngô Đình Diệm tuyên chiến với người dân miền Nam Việt Nam, những người quyết tâm chiến đấu theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn trọng những quy định của Hiệp định Genève. Trong khi chính quyền Diệm và quân đội Sài Gòn thay vì tôn trọng Hiệp định Genève, áp dụng chính sách chống phân biệt chủng tộc, thực thi quyết định của Hiệp định về Tổng tuyển cử và tái thiết đất nước bằng con đường hòa bình thì Diệm đã tuyên chiến với những người kháng chiến cũ, miền Nam không có hòa bình. Diệm tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương, sẵn sàng giết những người dân không có vũ khí trong tay và theo đuổi cuộc chiến tranh chính trị, tiến hành chống Cộng trên toàn miền Nam. Việc thực thi Luật 10/59 đã cho phép Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam đàn áp nhân dân. Cuộc chiến tranh đơn phương của Diệm đẫm máu hơn nhiều so với cuộc chiến 9 năm của thực dân Pháp. Để bảo vệ hòa bình và quyền sống, người dân miền Nam phải đứng lên cầm vũ khí. Diệm gieo gió ắt phải gặp bão. Cuộc chiến tranh nhân dân lan dần đến các điểm trọng yếu, các trung tâm đô thị, là điểm yếu của Diệm, đã tạo điều kiên cho Phật giáo nổi dậy vào năm 1963.

Năm 1963, Diêm trở nên điên cuồng, tuyên chiến với đạo Phật. Trong suốt thời gian cầm quyền từ năm 1954, với các ý đồ đưa đạo Thiên Chúa trở thành quốc giáo, Diệm theo đuổi chính sách phân biệt đối xử, chống lại các tôn giáo khác và coi Thiên Chúa giáo là tôn giáo chính thống. Diệm dành cho Thiên Chúa giáo rất nhiều đặc ân, trong khi coi nhẹ đạo Phật, một đạo có hàng chục triệu tín đồ và 2000 năm lịch sử. Việc áp dụng luật 10/59 đã khiến các nhà sư phẫn nộ và họ đã tiến hành mà đỉnh cao là năm 1963 khi đạo Phật bị loại trừ bằng các biện pháp tàn bạo nhất.

Một đặc điểm khác của bối cảnh miền Nam Việt Nam năm 1963 là tại các trung tâm đô thị, đặc biệt là Sài Gòn và Huế, Diệm phải đối mặt với cuộc chiến tranh chính trị do các nhà sư phát động. Trước năm 1963 chính quyền của Diệm không còn mạnh, mặc dù sự đàn áp của Diệm vẫn còn rất khắc nghiệt, chính sách phân biệt đối xử vẫn còn rất dã man, tự do tín ngưỡng bị tiêu diệt. Đạo Phật không có lực lượng vũ trang của riêng mình như Cao Đài, Hòa Hảo nhưng có tinh thần đấu tranh mãnh liệt vì đạo Phật nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân và góp phần vào lịch sử sáng chói của dân tộc. Đạo Phật không thù nghịch với bất cứ tôn giáo nào, luôn chủ trương hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh, cùng chung sống hòa bình, nhưng Diệm không để cho đạo Phật được bình yên, tiến hành đàn áp mặc dù đạo Phật không liên quan đến chính trị. Tại hội nghị thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng vùng trung tâm Nam bộ năm 1961, Hòa thượng Thích Thiện Hào tố cáo tội ác Diệm giết người hành hình, tù đầy nhiều nhà sư như sư Pháp Long ở chùa Khánh Quốc (Mỹ Tho), sư Minh Nguyệt ở chùa Thiên Thai (Bà Rịa), sư Thành Đạo ở chùa Phật Ân (Sài Gòn).

Năm 1963, các cuộc đấu tranh nổ ra ở khắp mọi nơi. Những chiến sĩ hăng hái nhất là các nhà sư và tín đồ đạo Phật, thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Phong trào đạo Phật bắt đầu từ cuộc biểu tình đẫm máu ở Huế ngày 7 và 8 tháng 3 năm 1963, biến cố thảm sát phật tử tại đài Phát thanh Huế trong ngày Phật đản đã đẩy chế độ Diệm vào thế bị động, phải bộc lộ một cách công khai và tàn bạo chính sách kỳ thị tôn giáo và thù ghét Phật giáo của gia đình họ Ngô tại miền Nam Việt Nam, bạc đãi một tôn giáo đã có hơn một thiên niên kỷ tồn tại.

Tại Sài Gòn, lễ cầu siêu cho các tín đồ Phật giáo bị giết ở Huế bị ngăn cấm. Diệm lùng sục các ngôi chùa lớn, hành hạ hàng trăm nhà sư và bắt giam hàng nghìn người khác. Rõ ràng là Diệm đã tuyên chiến với đạo Phật tại Huế, Sài Gòn và miền Nam Việt Nam.

Ngày 11 tháng 6 năm 1963 hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu buộc Diệm, kẻ đã tuyên chiến với bất cứ ai không chịu quỳ dưới chân hắn – chấp nhận đơn yêu cầu gồm 5* điểm, đây là hành động phản đối cuộc xâm lược hiếu chiến của Mỹ Diệm. Sự hy sinh ấy là hành động chống lại cuộc chiến hung bạo, phi lý. Rõ ràng cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên, hành động tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức, sự nổi dậy của nông dân và cuộc đấu tranh vì hòa bình công lý có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó hành động tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức có ý nghĩa rất  lớn. Hình ảnh Bồ tát ngồi vững trong tư thế kiết già giữa đám lửa hồng, khói đen bay cao. Các nhà nhiếp ảnh và phóng viên ngoại quốc thi nhau bấm máy để ghi lại cảnh tượng hy sinh hào hùng của Bồ tát cho Phật pháp. Hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chiến tranh, kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm đã khơi lại cho chúng ta hình ảnh của Bồ tát Dược Vương trong kinh Pháp Hoa khi Ngài đã tu tập đạt được định “Hiện nhất thiết sắc thân tam muội”. Ngài đã thấy, Ngài có rất nhiều thân để làm việc đạo nên Ngài dùng các thân đó để phục vụ đạo Pháp, phục vụ chúng sinh, nên thân đó còn hay mất cũng không ảnh hưởng gì tới chân thân của một vị Bồ tát hoàn hảo. Ngài thực sự là một vị Bồ tát đã thực tu, thực luyện và thực chứng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, tại Việt Nam và có lẽ trên thế giới, người ta đã chứng kiến một cuộc lễ tự thiêu để phản kháng chính sách đàn áp của chính phủ cầm quyền để bảo vệ Phật pháp.

Bồ tát Thích Quảng Đức không chỉ đấu tranh vì công lý và hòa bình mà còn cho Tổ quốc Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, Ngài là một nhà yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu nhân loại, thương chúng sinh dưới hình hài một nhà sư.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu cho Bồ tát Thích Quảng Đức vào ngày 12 và 13/6/1963, trong hai ngày đó tại Hà Nội 80.000 người đã tuần hành ủng hộ các tín đồ Phật giáo miền Nam và đến chùa Quán Sứ cùng các chùa khác để tiến hành lễ cầu siêu. Còn tại Sài Gòn, ngày 16/6 có từ 500.000 đến 700.000 người dân diễu hành đến nơi Bồ tát hỏa táng. Ngày hôm ấy 5000 cảnh sát và quân lính dùng dây thép gai chắn lên các đường phố chính. Diệm ra lệnh cho Tổng hội Phật giáo dừng lễ kỷ niệm với lý lẽ Cộng sản sẽ nhân cơ hội hành động, lệnh cấm được tiến hành bằng xe quân sự. Nhưng không lùi bước trước lệnh cấm và những lời lẽ đe dọa, hàng trăm nghìn người vẫn đổ về chùa Giác Minh và Xá Lợi. Suốt ngày đêm trong chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ vang rền, đèn hương nghi ngút chính quyền Ngô Đình Diệm cũng phải hoảng sợ trước tấm gương Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi của Bồ tát.

Không thể chặn đứng dòng biểu tình, cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay và bắn vào đoàn biểu tình. Hỏa táng Bồ tát Thích Quảng Đức diễn ra vào ngày do Diệm sắp đặt, nhưng chỉ một số người đi theo kim quan đặt trong xe cảnh sát trong khi toàn bộ người dân Sài Gòn tham sự lễ tang dưới hình thức biểu tình. Những ngày tháng tiếp theo, noi gương Bồ tát, các phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo đã diễn ra mạnh mẽ hơn, liên tục hơn, cuồn cuộn như song thần để đi đến đỉnh cao là ngày 1/11/1963 chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô sụp đổ, Phật giáo Việt Nam thoát qua một cơn pháp nạn.

2. Ý nghĩa và bài học tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức

Hình ảnh vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức đã viết lên trang sử Đại từ, Đại bi nhưng “vô úy”, Đại hùng của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh, giai đoạn tạo lên chất keo hàn gắn các hệ phái Phật giáo vì mục đích làm cho đất nước Việt Nam được thái bình và dân tộc Việt Nam được hạnh phúc.

Hành động tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức và cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam chống chế độ Ngô Đình Diệm đã in một dấu ấn không bao giờ phai nhòa trong ký ức của người dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh này là một phần của phong trào hòa bình thế giới. Đó là sự thực hiển nhiên.

Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu vì đạo Phật, vì cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại bạo tàn và công lý. Hành động đó cũng là vì nhân loại, vì một thế giới tươi đẹp, đưa loài người đến tự do, hạnh phúc.

Sự hy sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức đã có một tác động rất lớn đối với phong trào đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hình ảnh của Ngài được treo ở nhiều chùa trong nước, đồng thời ký ức về Ngài đã ăn sâu vào lòng của người phật tử. Ngài đã trở thành một vị Bồ tát của Phật giáo Việt Nam. Nguyễn Lang đã nhận xét: “Ta sẽ lật tới một trang sử có thể gọi là kì diệu nhất của Phật giáo Việt Nam. Cuộc vận động bất bạo động để lật đổ chính quyền độc tài của Ngô Đình Diệm”.

Hành động tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức không chỉ tạo tiếng vang trong nước mà còn làm chấn động cả dư luận khắp hoàn cầu, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Việc hy sinh của Ngài đã làm xúc động sâu xa trong mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng. Ngay tại nước Mỹ, ngày 27/6/1963, một nhóm những nhà lãnh đạo Mỹ có tiếng đã xuất bản một trang quảng cáo trên tờ New York Times với nhan đề “Chúng tôi cũng phản đối”, đăng bức ảnh của Bồ tát Thích Quảng Đức và kêu gọi sự giúp đỡ của công chúng Mỹ ủng hộ phật tử chống lại chế độ Diệm.

Từ ngọn lửa Tù bi, Vô úy, Đại hùng của Bồ tát Thích Quảng Đức ta có thể rút ra bài học cho Phật giáo Việt Nam, đó là: Phật giáo luôn luôn gắn liền với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là truyền thông đấu tranh vì độc lập tư do, vì hòa bình, công bằng và tiến bộ xã hội.

Vận mệnh của Phật giáo Việt Nam phải gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam và chỉ có như vậy mới đảm bảo cho Phật giáo trường tồn trong lòng dân tộc như nguyện ước của Bồ tát Thích Quảng Đức. Có lẽ chính vì vậy mà đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam là Đạo pháp dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo để Phật giáo Việt Nam không chỉ đáp ứng cho hàng triệu người dân về đời sống tín ngưỡng tinh thần mà còn được sự ngưỡng mộ của bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Thượng tọa Thích Gia Quang

(*) Ghi chú:
1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hào thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ giáo kỳ của Phật giáo.
2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng mọi quy chế đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa đã ghi trong đạo dụ số 10.
3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng, Ni Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi xứng đáng cho những người bị chết oan vô tội trong đêm 15 tháng 4 lễ Phật đản và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi xứng đáng.

Trích từ "BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM", Lê Mạnh Thát Chủ biên, Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Tp.HCM 2005


loading...