Kinh Phật
Bộ tranh trong Kinh Hoa Nghiêm do tổ Nguyên Uẩn hoạ
Thứ sáu, 04/11/2021 07:39
Tổ Nguyên Uẩn sinh năm 1864, ở thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, hiện nay cùng huyện Phú Xuyên, gia đình công nghệ, họ Nguyễn. Thuở nhỏ tên là Nguyễn Chí Nhu, xuất gia năm Bính Tý (1876), thầy nghiệp sư là tổ An Lạc, vị tổ thứ ba tổ đình Đa Bảo, thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, nay thuộc huyện Phú Xuyên.
Việc thành lập viên minh pháp hội của Tổ Nguyên Uẩn (1864-1915)
Tổ Nguyên Uẩn sinh năm Giáp Tý (1864), ở thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, hiện nay cùng huyện Phú Xuyên, gia đình công nghệ (Thợ mộc), họ Nguyễn. Thuở nhỏ tên là Nguyễn Chí Nhu, xuất gia năm Bính Tý (1876), thầy nghiệp sư là tổ An Lạc, vị tổ thứ ba tổ đình Đa Bảo, thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, hiện nay thuộc huyện Phú Xuyên.
Thầy giới sư đàn đầu là tổ sư Thích Tâm Viên-Chùa Vĩnh Nghiêm-Bắc Giang, thụ giới tỷ khiêu năm Quý Mùi (1883), thụ giới Bồ Tát năm Ất Dậu (1885), nhận chùa Viên Minh năm Canh Tý (1900), chuyển và xây lại chùa năm Nhâm Dần (1902), Khoảng năm Bính Ngọ (1906), cùng các pháp lữ Nguyên Loan (ở chùa Cảnh Phúc), Nguyên Mỹ (ở chùa Linh Quang) thành lập Pháp hội Viên Minh. Tổ viên tịch năm Giáp Dần (1914)”
Vào năm 2016, khi viết bài nghiên cứu đăng trên tạp chí tôn giáo, Tôi được Cụ cho tiếp cận một văn bản chữ Hán, bản chép tay nói về tông chỉ pháp hội Viên Minh như sau:
“Viên sự minh lý, viên lý minh tâm; Viên tâm đạo đạt, minh đạo thành công; Viên công lập đức, minh đức thành nhân; Viên nhân thành Phật, thành Phật độ sinh; Viên Minh như thị, mục đích đạo tràng” Tạm dịch: “Tròn việc rõ lý, tròn lý rõ tâm; Tròn tâm tới đạo, rõ đạo thành công; Tròn công lập đức, sáng đức thành người; Đạo người viên mãn, thành Phật độ sinh; Viên Minh như thế, nên lập đạo tràng ”.
Sự nghiệp làm chùa, khắc ván và viết kinh của tổ Nguyên Uẩn
Trong cuộc đời hành đạo của mình, thiền sư Nguyên Uẩn có tài viết chữ Hán đẹp, vẽ tranh đẹp nên đã thực hiện viết bộ kinh Hoa Nghiêm 81 quyển, Pháp Hoa 28 phẩm, Thụ Giới Nghi Phạm, Chư Kinh Nhật Tụng... cho tổ đình Bồ Đề in khắc, tự tay vẽ các bức tranh minh họa quang cảnh đạo tràng Đức Phật Thích Ca đã thuyết pháp, viết bộ Quy Nguyên Trực Chỉ cho tổ đình Tế Xuyên khắc ván in. Thiền sư Nguyên Uẩn đã viết phần chú thích cho bộ Phật tổ Tam Kinh luân quán thuyết. Trong khoa cúng tổ của thiền sư cho biết, thiền sư đã: “Tả kinh Thập bộ” (viết mười cuốn kinh). Thiền sư Nguyên Uẩn đã xây dựng, trùng tu 5 chùa (Ngũ tự kinh doanh): Chùa Tri Chỉ, chùa Đa Bảo, chùa Khai Thái (Phú Xuyên), chùa Mỹ Lâm (Thường Tín), ... lập 7 chùa mới (thất am sáng thủy), trong đó có chùa Thạch Cầu (Nam Định), chùa Viên Minh... Chùa Viên Minh trước ở bờ đê sông Hồng, năm 1903 đã dời chùa về vị trí trong đê như hiện nay.
Hòa thượng kể: Thầy tôi (tổ Quảng Tốn) thường nói lại: Tổ Bồ Đề (Nguyên Biểu) khi in kinh thường qua thỉnh tổ Nguyên Uẩn viết chữ. Tổ ngồi vắt chân chữ ngũ, giấy dó kê trên đùi, tay trái giữ giấy, tay phải cầm bút viết. Vậy mà những hàng chữ thẳng đều tăm tắp được hoàn thành. Khi đủ số lượng, Tổ Bồ Đề lại cho người xuống lấy hoặc Tổ Nguyên Uẩn cho người mang lên để in thành những bộ kinh như Nhật Tụng, Hoa Nghiêm. Khi ở Ráng, lần đầu tiên tôi được nhìn vài tờ giấy nháp, hoặc tờ viết lỗi còn nguyên những nét chữ của tổ Nguyên Uẩn. Nhìn những nét chữ đẹp không khác gì chữ được in ra, quả là bút công của Tổ thật thâm hậu.
Ngoài hoa tay viết chữ, Tổ Nguyên Uẩn còn có khả năng sáng tạo vẽ tranh. Cụ kể: Những bức cửa võng trên Tam Bảo chùa Viên Minh là do tổ Nguyên Uẩn căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm vẽ thành những bức lọng báu, có rèm châu ngọc rủ xuống. Những bức vẽ đã được đục vào gỗ, sơn thếp treo trên chùa. Đấy là dấu ấn tổ khai sáng Viên Minh.
Cụ kể: Tổ Nguyên Uẩn còn cho vẽ những bức họa đồ trong kinh Hoa Nghiêm, đặc biệt những bức tranh vẽ tháp Thập Pháp Giới nhìn rất rõ nét. Sau này, Cụ đã cho xây tháp “Thập Pháp Giới” đúng với bản vẽ trong kinh.
Trên Tam bảo chùa Viên Minh trước kia còn có những bức họa La Hán trên tường nhìn rất sinh động. Cụ bảo: Những bức vẽ này là do tổ đệ nhất trước đây uống trà tầu, trên những phong trà tầu có in hình những bức họa La Hán. Tổ liền cho vẽ lên vách Tam Bảo. Khi xây chùa lên tầng 2, những bức họa này được chụp và in lại thành ảnh treo về vị trí cũ.
Trên Tam bảo chùa có một gian nho nhỏ thờ tượng Mẫu. Các Tổ xưa cho đến đời Cụ vẫn khiêm tốn thờ Mẫu như vậy. Bên cạnh gian nhà Mẫu là gian để các bức ván in kinh. Với Cụ, đây là niềm tự hào và là tài sản trân quý của chùa nên được Cụ trân trọng, giữ gìn dẫu chiến tranh loạn lạc.
Cụ rất trân trọng và lưu giữ những dấu ấn đặc biệt của Tổ khai sáng còn lưu lại trên những nét chữ Hán, văn câu đối thờ trong chùa. Thể “Chữ Đỉnh” trên cột đồng trụ cũ đã bị rêu phủ mờ hết chữ, khi xây dựng chùa hai tầng, bộ chữ này vẫn còn nguyên ở hai cột đồng trụ. Những bộ chữ xưa nhấn trực tiếp vào tường gạch, khi xây lại chùa, Cụ đều cho dập lại rồi đục vào gỗ thờ đúng vào vị trí cũ. Những văn câu đối này Cụ đều thuộc lòng.
Kế đăng trụ trì chùa Viên Minh
Cụ kể: Đệ tử Tổ Nguyên Uẩn gồm ba vị: Đệ tử trưởng là Quảng Truyền, kế đăng trụ trì chùa Tri Chỉ - nơi sinh quán của Tổ; Sa môn Quảng Thành trụ trì chùa Bìm; Sa môn Quảng Tốn kế đăng chùa Viên Minh. Tổ Nguyên Uẩn về trụ trì chùa quê Tri Chỉ cũng tạc tượng tôn thờ trên Tam Bảo khá giống tượng pháp, đồ thờ ở chùa Viên Minh.
Sư phụ của Cụ là Tổ Quảng Tốn kế đăng từ năm 1914 đến năm 1961. Thời gian này các hoạt động Phật sự của chùa chỉ cầm chừng bởi chiến tranh, loạn lạc, Sư phụ mắt kém.
Cụ kể: Vào những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), các xã xung quanh đều có bốt Pháp đóng quân, họ đồng hóa dân theo đạo và thỉnh thoảng đi càn quét khu vực lân cận. Có lần, chúng vào chùa càn quét, hai thầy trò phải chạy chốn ra góc vườn. Mỗi thầy trò ẩn nấp một góc mương. Cụ phải ẩn mình trong bụi rậm, khi chúng đi sát qua phải nằm im, nếu nhúc nhích là bị phát hiện, bị bắt. Chúng đi qua mới thở phào nhẹ nhõm.